Là nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, Ông luôn quan tâm đến công tác hậu cần và được đánh giá là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại. Thành công của công tác hậu cần Quân đội có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dưới đây, chúng tôi xin được làm rõ hơn về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với công tác hậu cần Quân đội. Trong đó, tập trung vào các giai đoạn chủ yếu của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Luôn quan tâm chỉ đạo sâu sát công tác hậu cần, tập trung chuẩn bị giao thông vận tải, tiếp tế, phối hợp giữa tổ chức hậu cần Quân đội và hậu cần Nhân dân, làm tốt công tác dân vận phục vụ các chiến dịch.

Ngày 22-12-1944, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, theo chỉ thị của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đội gồm 34 người, vũ khí trang bị có 1 khẩu tiểu liên, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp, mỗi khẩu súng trường có 20 viên đạn. Đồng chí Lộc Văn Lùng, người dân tộc Tày, quê ở xã Mai Pha, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn được giao làm quản lý của Đội, với số ngân quỹ ban đầu là 500 đồng. Đây là người cán bộ hậu cần, quân nhu đầu tiên của Quân đội ta. Những ngày đầu thành lập, việc bảo đảm hậu cần cho Đội chủ yếu do các cơ sở quần chúng, đoàn thể phụ nữ đảm nhiệm. Nhân dân hết lòng ủng hộ lương thực, muối, quần áo, thuốc chữa bệnh...

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia với tư cách là Tư lệnh - Bí thư Đảng ủy các chiến dịch: Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947); Biên Giới, Trung Du (năm 1950); Đông Bắc, Đồng Bằng, Hòa Bình (năm 1951); Tây Bắc (năm 1952); Thượng Lào (năm 1953) và Điện Biên Phủ (năm 1954). Ông được phong quân hàm Đại tướng ngày 28/5/1948 theo Sắc lệnh số 110/SL ngày 20/01/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, công tác bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch luôn được thực hiện chu đáo, nổi bật là:

leftcenterrightdel
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm phân xưởng mũ X30 thuộc phòng Sản xuất quân trang Cục Quân nhu (năm 1956). Ảnh: Tư liệu.

Mở đầu là Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Hội nghị quân sự lần thứ năm, ngày 27 tháng 9 năm 1947, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ nhiệm vụ của hậu cần - kỹ thuật là: “Phải chuẩn bị cho bộ đội để giải quyết vấn đề quân nhu trong trường hợp khó khăn, phải chú trọng tăng gia sản xuất, phải chú trọng tiếp tế cho những miền bị chiếm, lo phân tán và bảo vệ kho tàng… cần phải bảo vệ cơ xưởng, tiết kiệm đạn dược, nêu cao tinh thần giữ gìn vũ khí, chuẩn bị việc điều trị thương bệnh binh, lúc cần phải dựa vào dân. Dạy cho bộ đội những phương pháp tự chữa thông thường”. Thực hiện chỉ thị của đồng chí Võ Nguyên Giáp, các cơ quan, cơ sở hậu cần - kỹ thuật tích cực làm tốt công tác chuẩn bị, phát huy được sức mạnh tổng hợp của căn cứ địa kháng chiến, tập trung bảo đảm cho hướng chủ yếu, địa bàn quan trọng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Trong Chiến dịch Biên Giới (từ ngày 16/9-14/10/1950) là chiến dịch đầu tiên sau khi Tổng cục Cung cấp được thành lập (11/7/1950), nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung từ Cao Bằng đến Thất Khê, mở đường giao thông nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Quân số tham gia chiến dịch khoảng 30.000 người. Nhu cầu vật chất phục vụ Chiến dịch hơn 3.000 tấn, số thương binh phải cứu chữa dự kiến trên 2.500 người. Đây là chiến dịch quy mô lớn nhất từ khi bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đến thời điểm đó. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngành Hậu cần Quân đội đã huy động nhân tài, vật lực từ xa đưa đến kết hợp với huy động tại chỗ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hậu phương với mặt trận, hậu cần Quân đội với hậu cần địa phương và các cơ quan nhà nước trong chuẩn bị, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Đại tướng - Tổng Tư lệnh đã ghi nhận và khẳng định: Thắng lợi của chiến dịch Biên Giới là do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng ta, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo chặt chẽ việc huy động nhân tài, vật lực từ xa đưa đến kết hợp với huy động tại chỗ, giải quyết đúng đắn nhiều vấn đề về quan hệ giữa hậu phương với mặt trận, hậu cần Quân đội với hậu cần địa phương và các cơ quan nhà nước trong chuẩn bị và bảo đảm cho tác chiến... Tổ chức bộ máy hậu cần Chiến dịch hợp lý với đầy đủ các ngành do Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp trực tiếp phụ trách.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954) mang đậm dấu ấn việc tạo thế, tổ chức hậu cần. Nhu cầu hậu cần Chiến dịch rất lớn, gồm: 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, dự kiến phải cứu chữa 5.000 thương binh... Thời gian phải hoàn thành công tác chuẩn bị hậu cần là ngày 20/01/1954. Riêng số dân công đảm nhiệm vận chuyển ở trung tuyến cần tới 14.500 người. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã nỗ lực vượt bậc giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất của Chiến dịch là cung cấp nhu cầu vật chất và bảo đảm đường giao thông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “... Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của Nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.

Chỉ đạo ngành Hậu cần, Kỹ thuật phát huy tính chủ động, sáng tạo, đi trước một bước, chuẩn bị chu đáo, kịp thời, vững chắc, bảo đảm cho các chiến trường.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người phê chuẩn và tham gia chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng, mang tính chiến lược, quyết định như: Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Đường 9 - Khe Sanh năm 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971, Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng năm 1972, Chiến dịch Tây Nguyên (3-1975)... Ông cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch và tiến hành chiến dịch cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Để bảo đảm cho các chiến dịch giành thắng lợi, với nhãn quan chiến lược sắc bén, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xác định công tác hậu cần giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đại tướng chỉ đạo cơ quan Hậu cần các cấp luôn phải chủ động, sáng tạo, đi trước một bước, chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho các chiến trường. Năm 1959, được Bộ Chính trị đồng ý, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Suốt 16 năm liên tục (1959 - 1975), Đường Trường Sơn là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường Nam Đông Dương. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, vượt lên điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, sự đánh phá ngăn chặn quyết liệt của địch, làm tròn sứ mệnh, nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường - trở thành con đường huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Chỉ tính riêng vận chuyển, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí, trang bị vào các chiến trường; bảo đảm cho hơn 2 triệu lượt người hành quân; cơ động 10 lượt sư đoàn, hộ tống hơn 90 đơn vị kỹ thuật vào các chiến trường; cứu chữa gần 1 triệu lượt thương bệnh binh; hơn 500.000 người từ tiền tuyến lớn trở về hậu phương, trong đó có hơn 300.000 thương, bệnh binh...; đồng thời, kết hợp với cơ quan hậu cần chiến dịch bảo đảm hậu cần đồng bộ (tổ chức bộ máy, tạo lượng dự trữ, triển khai các trạm, bãi trú quân, “thu dung” điều trị thương bệnh binh, bổ sung lực lượng, vật chất, bảo đảm kỹ thuật…) cho các chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Đặc biệt, tuyến vận tải Trường Sơn với mạng lưới hậu cần hoàn chỉnh, vững chắc, đã chi viện khối lượng lớn vật chất, nhất là bảo đảm cơ động cho 3 quân đoàn, 5 sư đoàn, 2 trung đoàn binh chủng, cùng nhiều phương tiện kỹ thuật kịp thời vào chiến trường cùng với quân và dân cả nước tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chỉ đạo tổ chức chi viện kịp thời cho các chiến trường miền Nam, kết hợp chặt chẽ các lực lượng trong tạo thế và lực hậu cần chuẩn bị cho thời cơ lớn giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình diễn biến mau lẹ ngày càng có lợi cho ta, tháng 10/1974, Bộ Chính trị đã thông qua kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm (1975 - 1976). Với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, chắc thắng”, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê chuẩn Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất trong 30 năm chiến tranh giải phóng. Tổng quân số tham gia lên tới 30 vạn người, tổng khối lượng vật chất chuẩn bị cho Chiến dịch là 60.000 tấn, dự kiến cứu chữa 10.000 thương binh. Trong quá trình Tổng tiến công và nổi dậy, ngành Hậu cần đã bảo đảm cơ động nhiều quân đoàn, sư đoàn và lực lượng binh khí kỹ thuật, vận chuyển vào các chiến trường 46.892 tấn đạn và 93.540 tấn xăng dầu, tạo nên lượng dự trữ gần 260.000 tấn vật chất trên các chiến trường; cứu chữa kịp thời cho 15.999 thương binh; thu trên 360.000 tấn chiến lợi phẩm... Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng đánh giá: “Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, hậu cần các cấp đã luôn quán triệt bám sát đường lối, chủ trương, quyết tâm chiến lược của Đảng, tích cực, chủ động đi trước một bước trong chuẩn bị hậu cần. Đồng thời kết hợp chặt chẽ hậu cần Nhân dân, hậu cần các đơn vị Quân đội trong tạo thế, tạo lực để tạo sức mạnh tổng hợp to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Đại thắng mùa Xuân 1975”.

Với hơn 50 năm tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam; được nhiều học giả, nhà quân sự, nhà ngoại giao… trong và ngoài nước thể hiện sự kính trọng, khâm phục, nổi bật là nhà Sử học quân sự Mỹ Cecil Currey, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá - Sự thiên tài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam” đã khẳng định: “Trong suốt thời gian đó (quá trình chỉ huy Quân đội của vị Tổng tư lệnh), ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại... Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế quốc Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh Nhân dân, là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 02 Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều huân huy chương, phần thưởng cao quý khác.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quân sự nói chung, hậu cần nói riêng vẫn đang được ngành Hậu cần Quân đội kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo, bảo đảm cho Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Đại tá, ThS NGUYỄN HỮU DƯƠNG, Bộ Tham mưu/TCHC