Sau chiến thắng Tây Bắc (1952), vùng giải phóng của ta được mở rộng, tiến tới sát Thượng Lào; cách mạng Việt Nam và Lào có điều kiện phối hợp với nhau trong việc đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung. Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân 1953, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định sử dụng các Đại đoàn 308, 312, 304, 316, Trung đoàn bộ binh 148 và một số đơn vị pháo binh, công binh... (tổng quân số trên 45.000 người) phối hợp cùng với Quân giải phóng nhân dân Lào mở chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, giúp Bạn xây dựng căn cứ, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là lần đầu tiên ta sử dụng lực lượng lớn đánh địch trên đất nước Bạn.

Tham gia Bộ Chỉ huy Chiến dịch, về phía Bạn có: Hoàng thân Xu-va-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn-Phôm-vi-hản và đồng chí Thao Ma (Bí thư tỉnh uỷ Sầm Nưa); về phía Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tư lệnh Chiến dịch, Nguyễn Chí Thanh-Chủ nhiệm Chính trị, đồng chí Hoàng Văn Thái -Tham mưu trưởng, Nguyễn Văn Nam-Chủ nhiệm Cung cấp Chiến dịch và đồng chí Nguyễn Khang - đặc trách công tác chiến trường ở nước Bạn. Phương châm của Chiến dịch là: Tập trung ưu thế binh lực, đánh chắc thắng và cơ động nhanh từ xa đến bao vây, không cho địch tăng viện và rút lui, tiêu diệt một số cứ điểm quan trọng ở ngoại vi, nhanh chóng đánh vào trung tâm, chia cắt, tiêu diệt địch.

Với tinh thần chuẩn bị chu đáo, khẩn trương, mở màn Chiến dịch, Đại đoàn 316 đánh vào Nà Sản để nghi binh. Sau đó, ngày 8/4, bộ đội chủ lực ta bí mật tiến sang Thượng Lào theo nhiều hướng. Bị ta tiến công mạnh, bất ngờ, đêm 12/4/1953, địch rút chạy khỏi Sầm Nưa. Ta chuyển sang truy kích, đêm 13/4, bộ đội đã đuổi kịp và tiêu diệt bộ phận cuối của địch ở Mường Hàm, bắt toàn bộ lực lượng cầm đầu ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa. 9 giờ ngày 14/4, ta đánh địch ở Nà Noọng (cách Sầm Nưa 30 km), diệt và bắt sống gần 300 tên. 7 giờ ngày 16/4, bộ đội ta đuổi kịp bộ phận đi đầu của địch ở Hứa Mường (cách Sầm Nưa 60 km), tiêu diệt và làm tan rã 4 đại đội, đồng thời truy kích đến sát Cánh Đồng Chum. Hướng Đường 7, ta bao vây tiến công Noọng Hét, buộc địch phải rút chạy khỏi bản Ban, Xiêng Khoảng về co cụm tại Cánh đồng Chum. Hướng Phongxalỳ - Mường Sài, ta giải phóng Mường Ngòi, Bản Sẻ, Pắc Soòng, Nậm Bạc, uy hiếp Luôngphabăng. Ngày 18/5/1953, Chiến dịch Thượng Lào kết thúc với trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Mường Khoa. Chiến dịch đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, đặc biệt là đã giúp cách mạng Lào tiến lên một bước mới, xây dựng được khu căn cứ kháng chiến Lào.

Trong Chiến dịch này, liên quân Lào-Việt đã diệt và bắt sống gần 2.800 tên địch, giải phóng tỉnh Sầm Nưa, một phần Xiêng Khoảng và tỉnh Phongxalỳ với diện tích hơn 4.000km2 và hơn 300.000 dân; mở rộng vùng căn cứ kháng chiến của Lào nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam; thu 80 tấn vũ khí, đạn dược, hơn 50 tấn lúa gạo, 100 tấn quân trang quân dụng và nhiều thuốc men... Trong Chiến dịch này, Hậu cần Chiến dịch đã bảo đảm hơn 6.300 tấn gạo, 200 tấn muối, 290 tấn thịt và 190 tấn thực phẩm khác; 166 tấn vũ khí; cứu chữa 490 thương binh; huy động 62.500 dân công (với 2.535.000 ngày công)... góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Thành công của Chiến dịch là do chúng ta đã làm tốt một số nội dung sau:

Một là, nhanh chóng hình thành bộ máy Hậu cần Chiến dịch với đủ thành phần nòng cốt. Khó khăn lớn nhất trong chiến dịch này là bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm và công tác bảo đảm hậu cần cho nhiều lực lượng. Do vùng Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào là địa bàn rừng núi hiểm trở, dân cư thưa, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế, nên vật chất hậu cần chủ yếu phải đưa từ Việt Bắc, Khu 3, 4 lên, quãng đường vận chuyển dài, nằm trên đất Bạn, ta chưa nắm chắc được tình hình, trong khi địch đánh phá ác liệt, thời gian chuẩn bị ngắn (gần 3 tháng). Để khắc phục những khó khăn trên, Tổng Quân uỷ quyết định chuyển bộ máy hậu cần Chiến dịch Tây Bắc sang chuẩn bị cho Chiến dịch Thượng Lào; nhanh chóng ổn định tổ chức, bổ sung đủ quân số, trang bị; chỉ đạo các đơn vị chỉnh huấn quân sự, diễn tập... Tháng 01/1953, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng Cung cấp mặt trận và các Liên khu: Việt Bắc, 3, 4, các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hoá, Nghệ An để huy động nguồn lực hậu phương bảo đảm cho Chiến dịch. Đồng thời tăng cường cho Hậu cần Chiến dịch 460 cán bộ; Trung đoàn Công binh 151 được điều động tham gia sửa đường, bắc cầu phà cho các đơn vị hành quân... Tổng cục Cung cấp đã cử 3 đoàn cán bộ đi trước để nghiên cứu, nắm tình hình, chuẩn bị chiến trường về hậu cần...

Sau Chiến dịch Tây Bắc, các Đội điều trị 1, 5, 7/Cục Quân y đã nhanh chóng chuyển thương binh về hậu phương; ổn định tổ chức, biên chế, động viên tư tưởng bộ đội, bổ sung thuốc men, phương tiện để tham gia Chiến dịch. Quân y Chiến dịch đã bố trí kho thuốc ở Vạn Mai và các kho lưu động, có khả năng bảo đảm cấp cứu, điều trị cho 2.000 thương binh. Đội điều trị các đại đoàn được bổ sung thuốc men, mỗi đội có thể thu dung 250 - 300 thương binh. Mạng lưới thông tin vô tuyến điện từ Việt Bắc tới Tây Bắc và các Liên khu 3, 4 cũng được thiết lập. Giữa các trạm vận tải, đại đội xe ô tô, binh trạm và giữa các kho đều có điện thoại liên lạc. Nhờ đó, Tổng cục Cung cấp và hậu cần mặt trận đã nắm chắc tình hình cấp dưới để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Giữa tháng 02/1953, bộ máy hậu cần tiền phương lên đường đi Chiến dịch.

Hai là, chủ động huy động nhân lực, vật lực tại chỗ phục vụ Chiến dịch. Trên hướng chính, ta huy động nguồn lực hậu cần ở tỉnh Thanh Hoá là chủ yếu. Còn ở Tây Bắc, tuy gần chiến trường, nhưng không huy động được vì nhân dân mới được giải phóng còn rất nghèo. Ngoài ra, ta còn dựa vào Chính phủ Pathét Lào để tiến hành khai thác vật chất hậu cần theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền nước Bạn và thanh toán đầy đủ. Để bảo đảm bí mật và theo sự phân công trách nhiệm, Hội đồng Cung cấp Liên khu Việt Bắc huy động lương thực và dân công giao cho Hậu cần Chiến dịch ở Thu Cúc để chuẩn bị cho bộ đội hành quân. Liên khu 3 đưa lương thực và dân công tới Suối Rút; tỉnh Thanh Hoá đưa tới Hồi Xuân. Tổng cục Tiền phương tiếp nhận tại các vị trí trên và chuyển tới Vạn Mai, Suối Rút, Mộc Châu, gần tới ngày bộ đội hành quân mới chuyển tiếp vào Sốp Bao, Sốp Hào. Ở hướng Xiêng Khoảng, Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 và tỉnh Nghệ An huy động nhân lực, vật lực (ở Nghệ An là chủ yếu) giao cho Đại đoàn 304 (ở Mường Xén). Tỉnh Nghệ An đã huy động 26.700 dân công, 463 xe đạp thồ, 188 thuyền và gần 1.200 thuỷ thủ để vận chuyển vật chất.

Với tinh thần nỗ lực cao, trong thời gian ngắn ta đã chuẩn bị mọi chỉ tiêu hậu cần được giao. Cụ thể: 5.010/4.600 tấn gạo; 154/140 tấn muối; 2.340/3400 con trâu, bò, lợn; thực phẩm khác 121/115 tấn và 190 tấn vũ khí, đạn dược. Trên hướng Sầm Nưa, ngành Quân khí lập kho dự trữ ở Mộc Châu, khi bộ đội sắp hành quân thì chuyển 60 tấn vào Sốp Bao.

Ba là, làm tốt công tác vận tải phục vụ Chiến dịch. Vận tải là khâu trung tâm và khó khăn nhất, vì khối lượng vận chuyển lớn, cự ly xa, đường sá hẹp và xấu, trong khi địch đánh phá rất ác liệt, phương tiện vận tải hạn chế. Vì vậy, Hậu cần Chiến dịch xác định dùng vận tải thô sơ là chủ yếu, đồng thời tranh thủ cơ giới khi có điều kiện. Tổng cục Cung cấp đã tổ chức hợp lý lực lượng trên từng tuyến và thống nhất về chỉ huy. Tuyến Thu Cúc - Vạn Yên (80km) dùng dân công chuyển gạo bố trí sẵn cho bộ đội hành quân, do binh trạm vận tải chỉ huy chung. Tuyến vận tải thô sơ Hồi Xuân-Vạn Mai-Mường Lát-Sốp Hào (120km), chuyển gạo từ Hồi Xuân lên Vạn Mai, sau đó chuyển vào Sốp Hào, do 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục chỉ huy. Tuyến vận tải cơ giới từ Vạn Mai - Suối Rút - Mộc Châu- Sốp Hào (160km), do đồng chí Cục trưởng Cục Quân nhu chỉ huy.

Sau khi huy động số thuyền nan của tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Cung cấp đã đưa lên Vạn Mai và phối hợp với công binh cải tạo một số thác ghềnh, để thuyền nan có thể ngược sông Mã lên Vạn Mai. Để tận dụng con đường từ Vạn Mai vào Sốp Hào và đường sông từ Vạn Mai đến Bản Xước, việc sử dụng lực lượng vận tải được tính toán hợp lý: Từ Vạn Mai tới Mường Lát sử dụng 15.000 dân công vận chuyển kiểu “tiếp sức” theo cung; trên sông Mã, từ Vạn Yên đến Bản Xước, dùng 664 thuyền và hơn 3.000 dân công và thuỷ thủ, tổ chức thành các tiểu đội, trung đội, thuyền gỗ chở nặng dùng ở đoạn sông dễ đi, đoạn nhiều thác thì dùng thuyền độc mộc và thuyền nan. Còn từ Mường Lát tới Sốp Hào, ta sử dụng 1.700 xe đạp thồ, tổ chức thành đoàn (mỗi đoàn 80-150 xe) có các tiểu đội, trung đội chuyển theo từng cung. Trên tuyến vận tải cơ giới Vạn Mai-Suối Rút-Mộc Châu-Sốp Bao (160km), ta sử dụng 81 xe ô tô để chuyển hàng kiểu“cuốn chiếu”. 10 ngày đầu dùng 30 xe chuyển hàng từ Vạn Mai lên Suối Rút. Sau đó dùng 60 xe (có lúc lên tới 72 xe) chuyển hàng từ Suối Rút lên Mộc Châu. Cuối tháng 3 dùng 54 xe (sau tăng lên 62 xe) chuyển tiếp từ Mộc Châu vào Sốp Bao. Nhờ vậy đã nâng cao hiệu suất phương tiện và năng suất vận chuyển.

Ở hướng Xiêng Khoảng, Hội đồng Cung cấp tỉnh Nghệ An dùng thuyền trên sông Lam; dân công và xe đạp thồ chuyển hàng từ Đô Lương lên Cửa Rào. Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 sử dụng 21.500 dân công và 463 xe đạp thồ chuyển tiếp từ Cửa Rào tới Mường Xén giao cho Đại đoàn 304, sau đó 5.200 dân công đảm nhiệm chuyển tiếp tới các đơn vị. Trong giai đoạn chuẩn bị, Hậu cần Chiến dịch đã chuyển được 1.892 tấn hàng, trong đó vận tải thô sơ vận chuyển được 812 tấn đưa đến Sốp Hào. Nhờ vậy đã cung cấp đủ gạo, vũ khí đạn cho bộ đội mà vẫn giữ được bí mật Chiến dịch.

Bốn là, sẵn sàng bảo đảm hậu cần cho các tình huống tác chiến. Khi bộ đội ta tiến quân vào Sầm Nưa, việc bảo đảm gạo cho hướng Sốp Bao -Sốp Hào rất khó khăn. Vì vậy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quy định các đơn vị hành quân từ Mộc Châu tới Sầm Nưa (130km) 100% quân số phải mang đủ 3 ngày gạo, tới Sốp Hào sẽ bổ sung thêm 1 ngày. Hậu cần Chiến dịch đã bí mật bố trí các đoàn dân công tới Sốp Hào, chuẩn bị đủ gạo cho bộ đội khi hành quân tới, dân công cơ động theo từng đơn vị để bảo đảm.

Khi bộ đội ta chuyển sang truy kích địch trên hướng Sầm Nưa, Hội đồng Cung cấp tỉnh Thanh Hoá đã dịch chuyển tuyến từ Hồi Xuân lên Vạn Mai; Tiền phương Tổng cục chuyển vào Mường Liệt cách Sầm Nưa 10 km. Vì vậy, việc chỉ huy, chỉ đạo xử trí các tình huống, đặc biệt là vận chuyển gạo vào Sầm Nưa, Mường Hàm rất kịp thời. Lúc này, tuyến vận tải thô sơ Mường Lát - Sốp Hào được kéo dài tới Mường Hàm. Số ôtô, xe đạp thồ chuyển vũ khí từ Sốp Hào vào cũng được lệnh dỡ hàng xuống để đi chuyển gạo. Các đoàn dân công cũng được điều đi chuyển gạo từ Mường Hàm qua Nà Noọng tới Húa Mường (gần 100km) bảo đảm cho bộ đội truy kích địch. Tổng cục Cung cấp còn huy động tại Sầm Nưa và vùng lân cận một số dân công, hơn 220 tấn gạo, 10 tấn thực phẩm kịp thời bổ sung cho đơn vị.

Để kịp thời bảo đảm hậu cần cho 5 trung đoàn của 3 đại đoàn truy kích địch, Tổng cục Cung cấp giao cho Ban Cung cấp Trung đoàn 102 phụ trách huy động nhân, vật lực trên đường truy kích địch. Một số cán bộ trung đoàn tham gia cùng với hậu cần và tình nguyện quân làm phiên dịch phối hợp với Bạn vận động nhân dân Lào ở Mường Pơn, Mường Ó, Húa Mường, Bản Ban bán lương thực cho bộ đội và tham gia thu chiến lợi phẩm, giải quyết thương bệnh binh. Trên hướng Đường số 7, ngày 17/4, sau khi địch ở Noọng Hét bị tiêu diệt, ta chuyển sang truy kích địch. Tuy vận tải chỉ bảo đảm được 50% kế hoạch, do địch đánh phá ác liệt, dân công ốm nhiều... nhưng nhờ huy động tại chỗ và gạo chiến lợi phẩm thu được ở Xiêng Khoảng đã bổ sung kịp thời cho đơn vị.

Chiến dịch Thượng Lào là chiến dịch lớn, dài ngày lần đầu tiên diễn ra trên nước Bạn, bộ đội liên tục truy kích địch ở địa bàn rừng núi, đường sá khó khăn, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế... Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ hai nước, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về huy động nhân tài, vật lực từ xa đưa đến kết hợp với khai thác tại chỗ; giải quyết đúng đắn quan hệ giữa hậu phương với mặt trận; hậu cần quân đội với hậu cần địa phương và hậu cần chiến dịch với Bạn... Do vậy đã chuẩn bị chu đáo và bảo đảm kịp thời mọi nhu cầu cho tác chiến. Những kinh nghiệm quý báu đó đã được kế thừa, phát triển trong Chiến dịch Điện Biên phủ và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục phát triển phù hợp với điều kiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai (nếu xảy ra).

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG (Bộ Tham mưu TCHC)   

Đại úy QNCN ĐỖ XUÂN LONG (Học viện Hậu cần)