Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23-9-1945, núp sau quân Anh, quân Pháp trở lại gây hấn ở Sài Gòn. Vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc. Sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ họp thống nhất chủ trương phát động kháng chiến và ra lời hiệu triệu Nhân dân Nam Bộ đứng lên đánh địch. Ngày 24-9-1945, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam gửi Mệnh lệnh kháng chiến cho quân và dân Nam Bộ. Tổng bộ Việt Minh cũng hiệu triệu: “Ai có dao dùng dao, có mác dùng mác, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi thước đất là một chiến hào... tất cả hãy xông ra bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc mới phôi thai...”. Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định: “Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và Nhân dân đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “... Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ... Chúng ta nhất định thắng lợi... Vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa”.

Thực hiện mệnh lệnh chiến đấu của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, chiều ngày 23-9-1945, Nhân dân Sài Gòn triệt để tổng đình công, bãi thị, bãi khóa, thực hiện triệt để bao vây, vườn không nhà trống, phá mọi phương tiện, đồ dùng sinh hoạt và nguồn lương thực thực phẩm (LTTP), bất hợp tác với giặc; chướng ngại vật dựng khắp nơi trên đường đi; cắt điện, nước, đánh phá nhiều kho tàng, đơn vị của địch... Vừa làm nòng cốt trong hoạt động kháng chiến, công nhân các xưởng Ba Son, Nhà đèn Chợ Quán, Sở Mộ, kho đạn, FACI, SIMAC, CARIC, Ép-phen, ô tô Han, Công ty xe điện, ATAKA, Kho xăng dầu Nhà Bè, Sở Trường Tiền Gia Định, Đề-pô xe lửa Dĩ An, các nhà máy chế biến mủ cao su ở Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Quản Lợi... nhanh chóng tháo dỡ máy móc, thiết bị, nguyên liệu chuyển ra ven Sài Gòn, lập hàng chục cơ sở công binh xưởng. Tổng công đoàn còn bí mật tổ chức các cơ sở công nhân ở lại xưởng Ba Son, Sở Trường Tiền Gia Định, Đề-pô xe lửa Dĩ An và công xưởng các tỉnh để gia công chi tiết vũ khí, làm khuôn mẫu, cung cấp tài liệu kỹ thuật... Các mặt trận tích cực củng cố, phát triển và điều chỉnh lực lượng vũ trang (LLVT) nhằm hình thành vòng vây ngăn chặn, giam chân quân Pháp tại Sài Gòn.

Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận để đánh thắng giặc Pháp”, các tầng lớp Nhân dân hăng hái tham gia dân quân, tự vệ giết giặc lập công, đào công sự, nấu cơm tiếp tế, tải thương... Lực lượng bác sĩ, nhân viên y tế nhà thương (bệnh viện), một số phục vụ mặt trận quanh Sài Gòn hoặc ở lại nội đô tổ chức các tổ cứu chữa, bảo vệ thương binh và tiếp tế thuốc men cho mặt trận. Nhân dân và các đơn vị vũ trang tìm mọi cách để trang bị vũ khí, sẵn sàng giết giặc. Phụ nữ các xã Mỹ Phước, Thới Hòa, Chánh Hiệp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) vận động, thu mua của lính Nhật 21 khẩu súng, trong đó có cả trung liên và hàng nghìn viên đạn; vận động Nhân dân địa phương ủng hộ LTTP cho các đơn vị; phong trào “bánh ổ” cho mặt trận cũng được Nhân dân ủng hộ. Nhân viên y tế các nhà thương tỉnh tích cực tham gia huấn luyện hội viên Hội hồng thập tự làm nhiệm vụ cứu thương phục vụ chiến đấu. Để đáp ứng yêu cầu sửa chữa vũ khí phục vụ chiến trường Nam Bộ, trọng điểm là Sài Gòn - Gia Định, nhiều “rờ sạc” (recharge - nhồi thuốc nổ và đầu đạn vào vỏ đạn đã qua sử dụng) được tổ chức để sửa chữa súng, đạn và sản xuất lựu đạn. LLVT tỉnh, công đoàn, công an huyện, quận... thành lập các ban, tổ “rờ sạc” và xưởng nhỏ. Nhiều người tình nguyện quyên góp tài sản cho kháng chiến như ông Thân Công Tất ủng hộ toàn bộ xưởng đúc cho Ban Quân nhu Quân khu 7 để thành lập xưởng sản xuất lựu đạn.

Phần lớn vũ khí, đạn dược của các đơn vị lúc này do Nhân dân và LLVT ta dùng mưu kế cướp đoạt và mua của lính Nhật, cùng các chiến lợi phẩm thu được trong các trận đánh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước tích cực góp người, góp của cùng Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ Bắc Bộ và Trung Bộ, nhiều chi đội Vệ quốc đoàn xung phong “Nam tiến”. Tại ga Hàng Cỏ (Hà Nội) và nhiều ga ở địa phương, các chi đội Vệ quốc đoàn lần lượt “Nam tiến”. Nhân dân các địa phương chuẩn bị sẵn vũ khí, LTTP, cơm, nước đưa đến ga tàu ủng hộ bộ đội. Sau ngày 23-9-1945 vài tuần, những chi đội Vệ quốc đoàn “Nam tiến” đầu tiên vào đến Xuân Lộc, Đồng Nai tham gia chiến đấu trên mặt trận cầu Thị Nghè, cầu Bình Lợi và tăng cường lực lượng bao vây địch ở Sài Gòn. Việt kiều ở Thái Lan, Campuchia, Lào cũng hướng về Tổ quốc, sẵn sàng về Nam Bộ tham gia kháng chiến; giữa năm 1946, một số đơn vị bộ đội hải ngoại có trang bị và được huấn luyện tốt lần lượt về Nam Bộ cùng đánh giặc Pháp.

Dựa vào sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, các tổ chức quân nhu, tài chính từng bước hình thành. Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ đã thành lập Phòng Quân nhu - Tài chính. Ủy ban Hành chính các tỉnh có ủy viên tiếp tế, phụ trách việc vận động Nhân dân ủng hộ LTTP, tiền bạc cho đơn vị vũ trang chiến đấu; ở huyện có ban hoặc tổ tiếp tế. Quá trình chiến đấu, hằng ngày, LLVT được Nhân dân tổ chức tiếp tế cơm, nước, bánh, trái cây và cả súng đạn. Nhiều thanh niên đã xung phong vào LLVT và Hội hồng thập tự, sát cánh cùng chiến sĩ chiến đấu, cứu chữa vận chuyển, chăm sóc thương binh và phục vụ chiến đấu góp phần giữ vững vòng vây quân địch.

Ban Tiếp tế Mặt trận Tây và Nam Sài Gòn do đồng chí Nguyễn Văn Triển phụ trách, quản lý 62 nhà máy xay lúa lớn nhỏ ở Chợ Lớn, có nhiệm vụ tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu, bảo đảm một phần cho Nhân dân nội đô, chặn đường tiếp tế của địch và vận chuyển máy móc thiết bị, nguyên liệu thiết yếu ra ngoại ô để chuẩn bị kháng chiến trường kỳ. Các đoàn thể cứu quốc tổ chức vận động, quyên góp và nấu cơm, tiếp nước cho bộ đội. Ban Cứu thương Mặt trận cũng được thành lập. Ban Tiếp tế Mặt trận phía Đông do đồng chí Nguyễn Văn Công phụ trách, làm nhiệm vụ tiếp tế cho các đơn vị chiến đấu ở Gia Định, Gò Vấp và tiếp tế cho Nhân dân nội đô tản cư ra; LTTP đều do Nhân dân các địa phương đóng góp. Ban tiếp tế tổ chức vận chuyển bằng đường sông từ các tỉnh đồng bằng đến Bến Cát, chuyển tiếp về Gò Vấp, rồi đưa về kho dự trữ ở An Phú Đông và Thạnh Lộc. Ban Cứu thương Mặt trận phía Đông cũng được thành lập, tổ chức cấp cứu thương binh tại chỗ và chuyển về nhà thương Gia Định (Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày nay) điều trị.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chi viện tích cực của cả nước, sau hơn 01 tháng thực hiện trong đánh ra, ngoài bao vây, LLVT và Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã vây chặt quân Pháp ở Sài Gòn, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” chiếm Nam Bộ trong 18 ngày của chúng. Với sự giúp đỡ quý báu của Nhân dân, các tổ chức quân nhu, tài chính, ban tiếp tế, cứu thương, cơ sở “rờ sạc” của đơn vị vũ trang đã kịp thời bảo đảm nhu cầu cấp thiết cho chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Thắng lợi của quân và dân Nam Bộ đã góp phần quan trọng kìm bước tiến của quân Pháp để các địa phương, Trung ương Đảng và Chính phủ ta có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, nguyên cán bộ Bộ Tham mưu/TCHC