Quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ thực hiện tích hợp toàn diện hệ thống công nghệ chỉ huy, kiểm soát công tác hậu cần ở tất cả các cấp nhằm cung cấp thông tin hỗ trợ người chỉ huy đánh giá tình hình và ra quyết định chính xác. Ý tưởng tổng thể trong việc tích hợp hệ thống thông tin HCQS dựa trên sự kết hợp giữa mạng lưới thông tin toàn cầu (GIG) của Bộ Quốc phòng Mỹ và khung kiến trúc C4ISR gồm: chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, máy tính, tình báo quân sự, cảnh giới và trinh sát. Theo đó, lộ trình CĐS công tác hậu cần từng bước được xây dựng, thiết lập, vận hành theo cơ cấu từ trên xuống dưới, tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật và hiện thực hóa việc tích hợp các hệ thống thông tin HCQS.

Đầu thế kỷ XXI, Hải quân và Không quân Mỹ bắt đầu tích hợp các hệ thống tự động độc lập về tài chính, quản lý kho hàng, bảo trì và bổ sung vật chất hậu cần. Đến năm 2010, các lực lượng này thiết lập xong hệ thống quản lý kinh doanh tích hợp thống nhất tất cả các dịch vụ quân sự, được kết nối với hệ thống chỉ huy, kiểm soát, có thể cung cấp dữ liệu hỗ trợ dịch vụ nhằm kiểm soát, điều hành mọi hoạt động BĐHC.

Để nâng cao hiệu quả bảo đảm, Quân đội Mỹ xây dựng hệ thống hiển thị hình ảnh trong quá trình vận chuyển bằng tần số vô tuyến để theo dõi danh tính, trạng thái, vị trí trang thiết bị (TTB), vật chất từ điểm xuất phát đến điểm tập kết cuối cùng. Hệ thống này còn được kết nối với hệ thống theo dõi vệ tinh và các hệ thống thông tin hậu cần khác. Dựa vào khả năng chia sẻ thông tin của Big Data và lưu trữ dữ liệu vượt trội của Cloud Computing, Quân đội Mỹ có thể xây dựng kế hoạch BĐHC toàn diện dữ liệu hỗ trợ hậu cần, từ đó phân tích, đánh giá, tính toán khả năng bảo đảm cho các nhiệm vụ.

Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm từng nội dung trong kế hoạch, đề xuất các biện pháp bảo đảm tối ưu nhất giúp người chỉ huy đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, IoT với khả năng kết nối đa chiều, nhận biết, tổng hợp thông tin toàn diện, ngoài việc giúp dự đoán chính xác nhu cầu BĐHC còn cảnh báo các mối nguy hiểm và cung cấp nhiều thông tin cần thiết khác.

Quân đội Mỹ đã ứng dụng các công nghệ số triển khai CĐS trong nhiều lĩnh vực của công tác hậu cần ví dụ, lực lượng BĐHC của Quân đội Mỹ đã ứng dụng công nghệ Big Data, AI cài đặt 10 cảm biến trên xe chiến đấu Stryker để phân tích dữ liệu được thu thập, từ đó quản lý chặt chẽ những sự cố hỏng hóc phương tiện, kịp thời sửa chữa, giảm thiểu chi phí thay thế.

leftcenterrightdel
Lực lượng cứu hộ Nhật Bản chuyển lương thực, nước uống để phân phát cho người dân sau trận động đất ở Minami-Aso, Kumamoto ngày 17/4. AFP/TTXVN 

Trong bảo đảm quân y, Quân đội Mỹ ứng dụng CĐS để thực hiện “cứu hộ nhanh” và “điều trị từ xa”. Binh sĩ bị thương sẽ sử dụng những trang thiết bị kỹ thuật số được trang bị cho cá nhân để có thể tự cứu sống mình, như: Sử dụng thiết bị thông tin kỹ thuật số để nhanh chóng báo cáo tình trạng thương tích của mình với người chỉ huy và yêu cầu cấp cứu khẩn cấp; sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu để thông báo kịp thời, chính xác vị trí bản thân, giúp lực lượng cấp cứu nhanh chóng đến hiện trường sớm nhất. Ngoài ra, binh sĩ bị thương có thể sử dụng máy ảnh gắn trên mũ chụp lại vị trí, tình trạng vết thương và gửi hình ảnh về trạm cấp cứu dã chiến để được hướng dẫn sơ cứu từ xa.

Quân đội Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc (PLA) xác định công tác BĐHC phải sử dụng công nghệ thông tin TTB và trang thiết bị hiện đại để tiến hành bảo đảm với độ chính xác cao, phát huy hiệu quả các nguồn lực, hạn chế dư thừa, lãng phí và tăng hiệu quả quản lý, sử dụng. Lực lượng chi viện BĐHC liên quân (JLSF) của PLA thành lập một trung tâm dữ liệu lớn về chi viện liên quân chủng để hỗ trợ tổng hợp và chia sẻ thông tin với mục đích đưa ra quyết định chi viện bảo đảm nhanh chóng, chính xác nhất.

Các mạng lưới BĐHC chiến trường liên quân chủng, mạng lưới thông tin giao thông quân sự của PLA có khả năng hỗ trợ hiệu quả quá trình vận chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật tư, hàng hóa cho các đơn vị được bảo đảm. Hiện nay, PLA chủ trương xây dựng không gian chiến trường số hóa và đẩy mạnh tích hợp dữ liệu thông tin các loại vật chất, trang bị hậu cần - kỹ thuật quân sự thông qua việc sử dụng các công nghệ: IoT, Big Data, Cloud Computing… trong chi viện nhằm quản lý và bảo đảm chính xác khi có yêu cầu.

Quân đội Nhật Bản

Là một trong những cường quốc quân sự ở khu vực châu Á, những năm gần đây, Nhật Bản rất chú trọng đầu tư cho hoạt động CĐS công tác HCQS. Quân đội Nhật Bản cho rằng, chiến tranh thông tin trong tương lai sẽ là cuộc đối đầu ác liệt, lấy môi trường mạng làm trung tâm. Để hòa nhập vào mạng lưới chỉ huy và liên lạc tích hợp, Quân đội Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin hóa trang bị hậu cần, lắp đặt các thiết bị xử lý và truyền tải thông tin trên cơ sở chuyển đổi kỹ thuật số trước đây. 

Đồng thời, đẩy nhanh phát triển một thế hệ TTB hậu cần mới, thông minh bao gồm: hệ thống trang bị cá nhân, robot hậu cần và máy bay vận tải không người lái. Khi mạng lưới liên lạc chỉ huy hậu cần tiếp tục hoàn thiện, các trang bị hậu cần - kỹ thuật được cải tiến mới sẽ dần được tích hợp vào mạng để cung cấp thông tin hỗ trợ kịp thời cho người chỉ huy hậu cần. Nhật Bản còn tập trung phát triển công nghệ mô phỏng trong không gian sát với môi trường chiến đấu thực tế, giúp các nhà hoạch định hậu cần nắm chắc nhu cầu của người lính trong chiến đấu, từ đó chuẩn bị chu đáo, toàn diện về hậu cần khi chiến tranh xảy ra.

Có thể khẳng định, CĐS công tác HCQS là một xu thế tất yếu khách quan mà quân đội nhiều nước đang nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Nghiên cứu việc thực hiện CĐS công tác HCQS của quân đội một số nước trên thế giới rút ra một số vấn đề như sau:

Một là, AI là điểm khối đầu, có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bảo đảm và xử trí các tình huống về hậu cần. Để xây dựng AI hiệu quả, cần đầu tư đa dạng hóa các kênh thu thập thông tin (nguồn lực, nhu cầu, khả năng, xu hướng bảo đảm); cùng với tích hợp tư duy, trí tuệ của con người vào quá trình xử lý thông tin; xây dựng, chuẩn hóa hệ thống quyết sách ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình bảo đảm; ứng dụng các thuật toán, tự động hóa chỉ huy, điều khiển và phối hợp hành động chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Hai là, trong chiến tranh tương lai, các bên tham chiến sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thông minh cả trên bộ, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng, điều này đặt ra yêu cầu cao cho công tác BĐHC. Do đó, để thực hiện được CĐS công tác HCQS phải thực hiện nhất thể hóa, tiêu chuẩn hóa, bảo đảm thông minh liên kết với hệ thống tác chiến thông minh để thiết lập dữ liệu, số liệu về nhu cầu, nguồn lực BĐHC, làm cơ sở cho việc tự động phân bổ nguồn lực bảo đảm đúng thời gian, địa điểm, số lượng theo yêu cầu tác chiến.

Ba là, trong tương lai, hệ thống BĐHC thông minh sẽ được kết hợp giữa “máy móc + con người + mạng”, hình thành hệ thống BĐHC quân sự kiểu mới dựa trên công nghệ Cloud Computing. Điều này sẽ thúc đẩy việc tích hợp hệ thống BĐHC theo phân cấp, sắp xếp lại cách thức hoạt động năng động, hiệu quả hơn, giảm bớt nhân lực số lượng người trực tiếp tham gia bảo đảm.

Bốn là, bên cạnh những thuận lợi, việc CĐS công tác hậu cần của quân đội các nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, phân quyền truy cập, đồng bộ hệ thống giữa các cấp… Điều này đòi hỏi chi phí tốn kém và cần nhiều thời gian để triển khai và hoàn thiện.

CĐS công tác HCQS là vấn đề mới, đang được quân đội nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, đầu tư, triển khai nhằm, rút ngắn thời gian chuẩn bị và thực hành bảo đảm nâng cao hiệu quả BĐHC cho tác chiến. Việc tìm hiểu kinh nghiệm và quá trình tiến hành CĐS công tác hậu cần của quân đội các nước là cơ sở để lựa chọn và tiến hành CĐS công tác hậu cần của Quân đội ta một cách phù hợp.

Trung tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG, Bộ Tham mưu Hậu cần