Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1954-1976, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chế độ bảo đảm chỗ ở cho gia đình cán bộ. Việc giải quyết chỗ ở chủ yếu căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của từng đơn vị, địa phương. Gia đình cán bộ được bố trí ở tại các khu gia binh, khu cư xá sĩ quan tiếp quản từ chế độ cũ và một số nhà kho, nhà làm việc trong khu vực doanh trại (chủ yếu là nhà tạm, nhà cấp IV) cải tạo thành nhà ở. Từ năm 1960 - 1970, tại Thành phố Hà Nội, BQP xây dựng một số khu nhà ở (chủ yếu là nhà cao tầng) bố trí cho gia đình có cán bộ được điều động đi các chiến trường B - C - K đang cư trú ở các đô thị. Từ năm 1964 - 1973 do chiến tranh ác liệt, nhu cầu nhà ở của gia đình cán bộ ít, việc giải quyết nhà ở không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau năm 1975, đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ vừa khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, việc bảo đảm đời sống, nhà ở cho Nhân dân và lực lượng vũ trang càng khó khăn gay gắt.
    |
 |
Ảnh minh họa/nguồn internet. |
Để thống nhất việc quản lý, phân phối hợp lý theo tiêu chuẩn diện tích nơi làm việc và nhà ở, đáp ứng nhu cầu ở của công nhân, viên chức, cán bộ trong biên chế Nhà nước, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 150/CP ngày 10/6/1977 về “Tiêu chuẩn phân phối diện tích làm việc và diện tích ở”, áp dụng thống nhất trong cả nước. BQP ban hành Quyết định số 13/QĐ-QP ngày 10/02/1984 về tiêu chuẩn nhà ở gia đình cán bộ Quân đội tại khu tập thể và cho mượn đồ dùng sinh hoạt. Căn cứ cấp bậc, chức vụ, số lượng thành viên gia đình, áp dụng theo trường hợp điều chỉnh nhà hiện có đã phân phối và xây dựng nhà mới để phân phối. Việc bảo đảm nhà ở hoàn toàn được bao cấp bằng ngân sách Nhà nước. Hằng năm, ngân sách quốc phòng được trích một phần để xây dựng nhà ở phân phối cho cán bộ. Tuy nhiên, so với nhu cầu, ngân sách bảo đảm quá thấp, nhà ở trong Quân đội chủ yếu do cán bộ tự khai thác vật liệu và xây dựng theo phương châm “trên cho 1 dưới làm 3”.
Giai đoạn từ năm 1984-1991, việc giải quyết chế độ CSNƠ rất đa dạng, từng bước tiền tệ hóa vật tư, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xóa bỏ bao cấp bằng hiện vật. BQP đã ban hành các chỉ thị về việc giao đất cho cán bộ làm nhà ở; hóa giá nhà cấp III, cấp IV tại các đô thị do Quân đội quản lý cho cán bộ sử dụng; khuyến khích cán bộ tự xây nhà ở, có sự hỗ trợ của Quân đội...
Với sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt, từ 1987-1991, BQP đã xây dựng mới, cải tạo, đưa vào sử dụng 15.554 căn hộ; giao đất cho 48.430 cán bộ với tổng diện tích khoảng 655 ha; trợ cấp cho 110.332 cán bộ với số tiền là 61.639 triệu đồng; nhượng bán hàng chục nghìn tấn xi măng, thép, than cám, xăng dầu; hàng chục nghìn mét khối gỗ tròn, hàng chục triệu viên gạch, ngói, hàng vạn tấn vôi... cho cán bộ làm nhà với giá bao cấp. Các chính sách nói trên đã góp phần quan trọng vào việc điều chỉnh chiến lược và chấn chỉnh tổ chức lực lượng của Quân đội không gây xáo trộn tư tưởng, tổ chức trong Quân đội, giữ ổn định chính trị, góp phần ổn định đất nước. Căn cứ Pháp lệnh số 51-LCT/HĐNN8 ngày 06/4/1991 của Hội đồng Nhà nước về nhà ở, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định: Số 118/TTg ngày 27/11/1992 về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương; số 33/TTg ngày 05/02/1993 về chuyển việc quản lý quỹ nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước sang phương thức kinh doanh; bãi bỏ chế độ phân phối nhà ở theo Quyết định số 150-CP ngày 10/6/1977 của Hội đồng Chính phủ. Các quyết định trên đã đánh dấu giai đoạn Nhà nước chấm dứt hoàn toàn việc bao cấp về nhà ở. Để giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở, một số đơn vị đã tận dụng một phần đất dư thừa sau khi quy hoạch lại doanh trại hoặc tận dụng diện tích ao hồ, đầm lầy, đất trống quanh doanh trại... tổ chức san lấp, xin ý kiến địa phương để giao đất cho cán bộ tự làm nhà ở theo quy định tại Luật Đất đai năm 1987. Tuy nhiên, một số địa phương chưa đồng tình với cách giải quyết này nên có đơn vị gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục hợp thức quyền sử dụng đất cho cán bộ Quân đội.
Thực hiện Nghị định số 60-CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị; Nghị định số 61-CP về mua bán và kinh doanh nhà ở; số 245/TTg ngày 24/4/1996 về tổ chức thực hiện một số việc cấp bách trong quản lý sử dụng đất, nghiêm cấm các tổ chức tự chia đất cho cán bộ làm nhà ở. BQP ban hành Công văn số 1870/QP ngày 03/10/1994 quy định các đơn vị Quân đội không được tự chuyển mục đích đất quốc phòng để chia cho cán bộ làm nhà ở. Để triển khai công tác bán nhà ở theo Nghị định số 61-CP, BQP ban hành Văn bản số 1782/QP ngày 21/9/1994 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập riêng Hội đồng bán nhà ở Quân khu 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh và giao Công ty kinh doanh nhà Hà Nội BQP (nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị BQP) tại Thành phố Hà Nội để thực hiện. BQP đề xuất thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện và đề xuất chế độ miễn, giảm cho các đối tượng chính sách và cán bộ Quân đội; được sử dụng một phần tiền bán nhà thu được của Quân đội vào mục đích phát triển quỹ nhà ở; hóa giá nhà cấp III, cấp IV còn tồn đọng. Tại thành phố Hải Phòng, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã thống nhất với BQP giao cho Ban chỉ đạo CSNƠ, đất ở Quân khu 3 (trực tiếp là Bộ Tư lệnh Hải quân) lập hồ sơ bán nhà ở trình UBND Thành phố phê duyệt.
Ngày 15/10/2014, tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bán nhà theo quy định đã khẳng định, toàn quân cơ bản hoàn thành công tác bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định số 61/CP. Kết quả này có ý nghĩa chính trị to lớn, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở của cán bộ quân đội; giải quyết những vấn đề tồn tại của công tác CSNƠ và việc quản lý, sử dụng quỹ nhà ở cũ.
Từ năm 2000 đến nay, với chủ trương xã hội hóa về nhà ở, quỹ nhà ở trong xã hội có tăng lên nhưng do chưa có cơ chế phù hợp nên nhu cầu nhà ở cho Quân đội chưa được cải thiện. Năm 2005, Luật Nhà ở được ban hành, quy định về phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp (bao gồm cán bộ Quân đội). Trên thực tế, việc triển khai thực hiện các chính sách trên rất khó khăn do thiếu những quy định cụ thể, chưa gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương; quỹ nhà ở công vụ, nhà ở xã hội của các địa phương rất hạn chế, chưa có điều kiện bảo đảm nhà ở cho các lực lượng Quân đội đóng quân trên địa bàn.
Để giải quyết nhu cầu cấp bách về nhà ở, BQP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân phát huy mọi nguồn lực để tạo lập quỹ nhà ở và hỗ trợ nhà ở cho cán bộ của mình. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong khi BQP lập phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, đồng ý cho ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc thu hồi đất quốc phòng giao cho địa phương quản lý, giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng. BQP đã thống nhất với một số địa phương tổ chức triển khai một số dự án nhà ở chính sách (nhà ở thương mại giá thấp không nhằm mục đích kinh doanh) cho cán bộ Quân đội. Căn cứ quy định tại Luật Nhà ở năm 2005; Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Cục Doanh trại/Tổng cục Hậu cần phối hợp các cơ quan tham mưu với Bộ trưởng BQP ban hành Thông tư số 196/2010/TT-BQP ngày 26/11/2010 quy định phân cấp trách nhiệm tổ chức thực hiện các dự án phát triển nhà ở gia đình cán bộ Quân đội. Từ khi Thông tư số 196/2010 có hiệu lực thi hành, công tác phát triển nhà ở cho cán bộ Quân đội đã được nâng lên một bước. Giai đoạn năm 2010-2019, toàn quân triển khai 231 dự án phát triển nhà ở gia đình, trong đó đã hoàn thành 149 dự án với tổng số 21.571 căn hộ được bàn giao đưa vào sử dụng; 36 dự án đang triển khai với quy mô khoảng 11.917 căn hộ; 32 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; đầu tư xây dựng 251 khu nhà ở công vụ tương đương 15.141 căn hộ, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu bức xúc về nhà ở của cán bộ Quân đội.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở BQP, Cục Doanh trại tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất, tổ chức thực hiện kịp thời, toàn diện các nội dung CSNƠ, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội.
Đại tá NGUYỄN HỒNG THÀNH, Cục Doanh trại