Do phải đương đầu với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, thế lực phong kiến phản động ở Đàng Trong bị thất bại lớn. Tháng 3-1777, Nguyễn Huệ chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn tiến công giải phóng vùng Gia Định. Ngày 19-10-1777, Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng nhiều quan lại, tướng lĩnh đều bị bắt sống và bị trừng trị. Toàn bộ diện tích đất từ tỉnh Phú Yên đến Hà Tiên đều thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Không cam chịu thất bại, tháng 6-1782, Nguyễn Ánh tập hợp tàn quân quay lại Gia Định nhằm khôi phục lực lượng và xây dựng căn cứ. Tháng 2-1783 bị Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem quân thủy, bộ vào tiêu diệt, Nguyễn Ánh cùng tàn quân phải chạy trốn ra các đảo, sau đó sang ẩn náu tại Xiêm, cầu cứu vua Xiêm cho quân sang giúp đánh nghĩa quân Tây Sơn.

Tháng 7-1784, vua Xiêm sai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân theo đường thủy và đường bộ tiến vào Gia Định. Nguyễn Ánh tập hợp tàn quân phối hợp tác chiến với quân Xiêm. Cuối năm 1784, Nguyễn Huệ được giao nhiệm vụ giải phóng Gia Định. Ông chỉ huy một đạo quân hơn 5 vạn người vượt biển, tiến vào Mỹ Tho, tổ chức cầm cự chặn giặc, nắm tình hình, chờ thời cơ phản công. Ngày 20-01-1785, các tướng Xiêm và Nguyễn Ánh dốc sức đem toàn bộ thủy quân theo sông Mỹ Tho tiến công thẳng về phía quân Tây Sơn. Nguyễn Huệ chọn sông Mỹ Tho (đoạn từ Rạch Gầm đến Xoài Mút) làm nơi quyết chiến với quân địch. Thủy quân Tây Sơn được bố trí kín đáo ven theo hai nhánh sông Rạch Gầm và Xoài Mút; bộ binh và pháo binh phục sẵn ở hai bên bờ và trên các cù lao giữa sông.

leftcenterrightdel

Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút. Ảnh: Tư liệu 

Rạng sáng ngày 19-01-1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của nghĩa quân Tây Sơn. Khi lực lượng địch đi đầu đến cửa sông Xoài Mút và lực lượng cuối cùng của chúng vừa qua hết cửa Rạch Gầm, Nguyễn Huệ ra lệnh công kích. Thủy binh của Tây Sơn từ Rạch Gầm và Xoài Mút bất ngờ lao ra chặn đầu và khóa đuôi, dồn toàn bộ thuyền chiến của địch vào vòng vây. Pháo binh của nghĩa quân Tây Sơn từ trên bờ và cù lao bắn mãnh liệt vào đội hình quân giặc. Đội hình thuyền chiến của liên quân Xiêm - Nguyễn bị rối loạn, quân lính bị thương vong nhiều. Từ các vị trí mai phục, nghĩa quân Tây Sơn xông ra chia cắt đội hình địch, 300 thuyền chiến giặc bị đánh chìm và đốt cháy, gần 4 vạn tên giặc bị giết tại trận. Chiêu Tăng và Chiêu Sương bỏ thuyền chạy trốn lên bờ, thu tàn quân tìm đường trốn về nước. 5 vạn quân Xiêm chỉ còn hơn 1 vạn, trốn về nước rồi mà “vẫn còn sợ Tây Sơn như cọp”.

Trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút có quy mô lớn, xa căn cứ hậu phương, gặp nhiều khó khăn, nhưng thể hiện sự tài giỏi trong tổ chức chỉ huy và khả năng bảo đảm hậu cần của nghĩa quân Tây Sơn. Có thể khái quát những nét chính sau:

Xây dựng hậu phương vững mạnh tạo nền tảng bảo đảm hậu cần

Ngay từ ngày đầu, nghĩa quân Tây Sơn đã nhanh chóng củng cố, phát triển địa bàn vùng giải phóng, xây dựng thành căn cứ hậu phương rộng lớn. Sau 3 năm khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đánh chiếm được các vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum. Đây là những nơi dân cư tương đối đông, nghề nông và dệt vải phát triển, người dân chăm chỉ, từng chịu ách áp bức nặng nề của chính quyền phong kiến Đàng Trong, do đó muốn nổi dậy và sẵn sàng ủng hộ mọi mặt cho nghĩa quân Tây Sơn. Đó là điều kiện rất thuận lợi để xây dựng, phát triển lực lượng và tăng cường tiềm lực vật chất hậu cần. Dựa vào điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế, dân cư và thực hiện các chính sách kinh tế, chính trị, quân sự tích cực, trong suốt 14 năm, nghĩa quân Tây Sơn phát triển, huy động được sức người, sức của to lớn của hậu phương bảo đảm cho các cuộc tiến công vào phía Nam đánh chính quyền phong kiến phản động Đàng Trong, quân xâm lược Xiêm, tiến công ra Bắc tiêu diệt chính quyền phong kiến phản động Đàng Ngoài, sau đó đại phá quân Thanh (1789).

Tổ chức tốt tuyến vận tải từ hậu phương vào chiến trường

Để bảo đảm cho trận Rạch Gầm - Xoài Mút, nghĩa quân Tây Sơn kết hợp phương thức hậu cần cơ động (mang theo đội hình hành quân tác chiến là chính) với huy động nguồn lực hậu cần tại chỗ trong nhân dân. Từ đầu năm 1785, khoảng 5 vạn quân Tây Sơn mở cuộc hành quân vượt biển và chỉ ít ngày sau đã đến địa điểm tập kết, tổ chức và tiến hành trận đánh quyết chiến chiến lược vào đêm 19 rạng ngày 20-1-1785 (cả thời gian hành quân và tổ chức trận đánh chỉ khoảng 20 ngày). Điều đó cho thấy, khả năng cơ động, tổ chức, chỉ huy và bảo đảm hậu cần của nghĩa quân (đứng đầu là Nguyễn Huệ) rất tài giỏi.

Để bảo đảm lương thực, khí giới phục vụ cho 5 vạn quân tác chiến ở xa hậu phương, Nguyễn Huệ tổ chức hàng trăm thuyền hậu cần đi theo đội hình thuyền chiến. Việc huy động tại chỗ có thuận lợi, vì thời gian chuẩn bị và tiến hành trận đánh cũng là lúc nông dân vùng Gia Định, Mỹ Tho vừa thu hoạch lúa xong, có khả năng cung cấp số lượng lớn cho nghĩa quân tác chiến tại địa bàn. Bằng phương thức bảo đảm tự mang theo và huy động tại chỗ (tại Gia Định và Mỹ Tho), Nguyễn Huệ có đầy đủ trang bị, vũ khí, vật chất hậu cần để tiến hành trận đánh theo ý định của mình. Đây là lý do Nguyễn Huệ “đàng hoàng” mời sứ giả của quân Xiêm sang bên chiến thuyền của nghĩa quân “để khoe” các chiến cụ hùng tráng, đầy đủ của mình nhằm thị uy, trấn áp tinh thần chiến đấu của quân Xiêm.

Phát triển trang bị tốt, tạo ưu thế hơn hẳn quân địch

Những năm đầu của cuộc khởi nghĩa, trang bị, vũ khí của nghĩa quân Tây Sơn chủ yếu là giáo, mác, cung, nỏ... súng, đạn còn ít. Nhưng khi tiến hành trận Rạch Gầm - Xoài Mút, nghĩa quân Tây Sơn đã qua 14 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành về mọi mặt. Đặc biệt, nghĩa quân được trang bị hoả lực pháo binh tương đối hùng hậu, tạo ra được sức đột kích và sát thương lớn. Nhờ vậy trong trận đánh đã phá hủy đội hình thuyền chiến, tiêu diệt số lượng lớn thủy binh địch. Viên cố đạo Bá Đa Lộc, trong báo cáo gửi về triều đình Pháp lúc ấy đã viết: Cứ khoảng 5 nghĩa quân Tây Sơn có một khẩu súng, với 5 vạn nghĩa quân tham chiến ở Rạch Gầm - Xoài Mút đã được trang bị tới 1 vạn khẩu súng cùng khối lượng lớn đạn dược. Đặc biệt, các loại chiến thuyền của Tây Sơn (có hàng trăm chiếc) được trang bị ít nhất từ 1- 6 khẩu đại bác/thuyền.

Thắng lợi Rạch Gầm - Xoài Mút của nghĩa quân Tây Sơn đã thể hiện sức mạnh dồi dào của một hậu phương được tổ chức xây dựng ngày càng vững mạnh, cũng như tài tổ chức bảo đảm của nghĩa quân. Bằng phương thức tự mang theo với một đoàn vận tải chiến lược đã vận chuyển nhanh chóng, an toàn 5 vạn nghĩa quân cùng khối lượng lớn trang bị vũ khí và lương thực theo đường biển từ hậu phương vào chiến trường. Thành công đó chứng tỏ sự tài giỏi tổ chức chỉ huy quy mô lớn cũng như kinh nghiệm, thông thạo sông, biển của nghĩa quân Tây Sơn.

Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút mùa Xuân năm 1785, lần đầu tiên trong lịch sử, một đội quân khởi nghĩa cơ động tác chiến ở chiến trường xa hậu phương nhưng được bảo đảm đầy đủ nhu cầu vật chất trên cơ sở kết hợp phương thức cơ động theo đội hình tác chiến và huy động tại chỗ trong nhân dân. Đặc biệt, nghĩa quân được trang bị số lượng lớn pháo binh mạnh với đầy đủ đạn dược, góp phần tạo sức đột kích mạnh, nhanh chóng tiêu diệt hơn 4 vạn quân xâm lược Xiêm cùng tập đoàn Nguyễn Ánh, giành thắng lợi hoàn toàn. Những bài học quý đó cần được tiếp tục nghiên cứu kế thừa, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG, Nguyên cán bộ Bộ Tham mưu Hậu cần