Những người không có ngày nghỉ

Trung tá Hà Duy Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 354, kiêm Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu (HSCC) cho biết: Khoa thành lập từ năm 1996, được tách ra từ khoa Gây mê-Hồi sức, có nhiệm vụ thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng, cần can thiệp các chức năng sống trong toàn Bệnh viện và hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân nặng của các khoa khác. Ngoài ra, Khoa còn đảm nhiệm các nhiệm vụ quân y cho sự kiện lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Do đặc thù nhiệm vụ, các y sĩ, bác sĩ phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, luôn trong trạng thái cấp cứu khẩn cấp và tối khẩn cấp. Trước đây, trung bình mỗi ngày, Khoa chỉ thu dung từ 8-10 bệnh nhân, đến nay, đã tăng lên 37 bệnh nhân.

leftcenterrightdel
Chăm sóc bệnh nhân nặng tại khoa hồi sức cấp cứu.

Mặc dù áp lực công việc lớn, số lượng bệnh nhân đông, song, hiện nay, Khoa HSCC chỉ có 22 cán bộ, nhân viên, trong đó có 5 bác sĩ đảm nhiệm toàn bộ công việc hồi sức tích cực, HSCC và lọc máu. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo Trung tá Hà Duy Dương, khâu tuyển chọn đầu vào được Bệnh viện và chỉ huy Khoa đặc biệt coi trọng: “Áp lực công việc lớn, tính chất công việc căng thẳng, cường độ làm việc cao, vì vậy, nếu không có sức khỏe, trình độ chuyên môn vững và lòng yêu nghề, tâm huyết với người bệnh, chắc chắn bác sĩ, điều dưỡng không thể “trụ” lại được tại Khoa. Nắm được đặc thù đó nên Đảng ủy, chỉ huy Bệnh viện tạo điều kiện để Khoa được lựa chọn những cán bộ, nhân viên có chuyên môn vững vàng, y thuật giỏi, y đức tốt, sức khỏe dẻo dai, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống”.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, các y bác sĩ của Khoa có cường độ làm việc rất vất vả. Ngoài công việc cấp cứu hằng ngày, họ còn phải luân phiên nhau trực đêm. Ngay Trung tá Hà Duy Dương, dù là Chủ nhiệm Khoa nhưng mỗi tuần anh vẫn phải tham gia trực đêm 2 buổi/tuần. Anh tâm sự: “Có những dịp cao điểm, mặc dù nhà không quá xa Bệnh viện nhưng cả tuần tôi không được ăn cơm cùng vợ con. Có tuần còn không có thời giai trò chuyện với con vì khi ở Bệnh viện về các cháu đã ngủ, lúc mình đi làm, các cháu lại chưa dậy”.

Hết lòng vì người bệnh!

Khi nghe tôi hỏi về vấn đề y đức của cán bộ, nhân viên trong Khoa, Trung tá Hà Duy Dương chia sẻ: “Tôi về công tác ở Khoa đã được 11 năm, giữ cương vị chỉ huy cũng khá lâu, nên có thể khẳng định, ở Khoa hầu như không có hiện tượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vòi vĩnh, gợi ý để nhận phong bì của bệnh nhân và người nhà. Từ trước tới nay, Khoa cũng chưa nhận được bất kỳ một ý kiến phản ánh hoặc đơn thư tố cáo về việc cán bộ, nhân viên trong Khoa vi phạm đạo đức, thái độ phục vụ không tốt với bệnh nhân. Trong các buổi họp, giao ban, tôi luôn quán triệt cho anh em: Đối với Khoa HSCC, mệnh lệnh duy nhất là cứu người bằng mọi cách, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”. Là chỉ huy, chúng tôi luôn xác định phải gương mẫu, đi đầu cả trong công việc chuyên môn cũng như trong sinh hoạt; thực hiện tốt việc công khai, dân chủ để cấp dưới hưởng ứng, noi theo”.

Thời gian gần đây, Khoa HSCC được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại, như: Hệ thống máy lọc thận nhân tạo (15 máy); máy siêu lọc máu của BRAU (Đức), hệ thống nội soi phế quản ống mềm, bộ siêu âm xách tay tại giường; hệ thống máy thở thông minh đa chức năng (25 máy); hệ thống đo huyết áp động mạch xâm lấn; 25 giường hồi sức đa chức năng. Nhờ đó, Khoa đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân. Hiện nay, bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn không phải chuyển tuyến sau mà được lọc máu an toàn ngay tại Khoa.

Qua trao đổi, trò chuyện, Trung tá Hà Duy Dương kể cho tôi nghe về những ca cấp cứu mà anh và đồng đội đã giành giật lại sự sống cho người bệnh từ bàn tay tử thần. Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Tùng, 29 tuổi, do uống rượu ngâm mật, tiết ba ba, sau đó dùng ma túy nên bị sốc. Bệnh nhân vào Khoa trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Sau khi hội chẩn nhanh với Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ đã triển khai đồng thời nhiều kỹ thuật cấp cứu, sau một thời gian, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng tốt hơn nhưng liên tục đe dọa ngừng tim. Các thầy thuốc phải thay nhau túc trực cấp cứu. Sau một tuần, bệnh nhân mới hết rối loạn nhịp tim, huyết áp tạm ổn định, có thể tự thở, không cần dùng máy. Sau quá trình điều trị tích cực, bệnh nhân khỏi bệnh ra viện trong niềm vui vô bờ của gia đình và đội ngũ y, bác sĩ. Hay trường hợp bà Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1938, cựu thanh niên xung phong sống độc thân tại Thanh Hóa, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, suy gan, suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, bệnh nhân không có người nhà túc trực, chăm sóc. Trước hoàn cảnh đó, các bác sĩ, điều dưỡng vừa  cấp cứu, điều trị, vừa thay người nhà chăm sóc bệnh nhân tận tình, chu đáo, đồng thời, góp tiền mua đồ dùng, nhu yếu phẩm, thức ăn cho người bệnh. Hiện nay, sức khỏe của bà Bích đã dần ổn định. Không riêng trường hợp bà Bích, còn nhiều bệnh nhân vô gia cư, hoàn cảnh neo đơn vào cấp cứu tại Khoa HSCC đã được các y, bác sĩ quan tâm, chăm sóc chu đáo, coi họ như người nhà. Chính cách cư xử giàu lòng nhân ái ấy đã giúp Khoa HSCC ngày càng nhận được sự tin yêu của bệnh nhân.

Với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng vượt mọi khó khăn, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh, những năm gần đây, Khoa HSCC đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong thu dung, cấp cứu, điều trị. Ghi nhận thành tích đó, Khoa liên tục được cấp trên khen thưởng, trở thành đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng của Bệnh viện Quân y 354 và Tổng cục Hậu cần. Trong đó, 5 năm liền (2012-2017), đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Đặc biệt, năm 2015, Khoa vinh dự là một trong số các tập thể tiêu biểu của Tổng cục Hậu cần được cử đại diện đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân. Nhiều cán bộ, nhân viên khác trong Khoa cũng liên tục được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đây chính là động lực để đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân viên khoa HSCC tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên, xứng đáng với danh xưng người thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.

Từ năm 2012 đến nay, số bệnh nhân thu dung luôn vượt chỉ tiêu được giao từ 50-70%; tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt trên 180%; tỉ lệ bệnh nhân tử vong hoặc phải chuyển viện giảm rõ rệt.

Bài, ảnh: VĂN CHIỂN