Dưới đây, Ban Biên tập đăng một số mẩu chuyện về Bác do Nhà báo Quốc Phong - nguyên Phóng viên Tạp chí Hậu cần trích trong cuốn “Hồi ức” của cố Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc (Thiếu tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - phụ trách Quân y) và Hồi kí “Những giọt nước và dòng sông” của cố Trung tướng Đặng Kinh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Những quân y sĩ đầu tiên được Bác Hồ đến động viên
Trong cuốn “Hồi ức “của cố Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc có đoạn: Năm 1946, khi cách mạng còn đang ở thời kỳ “trứng nước”, theo chỉ thị của Bác Hồ, Bộ Quốc phòng bàn với Bộ Y tế tổ chức một phân đội sinh viên quân y trong Trường Đại học Y Dược để làm nòng cốt cho ngành Quân y sau này. Cục Quân y tuyển chọn được trên 20 người, biên chế thành 1 trung đội do anh Đặng Văn Việt làm Đội trưởng, tôi (Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc) làm Chính trị viên.
Chúng tôi được mặc quân phục, đeo súng ngắn, đội mũ sao vàng và ở nội trú. Nơi ở của chúng tôi là trường mồ côi, cuối phố Hàng Chuối (Thành phố Hà Nội).
Ngày làm lễ khai mạc, đúng 9 giờ sáng, chúng tôi đã tập hợp xong, đội ngũ chỉnh tề. Anh Vũ Văn Cẩn, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, lúc đó là Cục trưởng Quân y đón Bác và anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) vào. Trong bộ quần áo kaki giản dị, trông Bác vẫn còn gầy, vầng trán cao, mắt sáng. Bước đi của Bác rất nhanh.
Sau lễ chào cờ và báo cáo vắn tắt của anh Cẩn, Bác chỉ nói mấy câu, đại khái:
- Các chú sẽ làm thầy thuốc trong Vệ Quốc đoàn, chăm sóc sức khỏe của cán bộ và chiến sĩ. Để sau này làm được nhiệm vụ ấy, Bác khuyên các chú phải biết và thực hiện:1. Đoàn kết; 2. Tích cực; 3. Dũng cảm; 4. Nhân ái; và thứ 5: Hy sinh.
Các chú luôn nhớ mình là người chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, người chiến sĩ Cách mạng. Các chú có nhớ không?
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu |
- Có ạ. Tất cả đồng thanh.
- Bác chào các chú!
Một tháng sau, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Chúng tôi được gọi là quân y sĩ. Nhiều người được phân công đi chiến trường. Số còn lại theo thầy Hồ Đắc Di, thầy Tôn Thất Tùng lên Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và hằng năm lại có thêm cán bộ quân y khác học lên bác sĩ. Mười “Chữ Vàng” của Bác Hồ căn dặn được anh em chúng tôi nhắc nhớ đến tận cuối đời.
“Sao giát giường lại cong như thế này?”
Cuối tháng 11-1946, Bác đến thăm Quân y viện Trung ương Vệ Quốc đoàn. Gọi là Trung ương, vì lúc đó nhiều địa phương đã có Quân y viện. Quân y viện Trung ương (tiền thân của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày nay) được tổ chức rất gấp (chỉ trong vòng vài tháng) ở địa điểm hiện nay là Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (Bộ Y tế) ở phố Tràng Thi bây giờ, đối diện với Bệnh viện Phủ Doãn (bây giờ là Bệnh viện Việt - Đức).
Làm sao mà tổ chức được một bệnh viện gần 200 giường với hai bàn tay trắng trong một thời gian ngắn?
Chúng tôi đã tận dụng nhà cửa sẵn có, chỉ sửa chữa rất ít theo yêu cầu chuyên môn. Còn trang bị thuốc men, trang bị hậu cần thì đi xin, hoặc đi mua; có cái lấy từ các bệnh viện dân y (Đồn Thủy, Bạch Mai, Phủ Doãn); có cái do các bệnh viện tư, các dược sĩ hảo tâm biếu bộ đội.
Tôi (Cố Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc) nhớ, cao nhất lúc đó là mấy bộ đồ mổ, 1 máy X-quang lưu động của Pháp, 1 xe Hồng thập tự Ford V8. Nhân viên gồm có 2 bác sĩ: Nguyễn Tấn Di Trọng, Đỗ Tạo Tiềm và gần chục sinh viên quân y (gọi là quân y sĩ), vài nữ Hồng thập tự.
Mới 6 giờ sáng, Bác đã tới. Lúc đó, tôi mặc quần đùi, may ô, đang tập thể dục. Có người gọi, tôi choàng vội chiếc bờ lu trắng, tất tả đi đón.
Bác đang ở nhà bếp, xem từng thứ một: chảo cơm, thùng canh, xoong tép khô kho với khế, một vài hộp sữa. Vài cái bàn nhỏ, bẩn ơi là bẩn! Bác từ bếp bước ra. Trong nét mặt ông Cụ thoáng thấy hơi buồn buồn.
Tôi đưa Bác đi thăm từng buồng bệnh. Lúc đó Viện chỉ có 1 khoa Nội (phần lớn là bệnh nhân sốt rét), 1 khoa Ngoại, 1 khoa Lây, 1 khoa Phi lâm sàng (không gọi là Cận lâm sàng như ngày nay).
Đến buồng các thương binh nặng, Bác hỏi:
- Các đồng chí này từ đâu về?
- Thưa Bác! Từ nhiều đơn vị. Xa nhất là từ sông Cầu về và từ Trung bộ ra. Bác đến bên một giường. Lật cái chăn mỏng lên, bên dưới là một thương binh trẻ. Anh chừng 20 tuổi, gầy gò, bị gãy xương đùi phải, đang nằm ưỡn người trên một giát giường sắt cong queo, trông thật tội nghiệp!
Bác hỏi: Sao giát giường lại cong như thế này? Không ai dám trả lời. Lại là cái nhìn buồn buồn của Bác! Rồi Bác nói thêm: Nằm như vậy mệt thật đấy! Chiến sĩ mình chịu khổ đã quen rồi. Bác nói mà thấy nghèn nghẹn...
Ngay hôm đó, tôi báo cáo lại với anh Tiềm (Viện trưởng), anh Cẩn (Cục trưởng Quân y) rồi sang Bệnh viện Phủ Doãn, xin mấy chiếc giường đặc chủng để thương binh nằm điều trị.
Bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Giám đốc Bệnh viện ủng hộ ngay. Như vậy, hóa ra là chúng tôi chưa biết đi xin, chứ không ai tiếc cái gì đối với việc phục vụ người thương binh Vệ Quốc đoàn cả...
“Bác đã mượn thì Bác trả”
Những ngày Bác sĩ Nguyễn Sỹ Quốc được trực tiếp làm thầy thuốc cho Bác đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên, nhất là trong chuyến Bác đi công tác Cao Bằng vào đầu năm 1951.
Ông viết: Sau mấy ngày đi đường, đêm đi, ngày nghỉ và làm việc, Bác nhận thấy anh em dọn bữa để Bác dùng cơm có quá nhiều chiến lợi phẩm thu được của địch trong Chiến dịch Biên giới. Nào thì bơ, pho mát, nào là sữa, thịt hộp, lại có cả rượu vang. Bác thấy thế nên hỏi, một đồng chí trả lời: Thưa Bác, không phải mua và mất tiền gì đâu ạ.
Bác nói: Chiến lợi phẩm, dù không mất tiền, song lại mất xương máu của chiến sĩ, công sức của cải của đồng bào, thế thì còn đắt gấp bao nhiêu lần?
Một hôm khác, Bác mệt. Tôi bưng cốc sữa lên để Bác uống. Bác hỏi: Chú A. ốm, vậy liệu có được uống sữa không?
Đồng chí Nhất, cần vụ của Bác, trả lời: Thưa Bác có ạ, đồng chí ấy nay đã đỡ.
Thì ra, ông Cụ ngày nào cũng giao đồng chí Nhất đi nắm quân số và tình hình ốm đau trong Đoàn.
Sau này, khi về đến gần ATK, trước khi Đoàn giải tán, có một việc gây cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt sâu sắc.
Trời còn lạnh, Bác vẫn còn húng hắng ho. Mặc dầu vậy, Bác vẫn cởi chiếc áo Capot màu cỏ úa của nhà binh Pháp (cũng là chiến lợi phẩm của Chiến dịch Biên giới) do anh Trần Đăng Ninh (khi đó là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) đưa Bác mặc lúc ra đi, nói là để gửi trả lại Tổng cục Cung cấp.
Các anh Bùi Phùng, lúc đó là Trưởng phòng Chính trị, Cục Vận tải (sau làm Thứ trưởng Quốc phòng), anh Nguyễn Hữu Lê (sau này là Phó tư lệnh Quân khu 1) đề nghị Bác giữ lấy mặc luôn cho đỡ lạnh.
Bác nói “Bác đã mượn thì Bác trả. Vả lại Bác đã có áo ấm rồi. Ở nhà không rét như ở Cao Bằng"...
Những đặc ân bất ngờ
Cố Trung tướng Đặng Kinh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Người từng được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam có những hồi ức thật tuyệt vời với Bác mà ông và gia đình rất đỗi tự hào.
Sau trận tập kích Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) ngày 7-3-1954 do Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh trực tiếp làm Chỉ huy trưởng đã khiến ông trở nên nổi tiếng. Trận tập kích có một không hai trong lịch sử chiến tranh du kích nước nhà, do ta tiêu diệt 59 máy bay các loại chỉ trong 15 phút, rồi quân ta rút ra ngoài đã trở thành một kỳ tích oanh liệt. Sân bay Cát Bi như một biển lửa cháy trong suốt 17 giờ, trong khi cả 32 cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu rút ra an toàn sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chỉ duy nhất 1 chiến sĩ, dù đã thoát ra ngoài nhưng sau đó bị hy sinh do không may trúng phải đạn địch bắn vu vơ trong đêm.
Ông và đơn vị đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen thưởng danh hiệu "Đoàn Dũng sĩ Cát Bi” cùng Huân chương Quân công hạng Nhất. Từng người trong 32 người đều được thưởng Huân chương các loại. Riêng Chỉ huy trưởng Đặng Kinh được thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Do trận đánh mang tính hủy diệt nói trên đã khiến Pháp bị tổn thất nặng nề. Nó giúp cho trận tập kích cứ điểm Điện Biên Phủ của chúng ta gặp nhiều thuận lợi hơn. Chính vì thế, cả Chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm, quân ta cũng chỉ tiêu diệt có 62 máy bay cả thảy. Nó cực kỳ ý nghĩa cũng là vậy.
Đối với vị Tỉnh đội trưởng Kiến An Đặng Kinh ngày ấy, Bác rất yêu quý cũng có thể là do kỳ tích này.
Sau đó, Bác Hồ từng ban một đặc ân cho ông Đặng Kinh mà chính ông cũng không dám nhận nó. Âu cũng bởi đời sống cán bộ, chiến sĩ khi đó đều vô cùng thiếu thốn, làm sao một vị chỉ huy lại dám nhận đãi ngộ khác người được. Số là sau trận đánh sân bay Cát Bi lừng danh đó, Bác Hồ biết ông là vị chỉ huy du kích tài ba. Bác còn biết kỹ đến cả sức ăn của chàng thanh niên Đặng Kinh khi mới 33 tuổi. Ông có khổ người khá to lớn, ăn rồi mà vẫn luôn đói như lúc chưa ăn.
Bà Thu Hà, con gái ông, nay đã gần 70 tuổi, bồi hồi kể thêm với tôi rằng: Bác Hồ có chỉ đạo với quân đội ưu tiên cho ông được hưởng 2 suất gạo. Thế nhưng, ông Kinh đã từ chối tức thì, không dám nhận đặc ân đó từ Bác. Bởi, vị chỉ huy ấy thừa hiểu đời sống của cán bộ, chiến sĩ ta rất thiếu thốn và ăn uống kham khổ chứ đâu chỉ một riêng ai.
Chỉ đến sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, ông mới dám nhận một đặc ân thứ hai từ Bác Hồ kính yêu.
Bà Đặng Thu Hà kể tiếp, đó là chuyện Bác Hồ mời cha bà vào Phủ Chủ tịch năm 1967. Mục đích để Người hỏi thăm chuyện Chiến trường Trị Thiên Huế hiện ra sao? Đó là chuyện vô cùng đáng nhớ trong đời người cha thân yêu của bà với một vị lãnh tụ vĩ đại đầy kính yêu của dân tộc.
Khi ông Đặng Kinh vào Chiến trường Trị Thiên Huế là với tư cách Tư lệnh Quân khu. Sau, do tình hình chiến sự, Bộ Chính trị cử một đồng chí Ủy viên Trung ương tăng cường cho Quân khu. Thế nên ông Đặng Kinh xuống làm Phó Tư lệnh. Lúc đó, cũng do ông nắm chắc công việc nên được Tư lệnh cử ra Bắc báo cáo tình hình cuối năm 1967. Đây cũng là thời điểm ông ra Bắc để nhận nhiệm vụ chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 sau đó.
Bữa đó, ông Đặng Kinh được Bác Hồ tặng riêng cho 2 lạng cao hổ cốt và 1 hộp sâm Cao Ly (sâm Bắc Triều Tiên). Bác nói “để chú bồi dưỡng, tiếp tục trở lại chiến trường chỉ huy chiến đấu“.
Ông cũng hiểu sâu xa vì lý do gì mà mình lại được đặc ân ấy từ Người. Phải chăng, ông Cụ có thể biết Tỉnh đội trưởng Đặng Kinh đánh Sân bay Cát Bi năm xưa đã từng từ chối đặc ân của Người: Không dám nhận thêm tiêu chuẩn gạo mà Người chỉ đạo trong thời kỳ 1954? Và nay, Người lại có ý muốn “bù đắp” cho ông, động viên ông?
Nên hiểu rằng, thời chiến tranh, động vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá. Song, thời kỳ những năm 60-70 của thế kỷ trước, khi đất nước ta còn chiến tranh thì luật bảo vệ động vật quý hiếm cũng chưa có. Vì vậy nên việc dùng xương hổ, gấu, hươu, mèo... được người dân hay nấu cao. Người ta xem đó cũng bình thường và dùng nó để chữa bệnh hoặc tăng cường sức khỏe khi đời sống cán bộ cũng như người dân còn muôn vàn thiếu thốn về vật chất, trong đó có dinh dưỡng hoặc thuốc men...
Qua những câu chuyện giản dị và cảm động trên cho thấy, tình yêu thương con người luôn là một trong những đức tính cao quý tuyệt vời của Bác: Sống giản dị vô cùng, không nghĩ về mình mà rất mực quan tâm đến người khác. Luôn quan tâm động viên, khen thưởng người lính, dù người đó ở cấp nào… Đó là việc cần thiết đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong “Học tập và làm theo Bác” hiện nay và mai sau.
QUỐC PHONG, Nguyên Phóng viên Tạp chí Hậu cần