Bước vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhu cầu lương thực, vũ khí cho chiến trường ngày càng lớn, trong khi công tác hậu cần, tiếp tế ngày càng khó khăn, gian khổ. Dự Hội nghị cán bộ chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Bắc (1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ý kiến định hướng và chỉ đạo, đồng thời động viên, khơi dậy tinh thần quyết tâm của cán bộ tại Hội nghị. Câu nói của Bác là sự khẳng định vai trò to lớn của lương thực, vũ khí đối với sự nghiệp kháng chiến của quân và dân ta, là nguồn sức mạnh giúp bộ đội yên tâm cầm súng chiến đấu, tin tưởng vào thắng lợi. Lời dạy của Bác là sự căn dặn về thái độ của mỗi cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận đối với lương thực và vũ khí, từ đó có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nhất, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở căn cứ Việt Bắc. Ảnh: Tư liệu 

Lời dạy của Bác năm xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn đối với mọi cấp, mọi ngành, mọi người về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù sự nghiệp đổi mới đã và đang thu được nhiều thành tựu to lớn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển đất nước phải tiết kiệm, hợp lý. Những tài sản Nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp đều từ đóng góp của người dân, đòi hỏi người sử dụng phải có ý thức giữ gìn, bảo quản và sử dụng tiết kiệm. Mỗi người cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình, thực hiện cần, kiệm, đóng góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng đất nước.

Học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; phong trào thi đua của các chuyên ngành Hậu cần và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” đã phát huy tinh thần tiết kiệm, giữ tốt, dùng bền các loại vũ khí, trang bị trong biên chế. Trước hết, mỗi người cần phải có nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý lương thực, thực phẩm, điện, nước, chất đốt, vũ khí trang bị… Trên cơ sở đó, cụ thể hóa trong công tác hằng ngày, bằng việc tiết kiệm những tiêu dùng không cần thiết như điện, nước, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm…; bảo quản và sử dụng đúng mục đích các loại vũ khí, khí tài, trang bị trong huấn luyện, diễn tập và thực hiện các nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong công tác quản lý, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, vừa thực hiện đúng, đủ tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội, vừa không để xảy ra tình trạng tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, phải đấu tranh kiên quyết và có hiệu quả với những biểu hiện lãng phí, những hành vi sai trái trong bảo quản, sử dụng không đúng mục đích các trang thiết bị, thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Ban Biên tập (Lược trích "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa" do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2019)