Với sự quan tâm và tình cảm đặc biệt, ngày 15-6-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho lớp học. Hai bức thư ngắn, nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn của Bác Hồ và “Người anh Cả của ngành Hậu cần Quân đội”. Những tư tưởng ấy là nền tảng, kim chỉ nam cho sự phát triển, trưởng thành của ngành Hậu cần Quân đội 70 năm qua và tương lai.      

Tháng 7-1950, Trung ương quyết định tổ chức lại các cơ quan Bộ Quốc phòng. Đồng chí Trần Đăng Ninh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Tháng 02-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tổ chức ở Tân Trào - Tuyên Quang đã quyết định nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có vấn đề đẩy mạnh kháng chiến và xây dựng Quân đội. Báo cáo của Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày đã nêu rõ: “Cần phải kiên quyết cải tiến cấp dưỡng cho bộ đội, quy định chế độ cấp dưỡng thích hợp với nhu cầu của Quân đội và khả năng đảm phụ của Nhân dân”. Quán triệt Nghị quyết, tháng 6-1951, Tổng cục Cung cấp mở Lớp Huấn luyện đầu tiên đào tạo cán bộ Hậu cần (tại Khuôn Lồng, Yên Đổ, Phú Lương, Thái Nguyên). 70 cán bộ Cung cấp của các đại đoàn, trung đoàn được triệu tập về học tập. Thời kỳ này, tâm lý bộ đội nói chung rất ngại làm công việc cung cấp, vì đây là công việc vất vả mà cá nhân ít có điều kiện lập thành tích như cán bộ chỉ huy. Bởi vậy, đa số bộ đội đều muốn trực tiếp chiến đấu. 

leftcenterrightdel
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) sáng 16-2-1969. Ảnh tư liệu.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bộ đội, ngày 15-6-1951, trên cương vị là người trực tiếp phụ trách Lớp Huấn luyện đào tạo cán bộ Hậu cần và là Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết một bức thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, đồng chí đã trình bày khá chi tiết tình hình lớp học, phân tích đặc điểm của đối tượng học viên, tình hình đội ngũ giáo viên, đội ngũ cố vấn và cán bộ phụ trách, đặc biệt nhấn mạnh về tình hình của học viên và đề nghị Bác có lời khuyên cho học viên.

Nhận được thư của đồng chí Trần Đăng Ninh, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhanh chóng viết thư cho lớp học. Người phân tích, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc trong tư tưởng, động viên cán bộ, học viên Cung cấp yên tâm phục vụ bộ đội; chỉ rõ những công việc cần thực hiện trong quản lý, huấn luyện… Người giải đáp tất cả những vấn đề mà đồng chí Trần Đăng Ninh đã đề cập.

Trước hết, Người lý giải nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại, cho rằng công việc cung cấp không quan trọng, không có điều kiện lập thành tích như việc trực tiếp chiến đấu trước mặt trận trong đội ngũ học viên. Người viết: “Công việc Cung cấp cũng quan trọng như việc trực tiếp đánh giặc trước mặt trận. Cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội thì bộ đội mới đánh thắng trận. Điều đó rất rõ ràng, dễ hiểu… Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác, nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ: Trong một cái đồng hồ, cái kim chạy suốt ngày đêm, nhưng con số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số cũng muốn chạy như cái kim, hay là cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”…

Về tâm lý sợ bị mang tiếng tham ô, hủ hóa…, Người cho rằng: “Có người nói: Cán bộ Cung cấp thường mang tiếng hủ hóa, mình không muốn mang tiếng, nên muốn đổi công tác. Nói như vậy là lầm, lầm to. Những kẻ hủ hóa là vì thiếu đạo đức cách mạng, đồng thời vì các cơ quan thiếu kiểm tra, thiếu phê bình và tự phê bình. Thiếu những điều đó thì bất kỳ làm công tác gì cũng dễ hủ hóa”. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ Cung cấp muốn mình không bị mang tiếng là tham ô, hủ hóa thì phải trau dồi đạo đức cách mạng, thực sự là kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính; các cơ quan Cung cấp phải thường xuyên kiểm tra, phê bình và tự phê bình... “Vì vậy, cán bộ Cung cấp càng phải làm kiểu mẫu cần, kiệm, liêm, chính. Các cơ quan cung cấp cần phải thực hành kiểm tra, phê bình và tự phê bình, để cải chính dư luận bảo rằng: Cán bộ Cung cấp thường hủ hóa”. Trong thư, Người đặc biệt nhấn mạnh về phẩm chất đạo đức của người cán bộ cung cấp: “Nhiệm vụ chính của cán bộ Cung cấp là phụng sự đại đa số của bộ đội, tức là người binh nhì. Phải thương yêu săn sóc người binh nhì. Cán bộ cung cấp như người mẹ, người chị của binh nhì…”. Những lời căn dặn của Người trong bức thư đã trở thành kim chỉ nam cho mỗi hành động của người cán bộ Hậu cần, thể hiện tư tưởng nhân văn cao cả, tình đồng chí, đồng đội gắn bó, yêu thương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác hậu cần trong thời gian tới, lý giải, căn dặn cụ thể, chi tiết những việc cần phải làm để bảo đảm công tác hậu cần Quân đội được thông suốt. Người viết: “Có người lại e rằng: Lề lối làm việc mới của cán bộ cung cấp có thể không ăn khớp với cách làm việc cũ của cán bộ chỉ huy. Cán bộ Cung cấp tiến bộ thì cán bộ chỉ huy ắt cũng tiến bộ. Những chính sách và đường lối Chính phủ đã định, thì cán bộ ngành nào cũng phải phục tùng. Gần đây sẽ có tiêu chuẩn Cung cấp mới. Nó sẽ giúp cho cán bộ Cung cấp dễ làm việc hơn. Điều kiện cần thiết là cán bộ Cung cấp phải biết rõ ràng số người mình phụ trách cung cấp.

Phải có kế hoạch đầy đủ, sổ sách rành mạch.

Phải thấy trước, lo trước.

Phải có sáng kiến và phải tháo vát.

Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính.

Phải khéo áp dụng những điều đã học và những kinh nghiệm đã có và sẽ có.

Như vậy, thì chắc anh em sẽ làm tròn nhiệm vụ, sẽ không phụ sự ân cần dạy bảo của các đồng chí giáo viên, để xứng đáng với sự tin cậy của Chính phủ, đoàn thể và bộ đội.

Chúc các đồng chí mạnh khỏe và cố gắng.

Chào thân ái và quyết thắng!

HỒ CHÍ MINH”

Đã 70 năm trôi qua, lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một kỷ vật vô giá, thể hiện sâu sắc quan điểm tư tưởng xuyên suốt về công tác Hậu cần Quân đội nói chung và công tác giáo dục đào tạo cán bộ Hậu cần nói riêng. Đó là những lời dạy ân cần sâu sắc, vừa nêu rõ quan điểm phục vụ của ngành Hậu cần, vừa đề ra yêu cầu cụ thể về phẩm chất, trách nhiệm của cán bộ Hậu cần đối với bộ đội; đã giải tỏa mọi ưu tư, thắc mắc, không yên tâm của một số cán bộ, chiến sĩ Lớp Huấn luyện cán bộ Cung cấp và cán bộ ngành Hậu cần năm đó. Mọi người sau khi đọc bức thư của Bác đã quán triệt, tin tưởng, dốc sức, dốc lòng phụng sự kháng chiến. Chính vì vậy, 70 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Hậu cần toàn quân đã không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần xây dựng Ngành, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Trung tá, ThS Lê Thành Công, Học viện Hậu cần