Trước khi từ tàu lớn xuống xuồng vào Nhà giàn DK1/15, chúng tôi được cán bộ tàu phổ biến, hướng dẫn rất chi tiết cách tiếp cận. Một trong những quy định bắt buộc là khi bước từ xuồng lên cầu thang nhà giàn phải với chân lên bậc thang cao nhất có thể. Đơn giản, nếu bước thấp, gặp đúng lúc sóng dềnh, nâng xuồng lên theo, chân người rất dễ bị thân xuồng đập nát vào cọc đỡ nhà giàn. Sự cảnh báo quả là không thừa! Chiều ấy, biển mới chỉ hơi “trở mình” đã khiến việc lên nhà giàn DK1/15 của chúng tôi vô cùng vất vả, nguy hiểm.
    |
 |
Rác thải của các nhà giàn được chuyển về đất liền xử lý theo quy định. Ảnh: CTV. |
Vừa tiếp cận được Nhà giàn, chiếc xuồng đầu tiên đưa một số lãnh đạo trong đoàn và các phóng viên vào Nhà giàn đã bị sóng đẩy ngược ra. Sau mấy lần lượn ra lượn vào xuồng mới tiếp cận được. Bắt được sợi dây từ xuồng tung lên, các cán bộ, chiến sĩ trên Nhà giàn hò nhau, căng sức ghì cho xuồng áp sát cầu thang. Khó khăn lắm từng người mới lựa chân theo chiều lên xuống của sóng để bước lên cầu thang. Bên trên, bốn cánh tay rắn chắc của hai chiến sĩ đứng hai bên sẵn sàng hỗ trợ từng người. Leo tiếp lên mấy tầng cầu thang chúng tôi cũng đặt chân lên được Nhà giàn. Đó là một tổ hợp làm việc, sinh hoạt có diện tích sàn rộng khoảng 100m2. Điều làm chúng tôi bất ngờ là, ở độ cao hơn 30m so với mặt nước biển, nằm trong vùng thường xuyên ảnh hưởng của bão, gió, thời tiết khắc nghiệt nhưng những khay rau xanh đủ các loại, kể cả những loại khó trồng như mướp và các loại rau gia vị vẫn xanh tốt trên tầng cao nhất. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Hà - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15, nếu như trước đây, nguồn rau xanh hoàn toàn phụ thuộc vào các chuyến tàu từ đất liền gửi ra, thì nay, việc trồng rau trên nhà giàn từng bước bảo đảm nguồn rau xanh cung cấp vào bữa ăn hằng ngày. Hiện, Nhà giàn có 126 bồn Composite trồng rau xanh với đủ loại rau phong phú, đa dạng như rau muống, mùng tơi, bầu đất, rau dền, cải cay, rau ngót, rau sam, rau thơm… Những mầm xanh vẫn vươn lên mạnh mẽ như thách thức cùng nắng gió khắc nghiệt của biển khơi. Cũng trên Nhà giàn, có một dãy chuồng sắt nuôi gà, vịt, cùng những chú lợn béo tròn. Đây là nguồn thực phẩm tại chỗ quan trọng đối với bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Ngoài ra, anh em còn tổ chức làm đậu phụ, ủ giá đỗ để tăng thêm nguồn rau xanh trong bữa ăn. Năm 2019, Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên thu được gần 1.300 kg rau xanh, trên 2.000 kg thịt, cá các loại cùng một số thực phẩm khác như nước mắm, đậu phụ, giá đỗ, thu lãi trên 25 triệu đồng.
Nằm trên bãi Phúc Tần, Nhà giàn DK1/16 là một trong số ít nhà giàn phát triển thành công mô hình chăn nuôi xanh, sạch. Cũng như trồng rau xanh, việc đưa con giống và lựa chọn giống vật nuôi để thích nghi được với điều kiện môi trường, thời tiết trên biển là rất khó, chỉ cần sơ sẩy một chút thì toàn bộ số vật nuôi sẽ chết. Các cán bộ, chiến sĩ đã tranh thủ học hỏi các kiến thức chăn nuôi từ báo đài, áp dụng những kinh nghiệm dân gian để vận dụng vào chăn nuôi được tốt hơn. Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16, chia sẻ: Chúng tôi rút kinh nghiệm bằng những biện pháp dân gian của ông bà mình ngày xưa như: chuồng thì rắc vôi, che chắn kín gió... Việc đó về sau đã trở thành một thói quen, không những đảm bảo nuôi được gia súc, gia cầm mà còn phát triển đàn giống. Ở đây, chúng tôi không sử dụng phân bón hóa học mà sử dụng phân vi sinh; không sử dụng thức ăn công nghiệp mà tận dụng gốc rau xanh, thức ăn thừa để chăn nuôi. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh rất được chú trọng. Bộ phận quân y thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh hằng ngày, hằng tuần đảm bảo tốt tất các khâu an toàn trong chăn nuôi.
    |
 |
Rau xanh trên Nhà giàn DK1/15. Ảnh Trần Duy Tình. |
Mặc dù không được đặt chân lên tất cả các nhà giàn DK1, nhưng chúng tôi được biết, tuy diện tích chật hẹp, việc trồng trọt và chăn nuôi còn gặp khó khăn, song hiện nay, nhờ tích cực, chủ động trong tăng gia sản xuất, thực đơn hằng ngày của 100% bếp ăn đều có rau xanh và thịt tươi, góp phần cải thiện đáng kể bữa ăn bộ đội nơi đầu sóng, ngọn gió.
Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là chốt giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, nhận thức tầm quan trọng của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh; sự tác động của việc ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong những năm qua, các nhà giàn đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác bảo vệ môi trường biển, “Nói không với rác thải nhựa”. Do điều kiện khí tượng thủy văn vùng biển có các nhà giàn DK1 tương đối phức tạp, xa đất liền, nên việc thu gom, xử lý rác thải trên các nhà giàn gặp nhiều khó khăn. Lượng rác thải sinh hoạt của bộ đội và ngư dân tàu đánh cá hoạt động gần nhà giàn khá nhiều, nhưng không có điều kiện xử lý tại chỗ. Trung tá Nguyễn Xuân Mạnh, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1 cho biết: Đơn vị thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt bộ đội hạn chế sử dụng túi ni-lông, rác thải khó phân hủy, phát động 100% cán bộ, chiến sĩ không hút thuốc lá, không xả rác xuống biển. Đồng thời, vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển như cấm tuyệt đối nổ mìn khai thác cá, không đổ cặn dầu ra biển, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường biển xanh, sạch… Cùng với đó, việc thu gom rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác khó phân hủy, độc hại như túi ni-lông, giẻ lau, vỏ đồ hộp… phát sinh trong quá trình ăn ở, huấn luyện, bảo quản vũ khí trang bị đều được thu gom, xử lý đúng quy định. Khi có tàu thay trực hay có tàu ra công tác trên nhà giàn, cùng với các loại vật tư, quân trang, tư trang cá nhân thì toàn bộ rác được chuyển về bờ xử lý. Nhờ vậy, trên nhà giàn cũng như môi trường biển quanh khu vực nhà giàn luôn bảo đảm sạch sẽ, không bị ô nhiễm.
Được biết, nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Quân chủng Hải quân đã đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, chế tạo và trang bị cho các nhà giàn DK1 máy móc, phương tiện xử lý rác thải tại chỗ thành nguồn phân hữu cơ, vừa phục vụ việc trồng rau xanh cho bữa ăn của bộ đội nhà giàn, vừa góp phần chống ô nhiễm môi trường biển.
MINH THẮNG -Vùng 4 Hải quân