Ngày mới về Lữ đoàn 113, anh được bổ nhiệm giữ chức Trợ lý Hậu cần Liên đội 45. Đơn vị anh công tác thường xuyên tổ chức huấn luyện chiến đấu với cường độ cao trong mọi điều kiện khí hậu, thời tiết, do đó hằng ngày bộ đội tiêu hao nhiều năng lượng, sức khỏe nhanh suy giảm. Vì vậy, cùng với thường xuyên nắm chắc kế hoạch huấn luyện, nhất là huấn luyện trên thao trường, huấn luyện nâng cao... anh luôn chủ động tham mưu với chỉ huy Liên đội các biện pháp bảo đảm hậu cần phù hợp trong từng nhiệm vụ, thời điểm, nhất là việc bảo đảm ăn uống, ngủ, nghỉ cho bộ đội.

Những ngày thời tiết nắng nóng, anh chỉ đạo nhân viên quân y Liên đội bám sát thao trường, sẵn sàng xử trí các tình huống bất trắc và chỉ đạo nhà bếp tích cực cải tiến, chế biến món ăn phù hợp với các đối tượng. Vào thời điểm giao mùa, mùa Đông, anh chỉ đạo nhân viên quân y Liên đội duy trì việc pha nước muối loãng, nước ép tỏi bảo đảm đủ nhu cầu cho các phân đội, đồng thời tăng cường kiểm tra bộ đội súc miệng, nhỏ mũi để phòng, tránh dịch bệnh. Ngoài ra, anh thường xuyên tổ chức hướng dẫn các phân đội giữ gìn vệ sinh doanh trại, nhà ăn, nhà bếp, xử lý rác thải, không để xảy ra ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Do yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn 113 thường xuyên cơ động thực hiện nhiệm vụ xa doanh trại, có thời điểm kéo dài hàng tháng, đặt ra yêu cầu cao trong công tác hậu cần, nhất là bảo đảm nơi ngủ nghỉ, ăn uống cho bộ đội. Điển hình, đơn vị tổ chức Diễn tập DT-17 tại Trường bắn TB1, khu vực này rất khó khăn, nhất là việc bảo đảm nước tắm, sinh hoạt cho bộ đội. Được chỉ huy Lữ đoàn giao phụ trách công tác bảo đảm hậu cần cho lực lượng này, Nguyễn Hàm Đạt trăn trở nghiên cứu, tìm biện pháp bảo đảm phù hợp với thực tế. Để có đủ nước ăn, hằng ngày, đơn vị dùng xe xi-tec vận chuyển về, tuy nhiên, vấn đề bảo đảm nước tắm cho gần 200 người thì không hề đơn giản, bởi giếng nhà dân xung quanh Trường bắn hầu hết đã cạn khô. Trinh sát địa bàn khu vực trú quân, nhận thấy khu vực này nhiều suối có nước, anh đề xuất với chỉ huy cho đào các giếng nhỏ cạnh suối để mạch nước ngấm vào, rồi lắng lọc mới cho bộ đội sử dụng. Bằng cách này, bài toán cung cấp đủ nước tắm cho bộ đội đã có lời giải mà không cần phải vận chuyển từ xa về. Bên cạnh đó, trong điều kiện dã ngoại khó khăn, anh có sáng kiến hướng dẫn bộ đội lấy cát cho vào bao tải để kê phản phục vụ ngủ nghỉ, tránh bị côn trùng đốt.

leftcenterrightdel
Thiếu tá Nguyễn Hàm Đạt 

Hoặc cuối năm 2019, Lữ đoàn được giao nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các lực lượng tham gia thi công xây tường rào sân bay quân sự tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội. Thời điểm này, tại xã Đồng Tâm đang là “điểm nóng”, toàn khu vực thực hiện nhiệm vụ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”; sóng điện thoại cũng không có... khiến việc đi lại, mua bán, giao thương hàng hóa rất khó khăn. Được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức bảo đảm ăn, nghỉ cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, Nguyễn Hàm Đạt chủ động xây dựng kế hoạch, tính toán kỹ phương án bảo đảm. Những ngày đầu, để có đủ lương thực, thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội, anh chủ động liên hệ với các đơn vị bạn đóng quân gần đó hỗ trợ, mặt khác, cử người trực tiếp đến từng nhà dân trong vùng để liên hệ mua gia cầm, thịt lợn, chuối chín, rau xanh... Với sự nỗ lực của bộ phận hậu cần do anh phụ trách đã góp phần quan trọng giúp Lữ đoàn 113 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên biểu dương.

Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, đầu năm 2020, Nguyễn Hàm Đạt được cấp trên điều động lên công tác tại Phòng Hậu cần Lữ đoàn, giữ chức Trợ lý Quân nhu. Trên cương vị chức danh mới, anh luôn suy nghĩ phải làm thế nào để khắc phục khó khăn, cố gắng vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không phụ lòng cấp trên. Nổi bật là, trong điều kiện diện tích đất tăng gia sản xuất chưa đủ theo quy định, nguồn nước tưới thiếu, cùng với việc duy trì các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, anh tham mưu, đề xuất với chỉ huy Phòng Hậu cần để tham mưu với chỉ huy Lữ đoàn quy hoạch lại, xây dựng vườn rau chuyên canh tập trung theo hướng cơ bản, với diện tích hơn 3.000m2, để thuận tiện áp dụng kỹ thuật mới trong trồng trọt, giúp tăng năng suất, thay thế vườn trồng rau nhỏ, manh mún trước đây. Cùng với đó, tận dụng khu đồi huấn luyện, anh đề xuất tổ chức nuôi gà ta theo phương pháp thả vườn, quy mô 1000 con, mỗi năm thu về 2 - 3 lứa, vừa tạo nguồn thu cho đơn vị, vừa chủ động nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn bộ đội dịp lễ, tết. Anh còn mạnh dạn tham mưu với chỉ huy Lữ đoàn trồng hơn 1.000 cây chuối tiêu, 800 cây bưởi, tạo nguồn cung cấp trái cây tại chỗ phục vụ bộ đội... Nhờ đó, đến nay, Lữ đoàn tự túc 100% định lượng rau xanh, 45% định lượng thịt lợn, 60% định lượng thịt gia cầm, 58% định lượng cá.

Điều đáng trân trọng ở Nguyễn Hàm Đạt là, quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh luôn suy nghĩ, tìm tòi các biện pháp nhằm giảm bớt sức lao động, tăng năng suất làm việc lực lượng phục vụ. Tính riêng 3 năm (2018 - 2020), anh có 3 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế công tác. Trong đó, sáng kiến “Bàn đa năng” đạt giải Ba giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19, đạt giải Nhất Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ cấp Binh chủng năm 2018. Sáng kiến “Sổ tay kỹ năng sinh tồn” đạt giải Nhì Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật Binh chủng năm 2019. Kể tôi nghe về sáng kiến “Bàn đa năng”, anh cho biết: Hằng năm, đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ xa đơn vị, phải đem theo bàn ăn có kích thước lớn, trọng lượng cao, lắp ghép sẵn, bất tiện trong cơ động, di chuyển. Từ thực tế đó, anh nghiên cứu, thiết kế thành công bàn đa năng, có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm, làm bàn ăn cơm, treo bản đồ tác chiến; có thể di chuyển dễ dàng bằng các bánh xe, trên nhiều loại địa hình và điều chỉnh cao thấp theo chiều cao từng người sử dụng. Lữ đoàn đã sử dụng loại bàn này từ năm 2019, cho thấy hiệu quả, được cán bộ, chiến sĩ đánh giá cao.

Sáng kiến “Sổ tay sinh tồn” của anh cũng rất hữu ích. Sổ nhỏ, gọn (kích thước 8 x 11cm); có thể cất trong vào túi quần, áo, ba lô, túi thủ pháo… Trong đó có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật thiết yếu, sát với các tình huống cấp thiết khi người chiến sĩ thường gặp trong chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ, như: Cách xác định phương hướng khi không có la bàn; tạo lửa khi không có máy lửa; sơ cứu đồng chí, đồng đội bị say nắng, say nóng, điện giật, đuối nước; cách tìm và xử lý nguồn nước; cách phòng, chống côn trùng cắn; cách nhận biết và sử dụng một số loại rau rừng phổ biến, thường gặp... Sổ có thể trang bị đến từng chiến sĩ để tham khảo, vận dụng khi thực hiện nhiệm vụ và là tài liệu huấn luyện bộ đội kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khó khăn, khắc nghiệt...

Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, từ 2018 đến nay, Thiếu tá Nguyễn Hàm Đạt đều được đơn vị bình bầu là Chiến sĩ Thi đua (năm 2021 là Chiến sĩ Thi đua cấp toàn quân); nhiều lần được Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng tặng Bằng khen. Anh còn vinh dự được tuyên dương là “Gương mặt Thanh niên tiêu biểu” của Binh chủng năm 2019 và được thăng quân hàm trước niên hạn (năm 2021). Mới đây, anh được cấp trên điều động làm Trợ lý Phòng Quân nhu Cục Hậu cần. Với những phẩm chất tốt đẹp, Thiếu tá Nguyễn Hàm Đạt xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của ngành Hậu cần Binh chủng Đặc công và toàn quân.

NHẬT MINH