Đặc điểm CNHCTH

CNHCTH thực hiện theo chu trình khép kín, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Mô hình CNHCTH được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp từ lâu, như mô hình V.A.C đơn  giản. Tuy nhiên, mô hình V.A.C mới chỉ là sự liên kết các thành phần với nhau, giữa 3 yếu tố vườn, ao, chuồng tạo nên sự đa dạng sinh thái, tận dụng các nguồn nguyên liệu đất, nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mô hình V.A.C chưa ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý, tái tạo các chất thải, phế phụ phẩm tạo ra sản phẩm chất lượng cao cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các thành phần khác phát triển tăng giá trị sản phẩm.

Mô hình CNHCTH đã ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao và ứng dụng vi sinh với các chủng men trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, xử lý chất thải để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng cao. Ví dụ, áp dựng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giúp tiết kiệm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; men vi sinh vừa phòng trừ tác nhân gây bệnh vừa giúp vật nuôi tăng sức chống  chịu  dịch, bệnh; côn trùng sẽ phân giải hợp chất hữu cơ thành nguồn phân bón chất lượng cao và thức ăn hữu cơ cho gia súc, gia cầm…

leftcenterrightdel

 Mô hình chăn nuôi tuần hoàn.

Nguyên lý mô hình CNHCTH

Mô hình CNHCTH thực hiện theo nguyên lý: Hầu hết chất thải, phế phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng và tái chế chất thải chăn nuôi thành đầu vào cho quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các thành phần trong mô hình chăn nuôi luôn linh hoạt, đa dạng gồm các loại cây trồng như: Cây công nghiệp, cây lương thực, cây thực phẩm, cây dược liệu… và các loại vật nuôi: Trâu, bò, dê, cừu, lợn, gà, cá… Mô hình có sự tham gia của một số vật nuôi trung gian (giun quế, ruồi đen) để xử lý phế phụ thải từ trồng trọt, chăn nuôi hình thành mạng lưới thức ăn phong phú, có tính liên kết, hỗ trợ. Sản phẩm đầu ra của thành phần trước là nguyên liệu đầu vào thành phần sau. Chính sự liên kết đó tạo thành vòng tuần hoàn khép kín góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm thiểu chi phí đầu vào, phòng dịch bệnh và ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Ví dụ, mô hình “nuôi bò - giun quế - trồng cỏ - gia cầm - cá” gồm 5 thành phần, trong đó: bò và gia cầm là 2 thành phần chính, khối lượng chất thải lớn cần ưu tiên tuần hoàn và tái sử dụng; 2 thành phần phụ gồm: Nuôi cá, trồng cỏ cung cấp thức ăn, nước cho thành phần chính; thành phần trung gian: Nuôi giun quế trực tiếp xử lý, tái sử dụng phế phụ phẩm của thành phần chính, tạo nguyên liệu đầu vào cho các thành phần khác, cụ thể:

Chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm được tuần hoàn tái sử dụng: Chất thải rắn (phân) sử dụng để ủ phân compost; nước thải và một phần phân thải chưa xử lý đưa xuống bể biogas; nước thải từ bể biogas đưa xuống ao để xử lý tạo sinh khối thực vật trong ao, giảm bớt nồng độ chất dinh dưỡng; một phần nước thải từ bể biogas dùng vào ủ phân compost (duy trì độ ẩm, tăng vi sinh và dinh dưỡng cho đống ủ). Hỗn hợp phân và nước thải của bò, gia cầm dùng để nuôi các loại vật nuôi ăn chất thải (giun quế).

Để tận dụng dinh dưỡng từ phân compost, phân bón dạng lỏng, các sản phẩm phụ mới tạo ra như: Giun, phân giun, xác hữu cơ... cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: Gia cầm ăn giun; bò ăn cỏ; cá ăn phân compost, phân bón dạng lỏng; nuôi giun bằng phân compost; phân giun, phân bón dạng lỏng bón cho cỏ… hình thành chuỗi tuần hoàn khép kín. Các sản phẩm cuối cùng của quy trình chăn nuôi gồm: Sản phẩm chính (thịt bò, thịt gà, trứng gà, cá); sản phẩm phụ (giun, sinh khối giun, phân giun, phân compost, cỏ...).

Biện pháp tổ chức mô hình CNHCTH

CNHCTH cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các loại vật nuôi cây trồng kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Để tổ chức, nhân rộng và phát triển mô hình theo hướng an toàn, bền vững các đơn vị cần thực hiện các biện pháp:

Tích cực thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ về mô hình CNHCTH. Trong đó cần làm rõ ý nghĩa, vai trò của CNHCTH đối với sức khỏe vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất, giảm dịch bệnh, tăng hiệu quả, giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham quan mô hình thực tiễn góp phần nâng cao nhận thức, dễ tiếp cận thông tin, thành tựu khoa học, công nghệ mới trong lĩnh vực CNHCTH. Người tham gia quy trình sản xuất CNHCTH phải được thực hành qua tập huấn. Vì chăn nuôi, trồng trọt theo kiểu truyền thống chỉ cần nắm chắc quy trình kỹ thuật của một loại cây trồng, vật nuôi cụ thể.

Nhưng, mô hình CNHCTH người lao động phải hiểu, nắm chắc và vận dụng tốt nhiều kiến thức tổng hợp, chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp, vi sinh. Khi tổ chức tập huấn, ngoài nội dung về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cần tập trung thực hành ứng dụng công nghệ vi sinh; nuôi giun quế từ chất thải, phế phụ phẩm; sử dụng men vi sinh ủ thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật xử lý rơm, rạ, cỏ, các chất hữu cơ chậm tan, khó tiêu bằng các chế phẩm sinh học; sử dụng thảo dược trong chăn nuôi… giúp người lao động dễ dàng áp dụng vào mô hình.

Lựa chọn các mô hình CNHCTH phù hợp với khả năng của đơn vị. Các mô hình CNHCTH đang được áp dụng thành công là: Nuôi bò - giun quế - trồng cỏ, ngô - nuôi lợn, gia cầm - cá; mô hình nuôi lợn - giun quế - trồng rau; mô hình nuôi gà - ruồi đen - trồng cây ăn quả... Khi lựa chọn mô hình CNHCTH các đơn vị cần căn cứ vào đặc điểm đất đai, khí hậu thời tiết, thủy văn, hệ thống giống cây trồng, vật nuôi và trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhân viên, trong đó ưu tiên đặc điểm địa hình, khí tượng thủy văn địa bàn đóng quân.

Mỗi mô hình cần bố trí từ 3 - 5 thành phần vật nuôi, cây trồng cụ thể, ít nhất một thành phần trung gian để xử lý chất thải, tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi (giun quế hoặc ruồi đen…). Những đơn vị đóng quân vùng đồng bằng, trung du, đồi núi thấp ưu tiên mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi giun quế, ruồi đen và trồng cỏ, rau xanh, cây dược liệu… Đơn vị đóng quân trên vùng đồi núi cao có thể tổ chức nuôi trâu, bò, dê kết hợp với nuôi giun quế và trồng rừng, cây dược liệu… Các đơn vị có diện tích mặt nước lớn ưu tiên nuôi cá, tôm kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, giun quế, trồng rau, cây ăn quả... để phát huy lợi thế vùng miền.

Bố trí quy hoạch khu vực chăn nuôi theo hướng tập trung, đồng bộ, khép kín và phù hợp với tổng thể quy hoạch của đơn vị. Quy hoạch CNHCTH cần căn cứ diện tích, quy hoạch phân khu chức năng của đơn vị; tiến hành khảo sát, nắm chắc đặc điểm địa hình, thời tiết khí hậu, thủy văn, diện tích mặt đất, mặt nước, tiềm năng, lợi thế, đảm bảo quy  định bảo vệ môi trường. Cần xác định, ưu tiên bố trí diện tích theo phương hướng sản xuất chính kết hợp với sản xuất phụ trợ tạo vòng tuần hoàn khép kín.

Tốt nhất, nên quy hoạch, bố trí thành nhiều khu sản xuất chuyên biệt để hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Khi quy hoạch, bố trí các công trình cần chú ý: Đối với trồng trọt (vườn rau, vườn cây ăn quả), bố trí xây dựng cách xa khu nhà ở, nhà ăn bộ đội, chuồng trại chăn nuôi… từ 50m trở lên, gần nguồn nước tưới đảm bảo vệ sinh. Đối với chăn nuôi, trại tập trung cấp sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn và tương đương cách khu nhà ở, nhà ăn bộ đội, nguồn nước sinh hoạt… từ 200m trở lên. Khoảng cách giữa hai chuồng khác loại vật nuôi tối thiểu 50m, cùng loại vật nuôi bằng 2,5 lần chiều rộng của chuồng. Bố trí xây dựng chuồng cuối hướng gió chủ đạo, theo hướng Đông Nam hoặc hướng Nam.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong CNHCTH, như: Thiết kế xây dựng chuồng trại khép kín, trang thiết bị chăn nuôi hiện đại. Sử dụng chế phẩm sinh học (chế phẩm Fodder Yeast, Lacto Pow-der T, Powerzyme 100, Bacillus Weaner,….) và enzyme (Lysozym, Natuzyme Feed Enzyme for Pig and poultry) vào khẩu phần thức ăn để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, nâng cao sức kháng bệnh của đàn vật nuôi. Áp dụng phương pháp chăn nuôi khô, hạn chế tối đa việc rửa chuồng (nhất là trong những ngày giá rét), sử dụng một trong các chế phẩm (EM Pro-1, EM Septic-1, BiowishTM multibio 3PS,…) khử mùi hôi chuồng trại.

Đặc biệt, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như: Sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải làm phân bón hữu cơ. Sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống biogas xử lý chất thải… hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, để mô hình CNHCTH phát triển, an toàn, bền vững các đơn vị cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu nhập giống, chế biến thức ăn, nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh phòng dịch, tuyệt đối không dùng các hóa chất, kháng sinh thuộc danh mục cấm sử dụng.

Áp dụng mô hình CNHCTH trong phát triển TGSX tại đơn vị là cần thiết để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để triển khai mô hình này cần phải có sự chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật thì mới thành công.                                                           

ĐẠI TÁ, PGS, TS NGUYỄN CÔNG PHÚC (KHOA QUÂN NHU HỌC VIỆN HẬU CẦN)