Đồn Biên phòng Quang Chiểu có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 46,7 km đường biên giới với 22 mốc quốc giới, đóng quân trên địa bàn 2 xã Quang Chiểu và Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Do vị trí đóng quân xa trung tâm huyện, không có chợ, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt… nên công tác quân nhu gặp rất nhiều khó khăn.

Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy, Phòng Hậu cần Bộ đội Biên phòng Tỉnh; sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, Đảng ủy, chỉ huy Đồn đã tập trung đẩy mạnh PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quân nhu nói riêng, công tác hậu cần nói chung, góp phần cho đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những kết quả nổi bật là: Đơn vị luôn duy trì nghiêm quy định về dự trữ vật chất quân nhu SSCĐ; đồng thời xây dựng phương án huy động bảo đảm vật chất quân nhu cho các nhiệm vụ đột xuất.

Về công tác quân nhu thường xuyên: Căn cứ vào thông tư, hướng dẫn bảo đảm tiền ăn, định lượng lương thực, thực phẩm của trên, đơn vị đã thực hiện bảo đảm đúng, đủ chế độ tiêu chuẩn, kết hợp sử dụng sản phẩm tăng gia sản xuất (TGSX), tăng cường cải tiến chế biến món ăn nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội. Hội đồng giá thường xuyên được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, xác định giá lương thực, thực phẩm phù hợp địa bàn đóng quân và khả năng TGSX của đơn vị.

leftcenterrightdel
Đoàn phúc tra PTTĐ “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” TCHC kiểm tra vườn rau tập trung của Đồn (tháng 5/2022). Ảnh: CTV 

Thực hiện tốt "5 quản lý, 5 chế độ"; kinh tế công khai hằng ngày kịp thời, sinh hoạt kinh tế công khai hằng tháng đúng quy định. Chấp hành tốt 10 điều quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong Quân đội; không để xảy ra ngộ độc thức ăn và các dịch bệnh do ăn uống. Thực đơn ăn hằng tuần do chỉ huy Đồn phê duyệt, đảm bảo đa dạng, phù hợp với từng mùa trong năm, các món ăn trong tuần không được trùng lặp quá 2 bữa. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19, đơn vị chủ động tổ chức ăn 02 ca, thực hiện giãn cách trong nhà ăn.

Trong điều kiện quân số ít, thường xuyên làm nhiệm vụ xa doanh trại, để chủ động trong công tác cải tiến, chế biến món ăn, đơn vị tăng cường huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nhân viên quản lý, bồi dưỡng kỹ thuật nấu ăn cho đội ngũ nuôi quân; đặc biệt đã làm tốt công tác huấn luyện, hướng dẫn cho chiến sĩ mới được giao nhiệm vụ làm công tác nuôi quân. Về bảo đảm trang bị, dụng cụ cấp dưỡng, hiện nay, đơn vị được cấp đồng bộ 100% bàn ăn, ghế inox, dụng cụ chia ăn, dụng cụ nấu, bảo đảm đủ trang bị chia ăn định suất. Đặc biệt, được sự quan tâm của Cục Quân nhu, đơn vị đã được lắp đặt hệ thống bếp lò hơi cơ khí, bếp điện… giúp giảm sức lao động của nuôi quân, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhà ăn, nhà bếp khang trang, chính quy.

Là đơn vị đóng quân độc lập, hoạt động ở địa bàn rừng núi, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhất là vào mùa Đông nên việc bảo đảm, quản lý, sử dụng quân trang có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bộ đội. Vì vậy, cùng với tổ chức tiếp nhận, bảo quản, cấp phát đúng, đủ, kịp thời quân trang cho các đối tượng (quân trang thường xuyên, niên hạn, dã ngoại, quân trang tăng thêm, quân trang chống rét, quân trang nghiệp vụ...); đơn vị hướng dẫn bộ đội sử dụng quân trang đúng mục đích, tính chất, quy định với từng loại trang phục, đáp ứng yêu cầu mang mặc thống nhất, chính quy. Đồng thời duy trì chặt chẽ chế độ điểm nghiệm quân trang theo định kỳ. Có đầy đủ hệ thống sổ sách, mẫu biểu theo quy định, thực hiện đăng ký thống kê kịp thời, chính xác, khoa học. Quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, chủng loại các mặt hàng quân trang không để xảy ra mất mát, hư hỏng, mua bán, đổi chác, sửa chữa kiểu dáng quân trang được cấp, thực hiện tốt quy định thu hồi quân trang khi bộ đội xuất ngũ…

leftcenterrightdel
 Mô hình chăn nuôi lợn lai rừng ở Đồn Biên phòng Quang Chiểu rất hiệu quả. Ảnh: CTV

Để chủ động nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh và phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, đơn vị bố trí các vườn trồng rau, củ, quả, hệ thống giàn cây leo hợp lý, khoa học, có phân lô, chia luống, lắp đặt hệ thống tưới nước bán tự động… Tổ chức gieo trồng rau đa dạng theo mùa vụ, có rau cao cấp, rau trái vụ, củ quả dự trữ; diện tích từng loại rau hợp lý với cơ cấu có ít nhất 4-6 loại rau ăn lá, 2-3 loại rau, củ, quả. Đặc biệt, Đồn đã tự ươm được các loại giống rau đủ cung cấp cho nhu cầu trồng trọt quanh năm của đơn vị và cung cấp cho bà con Nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Hệ thống vườn gia vị, vườn cây nấu nước uống có diện tích phù hợp, cơ bản bảo đảm đủ nhu cầu thường xuyên của đơn vị. Tận dụng địa thế, điều kiện thổ nhưỡng, đơn vị kết hợp trồng các loại cây ăn quả ngắn ngày và dài ngày, như bưởi, mít thái, chuối, đu đủ… làm món ăn tráng miệng cho bộ đội. Cùng với trồng trọt, đơn vị tổ chức lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi, đảm bảo đủ diện tích, chắc chắn, có hố sát trùng, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Các loại vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin theo quy định. Hiện nay, đơn vị thường xuyên duy trì từ 45 - 50 đầu lợn thịt, 5-6 con lợn nái, 15-20 con dê, 150 - 200 con gia cầm lấy thịt và lấy trứng…

Tận dụng điều kiện tự nhiên, kết hợp với cải tạo, kè bờ kiên cố…, đơn vị đã có 1.200 m2 mặt nước nuôi cá (trong đó, 01 ao cá giống và 02 ao nuôi cá thịt), tổ chức nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh các giống cá có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả… Quá trình TGSX, đơn vị luôn chấp hành nghiêm các quy định như  không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau xanh và chăn nuôi, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, giá trị dinh dưỡng cao đưa vào bữa ăn bộ đội. Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư, vốn vay, hoạt động TGSX thường xuyên được ghi chép, thống kê, hạch toán đầy đủ, chính xác, kịp thời, sử dụng đúng mục đích, thanh quyết toán đúng nguyên tắc, không để xảy ra thất thoát, lãng phí. Giá sản phẩm TGSX, chế biến đưa vào bếp ăn luôn thấp hơn giá thị trường từ 15 - 20%. Đối với nguồn thu từ TGSX, đơn vị sử dụng 60% trích lập quỹ đơn vị, 30% tái sản xuất và 10% trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong TGSX. Kết quả TGSX hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra: Rau, củ, quả 150 kg/người; thịt các loại 58 kg/người; cá 45 kg/người; thịt gia cầm 35kg/người…; giá trị TGSX đạt trên 3.000.000 đồng/người; đưa vào ăn thêm bình quân đạt trên 2.500 đồng/người/ngày. Nhờ TGSX hiệu quả kết hợp với tổ chức tốt hoạt động chế biến, làm đậu phụ, ủ giá đỗ, muối dưa, cà… nên chất lượng bữa ăn bộ đội luôn được giữ vững và cải thiện.

 Với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quang Chiểu đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng đời sống. Đây là động lực, tiền đề để toàn thể cán bộ, chiến sĩ tiếp tục yên tâm công tác, thực sự coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong thời gian tới.

TRANG LONG