Trong hoàn cảnh đó, 3 năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng) đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, tạo ra những khu vườn rau sạch, xanh tốt quanh năm, bảo đảm cung cấp đủ rau xanh phục vụ bữa ăn hằng ngày của bộ đội...

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và tổ chức tham quan các mô hình trồng rau áp dụng công nghệ tiên tiến trên địa bàn, như mô hình vườn rau trong nhà kính, nhà lưới của Trường Đại học Nông - Lâm Huế; mô hình vườn rau thủy canh của Khoa Sinh (Đại học Sư phạm Đà Nẵng); Công ty TNHH thủy canh Gia Viên…, Ban Chỉ huy Đồn quyết định chọn mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh áp dụng trong đơn vị.

leftcenterrightdel
Vườn rau thủy canh tại Đồn Biên phòng Non nước.

Với số vốn ban đầu 100 triệu đồng do Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố và Ủy ban nhân dân quận Ngũ Hành Sơn hỗ trợ, năm 2015, Đồn triển khai thi công xây dựng 130 m2 nhà lưới khung thép, có mái che PE trong suốt. Phía trên mái che có lớp lưới che nắng cơ động. Lớp lưới này sẽ được kéo ra phủ kín mái che khi thời tiết nắng nóng và cuộn gọn lại khi thời tiết râm mát để lấy ánh sáng cho cây quang hợp. Xung quanh nhà cũng được che chắn bởi một lớp lưới để chắn gió mặn từ biển thổi vào và ngăn côn trùng xâm nhập phá hoại. Vườn rau được trang bị các khay nhựa, ống nhựa, bồn chứa nước, mô-tơ điện, bộ hẹn giờ điện tử... Hệ thống bơm tuần hoàn được cài đặt chế độ tự động hoàn toàn về thời gian và lưu lượng, tùy thuộc vào từng loại rau trồng và thời kỳ sinh trưởng của rau.

Khác với cách trồng rau truyền thống, việc trồng rau theo phương pháp thủy canh chỉ sử dụng dung dịch được pha chế sẵn, bán ngoài thị trường; tuy không quá phức tạp nhưng phải tuân thủ qui trình chặt chẽ. Vì vậy, để bảo đảm kỹ thuật, thời gian đầu, chỉ huy Đồn mời kỹ sư của Trường Đại học Nông - Lâm Huế về trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao công nghệ trồng rau cho bộ đội... Trước khi trồng, hạt giống được Đồn lựa chọn, xử lý, đưa vào khay nhựa đã lót giá thể (xơ dừa, rơm, trấu, râu ngô...). Sau khi hạt nảy mầm, cây rau dài khoảng  4 - 5 cm, tiến hành lựa chọn những cây khỏe, chuyển lên hệ thống giàn được gắn với hệ thống ống dẫn dung dịch thủy canh đã pha chế sẵn theo tỷ lệ nhất định. Do hệ thống thủy canh hoạt động hoàn toàn tự động theo  phương pháp hồi lưu, chu trình khép kín nên ngoài việc kiểm tra, bổ sung dung dịch theo định kỳ (1- 2 lần/tuần), bộ đội không phải mất thời gian chăm sóc, tưới nước, bắt sâu bệnh...

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, vườn rau thủy canh của Đồn Biên phòng Non Nước đã phát triển ổn định, thu hoạch bình quân mỗi tháng từ 180 - 200 kg rau, quả các loại đưa vào bếp ăn phục vụ bộ đội. So với trồng rau truyền thống, vườn rau thủy canh cho năng suất cao hơn 20 - 50%, rút ngắn thời gian canh tác từ 13-18 ngày (tùy loại rau); giảm công chăm sóc, rau ít bị sâu bệnh nên gần như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, Đồn có thể chủ động trồng được tất cả các loại rau xanh suốt 4 mùa trong năm mà không lo bị tác động bởi điều kiện thời tiết, khí hậu...

Để đa dạng hóa sản phẩm tăng gia, mới đây, Đồn đã xây dựng và đưa vào sử dụng khu nhà lưới có diện tích 170m2, có kết cấu tương tự  như vườn thủy canh; được trang bị hệ thống phun sương tự động, vừa tiết kiệm nước tưới, vừa làm mát không gian nhà vườn. Các công đoạn trồng và chăm sóc rau trong nhà vườn luôn tuân thủ quy trình “3 sạch”: giống sạch, nước sạch, phân sạch. Theo đó, hạt giống trước khi đưa vào gieo trồng được xử lý kỹ để phòng ngừa sâu bệnh. Nước tưới sử dụng bằng nước máy. Phân bón sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục; không dùng phân hóa học. Việc bắt sâu, bọ trong vườn được bộ đội dùng bằng tay; hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của rau. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ trong Đồn còn tổ chức đào hố trên cát, xây bể sâu chừng 50cm, lót nilon, sau đó lấy bùn đổ vào, thả giống rau muống nước. Chỉ sau 2 tuần, những bể rau muống nước trên cát này đã có thể cho thu hoạch, đưa vào phục vụ bữa ăn bộ đội...

Với mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh và sử dụng nhà lưới ở Đồn BP Non Nước cho thấy: Mặc dù thiếu diện tích trồng trọt, lại gặp nhiều bất lợi về điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, nhưng nếu dám nghĩ, dám làm, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, Đồn vẫn có thể tự sản xuất đủ rau sạch bảo đảm cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội. Thiết nghĩ, mô hình trên có thể nhân rộng ra những đơn vị cùng điều kiện trong toàn quân.

Bài, ảnh: Thượng tá HỒ SĨ MẬU