Từ năm 2018 đến nay, Lữ đoàn liên tục được Trưởng ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen...

So với các đơn vị khác trong QCHQ, Lữ đoàn 126 gặp nhiều khó khăn hơn trong công tác TGSX, bởi đơn vị đóng quân rải rác trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, trải dài từ Bắc vào Nam; nhiều diện tích đất trồng trọt bị nhiễm mặn, bạc mầu nên hiệu quả TGSX đạt thấp; đời sống bộ đội chưa được cải thiện nhiều. Năm 2013, được cấp trên đầu tư xây dựng cơ bản toàn bộ cơ sở doanh trại theo mẫu thiết kế mới, Lữ đoàn tổ chức quy hoạch khu vực TGSX theo hướng tập trung, bền vững, khép kín, cơ bản, lâu dài, gắn với quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại; ưu tiên xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, các vườn rau chuyên canh trồng các loại rau cao cấp, củ, quả để dự trữ dài ngày...

Để học và làm theo Bác một cách tự giác, đạt hiệu quả thiết thực, Lữ đoàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác TGSX, thực hành tiết kiệm đối với việc cải thiện bữa ăn bộ đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị. Đồng thời, quy hoạch khu vực TGSX, chế biến theo mô hình “5 cơ bản” (vườn, ao, chuồng, giàn, trạm chế biến cơ bản) phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị và địa bàn đóng quân; tổ chức TGSX đồng bộ ở các cấp theo hướng tập trung, bền vững, khép kín, cơ bản, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm; kiên quyết khắc phục tình trạng làm theo phong trào, thiếu tính kế hoạch. Tăng cường khâu quản lý, sử dụng sản phẩm TGSX, hướng tới mục tiêu thiết thực cải thiện bữa ăn hằng ngày của bộ đội.

leftcenterrightdel
Chỉ huy Phòng Hậu cần kiểm tra bữa ăn của Trung tâm Huấn luyện Lặn sâu. 

Nhằm đạt hiệu quả cao trong TGSX, cơ quan Hậu cần Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đa dạng vật nuôi, cây trồng; tích cực xen canh, gối vụ; phát triển chăn nuôi tập trung kết hợp phân tán theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, nhằm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, nhất là thời kỳ giáp vụ. Khu tăng gia tập trung với tổng diện tích hơn 21.000 m2 được Lữ đoàn giao cho tổ gồm 5 nhân viên quản lý, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của ngành Quân nhu. Khu TGSX được chia thành từng ô, thửa; có hệ thống đường đi chắc chắn và mương dẫn nước để tiện chăm sóc, thu hoạch. Trong vườn trồng các loại rau chuyên canh theo từng mùa, vụ; vườn củ, quả; vườn gia vị; vườn cây leo. Ngoài các loại rau ăn lá, ăn quả và cây gia vị, Lữ đoàn triển khai trồng những loại rau chất lượng cao, bảo quản được dài ngày, như su hào, bắp cải, đậu Hàn Quốc... Để chủ động trong sản xuất, Lữ đoàn xây dựng khu vườn ươm diện tích 300 m2 có mái che được xây dựng, đủ khả năng bảo đảm toàn bộ các loại cây giống cho đơn vị.

Cùng với đầu tư quy hoạch hệ thống vườn rau, khu chuồng trại chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung cũng được xây dựng đồng bộ. Chuồng nuôi lợn có hệ thống máng ăn và vòi nước uống tự động, máy sưởi ấm vào mùa đông và hệ thống phun nước trên mái làm mát vào mùa hè. Hệ thống hố ga, đường thoát nước thải, hầm và bếp biogas được bố trí khép kín, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được 30% lượng chất đốt cho Trạm chế biến. Quy trình chăn nuôi được tổ chức khép kín, từ khâu nhập con giống đến khâu thu hoạch, bảo đảm số đầu lợn hợp lý trong từng chuồng, từng ô. Lợn giống khi mua về được Lữ đoàn cho tiêm phòng các loại vắc-xin rồi mới nhập chuồng. Thức ăn cho lợn sử dụng kết hợp giữa cám công nghiệp, thức ăn dư thừa hàng ngày từ nhà ăn và vườn tăng gia. Khi lợn còn nhỏ, chủ yếu nuôi bằng cám công nghiệp; khi lợn đạt khoảng 30kg/con, kết hợp sử dụng cám công nghiệp, rau xanh tăng gia và thức ăn thừa để giảm chi phí. Ðến kỳ thu hoạch, Trạm chế biến tổ chức thu mua, giết mổ 2-3 con/ngày (tùy theo quân số), cung cấp thịt và giò, chả... cho các bếp ăn. Nhờ phương pháp chăn nuôi khoa học, hợp lý, mỗi năm Lữ đoàn nuôi được hơn 80 tấn lợn hơi, đáp ứng đủ nhu cầu thịt lợn của đơn vị. Hai năm gần đây, mặc dù dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn diễn biến rất phức tạp nhưng đơn vị vẫn thường xuyên duy trì đàn lợn hơn 100 con bởi làm tốt khâu cách ly, khử trùng chuồng trại... Ngoài duy trì đàn lợn thịt, Lữ đoàn còn tổ chức nuôi từ 800-1.200 con vịt đẻ bằng hệ thống chuồng quây được bố trí cạnh bờ ao; có thể cung cấp từ 700 - 1.000 quả trứng/ngày cho các bếp ăn đơn vị.

Đáng chú ý là năm 2016, Lữ đoàn đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng cơ bản khu chuồng nuôi gà thịt lông trắng, quy mô mỗi lần nuôi từ 9.000-12.000 con. Ưu điểm nổi bật của giống gà này là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao (nuôi 45 ngày có thể đạt trọng lượng 2,2-2,5 kg), tiêu tốn ít thức ăn hơn gà lông mầu (1,0 kg thịt gà lông trắng tiêu tốn thức ăn ít hơn 2,0 kg thức ăn). Từ năm 2017 đến nay,  Lữ đoàn thu hoạch hơn 100 tấn/năm, bán ra thị trường khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh…

 Thành công đáng kể nhất trong công tác TGSX của Lữ đoàn những năm gần đây là xây dựng thành công hệ thống ao nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích mặt nước hơn 3 ha. Ao được kè bờ bằng đá chắc chắn, nối với con sông cạnh đơn vị bằng hệ thống đường ống dẫn nên có thể điều hòa lượng nước ra vào theo nhu cầu, rất thuận lợi cho phát triển đàn cá nuôi nhiều chủng loại. Không chỉ cung cấp cho các bếp ăn đơn vị mỗi năm trên 10 tấn cá các loại, đây còn là nơi dự trữ và cung ứng nước hiệu quả cho các vườn rau của Lữ đoàn... Riêng các lực lượng làm nhiệm vụ xa Lữ đoàn (trạm, đội…) vẫn tổ chức TGSX để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ đưa vào bữa ăn.

Cùng với phát triển TGSX, quán triệt lời Bác dạy: Toàn ngành Hậu cần và mỗi cán bộ, chiến sĩ phải “Làm mẫu về cần, kiệm, liêm, chính”; “... Mọi thứ đều phải tiết kiệm. TGSX mà không tiết kiệm là vô ích...”, Lữ đoàn tập trung đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác hậu cần. Để làm tốt vấn đề này, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức giữ tốt, dùng bền, chống lãng phí cho cán bộ, chiến sĩ; triển khai nhiều biện pháp để tiết kiệm ngân sách, vật tư, tài sản, thời gian, công sức bộ đội. Duy trì nghiêm các nguyên tắc, chế độ công tác hậu cần, tài chính; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch các tiêu chuẩn, chế độ, kết hợp giao chỉ tiêu, định mức sử dụng cho từng nhiệm vụ, từng phân đội, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Đặc biệt, việc tiết kiệm điện, nước đã trở thành hành động tự giác, thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đem lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, mỗi cơ quan, phân đội, từng dãy nhà, phòng ở cán bộ, chiến sĩ đều được lắp công tơ và sổ theo dõi điện, nước tiêu thụ, nhằm nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm cho mỗi cá nhân, tập thể. Hệ thống đèn bảo vệ được bố trí lại, cắt giảm những khu vực không cần thiết. Bộ đội tự giác tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, sử dụng tối đa nguồn sáng và thông gió tự nhiên. Hệ thống đường ống dẫn nước, van, vòi luôn được kiểm tra, bảo dưỡng. Các khu nhà tắm được lắp đồng bộ vòi tắm hoa sen, vừa nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội tắm giặt, vừa giúp tiết kiệm nước...

Có thể nói, bằng việc quán triệt sâu sắc lời Bác dạy, phong trào TGSX, thực hành tiết kiệm của Lữ đoàn 126 có bước phát triển mới, toàn diện, giúp Lữ đoàn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, thịt và trứng gia cầm, đậu phụ, giò, chả; 70% nhu cầu cá tươi... với giá rẻ hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 5%-15% (tùy loại). Giá trị TGSX 5 năm gần đây của Lữ đoàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu trên giao (năm 2020 đạt 1.455.000 đồng/người, vượt kế hoạch 3%; đưa vào ăn thêm bình quân 528.000 đồng/người/năm)... Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ, xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, xứng đáng với truyền thống của đơn vị ba lần Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân mà Ðảng, Nhà nước trao tặng.

Bài, ảnh: THƯỢNG TÁ NGUYỄN QUANG TRIỆU