Ngay sau khi thành lập, Cục Hậu cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức lực lượng, thống nhất về chỉ đạo, quản lý công tác hậu cần, kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị cơ sở trong Tổng cục; sáp nhập phòng hậu cần của các Cục chuyên ngành. Theo phương án tổ chức biên chế lúc đó, Cục Hậu cần gồm 09 phòng, ban ở cơ quan, 06 đơn vị cơ sở và cơ quan Tiền phương tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng quân số 1.453 người; có nhiệm vụ vừa tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức, lực lượng theo chức năng, nhiệm vụ mới; vừa triển khai kế hoạch BĐHC trong toàn Tổng cục.

Cùng với việc BĐHC cho các lực lượng trực tiếp tham gia nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu trên chiến trường Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào, Campuchia, tại biên giới phía Bắc, Cục Hậu cần chỉ đạo, hiệp đồng với cơ quan hậu cần Cục Quân y khảo sát các đơn vị cơ sở đóng quân phía Bắc sông Hồng để làm thêm nhà tạm, bổ sung doanh cụ, lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc men dự trữ cho đơn vị.

Từ ngày 17-2-1979, khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra, thương binh chuyển về phía sau nhiều, Cục Hậu cần kịp thời cử cán bộ quân y đến Viện quân y 109 và Viện quân y 110 nắm tình hình, giải quyết ngay một số nhu cầu trước mắt. Trong điều kiện rất khó khăn về lực lượng vận tải, Cục Hậu cần huy động tối đa phương tiện còn lại, kết hợp với phương tiện của Cục Quân y trực tiếp tổ chức vận chuyển vật chất hậu cần (VCHC) vượt cấp đưa thẳng đến bệnh viện.

Nhờ đó, đầu tháng 3-1979 đã bảo đảm đủ nhu cầu VCHC cho hai bệnh viện đáp ứng yêu cầu phục vụ 1.500 thương binh, bệnh binh và BĐHC thường xuyên cho 800 cán bộ, chiến sĩ khung thường trực; dự trữ lương thực, thực phẩm đủ 45 ngày theo quy định. Ngay năm đầu mới thành lập, trong điều kiện cơ quan chưa ổn định, cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu thốn, nhưng Cục Hậu cần nhanh chóng phát triển về tổ chức lực lượng, từng bước vươn lên đảm nhiệm chức năng tham mưu đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục tổ chức chỉ đạo, quản lý, BĐHC, kỹ thuật cho các đơn vị.

Nhất là bảo đảm cho các lực lượng trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu ở biên giới phía Bắc, Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác tăng gia sản xuất (TGSX), tạo nguồn, bảo đảm đủ tiêu chuẩn ăn, mặc, ở và các nhu cầu khác. Sản xuất được 959 tấn lương thực (quy ra gạo); 126 tấn thịt, cá; 1.230 con lợn giống; 1.096.000 viên gạch, ngói; 1.927 tấn vôi, vận chuyển 89.500 tấn hàng hóa...

Trong giai đoạn (1980 - 1989) để góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, ngày càng hiện đại, thực hiện đổi mới phương thức bảo đảm VCHC, Cục Hậu cần sắp xếp lại tổ chức, biên chế theo hướng nâng cao dần chất lượng chính trị và năng lực quản lý, chỉ đạo. Quân số giảm 40% so với khi mới thành lập, nhưng nhiệm vụ tăng lên nhiều lần, có thời điểm, Cục Hậu cần bảo đảm cho trên 100 đầu mối đơn vị, với tổng số gần 94.000 người. Mặc dù vậy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, công nhân viên của Cục Hậu cần luôn nỗ lực vượt qua khó khăn gian khổ bảo đảm kịp thời, đầy đủ VCHC cho nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, xây dựng tổ chức vững mạnh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Từ năm 1990 đến nay, công tác BĐHC có nhiều thay đổi, tổ chức, biên chế của Cục xây dựng theo hướng tăng cường năng lực chỉ đạo của cơ quan, rút giảm quân số đơn vị cơ sở. Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ Cục Hậu cần lần thứ VI  (năm 1991) đến lần thứ XIII (năm 2020) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với tình hình mới. Kết quả nổi bật là: Đã tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện tốt phương thức bảo đảm VCHC gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Duy trì, quản lý chặt chẽ lượng dự trữ VCHC bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất, phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và diễn tập. Điều chỉnh lượng vật chất, trang bị hậu cần dự trữ SSCĐ, bảo quản, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, chủng loại vật chất theo quy định.

Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí quân nhu; bảo đảm đủ 100% dụng cụ cấp dưỡng, trang thiết bị mới, bếp lò hơi cơ khí, bếp gas, bếp dầu, bếp điện cho nhà ăn; đủ bảng, biển theo quy định. Nhà ăn, nhà bếp được đầu tư củng cố, xây mới theo hướng đồng bộ, chính quy. Duy trì hiệu quả trạm chế biến tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm phục vụ bếp ăn.

Phát huy thế mạnh từng đơn vị, phát triển TGSX theo hướng 4 cơ bản, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra thực phẩm sạch đưa vào bữa ăn, giá thấp hơn thị trường từ 5 - 30%; thu lãi từ TGSX bình quân đạt 1,4 triệu đồng/người/năm. Tổng cục có 21 bếp ăn thực hiện được 5 tự túc thực phẩm; 12 bếp ăn thực hiện được 4 tự túc; 7 bếp ăn thực hiện được 3 tự túc.

Hiện nay, Cục Hậu cần đã và đang đầu tư phát triển TGSX cho các kho quân nhu, xăng dầu, lữ đoàn vận tải, 02 khu TGSX tập trung tại huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội và tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Bảo đảm tốt tiêu chuẩn chế độ quân trang cho các đối tượng, nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, đáp ứng được yêu cầu mang mặc thống nhất, chính quy.

Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Tổng cục thường xuyên thực hiện tốt. Hằng năm, Phòng Quân y triển khai khám sức khỏe định kỳ cho 100% quân số; tổ chức chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, siêu âm tim, mạch cho cán bộ, nhân viên khối cơ quan Tổng cục, cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì các đơn vị phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra, phát hiện sớm bệnh lý, có biện pháp tư vấn sức khỏe, điều trị kịp thời; quân số khỏe đạt 99,4%. Tăng cường các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bộ đội tại tuyến quân y cơ sở.

Đã tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục đầu tư xây dựng cơ bản có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy hoạch doanh trại được duyệt; tuân thủ nghiêm trình tự thủ tục, tổ chức thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đầu tư xây dựng 356 dự án, công trình với tổng ngân sách 5.722,2 tỷ đồng, đạt 146% kế hoạch. Doanh trại của các lữ đoàn, bệnh viện, kho chiến lược, trung đoàn, phân kho lẻ được đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khang trang, góp phần xây dựng đơn vị chính quy, xanh, sạch, đẹp.

Trong 5 năm gần đây, có 65 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tập trung xây dựng công trình nước sạch, đầu tư hệ thống tắm nước nóng; xóa nhà cấp 4, cải tạo hệ thống điện hạ thế, nâng cấp sân đường nội bộ... Các cơ quan, đơn vị phát huy tốt phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, huy động 160.000 ngày công lao động của bộ đội, kết hợp với kinh phí trên cấp làm mới 65.500 m2 sân, đường nội bộ; sửa chữa hơn 25.000 m2 nhà; quét vôi, sơn 480.000 m2 tường; củng cố vườn hoa cây cảnh, thảm cỏ, khuôn viên doanh trại.

Tổ chức tiếp nhận, bảo đảm đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các nhiệm vụ; quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng, chủng loại nhiên liệu, dầu mỡ và vật tư kỹ thuật xăng dầu theo đúng nguyên tắc, chế độ, không để thâm hụt, xuống cấp trước thời hạn. Đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây mới 3 kho xăng dầu, tăng sức chứa lên 8.619 m3 đảm bảo chính quy, an toàn, hiệu quả. Thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, tiết kiệm được 2.085 m3 xăng dầu, tương đương 42,7 tỷ đồng. Hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải thường xuyên và đột xuất; bảo quản, bảo dưỡng trên 8.900 lượt xe; sửa chữa hơn 4.500 lượt xe; kiểm định trên 450 lượt xe ô tô, hệ số kỹ thuật Kt = 0,96, đáp ứng yêu cầu vận chuyển.

Cùng với công tác bảo đảm, Cục đã tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hậu cần cho cán bộ, nhân viên hậu cần. Tổ chức 05 cuộc thi chuyên ngành với 102 lượt đơn vị tham gia; tập huấn 570 lớp cho cán bộ, nhân viên hậu cần với 8.326 lượt người tham gia.

Những năm gần đây, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, ủng hộ đồng bào bị bão lũ, thiên tai được cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tham gia tích cực. Từ năm 2014 đến nay, Cục phối hợp các cơ quan, đơn vị trong Tổng cục và địa phương tổ chức khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí tại 9 xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Trị cho 1.495 đối tượng chính sách; tặng quà cho 120 gia đình chính sách; may quần áo đồng phục cho 285 học sinh; tặng cặp sách 776 học sinh và tặng sách vở, xe đạp cho 60 học sinh nghèo vượt khó học giỏi; tặng trang thiết bị y tế cho trạm y tế xã... với tổng số tiền trên 1,12 tỷ đồng.

Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí các gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, góp phần tăng cường công tác dân vận. Xây dựng nhà chính sách cho 09 gia đình (01 nhà do cán bộ, nhân viên trong Cục tự nguyện quyên góp ủng hộ 70.000.000đ).

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao thời gian tới, Cục Hậu cần xác định thực hiện tốt các nội dung sau:

 Một là, tập trung quán triệt và chấp hành nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các chủ trương biện pháp lãnh đạo sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII), gắn đẩy mạnh thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào thi đua "Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy". Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, làm chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng cán bộ, đảng viên. Xây dựng các tổ chức Đảng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, Cục vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Hai là, phát huy ý thức tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết thống nhất, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm và các nhiệm vụ đột xuất. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Ba là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Tập trung thực hiện tốt phương thức bảo đảm VCHC gắn với cơ chế quản lý tài chính mới trong Quân đội. Nâng cao hiệu quả công tác BĐHC đáp ứng tốt nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất.

Thực hiện tốt khâu đột phá về: Triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch về điều chỉnh tổ chức biên chế của Tổng cục và của BQP; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cấp trong tham mưu, đề xuất, thực hiện nhiệm vụ và xây dựng nền nếp chính quy. Thực hiện thiết thực, hiệu quả cải cách hành chính và kế hoạch chuyển đổi số. Đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với phong trào thi đua ”Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, phong trào thi đua của các chuyên ngành.

Phát huy thành tích đạt được, thời gian tới, Cục Hậu cần tiếp tục đoàn kết, nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm tốt hậu cần cho cơ quan, đơn vị nội bộ Tổng cục, xây dựng cơ quan ngày càng vững mạnh toàn diện “Mẫu mực tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đại tá PHẠM VĂN HIỂU, Cục trưởng Cục Hậu cần/Tổng cục Hậu cần