Sau 02 năm theo đuổi Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chính quyền Tổng thống Richard Nixon chẳng những không giành được thắng lợi có tính chất bước ngoặt mà còn lún sâu hơn vào “Cuộc chiến tranh Việt Nam”. Quân đội Sài Gòn mặc dù được Mỹ ra sức đầu tư, xây dựng nhưng vẫn liên tiếp thua trận trên các chiến trường, đẩy chương trình bình định đến bờ vực phá sản. Đối trọng lại, lực lượng Cách mạng miền Nam đang nắm quyền chủ động, từng bước mở rộng vùng giải phóng, con đường chi viện chiến lược từ hậu phương miền Bắc ngày càng vươn dài vào miền Nam. Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn buộc phải kiểm duyệt toàn bộ Chiến lược cũng như tăng cường các biện pháp để chặn đứng nguy cơ thất bại. Thực hiện âm mưu này, đầu năm 1971, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn mở 3 cuộc hành quân: Lam Sơn 719, Toàn thắng 1/71 và Quang Trung 4, trong đó, cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9 - Nam Lào chứa đựng mục đích, ý đồ và quy mô lớn nhất, điển hình cho công thức Việt Nam hoá và Đông Dương hoá chiến tranh.

Tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 719, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn huy động 42.000 quân, trong đó 33.000 quân Sài Gòn, 9.000 quân Mỹ. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 11 trung đoàn bộ binh, trong đó có 10 trung đoàn quân đội Sài Gòn, 1 trung đoàn bộ binh Mỹ, 2 thiết đoàn thiết giáp với 464 xe tăng, xe bọc thép, 16 tiểu đoàn pháo với 250 khẩu pháo... Công tác hậu cần do quân đội Mỹ trực tiếp đảm nhiệm. Căn cứ hậu cần tiền phương của địch được đặt ở Khe Sanh. Tại đây, quân đội Mỹ có thể tiếp nhận hằng ngày khoảng từ 900 - 1.000 tấn vật chất các loại và cấp phát trực tiếp bằng trực thăng đến tận cấp đại đội. Với lực lượng mạnh, chuẩn bị hậu cần chu đáo, Mỹ và chính quyền, quân đội Sài Gòn hy vọng sẽ giành được thế chủ động tiến công trước khi quân Giải phóng miền Nam cơ động đến. Thực tế, giai đoạn đầu của cuộc hành quân Lam Sơn 719, dựa vào hỏa lực mạnh của không quân, pháo binh Mỹ, vật chất dồi dào, phương tiện cơ động hiện đại, quân đội Sài Gòn cơ động khá nhanh, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho ta.

leftcenterrightdel
Sơ đồ bố trí hậu cần trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971. Ảnh: Tư liệu 

Đoán trước được âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) quyết định mở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ngày 4-2-1971, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng (BQP), Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9- Nam Lào (Mặt trận 702) được thành lập do đồng chí Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy, kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận; đồng chí Đại tá Lương Nhân - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (TCHC) được chỉ định làm Phó Tư lệnh về hậu cần, kiêm Chủ nhiệm Hậu cần Mặt trận. Lực lượng tham gia Chiến dịch gồm có Binh đoàn 70 (Sư đoàn 308, 304, 320), Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, các đơn vị vũ trang Mặt trận B5 (Đường 9 - Bắc Quảng Trị), B4 (Quân khu Trị - Thiên), Đoàn 559, 4 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo cao xạ, 3 trung đoàn công binh; 3 tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp và một số tiểu đoàn đặc công của Bộ. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị, QUTƯ và BQP tổ chức tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn.

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, QUTƯ và BQP, TCHC, Đoàn 559 khẩn trương tiến hành công tác bảo đảm hậu cần cho Chiến dịch. Cơ quan chỉ huy tiền phương TCHC được thành lập, phối hợp với Đoàn 559 gấp rút hình thành tuyến hậu cần chiến dịch tại khu vực Đường 9. Lực lượng hậu cần (LLHC) trên chiến trường gồm LLHC chiến lược - Đoàn 559, LLHC tại chỗ và hậu cần của các đơn vị tham gia Chiến dịch. Cơ quan hậu cần Mặt trận gồm một số cán bộ rút ra từ cơ quan TCHC và Cục Hậu cần Binh đoàn 70. Cơ quan bảo đảm dựa vào các binh trạm vận tải thuộc tiền phương TCHC và thuộc Đoàn 559. Hậu cần Chiến dịch trực tiếp chỉ huy Binh trạm 16, 17 trên Đường 10 và 16 trực tiếp vận chuyển chi viện cho Hậu cần Binh đoàn 70; Binh trạm 17 vận chuyển cho Hậu cần Mặt trận B5; hiệp đồng với Bộ Tư lệnh 559 và chỉ đạo các Binh trạm 32, 33, 41 trực tiếp bảo đảm cho Sư đoàn 2, Sư đoàn 324 và lực lượng chiến đấu ở phía Tây và Nam - Bắc Đường 9. Cuối năm 1970, mạng lưới hậu cần bảo đảm Chiến dịch được hình thành vững chắc, liên hoàn, nối liền hậu cần chiến lược với hậu cần chiến dịch, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ tác chiến trên tất cả các hướng của Mặt trận.

Trong suốt thời gian diễn ra Chiến dịch, Đoàn 559 cơ động lực lượng, gồm bộ binh: 27.935 người; 2 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn công binh, 2 trung đoàn pháo binh, cùng 8.271 tấn vật chất. Đây là lần đầu tiên hậu cần chiến lược sử dụng phương tiện cơ giới để cơ động lực lượng dự bị chiến lược quy mô lớn vào vị trí tập kết chiến dịch, đảm bảo đúng địa điểm, thời gian và an toàn. Tính đến ngày 31/3, số thương binh được chuyển bằng phương tiện cơ giới về hậu phương chiếm 37% tổng số thương binh.

Phối hợp chặt chẽ với Đoàn 559, Hậu cần Binh đoàn 70 đảm nhiệm vận chuyển trên hướng chủ yếu của Chiến dịch (hướng Bắc). LLHC Binh đoàn 70, gồm 1 đại đội xe ô tô (32 xe) đảm nhiệm vận chuyển đột xuất, vận chuyển nhỏ trên các cung đường không thuộc tuyến chiến lược. Binh đoàn 70 đã vận chuyển được 425 tấn hàng các loại. Ngoài ra, còn có 2 sư đoàn vận tải bộ làm nhiệm vụ vận tải từ kho chiến dịch và sư đoàn đến các đại đội, 1.500 dân công làm nhiệm vụ chuyển thương và phục vụ trên các tuyến điều trị. LLHC Mặt trận B5 ở hướng Đông, gồm 1 trung đội xe ô tô (18 xe), 5 đại đội vận tải bộ và 2.000 dân công. Khối lượng hàng chuyển lên trong Chiến dịch được hơn 1.000 tấn. Ở hướng Tây và hướng Nam, các lực lượng vận tải bộ của Sư đoàn 2, Sư đoàn 324 và Binh trạm 107 phụ trách chuyển hàng từ kho sư đoàn và binh trạm đến các kho trung đoàn, chuyển thương binh từ trung đoàn về sư đoàn. Riêng Binh trạm 107 với 3 đại đội vận tải thô sơ, phụ trách 3 cung đã chuyển 85 tấn hàng cho Trung đoàn 2/Sư đoàn 324.

Nhờ thực hiện tốt khâu vận tải, hậu cần Chiến dịch hoàn thành tốt công tác bảo đảm vật chất. Khối lượng vật chất tiếp nhận là 8.271 tấn, trong đó, đạn: 3.329 tấn; lương thực, thực phẩm: 4.196 tấn; xăng dầu: 600 tấn; hàng quân y: 56,6 tấn; hàng khác: 81,4 tấn. Tính riêng trong tháng 02 và 3/1971, hậu cần Chiến dịch đã cung cấp khối lượng lớn vật chất bằng cả trong 6 tháng cho Chiến dịch Khe Sanh (năm 1968). Riêng Binh đoàn 70 được cung cấp 4.400 tấn, gấp 2 lần khối lượng cung cấp bình quân hằng tháng trong Chiến dịch Khe Sanh. Nhờ vậy, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của bộ đội cao hơn so với các chiến dịch trước đây.

Cùng với bảo đảm lương thực, thực phẩm, hậu cần Chiến dịch trực tiếp cung cấp khối lượng lớn phương tiện, vũ khí, trang bị cho các lực lượng, gồm: Súng bộ binh: 23.312 khẩu; cối, pháo, ĐKZ: 770 khẩu; pháo cao xạ: 670 khẩu; xe ô tô (không kể của các binh trạm chiến lược): 603 chiếc; xe xích: 98 chiếc; xe tăng: 88 chiếc. Lực lượng bảo đảm kỹ thuật gồm, trạm sửa chữa xe đơn vị: 11 trạm; trạm sửa chữa vũ khí đơn vị: 26 trạm...

Nhờ các hoạt động vận chuyển, cung cấp vật chất chu đáo, vì vậy, bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội trong Chiến dịch cao nhất từ trước đến năm 1971. Định lượng ăn bình quân hằng ngày của mỗi người trên các hướng, gồm: Gạo: 700-800 gram; thịt: 25-40 gram; muối: 20 gram; đường 5-33 gram. Riêng mức tiền ăn của bộ đội hướng chủ yếu là: 0,67 đồng, ở hướng Tây: 0,58 đồng và hướng Nam: 0,45 đồng. Đa số các đơn vị được ăn 1 bữa nóng, đặc biệt có đơn vị được ăn 2 bữa nóng, 3 bữa nóng trong những ngày chiến đấu. Ngoài ra, các đơn vị hậu cần Chiến dịch còn chủ động liên hệ với địa phương Quảng Bình, Hà Tĩnh, huy động được 187 tấn thực phẩm tươi, gồm: 10 tấn thịt lợn, 10 tấn cá, 150 tấn rau, 10 tấn đậu tương, 2 tấn gạo nếp, 5 tấn su hào... góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn cho bộ đội trong Chiến dịch.

Về bảo đảm quân y trong Chiến dịch gồm: 22 đại đội quân y cấp trung đoàn, 3 tiểu đoàn quân y cấp sư đoàn, 11 đội điều trị chiến dịch, 2 bệnh viện và 2 đại đội điều trị hậu phương, 6 trạm chuyển thương cơ giới, 1 khung hộ tống chuyển thương bộ, 11 chuyển thương chuyên dụng, 7 kho thuốc dã chiến. Ở phía sau, lực lượng dự bị quân y Chiến dịch còn có 1 đội phẫu, 1 đội vệ sinh phòng dịch, 1 đội điều trị. Quân y Chiến dịch có khả năng thu dung 4.600 thương bệnh binh, được tổ chức như sau: Phía trước, tuyến trung đoàn, sư đoàn là khu vực chiến thuật, phụ trách cấp cứu, xử trí khẩn cấp và chuyển về sau; tuyến các đội điều trị Chiến dịch là tuyến thu dung, xử trí cấp cứu, xử trí cơ bản và chuyển về sau, chỉ giữ lại khoảng 100 thương, bệnh binh nhẹ ở mỗi đội điều trị; tuyến hậu phương Chiến dịch là tuyến thu dung, kiện toàn xử trí, chữa thương binh nhẹ, ổn định thương binh nặng để chuyển về hậu phương. Về tổ chức và bố trí các tuyến quân y đã tiếp cận đội hình chiến đấu, có phân tuyến hợp lý. Công tác cấp cứu, điều trị thương binh trong Chiến dịch được thực hiện tốt, kịp thời bổ sung quân số cho các đơn vị trong quá trình thực hành Chiến dịch.

Trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục phản công, tiến công địch, quân và dân Mặt trận Đường 9 đánh cho quân đội Sài Gòn - công cụ nòng cốt của Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” nhiều đòn chí mạng. Ta đã tiêu diệt 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 4 thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21.000 quân (bắt 1.142 quân), bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối, thu 2 máy bay trực thăng, 24 xe quân sự, 78 khẩu pháo, cối, hơn 2.000 súng bộ binh...

Chiến thắng của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tác chiến của Quân Giải phóng miền Nam, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi cho cách mạng miền Nam. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn được bảo đảm hậu cần đầy đủ, cơ động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật kịp thời với số lượng nhiều, thời gian khẩn trương. Bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch đã để lại nhiều kinh nghiệm về xây dựng mạng đường vận tải cơ giới, kết hợp vận tải chiến lược với vận tải chiến dịch, kết hợp hậu cần tại chỗ với hậu cần cơ động, tổ chức chỉ huy hậu cần chiến dịch... Đó là những bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại úy, ThS VŨ THỊ MIỀN -Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam