Đối với các nước khối NATO, thuật ngữ “Công tác BĐHC cho các lực lượng vũ trang” được hiểu là áp dụng các biện pháp tổng hợp để đáp ứng các nhu cầu về vũ khí, đạn dược, vật chất, xăng dầu, quân y, quân nhu, vận tải... cho lực lượng vũ trang hoạt động trong thời bình và thời chiến nhằm đảm bảo cho quân đội luôn ở trạng thái SSCĐ cao, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Nhiệm vụ của công tác BĐHC bao gồm: Lập kế hoạch công tác vận tải (vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, thương binh, bệnh binh, các nhu cầu thiết yếu về vật chất – kỹ thuật phục vụ cho cuộc sống của quân nhân). Dự trữ, bảo quản và cung cấp các vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho nhiệm vụ SSCĐ và chiến đấu của quân đội. Cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư y tế nhằm nâng cao hiệu quả cứu chữa thương bệnh binh, tăng cường sức khỏe và khả năng chiến đấu của quân nhân. Bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho quân đội đóng quân, tổ chức ăn uống hợp vệ sinh cho quân nhân trong mọi tình huống. Bảo đảm tài chính cho đơn vị. Phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi nhằm ngăn ngừa sự lây lan của các loại bệnh truyền từ động vật sang người.
Các nước khối NATO có nền kinh tế vững mạnh, vì vậy, quân đội được BĐHC một cách toàn diện, đầy đủ. Theo các chuyên gia quân sự hàng đầu của phương Tây, “Chiến lược và chiến thuật là cơ sở để lập kế hoạch tác chiến, còn công tác BĐHC nhằm cung cấp phương tiện để tiến hành tác chiến’’. Kinh nghiệm chiến đấu của quân đội các nước khối NATO cho thấy, công tác BĐHC không đầy đủ như: thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống, thiếu quần áo ấm vào mùa đông giá rét, sức khỏe binh lính cạn kiệt khi chiến đấu ở vùng sa mạc nóng, rừng núi… là những yếu tố dẫn đến thất bại của toàn chiến dịch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với lực lượng lục quân, khi họ thường xuyên phải cơ động, tác chiến ở nhiều địa hình khác nhau và cần sự hiệp đồng tác chiến chặt chẽ của các lực lượng khác.
Trong những năm gần đây, quân đội các nước khối NATO ngày càng xuất hiện nhiều loại vũ khí, trang bị mới, dẫn đến gia tăng nhu cầu và phạm vi bảo đảm của công tác hậu cần. Biên chế của các đơn vị làm nhiệm vụ BĐHC trong lực lượng lục quân của quân đội các nước khối NATO lên tới 20% so với tổng quân số, chưa kể lực lượng dân sự làm việc trong các lĩnh vực khác nhau của công tác hậu cần. Trong điều lệ quân đội các nước NATO (Mỹ, Đức, Italia…) ghi rõ, sự thành công của chiến dịch quân sự phụ thuộc rất nhiều vào công tác BĐHC. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến hoặc một chiến dịch, quân đội các nước khối NATO phải huy động nguồn nhân lực, nguồn dự trữ vật chất, trang thiết bị, vật tư nhằm BĐHC đầy đủ và duy trì khả năng SSCĐ cao. Khi lập kế hoạch cho các chiến dịch cụ thể, phải tính một cách chính xác mức độ tiêu hao nhiên liệu, thuốc men, vật tư y tế và các vật tư quân sự khác tùy thuộc vào loại hình, đặc điểm của các hoạt động quân sự.
Về bảo đảm nhiên liệu cho hoạt động các chiến dịch, quân đội các nước khối NATO sử dụng phương tiện vận chuyển nhiên liệu bằng đường biển từ Mỹ, Đức, Italia đến các nước khác trong khối NATO. Tại những nước này, tàu biển cập vào những bến đặc biệt, dỡ hàng đưa vào kho hoặc neo đậu ở ngoài khơi và chuyển nhiên liệu vào kho qua hệ thống ống dẫn dầu nổi trên biển. Nhiên liệu được bảo quản ở các kho cố định và các kho dã ngoại, sau đó được chuyển đến các đơn vị (sư đoàn, quân đoàn) bằng đường sông, đường sắt và đường bộ do các tiểu đoàn hậu cần của sư đoàn đảm nhiệm. Ở vùng hậu phương của sư đoàn, mỗi tiểu đoàn hậu cần có thể triển khai 8 trạm cung cấp xăng dầu, mỗi trạm có thể cung cấp 1.140 m3 xăng dầu/ngày đêm. Ngoài ra, ở vùng hậu phương của sư đoàn, cách mặt trận khoảng 40-50 km còn có 2 điểm tiếp nhiên liệu dã ngoại, mỗi điểm có thể tiếp 1.145 tấn nhiên liệu/ngày đêm.
Công tác vận tải quân sự của các nước khối NATO rất được chú trọng, đặc biệt là liên quan đến nhu cầu chuyển quân từ Hoa Kỳ đến châu Âu và BĐHC cho quân đội tác chiến tại châu Âu. Đối với các nước châu Âu, vận tải đường bộ (tàu hỏa và ô tô) đóng vai trò rất quan trọng trong vận chuyển hàng hóa quân sự và chuyển quân. Đường sông có vai trò quan trọng đối với vận tải quân sự trong phạm vi các nước Trung Âu và Ba Lan. Vận tải viễn dương (đường biển) được coi là phương tiện chính để chở hàng và chuyển quân tăng cường cho các nước khối NATO. Để thực hiện được mục tiêu này, NATO đã thành lập Hạm đội tàu vận chuyển lên đến 800 chiếc và sử dụng phương tiện vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, thời chiến, vận chuyển bằng đường hàng không quân sự không đáp ứng được yêu cầu đề ra, vì vậy vận chuyển bằng đường hàng không dân dụng được huy động một cách tối đa.
Công tác bảo đảm quân y của quân đội các nước khối NATO chia làm 2 loại: bảo đảm quân y cho trận đánh (do quân y của đơn vị, sư đoàn, quân đoàn đảm nhiệm) và bảo đảm quân y quân binh chủng (do quân y của các quân binh chủng đảm nhiệm). Thương binh được chia làm 4 nhóm tùy theo mức độ tổn thương: Nhóm 1, bị thương nhẹ, có thể cứu chữa ngay tại chiến trường (chiếm 40% tổng số thương binh). Nhóm 2, bị thương nặng, phải cứu chữa khẩn cấp ngay tại chỗ (20%). Nhóm 3, cần chuyển ngay về tuyến sau để can thiệp phẫu thuật (20%). Nhóm 4, bị thương nặng, cứu chữa đòi hỏi mất nhiều thời gian (20%). Khi lập kế hoạch bảo đảm quân y, bộ chỉ huy quân sự các nước khối NATO ước tính, tổn thất trong các trận đánh: thiệt mạng 20% (so với tổng số tổn thất), mất tích 10%, bị thương 70% Trong số những người bị thương, 30% có thể trở lại đội ngũ tiếp tục chiến đấu trong vòng 30 ngày. Công tác cứu chữa thương bệnh binh được phân chia như sau: Cấp cứu đầu tiên do y tá đại đội tiến hành, hoặc tự mình cấp cứu, cứu chữa lẫn nhau; bổ sung cấp cứu do y sĩ tiểu đoàn tiến hành nhằm bảo đảm an toàn cho việc vận chuyển thương binh về tuyến sau; cứu chữa bước đầu do bác sĩ tuyến trung đoàn thực hiện ngay sau khi thương binh rời trận địa, nhằm khắc phục những triệu chứng đe dọa đến tính mạng của thương binh; cứu chữa cơ bản tiến hành tại trạm quân y sư đoàn, đội điều trị bệnh viện; cứu chữa chuyên khoa do các bác sĩ chuyên khoa tiến hành ở những cơ sở y tế có trang bị kỹ thuật chuyên khoa cần thiết. Lực lượng và các phương tiện quân y được triển khai theo 4 thê đội: tiểu đoàn, sư đoàn, quân đoàn, trung ương. Trong những năm gần đây, bộ chỉ huy quân sự các nước khối NATO đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm quân y, như: Mở rộng phạm vi cứu chữa ban đầu, tăng cường các phương tiện vận chuyển thương binh, tăng cường khả năng cơ động của các đơn vị quân y và hiện đại hóa các trang thiết bị quân y tại các bệnh viện dã chiến nhằm thực hiện các hình thức cứu chữa cơ bản và cứu chữa chuyên khoa.
Như vậy, công tác BĐHC toàn diện và liên tục cho các lực lượng vũ trang của quân đội các nước khối NATO là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của các hoạt động quân sự trong các chiến dịch tác chiến cũng như trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
TS PHẠM XUÂN NINH (lược dịch)