Theo yêu cầu kỹ chiến thuật, với biên chế 6 đồng chí, trong vòng 3 giờ, phải triển khai lắp đặt hoàn chỉnh, tổ chức tiếp nhận, cấp phát nhiên liệu và chỉ trong 3 giờ phải thu hồi xong kho.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc huấn luyện triển khai lắp đặt, thu hồi kho xăng dầu dã chiến DC-100 gặp nhiều khó khăn. Vì đây là kho mới, thiết kế theo công nghệ hiện đại; kỹ thuật lắp đặt, vận hành, thu hồi phức tạp. Khi triển khai lắp đặt, cán bộ, nhân viên phải tính toán chính xác, khoa học vị trí bố trí, sắp xếp bể chứa và hệ thống thiết bị. Vị trí bố trí cần tận dụng tối đa điều kiện địa hình để có thể tiếp nhận, cấp phát bằng phương pháp tự chảy nhằm tiết kiệm nhân lực, phương tiện, trang thiết bị nhưng vẫn đảm bảo kịp thời xăng dầu theo thời gian quy định. Trong khi hầu hết tại các đơn vị chủ yếu huấn luyện bằng phương pháp trình chiếu hình ảnh hoặc sử dụng sơ đồ giấy, nên bộ đội rất khó hình dung và tiếp thu kiến thức, lúng túng khi triển khai ngoài thực địa.

leftcenterrightdel
Đồng chí Thiếu tá, ThS Nguyễn Viết Quang (đứng giữa) giới thiệu mô hình kho xăng dầu dã chiến DC-100.Ảnh: CTV. 

Trước thực trạng trên, đồng chí Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Viết Quang (Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội) và các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo: “Mô hình huấn luyện kho xăng dầu dã chiến DC - 100” trên sa bàn, mô phỏng cấu tạo, nguyên lý hoạt động, cách thức bố trí, vận hành kho. Mô hình dạng sa bàn có kích thước 2 x 1m, mô tả cơ bản cơ sở vật chất, trang thiết bị được lắp đặt đồng bộ (khu bể chứa; hệ thống công nghệ, trạm bơm; khu tiếp nhận, cấp phát; kho dầu mỡ, hậu cần, kỹ thuật; khu nhà ở...); hệ thống đường ống đi qua các dạng địa hình bằng phẳng, vượt đồi núi, hầm hào đảm bảo sát thực tế. Cảnh quan, địa hình trên mô hình: gồm cây xanh, núi đồi, thảm thực vật, các cao độ nền, công trình giao thông, hệ thống đường hào và đường thoát nước, được phối màu sinh động. Sa bàn có bố trí hệ thống đèn led để thuận tiện quan sát, có gắn bánh xe và có thể gập lại để thuận tiện khi vận chuyển. Mô hình được chế tạo bằng vật liệu sẵn có, dễ khai thác, dễ thay thế, có thể sản xuất nhiều sản phẩm tương tự phục vụ huấn luyện.

Mô hình đã được trưng bày tại Đại hội Thi đua Quyết thắng Bộ Quốc phòng năm 2020, Hội nghị tập huấn Hậu cần toàn quân năm 2022… được thủ trưởng các cấp đánh giá cao. Sản phẩm đã được ứng dụng trong huấn luyện tại một số đơn vị của Binh chủng Công binh, Quân đoàn 1, các kho của Cục Xăng dầu và phục vụ giảng dạy tại Học viện Hậu cần… cho thấy người học dễ tiếp thu, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Thiếu tá, ThS NGUYỄN VIẾT QUANG, Viện Kỹ thuật Xăng dầu Quân đội