Xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại, hiệu quả

Đến công tác tại Bệnh viện Quân y 354, mặc dù số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị rất đông, song, chúng tôi vẫn thấy không khí dễ chịu, trong lành, tạo cảm giác an tâm, thư thái. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Minh Đức - Giám đốc Bệnh viện cho biết: Để có được khuôn viên và cảnh quan môi trường sạch sẽ như hiện nay, thời gian qua, tập thể cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ đã tích cực làm tốt công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các khoa, ban và trong khuôn viên Bệnh viện. Đồng thời, chú trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT), quản lý và xử lý chất thải, nước thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

leftcenterrightdel
Trạm xử lý nước thải mới, hiện đại của Bệnh viện Quân y 354.

Trước đây, do hệ thống xử lý nước thải y tế (NTYT) được xây dựng từ lâu, áp dụng công nghệ cũ, khó khăn trong quá trình vận hành, công suất thấp nên luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình lượng NTYT khoảng 150 m3/ngày, được thu gom vào khu xử lý phía sau cùng của Bệnh viện, trong đó nguồn phát sinh NTYT từ một số khoa có độ lây nhiễm cao. Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước còn phát sinh từ nước thải sinh hoạt và nước mưa chảy tràn trên mặt đất, kéo theo chất hữu cơ độc tính có trong rác thải y tế.

Vì vậy, bên cạnh các hạng mục được đầu tư xây mới như: nhà điều trị trung tâm, nhà tổng hợp, nhà khách và nội trú…, Bệnh viện đã được đầu tư xây dựng thêm hệ thống xử lý NTYT tập trung, có công suất 450 m3/ngày đêm (gấp 3 lần so với hệ thống trước đó) với số vốn đầu tư 11,1 tỷ đồng, khánh thành tháng 12/2016. Trạm xử lý NTYT sử dụng công nghệ kết hợp sinh - hóa học, điểu khiển tự động, hoạt động trên phương pháp vi sinh hiếu khí trong các bồn lọc sinh học đa bậc chứa giá thể vi sinh, làm giảm ô nhiễm hữu cơ, không gây ô nhiễm ra khu vực, không tạo ô nhiễm thứ cấp, chiếm ít diện tích mặt bằng, chi phí vận hành thấp, công tác vận hành đơn giản, dễ bảo hành, bảo dưỡng. Hệ thống thu gom nước mặt tách riêng với hệ thống thoát NTYT, thông qua hệ thống cống bê tông, có song chắn rác và các hố ga, được định kỳ nạo vét để loại bỏ rác, cặn lắng. Nước thải sinh hoạt được xử lý qua bể tự hoại, sau đó theo đường ống chảy vào hệ thống xử lý nước thải tập trung cùng NTYT. Hố thu nước thải được xây dựng ngầm và bố trí nắp đậy, được vệ sinh song chắn rác sau mỗi ngày hoạt động và lấy bùn thường xuyên. Nhờ vậy, mùi hôi từ hệ thống xử lý NTYT hầu như không có.

Thiếu tá Nguyễn Khả Khuyến, Chủ nhiệm Hậu cần cho biết thêm: Để bảo đảm môi trường y tế, Bệnh viện Quân y 354 đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập chương trình giám sát môi trường định kỳ, đánh giá cụ thể các tác động môi trường do hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày gây ra. Từ đó xác định quá trình thay đổi chất lượng môi trường và nguồn gây ô nhiễm môi trường để có hướng giải quyết, khắc phục hậu quả và kiểm tra hoạt động của các thiết bị xử lý ô nhiễm. Qua kết quả quan trắc tại hố ga sau hệ thống xử lý NTYT, trước khi chảy vào hệ thống thoát nước chung của địa phương cho thấy, thông số và giá trị các thông số ô nhiễm trong NTYT như: COD, BOD­­5, chất rắn lơ lửng, amoni, nitrat, photpho, tổng hoạt độ phóng xạ α, tổng hoạt độ phóng xạ β, các vi khuẩn và Coliform không vượt quá giá trị tối đa cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về NTYT - QCVN 28:2010/BTNMT.

Thắt chặt quản lý CTYT ngay từ nguồn

Cùng trong hạng mục các công trình phụ trợ BVMT, Bệnh viện xây dựng mở rộng nhà chứa rác và phân loại rác với diện tích gần 100 m2. Khu vực thu gom rác được bố trí trong khu vực kỹ thuật, cuối hướng gió nhằm tránh gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường không khí trong và xung quanh Bệnh viện. Đồng thời trồng các dãy cây xanh cách ly tạo mỹ quan, hạn chế phát tán mùi ra khu vực xung quanh. Theo Đại tá Nguyễn Thị Hải Yến - Trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn: Lượng chất thải rắn phát sinh trong Bệnh viện trung bình khoảng 210 kg/ngày. Trong đó chất thải y tế (CTYT) thông thường phát sinh từ hoạt động sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… khoảng 200 kg/ngày, CTYT nguy hại khoảng 10 kg/ngày, phát sinh từ các khoa điều trị, xét nghiệm, phòng mổ, phòng khám…, gồm hóa chất, bơm kim tiêm, chai lọ đựng bệnh phẩm, quần áo, bông băng, gạc nhiễm khuẩn, máu, mủ hoại tử, dược phẩm quá hạn, nhiễm khuẩn, chất thải phóng xạ… CTYT có thể tác động xấu tới tất cả các khía cạnh của môi trường, đặc biệt là môi trường đất, nước, không khí. Để công tác quản lý chất thải đạt được hiệu quả hơn, Bệnh viện đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường phổ biến quy định Nhà nước về trách nhiệm quản lý CTYT thông qua nhiều hình thức; hỗ trợ, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên y tế về công tác quản lý CTYT… Khoa Chống nhiễm khuẩn giám sát rất chặt chẽ việc phân loại chất thải ban đầu, nhất là đối với người nhà vào thăm, chăm sóc bệnh nhân. Khoa thành lập Tổ Giám sát phối hợp cùng mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, ban chuyên môn thực hiện kiểm tra hằng ngày, hằng quý sinh hoạt, đánh giá hiệu quả hoạt động.

leftcenterrightdel
Hệ thống máy giặt và sấy diệt khuẩn tại Khoa Chống nhiễm khuẩn.

Tại mỗi khoa, ban, bộ phận đều bố trí vị trí đặt các bao bì, dụng cụ phân loại CTYT, có hướng dẫn cách phân loại và thu gom chất thải theo quy định mã màu sắc: Màu vàng đựng chất thải lây nhiễm; màu đen đựng chất thải hóa học nguy hại và chất thải phóng xạ; màu xanh đựng chất thải thông thường; màu trắng đựng chất thải có khả năng tái chế. Riêng quân trang được phân làm hai loại: có và không có nguy cơ lây nhiễm. Nhân viên hộ lý phải mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay, thực hiện đúng quy trình, quy định thu gom, phân loại, vận chuyển và làm sạch buồng bệnh từ cửa vào. Tất cả các khoa, ban và các cá nhân trong bệnh viện đều tham gia cùng với Khoa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, góp phần giữ vệ sinh chung, giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện so với các năm trước đây. Các hành vi vứt bừa bãi chất thải và đổ chất thải không đúng quy định gây mất vệ sinh buồng bệnh, ngoại cảnh đã được hạn chế. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là một trong những nhiệm vụ chính được Khoa đặt lên hàng đầu, đảm bảo vệ sinh giường bệnh, phòng bệnh thoáng mát, quân trang được xử lý sấy diệt khuẩn, giặt theo quy trình, máy móc hiện đại. Hằng ngày, Khoa đều cử cán bộ phối hợp với các khoa, ban chuyên môn trực tiếp kiểm tra, giám sát hai công ty vệ sinh công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh bệnh viện; đôn đốc việc thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải ngoại cảnh, vận chuyển về nơi quy định, phân loại CTYT, bàn giao cho Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, Công ty URENCO 13 vận chuyển, thiêu hủy và xử lý.

Từ khi đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải, rác thải mới, Bệnh viện không để xảy ra các vụ lây nhiễm dịch bệnh tại chỗ. Qua các lần kiểm tra của Cục Khoa học Quân sự /Bộ Quốc phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội…, các yếu tố môi trường đều nằm trong ngưỡng quy định, bảo đảm an toàn bệnh viện, giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, Bệnh viện đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống thoát nước chung của khu vực.

Những kết quả của Bệnh viện Quân y 354 trong công tác quản lý chất thải và xử lý NTYT đã góp phần đảm bảo môi trường y tế xanh-sạch-đẹp, an toàn, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng Bệnh viện ngày càng vững mạnh, phát triển, hướng tới mục tiêu “Bệnh viện văn hóa”.

Bài, ảnh: Thượng úy TRẦN THANH TÚ