Trước tình hình đó, ngành Hậu cần, trực tiếp là quân nhu các đơn vị đã tích cực phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực. Hiện nay, công tác TGSX trong toàn quân được phát triển đồng bộ theo 2 hình thức cơ bản, đó là tổ chức TGSX khép kín hệ sinh thái vườn - ao - chuồng (cấp tiểu đoàn, đại đội và tương đương) và tổ chức TGSX tập trung (cấp sư, lữ, trung đoàn và tương đương), gắn với trạm chế biến để chủ động cân đối, điều hòa thực phẩm đảm bảo an toàn cho các bếp ăn. Từ nguồn vốn đầu tư của Bộ Quốc phòng, cùng với phát huy nội lực, bằng nhiều cách làm sáng tạo, năng động, phong trào TGSX có chuyển biến rõ rệt cả về số lượng, chất lượng và từng bước đi vào nền nếp chính quy. Điểm nổi bật là đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, như: “Vườn củ cải Hàn Quốc” bảo đảm cho giáp vụ ở Quân khu (qk) 3; “Vườn cây ăn quả tập trung” của fBB5/qk7, Lữ đoàn 490/Binh chủng Pháo binh, Lữ đoàn 249/Binh chủng Công binh; “Nuôi lợn nái, lợn thịt theo quy trình khép kín”của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang/qk1, Trung đoàn 102/f308/Quân đoàn 1, Học viện Kỹ thuật Quân sự;“Nuôi gà thịt theo hướng công nghiệp”ở Quân đoàn 2, Lữ đoàn 126/Quân chủng Hải quân; “Nuôi cá thâm canh”của Sư đoàn bộ binh 9/Quân đoàn 4...; được các đơn vị trong toàn quân tích cực hưởng ứng, ngày càng phát triển, nhân rộng và mang lại hiệu quả tốt.

Nhờ đó, 8 tháng đầu năm 2022 toàn quân đã thu hoạch 33.032 tấn rau, củ, quả (đạt 90,1kg/người, tự túc 92,5% định lượng); thịt lợn xô lọc 4.246 tấn (đạt 11,6kg/người, tự túc 95,2% định lượng); thịt lợn nạc 2.973 tấn (đạt 8,1 kg/người, tự túc 41,6% định lượng); thịt gia cầm 4.783 tấn (đạt 13,0kg/người, tự túc 59,6% định lượng); cá 6.615 tấn (đạt 18,0kg/người, tự túc 49,4% định lượng); lãi từ TGSX, CB và dịch vụ hậu cần khác đạt 881.600 đồng/người. Đặc biệt, các đơn vị đã quản lý, hạch toán sản phẩm chặt chẽ, hợp lý; đồng thời phát huy tốt vai trò của hội đồng giá các cấp nên bình quân giá sản phẩm TGSX, CB luôn giảm hơn thị trường: Giá rau, củ, quả 27,7%; thịt lợn xô lọc 8,5%; thịt lợn nạc 8,3%; thịt gia cầm 6,4%; cá các loại 9,2%; đậu phụ 11,8%, góp phần giữ ổn định và cải thiện đời sống bộ đội.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9 - Quân đoàn 4) chăm sóc rau xanh. Ảnh: Thảo Hà

Những kết quả đạt được kể trên là rất đáng khích lệ, phản ánh sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác TGSX, CB vẫn còn một số hạn chế, đó là: Nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ chưa thật đầy đủ, có nơi, có lúc còn chạy theo phong trào. Tổ chức sản xuất ở các đơn vị còn nhỏ lẻ là chủ yếu, khả năng tự túc giống cây trồng, vật nuôi còn thấp, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Việc tái đàn, tăng đàn lợn gặp nhiều khó khăn; cơ cấu cây trồng theo mùa vụ có thời điểm chưa đa dạng, chưa đáp ứng được rau giáp vụ. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa nhiều nên hiệu quả chưa cao, tốn nhiều công sức của bộ đội...

Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 dự báo thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật hằng năm; mưa bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực miền Trung và các tỉnh phía Nam; không khí lạnh xuất hiện sớm tại các tỉnh miền Bắc (tháng 10, 11/2022) và lạnh hơn so với trung bình nhiều năm (từ 0,5-10C), trong đó các đợt rét đậm, rét hại tập trung từ tháng 12/2022 - 02/2023 ảnh hưởng nhiều đến các tỉnh miền núi phía Bắc; tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ xuất hiện ở một số nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ. Dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát và lây lan ra diện rộng (nhất là dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi). Giá các mặt hàng thiết yếu, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao… ảnh hưởng lớn đến công tác TGSX, CB, tự túc thực phẩm và giá sản phẩm đưa vào bếp ăn. Đặc biệt, đầu năm 2023 là thời gian các đơn vị đồng loạt ra quân, chuẩn bị đón nhận chiến sĩ mới, các học viện, trường có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài nên lực lượng trực tiếp lao động sản xuất bị thiếu hụt, trong khi đó nhu cầu thực phẩm phục vụ những ngày lễ, tết và đón nhận chiến sĩ mới là rất lớn.

Vì vậy, để chủ động nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ bộ đội, đặc biệt là nhu cầu thực phẩm tăng cao trong những dịp lễ, tết cuối năm 2022, thời gian huấn luyện chiến sĩ mới đầu năm 2023, các đơn vị cần khắc phục khó khăn, chú trọng phát huy nội lực, tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất, CB về mọi mặt. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt chỉ thị, nghị quyết các cấp, cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thiết thực, hiệu quả, nhất là Chỉ thị số 10/CT-BQP ngày 07/03/2011 của Bộ Quốc phòng về phát động phong trào toàn quân tích cực TGSX, chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm ổn định đời sống bộ đội; Nghị quyết số 623-NQ/QUTW, ngày 29/10/2012 của Quân ủy Trung ương về công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Từ đó, ban hành quy chế lãnh đạo công tác TGSX; đưa nội dung, chỉ tiêu TGSX vào nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý để tổ chức thực hiện. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, nhất là cán bộ chỉ huy, chỉ đạo điều hành nắm rõ vị trí, vai trò của công tác TGSX, CB đối với việc bảo đảm sức khỏe bộ đội; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo, lực lượng trực tiếp làm công tác TGSX, CB ở các đơn vị; phân công, phân trách nhiệm rõ ràng đến từng bộ phận, cá nhân. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu TGSX trong Chỉ lệnh công tác Hậu cần năm 2022.

Hai là, triệt để khai thác tiềm năng đất đai, mặt nước, cơ sở hạ tầng hiện có, đẩy mạnh TGSX khép kín hệ sinh thái VAC gắn với bếp ăn (cấp tiểu đoàn, đại đội và tương đương), kết hợp với tổ chức TGSX tập trung cấp trung, lữ, sư đoàn (tương tương) gắn với trạm chế biến để cân đối điều hòa thực phẩm đảm bảo an toàn cho các bếp ăn. Cùng với TGSX, CB phục vụ nhu cầu thường xuyên, các đơn vị cần chú trọng sản xuất các loại thực phẩm dự trữ dài ngày khi có tình huống (thiên tai, bão lũ, giá cả tăng cao, thời gian giáp vụ…) nhằm ổn định đời sống bộ đội. Tích cực đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo nguồn thực phẩm phong phú đa dạng chuẩn bị phục vụ trong các dịp lễ, tết cuối năm và thời gian huấn luyện chiến sĩ mới. Chú trọng đầu tư TGSX tập trung, trong đó ưu tiên phát triển các trại sản xuất cây, con giống đảm bảo an toàn, chất lượng, nhằm giảm chi phí sản xuất, góp phần giữ ổn định và nâng cao đời sống bộ đội.

Ba là, các đơn vị cần chủ động theo dõi dự báo, diễn biến thời tiết, khí hậu, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp phòng, chống đạt hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Chuẩn bị cây, con giống dự phòng để kịp thời khôi phục sản xuất ngay sau bão lũ xảy ra. Các đơn vị phía Bắc xây dựng kế hoạch phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Các đơn vị ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ cần chủ động tích nước từ những cơn mưa cuối mùa để nuôi cá và phục vụ TGSX nhằm khắc phục tình trạng thiếu nước tưới rau vào đầu mùa khô. Cụ thể:

Đối với chăn nuôi: Nhanh chóng bổ sung số đầu gia súc, gia cầm 3-4 lứa kế tiếp, phù hợp với khả năng, nhu cầu sử dụng của từng đơn vị nhằm bảo đảm nguồn thịt, trứng tại chỗ phục vụ nhu cầu thường xuyên, nhất là nhu cầu tăng cao dịp lễ, tết cuối năm 2022 và chuẩn bị thực phẩm cho đón nhận, huấn luyện chiến sĩ mới năm 2023. Tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Chủ động khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương; tận dụng phụ phẩm từ nhà ăn, nhà bếp để chế biến thức ăn chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất song phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình khử khuẩn, tránh mang mầm bệnh xâm nhập vào đơn vị.

Đối với trồng trọt: Các đơn vị nghiên cứu điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng theo nhiều lứa lớp kế tiếp; đối với các đơn vị miền Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên chủ động chuyển đổi cơ cấu sang trồng các loại rau vụ Đông; các đơn vị miền Nam, Nam Trung bộ chăm sóc tốt diện tích các loại rau mùa mưa hiện có và chuyển dần cơ cấu cây trồng sang mùa khô để đáp ứng nhu cầu rau xanh thường xuyên. Tích cực chăm sóc các loại rau chất lượng cao để sử dụng trong các dịp lễ, tết cuối năm và tăng cường trồng các loại củ quả dự trữ, phục vụ thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, giáp vụ tháng 3, 4/2023. Tận dụng triệt để các nguồn chất thải từ TGSX ủ kết hợp với chế phẩm sinh học tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ trồng rau, củ, quả đảm bảo an toàn, chất lượng, góp phần giảm chi chí sản xuất.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa TGSX với phát huy hiệu quả các trạm xay xát, chế biến tập trung. Các đơn vị đã được đầu tư trạm xay xát cần tính toán nhu cầu, chủ động tu bổ kho, xưởng, máy móc, thiết bị và huy động nguồn vốn mua thóc ở các thời vụ thu hoạch lúa, giá thóc hạ đưa vào dự trữ để tổ chức xay xát tập trung bảo đảm gạo có chất lượng tốt phục vụ bộ đội với giá cả hợp lý; tận thu các sản phẩm phụ trong xay xát như tấm, cám làm thức ăn chăn nuôi. Tích cực cải tiến, chế biến đa dạng sản phẩm để nâng cao chất lượng bữa ăn. Tăng cường công tác quản lý, hạch toán chặt chẽ ở các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến đưa vào chi ăn hợp lý. Hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng các dự án, công trình TGSX, CB được Bộ đầu tư năm 2022 đảm bảo chất lượng tốt, đúng, đủ trình tự, hồ sơ theo Luật Đầu tư công.

Năm là, đẩy mạnh phong trào TGSX ở các cấp phát triển theo hướng bền vững, thiết thực, hiệu quả, gắn với phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp để phong trào TGSX trong toàn quân không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống bộ đội.

Trên đây là một số nội dung trọng tâm tổ chức TGSX, CB những tháng cuối năm 2022 nhằm chủ động nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán và đón nhận chiến sĩ mới năm 2023. Đề nghị các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Quân nhu năm 2022 và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Thiếu tướng AN PHƯƠNG NAM - Cục trưởng Cục Quân nhu