Theo số liệu điều tra, khảo sát tại một số đơn vị Quân đội đang tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung với số lượng từ 50 - 300 con lợn, 1.000 - 3.000 con gia cầm, 10 - 20 con trâu, bò..., trung bình mỗi ngày, chất thải phát sinh khoảng từ 200 - 500 kg phân (dạng ướt) và từ 2 - 5 m3 nước tiểu, nước vệ sinh chuồng. Về hệ thống chuồng chăn nuôi, phần lớn các đơn vị được đầu tư xây dựng cơ bản, mặt sàn dễ vệ sinh, thoát nước tốt, chất thải được thu gom kịp thời và xử lý bằng cách ủ chế phẩm vi sinh hoặc bể biogas để tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải hoặc thực hiện kỹ thuật chưa đúng nên còn gây ô nhiễm môi trường. Theo kết quả kiểm tra mức độ nhiễm khuẩn trong chuồng nuôi gia súc, gia cầm tại một số đơn vị cho thấy, tổng số vi khuẩn trong không khí tại chuồng nuôi cao gấp 30 - 40 lần so với không khí bên ngoài. Khu vực chuồng chăn nuôi có mùi hôi, thối khó chịu do lượng phân và nước thải chưa được xử lý triệt để, các chỉ tiêu như: COD, BOD5, nitơ và coliform... còn rất cao. Do vậy, môi trường bị ô nhiễm, dễ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội; vật nuôi dễ mắc bệnh, năng suất chăn nuôi và hiệu quả kinh tế thấp.

Để quản lý chặt chẽ và xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần bảo vệ sức khỏe con người, chúng tôi đề xuất một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ huy trong việc nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ BVMT. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nắm chắc văn bản quy định của Nhà nước, Quân đội liên quan đến BVMT. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về công tác BVMT thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, hội thi, hội thao, hoạt động văn hóa văn nghệ… Thực hiện lồng ghép giáo dục về BVMT trong các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị. Thường xuyên duy trì hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”. Xây dựng những mô hình, đơn vị điển hình; kiên quyết đấu tranh, phê phán những việc làm, hành vi gây ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi. Đối với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ chăn nuôi tại đơn vị, cần được quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng về quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của cơ quan hậu cần, cơ quan khoa học quân sự trong việc tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác BVMT nói chung và quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi nói riêng. Coi hoạt động BVMT là nhiệm vụ thường xuyên, cần được lồng ghép trong các nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch công tác của cơ quan hậu cần các cấp, các đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và cá nhân nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về BVMT. Gắn việc đánh giá ý thức, trách nhiệm của cá nhân và kết quả BVMT của đơn vị với bình xét thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân, người đứng đầu. Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, cán bộ khoa học (môi trường) có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác BVMT, quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi để phát huy tốt chức năng tham mưu với chỉ huy, xây dựng kế hoạch, chương trình BVMT cho đơn vị. Cơ quan hậu cần các cấp làm tốt chức năng tham mưu với chỉ huy về quy hoạch chuồng trại, quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp; lựa chọn phương pháp, kỹ thuật nuôi, giống vật nuôi… đảm bảo quản lý chặt chẽ, xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi, BVMT theo đúng quy định.

leftcenterrightdel
Hệ thống ủ phân compost tại Lữ đoàn 649 (Cục Vận tải/TCHC). Ảnh: HỒNG QUANG

Ba là, quy hoạch, xây dựng khu vực chăn nuôi ở từng cấp phù hợp với quy hoạch doanh trại, quân số, địa hình đóng quân, đúng quy định BVMT. Các đề án quy hoạch, xây dựng khu chăn nuôi phải được tính toán kỹ, kèm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về BVMT. Dự báo, đánh giá tác động tiêu cực, sự cố môi trường có thể xảy ra đối với môi trường sinh thái khi thực hiện các dự án hậu cần quân sự. Khi xây dựng khu chăn nuôi phải đảm bảo khoảng cách với khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư, nhà ở, nhà làm việc của bộ đội và đúng thiết kế, phải đánh giá ảnh hưởng của tác động môi trường. Định kỳ rà soát việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi để có biện pháp khắc phục nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường. Đối với đơn vị đã được đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi, thường xuyên duy trì bảo trì, bảo dưỡng đảm bảo vận hành tốt. Các đơn vị chưa được đầu tư công trình xử lý chất thải chăn nuôi, có thể áp dụng biện pháp xử lý đơn giản như ứng dụng công trình khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, nuôi giun quế, ủ compost… Cơ quan hậu cần các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, hướng dẫn đơn vị chấp hành pháp luật về BVMT, nhất là việc sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác theo quy định tại Điều 51, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-01-2022 của Chính phủ.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đầu tư áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi để tận dụng vào tăng gia sản xuất. Phát huy tối đa các nguồn lực BVMT trong hoạt động bảo đảm hậu cần cho đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để thực hiện đúng Pháp lệnh Giống vật nuôi, Pháp lệnh Thú y và các quy chuẩn trong chăn nuôi. Phối hợp với các cơ quan, ban ngành như: Cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan Tài nguyên và Môi trường các cấp; các đơn vị nghiên cứu, BVMT trong Quân đội (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Hóa học Môi trường quân sự...) trong việc hỗ trợ đầu tư kinh phí, công nghệ mới, theo các chương trình, đề án về hậu cần, nhất là trong chăn nuôi, trồng trọt.

Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai nghiên cứu, đề xuất giải pháp áp dụng mô hình hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi đối với các đơn vị có quy mô chăn nuôi lớn. Các đơn vị có thể sử dụng các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phổ biến hiện nay rất phù hợp với điều kiện thực tế của các đơn vị Quân đội và cho kết quả tốt như: Sử dụng bể Biogas (hệ thống khí sinh học), chế phẩm sinh học (men sinh học, đệm lót sinh học), ủ phân hữu cơ (Compost)… Đặc biệt là, mô hình tiên tiến trong xử lý chất thải chăn nuôi (mô hình ủ phân compost kết hợp với bể xử lý sinh học cải tiến kết hợp bãi lọc trồng cây...) áp dụng tại Lữ đoàn 649/Cục Vận tải đạt được hiệu quả bước đầu; Thành phẩm sau khi xử lý có thể dùng để bón cho cây trồng hoặc làm nguyên liệu sản xuất phân bón vi sinh theo Tiêu chuẩn Việt Nam về phân hữu cơ vi sinh (TCVN 7185:2002); nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi (QCVN 62-MT:2016/BTNMT).

Quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi là công việc rất quan trọng, xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, sử dụng nhiều kinh phí phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý chất thải… Do vậy rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành để các đơn vị phát triển chăn nuôi bền vững, thiết thực, hiệu quả và đáp ứng tốt các yêu cầu BVMT.

Trung tá, ThS NGÔ THỊ MINH THU-Phòng Khoa học Quân sự/TCHC