Bên cạnh đó, B2 còn ở xa Trung ương, xa hậu phương lớn miền Bắc, do vậy chỉ đạo của Trung ương, sự chi viện của hậu phương rất khó khăn... Mặc dù vậy, Chiến trường B2 đã đạt được những thành công rất quan trọng trong công tác hậu cần, đúng như cố Đại tướng Hoàng Văn Thái, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Tham mưu trưởng, nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tư lệnh Chiến trường B2 đã khẳng định: “Thành công trên mặt trận hậu cần là thành công có tầm chiến lược của Chiến trường B2. Hay nói cách khác thành công của Hậu cần B2 là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên Chiến trường B2...".
Nhìn lại các hoạt động hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ trên Chiến trường B2, có thể thấy một số vấn đề nổi bật sau:
Một là, luôn coi trọng và nghiên cứu kế thừa vấn đề xây dựng căn cứ địa, căn cứ hậu phương để triển khai lực lượng và thế trận hậu cần vững chắc, bảo đảm cho chiến đấu và tác chiến với nhiều quy mô, cách đánh khác nhau, ngày càng phức tạp, quyết liệt.
Sau Đồng khởi của Nhân dân Bến Tre năm 1960, lực lượng vũ trang Miền từng bước phát triển, đặt ra yêu cầu phải hình thành lực lượng hậu cần chuyên trách. Theo chỉ đạo của Trung ương, trên Chiến trường B2, ta bắt đầu xây dựng các vùng căn cứ; trước hết khôi phục các vùng căn cứ địa kháng chiến trước đây ở Tây Bắc, Đông Bắc Sài Gòn, Đồng Tháp Mười, U-Minh, Cà Mau và một số khu vực địa phương ven biển (Bà Rịa, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau...) để tổ chức các bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chuyển vào bằng đường biển. Đầu năm 1962, sau khi được thành lập, hậu cần Miền đã triển khai 4 khu căn cứ A, B, C, E để tổ chức 4 đoàn Hậu cần: Đoàn Hậu cần 81 ở khu căn cứ A (Chiến khu Đ cũ); Đoàn Hậu cần 82 ở căn cứ Khu B (Căn cứ Dương Minh Châu); Đoàn Hậu cần 83 ở căn cứ khu C (Căn cứ Long Nguyên - Tân Uyên); Đoàn Hậu cần 84 ở Bà Rịa - Long Khánh (Căn cứ Khu E). Sau này, khi vùng giải phóng mở rộng, ta bắt tay xây dựng căn cứ hậu phương, lấy căn cứ địa làm hạt nhân, căn cứ hậu cần do các đoàn hậu cần khu vực đứng chân làm nòng cốt. Hệ thống căn cứ này được tổ chức ở cả cấp Miền, quân khu, tỉnh, huyện; đứng chân khá vững chắc ở địa bàn trọng điểm, tạo thế bảo đảm hậu cần cho các đơn vị chiến đấu theo các phương án.
|
|
Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu). |
Để bảo đảm cho quân và dân tiến hành Tổng tiến công, Tổng khởi nghĩa Xuân Mậu Thân năm 1968, cùng với mở rộng xây dựng phát triển hệ thống căn cứ, ta đã thành lập và triển khai 11 đoàn hậu cần khu vực, bám sát lực lượng tiến công địch trên các hướng, kể cả lực lượng thọc sâu vào nội đô Sài Gòn và các thành phố, thị xã khác. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, dù để mất một số căn cứ ở các quân khu, các tỉnh, song ta vẫn giữ được các căn cứ chủ yếu bám lại chiến trường, đồng thời từ năm 1970 tiếp tục phát triển sang Campuchia, nhanh chóng thành lập 5 khu căn cứ (C10, C20, C30, C40 và Đoàn Phước Long) dọc tuyến biên giới nước Bạn; đồng thời thành lập các đoàn hậu cần bố trí ở các khu căn cứ nói trên, vừa tạo nguồn vật chất hậu cần trên đất Bạn, vừa bảo đảm cho tác chiến.
Hiệp định Pa-ri được ký kết, lực lượng ta cơ bản rút về miền Nam. Trên Chiến trường B2, các lực lượng ta tập trung chống địch lấn chiếm, mở rộng vùng giải phóng; hệ thống căn cứ được củng cố và chuyển hóa linh hoạt, tạo mạng lưới liên hoàn, nâng cao khả năng cơ động và thế bao vây các cứ điểm, căn cứ quân sự của địch, nhất là giai đoạn chuẩn bị và thực hành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Có thể nói, hệ thống căn cứ địa, căn cứ hậu cần với sự góp sức của cả quân, dân và chính quyền các cấp đã trở thành sức sống của hậu phương chiến lược trên Chiến trường B2, là nhân tố góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hai là, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng hậu cần một cách toàn diện cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức, trang bị hậu cần hợp lý, ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng vũ trang và quy mô tác chiến ngày càng cao, tính chất ngày càng ác liệt, phức tạp.
Thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lực lượng ta chủ yếu tập kết ra miền Bắc, chỉ để lại một lực lượng nhỏ làm nòng cốt cho đấu tranh cách mạng sau này, trong đó có lực lượng quân sự nói chung và lực lượng hậu cần nói riêng. Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền tổ chức thành lập một số đơn vị chủ lực. Công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) được giao cho số cán bộ hậu cần nằm vùng và một số cán bộ hậu cần ra Bắc tập kết trở về. Sau này, được sự chi viện của hậu phương lớn, lực lượng hậu cần B2 từng bước phát triển lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng. Ở cấp Trung ương Cục, thành lập Ban Kinh tài và Hội đồng Cung cấp do 1 đồng chí Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục phụ trách. Cơ quan này vừa tham mưu về công tác kinh tài, vừa chỉ đạo xây dựng hậu cần địa phương và hậu cần Nhân dân, huy động nhân tài, vật lực cho quân và dân chiến đấu. Về quân sự, lúc đầu (1962) thành lập Phòng Hậu cần, năm 1964 nâng cấp lên thành lập Cục Hậu cần Miền, bao gồm đầy đủ các cơ quan chức năng (Tham mưu, Chính trị, Vận tải, Quân y, Quân giới, Quân khí, Quân nhu, Sản xuất, Vật tư, Xăng dầu,... và hệ thống các đoàn Hậu cần khu vực; các đơn vị, phân đội chuyên ngành. Ở cấp sư đoàn, trung đoàn tổ chức hậu cần theo mô hình chung ở từng vùng, miền. Hậu cần của tỉnh đội, huyện đội được hình thành phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, quy mô lực lượng, địa hình, đặc điểm dân cư ở từng địa phương.
Sau Hiệp định Pa-ri, vùng giải phóng được mở rộng, Cục Hậu cần Miền tổ chức ra các trung đoàn xe vận tải và một số phân đội xe, tàu độc lập; ở vùng sông nước được trang bị tàu có trọng tải lớn hơn kết hợp với lực lượng vận tải của địa phương, của Nhân dân; năng lực vận tải phát triển khá cao và rất nhanh chóng. Các đoàn Hậu cần có tiểu đoàn vận tải ô tô hoặc tiểu đoàn vận tải thô sơ, hoặc tiểu đoàn vận tải hỗn hợp cả ô tô và thô sơ. Đến trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, Hậu cần B2 đã có 34 bệnh viện, 17 đội điều trị, hàng trăm bệnh xá khác nhau; quy mô từ 500-1.000 giường/bệnh viện. Qua thực tiễn, lực lượng quân y chiến trường tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong kết hợp quân dân y, thu dung cứu chữa thương bệnh binh, nhất là trong tổ chức phòng chống sốt rét, tổ chức cứu chữa ở tuyến cơ sở. Công tác huấn luyện, đào tạo đạt kết quả tốt cả về số lượng và chất lượng. Nếu như trước đây chỉ đào tạo cán bộ sơ cấp và nhân viên chuyên môn, thì sau này vươn lên đào tạo cả cán bộ trung cấp về chỉ huy hậu cần, bác sĩ và chuyên môn hậu cần cao cấp khác. Sự lớn mạnh của lực lượng hậu cần Miền là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao cho Hậu cần B2 đồng thời làm nòng cốt BĐHC trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ba là, nghiên cứu vận dụng linh hoạt phương thức BĐHC đối với từng lực lượng và từng địa bàn tác chiến.
Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, quân sự và đặc điểm cụ thể của chiến trường, khi tổ chức Hậu cần Miền (tháng 10-1964), Quân ủy Trung ương và Bộ chỉ huy Miền đã xác định: “Hậu cần Miền vừa làm chức năng của Hậu cần Quân đội, vừa làm một phần chức năng của hậu phương Nhà nước tại chiến trường”. Yêu cầu, nhiệm vụ trên chi phối toàn diện đến công tác hậu cần, cả về công tác tổ chức hậu cần, quy mô lực lượng, bố trí hậu cần, dự trữ vật chất hậu cần, cứu chữa thương bệnh binh; phương thức, biện pháp bảo đảm đáp ứng với nhiệm vụ, cách đánh, quyết tâm tác chiến.
Một trong những thành công lớn nhất trong công tác Hậu cần B2 là đã phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân trong các hoạt động hậu cần. Thực hiện tốt phương châm “Hậu cần đi trước một bước”, nhất là trong công tác tạo nguồn, bảo vệ, BĐHC, do lực lượng hậu cần quân đội làm nòng cốt. Sự sáng tạo trong BĐHC chính là sớm hình thành và phát huy khả năng BĐHC tại chỗ theo khu vực và các hướng tác chiến khác nhau của chiến trường do các đoàn hậu cần khu vực làm hạt nhân. Các đoàn hậu cần khu vực vừa là đơn vị hậu cần, có đầy đủ cơ quan chức năng và các phân đội hậu cần cơ động bảo đảm cho các hướng, các đơn vị chiến đấu. Đồng thời, còn có chức năng như một đơn vị căn cứ bám trụ trên một địa bàn, một khu vực (một hướng) của chiến trường, tổ chức các cánh, chốt ở các vùng giáp ranh để thu mua, tạo nguồn tổ chức dự trữ vật chất hậu cần; phối hợp với chính quyền và lực lượng 3 thứ quân, chiến đấu bảo vệ địa bàn, bảo vệ vùng giải phóng. Để chuẩn bị cho Tổng tiến công mùa Xuân năm 1968, các đoàn hậu cần phối hợp với hậu cần địa phương, các tổ chức hậu cần nhân dân tổ chức các “lõm hậu cần” và cất trữ vật chất hậu cần ở nội và ven đô. Trước và trong Tổng tiến công mùa Xuân 1968, Hậu cần Miền tổ chức lúc cao nhất 11 đoàn hậu cần, cùng hậu cần nhân dân địa phương triển khai ở các vùng trọng điểm bảo đảm có các hướng, nhất là hướng tác chiến quan trọng. Cùng với thực hiện phương thức BĐHC tại chỗ theo khu vực là chủ yếu, Hậu cần Miền linh hoạt bảo đảm bằng tiền cho những lực lượng ém sẵn, luồn sâu, nhất là ở vùng ven đô, nội đô; phối kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân sự địa phương và hậu cần nhân dân với các hình thức, biện pháp sáng tạo, từ công khai, đến bí mật, hợp pháp và không hợp pháp.
Bốn là, quán triệt sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, triển khai các hình thức, biện pháp tạo nguồn vật chất hậu cần để bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho chiến đấu và đời sống của bộ đội.
Chiến trường B2 ở xa hậu phương lớn, xa hậu cần Trung ương, do đó xuyên suốt trong kháng chiến chống Mỹ, phải quán triệt phương châm tự lực, tự cường, bám sát dân, bám sát chiến trường, bám sát thị trường vùng tạm chiếm để tạo nguồn BĐHC. Tổ chức khai thác tại chỗ, tại chiến trường và khai thác nguồn từ địa phương kế cận là Campuchia; có thời kỳ, có mặt hàng rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định nhất là các mặt hàng phục vụ đời sống, như lương thực, thực phẩm, vải sợi, thuốc chữa bệnh, thậm chí cả một số hàng công nghiệp đặc chủng để phục vụ sản xuất, trang bị, phương tiện hậu cần. Ngoài tổ chức các cánh, các chốt thu mua ở vùng giáp ranh, Hậu cần Miền còn tổ chức ở các “lõm hậu cần” trong vùng địch hậu. Đồng thời, phối hợp cùng Hội đồng Cung cấp các cấp nắm chắc tình hình kinh tế, tài chính của địch để vận động, xây dựng mạng lưới làm công tác thu mua, tạo nguồn rộng rãi từ nông thôn đến thành thị. Tập trung vận động các nhà buôn, nhà tư sản yêu nước, vợ con binh sĩ, công chức của chính quyền ngụy có cảm tình với cách mạng; thậm chí có cả đối tượng không ủng hộ ta nhưng vì lợi ích kinh tế vẫn làm ăn riêng với ta. Đáng chú ý là, ta đã vận động Chính phủ Campuchia cho thành lập Công ty Thương mại xuất nhập khẩu tại Phnôm-pênh (thực chất là Đoàn Hậu cần 17) để tiếp nhận hàng hóa từ miền Bắc hoặc nhập khẩu hàng từ các nước bạn bè, khai thác từ trong thị trường của Campuchia, trong đó có cả trao đổi ngoại tệ và một số mặt hàng đặc chủng, quý hiếm...
Tính từ năm 1962 đến 30/4/1975, Hậu cần Miền đã tạo nguồn được 598.000 tấn vật chất các loại, trong đó thu mua tại Chiến trường B2 (cả ở Campuchia) được 368.336 tấn; tiếp nhận Trung ương chi viện 187.000 tấn (tỉ lệ 31%), có 70.514 tấn vũ khí đạn; sản xuất tự túc của bộ đội 11.148 tấn; thu chiến lợi phẩm 31.835 tấn. Để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, với tinh thần tự lực, chủ động khắc phục khó khăn, Hậu cần Miền đã tạo nguồn dự trữ được 40.000 tấn; hậu cần các quân đoàn, binh đoàn 10.000 tấn, Bộ bổ sung 10.000 tấn (chủ yếu đạn hỏa lực và xăng dầu)...
Có thể nói, công tác hậu cần ở Chiến trường B2 đã giải quyết thành công một số vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Đó là phải thường xuyên quán triệt và vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh Nhân dân, hậu cần Nhân dân, đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, phát huy cao độ truyền thống và đặc điểm từng địa phương, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế của từng vùng miền. Đó là vận dụng sáng tạo vào xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ địa và căn cứ hậu cần để triển khai thế trận liên hoàn, vững chắc; xây dựng phương thức BĐHC tại chỗ theo khu vực và các biện pháp BĐHC kết hợp khác (hậu cần quân đội với hậu cần Nhân dân; hậu cần của bộ đội chủ lực với hậu cần của bộ đội địa phương; giữa bảo đảm công khai và bí mật; giữa bảo đảm hiện vật là chủ yếu với bảo đảm bằng tiền cho lực lượng hoạt động trong vùng địch hậu, nhất là trong đô thị...). Những kết quả, kinh nghiệm đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, nâng cao cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra).