Theo quy hoạch, vườn trồng rau tập trung của các đầu mối cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội (tương đương) có diện tích phù hợp với quân số ăn. Vườn được phân chia thành các ô, thửa trồng chuyên canh rau ăn lá, cây leo giàn, cây lấy củ, quả, vườn rau gia vị. Đối với các ô, thửa trồng chuyên canh các loại rau ăn lá được dựng cột bê tông chắc chắn để căng lưới tán mưa, chắn nắng gió cho rau.

Trong điều kiện kinh phí có hạn, nhưng các đơn vị trích quỹ vốn, huy động công sức bộ đội xây dựng vườn rau trong nhà lưới rộng khoảng 20% tổng diện tích đất trồng rau, với hình thức thống nhất trong toàn Sư đoàn. Mục đích nhằm hạn chế thấp nhất sự tác động bất lợi của thời tiết, thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp mới vào trồng các loại rau cao cấp, trái vụ, chất lượng cao. Các vườn được thiết kế bằng khung thép, mái và xung quanh vườn phủ lưới, có diện tích từ 150-300m2 (tùy theo quy mô đơn vị). Trong vườn lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động hoặc tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, nâng cao hiệu quả chăm sóc cây trồng, giảm công sức bộ đội. Do đất trồng bị nhiễm mặn, bạc màu, các đơn vị tích cực cải tạo sau mỗi lứa  rau bằng cách bổ sung phân hữu cơ, đất mùn lên bề mặt.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Trung đoàn 274 chăm sóc rau xanh trong vườn nhà lưới. Ảnh: CTV 

Về cơ cấu cây trồng, tùy theo mùa vụ, các vườn rau ngoài nhà lưới, diện tích đất trồng các loại cải xanh, cải ngọt, rau muống, mồng tơi, rau dền… chiếm 50%; diện tích đất trồng dưa leo, đậu bắp, đậu đũa, bí xanh, bầu trắng, vườn ươm cây giống… chiếm 30%. Đối với vườn rau trong nhà lưới, phần lớn diện tích đất trồng rau cao cấp như: cải chíp, cải mỡ, cà chua… Do áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc và ngăn được hơi nước mặn, gió, côn trùng, sâu bệnh phá hại nên cây trồng cho năng suất, chất lượng cao hơn. Với quyết tâm quy hoạch, phát triển đa dạng vườn trồng rau, hiện nay, Sư đoàn có trên 10.000m2 vườn rau có mái che, trong đó có trên 4.000m2 vườn nhà lưới được xây dựng hoàn chỉnh, tự túc trên 95% định lượng rau trong bữa ăn, nhiều đơn vị tự túc 100% nhu cầu không phải mua ngoài.

Cùng với việc trồng trọt, các đơn vị phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt với quy mô, cách làm phù hợp điều kiện, lợi thế từng đơn vị, mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình là mô hình kết hợp chăn nuôi lợn thịt thông thường với nuôi lợn rừng lai theo quy mô vừa tại tất cả các đầu mối cấp trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội (tương đương). Trên cơ sở hệ thống chuồng nuôi đã được đầu tư xây dựng cơ bản, các đơn vị tổ chức chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp nuôi nhốt theo quy mô phù hợp, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với tận dụng sản phẩm dư thừa của nhà bếp và khu TGSX.

Bên cạnh việc nuôi lợn thịt thông thường, các đơn vị có diện tích rộng, tổ chức chăn nuôi lợn rừng lai, quy mô nuôi từ 20-25 con thịt (cấp tiểu đoàn, đại đội) và từ 2-3 con lợn nái để chủ động con giống. Căn cứ vào quy hoạch khu TGSX, các đơn vị chọn khu vực nuôi lợn rừng lai diện tích từ 200-300m2, có cây bóng mát, dựng cột bê tông chắc chắn, dùng lưới B40 quây xung quanh, xây chuồng lợn diện tích từ 20-30m2 để chăn nuôi lợn theo phương pháp bán thả. Khu vực chăn nuôi lợn rừng lai bố trí cách xa nhà ăn, nơi ở của bộ đội trên 100m, hằng ngày dọn vệ sinh sạch sẽ, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nguồn thức ăn cho lợn rừng lai chủ yếu tận dụng phụ phẩm từ chế biến và thức ăn thừa hằng ngày ở bếp ăn. Phương pháp này cho thấy hiệu quả vì chi phí đầu tư xây dựng chuồng trại ít, không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn cho lợn chủ yếu là sản phẩm tận dụng; lợn nái sinh sản nhanh, nhiều con, lợn ít mắc bệnh, khả năng chịu thời tiết khắc nghiệt tốt. Mỗi lứa lợn nuôi trong 06 tháng, mỗi con lợn đạt trọng lượng 45-50kg là có thể xuất chuồng. Đặc biệt, thịt lợn rừng lai thơm ngon, tỷ lệ mỡ thấp, tỷ lệ thịt xô lọc cao.

Với mô hình chăn nuôi lợn hiện nay, toàn Sư đoàn có trên 1.000 đầu lợn thịt các loại, trong đó có gần 500 con lợn rừng lai, tự túc trên 80% định lượng thịt trong bữa ăn, thịt lợn rừng lai đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Đặc biệt, Sư đoàn quy định thịt lợn rừng lai đưa vào bữa ăn thường xuyên của bộ đội với giá như thịt lợn thông thường. Trong bữa ăn ngày lễ, tết, truyền thống của đơn vị, thịt lợn rừng lai được chế biến thành các món ăn, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bộ đội.

Song song với chăn nuôi gia súc, gia cầm, Sư đoàn còn có mô hình chăn nuôi giun quế tại Trung đoàn 292. Đây là mô hình chăn nuôi đang được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đóng quân, đem lại hiệu quả cao nhờ xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng tốt phục vụ trồng trọt và sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Sau khi tham khảo, nghiên cứu, học hỏi cách làm của một số cơ sở nuôi giun quế, đầu năm 2023, Trung đoàn 292 đề xuất và được Chỉ huy Sư đoàn nhất trí cho phép nuôi thí điểm tại khu TGSX tập trung. Trung đoàn trích quỹ vốn trên 50 triệu đồng để mua vật liệu xây dựng thành các bể và mua giun giống.

Với tổng diện tích khu nuôi giun rộng 200m2, gồm 10 bể xây, nền bê tông, thành bể xây cao 40cm, phía trên có mái che. Thức ăn cho giun được tận dụng từ chất thải chuồng chăn nuôi, phụ phẩm vườn rau thu gom về bể riêng ủ kín. Thời gian đầu, khu nuôi giun chỉ có 4 bể nuôi, sau 2 tháng, giun quế bắt đầu cho thu hoạch sinh khối, nhân rộng ra các bể khác. Hiện nay, mô hình nuôi giun quế của Trung đoàn 292 phát triển tốt, quy mô nuôi giun được mở rộng lên 10 bể. Với quy mô này, dự kiến hằng năm cung cấp khoảng 10 tấn phân giun và 1,5 tấn giun thành phẩm. Sản phẩm từ mô hình nuôi giun quế sẽ sử dụng làm phân bón hữu cơ chất lượng cao cho vườn rau, trồng hoa, cây cảnh của đơn vị; giun thành phẩm chế biến thành dịch giun bằng phương pháp thủy phân để chăm sóc cho cây trồng, hoặc sử dụng giun làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thành công bước đầu từ mô hình nuôi giun quế ở Trung đoàn 292 là cơ sở để Sư đoàn nghiên cứu, nhân rộng ra các đơn vị còn lại trong thời gian tới.

Với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 377 đã xây dựng và phát triển thành công các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào TGSX của đơn vị ngày càng phát triển, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ chất lượng cao, an toàn, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội.

Thiếu tá Lê Trương Quân, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật Sư đoàn Phòng không 377