Thực hiện công tác YHDP, nghiên cứu khoa học, huấn luyện, đào tạo nhân viên ngành YHDP. Tham mưu với chỉ huy Cục Quân y chỉ đạo Ngành về lĩnh vực YHDP. Phòng, chống chiến tranh sinh học. Triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống bệnh nghề nghiệp, giám sát HIV/AIDS, công tác dân số - gia đình - trẻ em, kết hợp quân dân y tham gia thực hiện các chương trình y tế quốc gia. Nghiên cứu về dịch tễ; điều tra nghiên cứu về côn trùng, ký sinh trùng, động vật học phục vụ cho công tác phòng chống dịch (PCD); nghiên cứu vệ sinh, sinh lý lao động và các hoạt động quân sự; bệnh nghề nghiệp; dinh dưỡng phục vụ cho hoạt động quân sự; huấn luyện, đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật...

Những năm gần đây, Viện được cấp trên đầu tư nhiều trang bị hiện đại, như: Máy Realtime PCR 7500 Fast DX kèm máy tách chiết AND/ARN Maelstrom 9600; hệ thống sắc ký lỏng siêu hiệu năng với detector huỳnh quang và detector DAD; máy đo lưu huyết não vi tính Vasoscren 5000; máy X-quang kỹ thuật số di động; xe ô tô chuyên dụng phòng, chống dịch… đã góp phần nâng cao năng lực các labo trong xét nghiệm, đảm bảo nhanh, chính xác, đáp ứng yêu cầu tuyển quân, chẩn đoán, phát hiện sớm, phòng, chống dịch...

Từng bước chuẩn hóa và có nhiều labo đạt chuẩn quốc gia, quốc tế, điển hình là các kỹ thuật, như: Chẩn đoán xác định mầm bệnh và định tuýp huyết thanh mão mô cầu (Nesseria Meningococcus) bằng PCR; xác định đa tác nhân gây viêm màng não và tác nhân gây bệnh truyền nhiễmkhác;chẩnđoánSARS-CoV-2 bằng RT-PCR; giám sát SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên và kháng thể. Nhuộm soi trực tiếp, nuôi cấy cổ điển, định danh vi khuẩn bằng phương pháp cổ điển và bằng máy tự động VITEK, kháng sinh đồ bằng phương pháp cổ điển và máy tự động VITEK.

leftcenterrightdel

Cán bộ Viện YHDP phía Nam pha chế hóa chất phun diệt côn trùng phòng chống dịch Sốt xuất huyết tại Trường Quân sự Quân khu 7. Ảnh: CTV 

Sử dụng phương pháp màng lọc xác định Coliforms, E. Coli, bào tử vi khuẩn kị khí khử Sunfit, Streptococcus faecalis, Pseudomonas aeruginosa. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc, khẳng định HIV bằng test nhanh, ELISA, xét nghiệm theo dõi điều trị HIV (tế bào CD4). Triển khai các kỹ thuật phát hiện ký sinh trùng sốt rét và định loại muỗi. Xác định ký sinh trùng đường ruột bằng phương pháp ELISA. Đo các yếu tố vi khí hậu, vật lý, hơi khí độc, bụi các loại… trong quan trắc môi trường lao động. Hiện nay, Viện có đủ khả năng chẩn đoán 24/34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội…

Năm 2020, Viện đã xây dựng labo sinh học phân tử, triển khai, đưa vào hoạt động phòng xét nghiệm SARS-CoV-2. Đồng thời, thường xuyên kiện toàn tổ chức 2 đội y tế dự phòng cơ động, thực hành luyện tập, diễn tập; vận hành, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, mới được biên chế. Do đó, khi dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố (TP) Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Viện đã kịp thời xét nghiệm cho hàng nghìn nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Phối hợp với các sở y tế hướng dẫn, chỉ đạo công tác PCD tại các đơn vị, khu cách ly; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát tại các đơn vị, khu vực có nguy cơ cao. Triển khai 371 tổ lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với 56.000 mẫu; triển khai 220 tổ xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng test nhanh với hơn 33.000 mẫu; hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh xét nghiệm SARS-CoV-2 với 12.216 mẫu (98.638 lượt người); tổ chức tiêm 16.678 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho 10.480 người, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Từ năm 2021 - 2023, Viện cử 130 lượt tổ công tác với 324 lượt người tới các đơn vị lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vắc-xin phòng Covid-19; kiểm tra công tác PCD; giám sát HIV/ma túy cho chiến sĩ mới nhập ngũ và tuyển sinh quân sự, giám sát dịch tễ HIV tại các đơn vị phía Nam với hơn 14.000 mẫu; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các đơn vị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hội nghị; phun thuốc diệt côn trùng, khử khuẩn với diện tích 45.000m2. Đồng thời, thực hiện gần 35.000 mẫu xét nghiệm tại labo của Viện bảo đảm chính xác, an toàn, phục vụ kịp thời công tác PCD...

Cùng với PCD, Viện đẩy mạnh công tác y học lao động và bệnh nghề nghiệp, phát triển kỹ thuật xét nghiệm sinh hóa bệnh nghề nghiệp. Trong đó, chủ động lập kế hoạch quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện và giám định bệnh nghề nghiệp cho các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Năm 2023, Viện đã khảo sát 12.379 mẫu môi trường lao động cho 45 đơn vị; khám sàng lọc bệnh nghề nghiệp cho 2.599 người. Về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, Viện cử các tổ công tác khám sức khỏe phụ nữ, tư vấn và cấp thuốc điều trị cho 7.483 người tại các đơn vị trong và ngoài Quân đội. Tuyên truyền về công tác giáo dục vệ sinh phòng bệnh, PCD, sức khỏe sinh sản, tầm soát ung thư, phòng và điều trị một số bệnh phụ khoa cho chị em các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên...

Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác, Viện thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2; ký sinh trùng sốt rét, đường ruột; xét nghiệm PCR, nuôi cấy định danh não mô cầu; kỹ thuật về vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm... Hằng năm, Viện gửi từ 5 - 10 lượt cán bộ, nhân viên đi học kỹ thuật về chuyên môn tại các trường trong và ngoài Quân đội. Triển khai nghiên cứu, nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, Bộ Quốc phòng như: “Xác định các yếu tố nguy cơ đặc thù của môi trường vùng sâu Đồng Tháp Mười tác động đến sức khỏe cộng đồng, đề xuất và áp dụng giải pháp khắc phục”, “Nghiên cứu các giải pháp kết hợp quân dân y trong PCD bệnh nguy hiểm, khắc phục hậu quả thiên tai thảm họa và các tình huống khẩn cấp  khác”, “Điều tra sự tồn tại trực khuẩn than, nghiên cứu chế  phẩm kháng nguyên phục vụ dự báo, PCD bệnh tối nguy hiểm”...

Trong hoạt động kết hợp quân dân y, Viện đã phối hợp với sở y tế và trung tâm y tế dự phòng của các tỉnh/thành phố trong giám sát, phát hiện và xử lý các ổ dịch trong các đơn vị quân đội, các khu dân cư gần doanh trại Quân đội. Phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trong chẩn đoán, phát hiện sớm và giám sát hiệu quả các ổ dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, nhiễm não mô cầu...; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh trong PCD bệnh, xử lý môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp lễ lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Thành lập Đội Y tế dự phòng cơ động kết hợp quân dân y phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh và Trung tâm Cấp cứu 115 hoạt động có hiệu quả trong việc xử lý các tình huống dịch, bệnh khẩn cấp và y học thảm họa...

Để nâng cao năng lực y học dự phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao thời gian tới, Viện xác định tập trung thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:

Nâng cao trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức các biện pháp PCD bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra khẩn trương điều tra, truy vết, quản lý chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng cách ly, cắt đứt chuỗi lây nhiễm; không lơ là, chủ quan, không hoang mang khi có tình huống khẩn cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho quân nhân có thể chủ động phòng, chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe, xây dựng nếp sống lành mạnh. Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý số liệu thống kê, dự báo, báo cáo dịch, bệnh, đảm bảo thông suốt, kịp thời, chính xác.

Tham mưu với cấp trên kiện toàn tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ, trang bị và cơ sở hạ tầng hệ thống YHDP của Viện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và hệ thống y tế dự phòng quốc gia. Phối hợp chặt chẽ với quân y tuyến đơn vị, hệ thống y tế dự phòng các địa phương giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Làm tốt công tác giám sát, dự báo dịch bệnh theo phương châm: “Giám sát, phát hiện sớm, cách ly, điều trị đúng, kịp thời”.

Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển vắc-xin, sinh phẩm y tế phục vụ phát hiện, chẩn đoán tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm; phòng, chống vũ khí sinh học, thảm họa sinh học. Nghiên cứu các yếu tố tác động và giải pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho bộ đội hoạt động trong môi trường quân sự đặc thù; phòng, chống các bệnh không lây nhiễm trong Quân đội. Chú trọng triển khai các hoạt động giám sát môi trường lao động; phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Ưu tiên giám sát và đề xuất các biện pháp xử lý các chất thải gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho sức khỏe, nâng cao các biện pháp cải thiện điều kiện môi trường lao động, giảm thiểu các tác nhân gây hại.

Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới; chú trọng hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật hiện đại về YHDP; xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa hệ thống YHDP quân đội với hệ thống y tế dự phòng dân y để triển khai các nội dung PCD bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và các tình huống khẩn cấp về y tế khác. Chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn kỹ thuật hằng năm cho cán bộ, nhân viên. Tích cực hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác PCD bệnh cho hệ thống quân y tuyến cơ sở.

Với những kết quả, kinh nghiệm đạt được, thời gian tới, Viện YHDPQĐ phía Nam sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng nâng cao năng lực các mặt công tác, đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, Nhân dân trên địa bàn phía Nam.

Đại tá, BSCKII TRẦN MINH TƯỜNG, Quyền Viện trưởng Viện Y học dự phòng Quân đội phía Nam