Khởi đầu của tuyến đường ống Bắc - Nam

Để có đủ nhiên liệu cho Đoàn 559 cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, binh khí kỹ thuật, vật chất vào chiến trường miền Nam, Công trường 18 được thành lập theo Quyết định số 129/QĐ ngày 20-4-1968 của Tổng cục Hậu cần, trong đó có 18 kỹ sư trẻ của các trường đại học (Bách Khoa, Xây dựng, Mỏ-Địa chất), sau đó, sáp nhập với Đoàn Công trình 18 và đổi tên thành Đoàn 18, có nhiệm vụ xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên tại tuyến lửa Khu 4. Ngày đó, chưa có ai được học về đường ống dẫn xăng dầu, Đoàn 18 phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Họ được giao việc tính toán sơ bộ các thông số của tuyến đường ống, vừa thiết kế vừa thi công, phải dùng sức người kéo ống như kéo pháo vào Điện Biên Phủ năm xưa.

Đêm ngày 22-6-1968, Công trường bắt đầu tổ chức vượt sông, đoạn vượt sông Lam là cam go nhất. Máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Những người lính xăng dầu lợi dụng ánh sáng đó để thi công, cứ lắp xong một đoạn ống, hiệu lệnh kéo vang lên, bờ bên này nâng ống, bờ bên kia níu dây kéo ống qua. Đường ống dài tới 100 m thì sức người không kéo nổi, phải dùng xe Zip Rumani kéo đỡ. Đến 05 giờ sáng ngày hôm sau thì toàn bộ đoạn ống dài 500 m được kéo qua sông Lam an toàn, máy bay địch không phát hiện được. Sau khi lắp xong đoạn đầu tiên vượt sông, những đoạn còn lại “chạy” trên mặt đất trong đêm, ban ngày được vùi đất lấp kín. Không có máy móc chuyên dụng, chỉ huy Đoàn 18 đã mượn trâu của địa phương, cày một đường thật sâu trên mặt đất để đặt từng đoạn ống rồi lấp lại. Cứ như vậy, mỗi đêm đặt được khoảng 01 km.

leftcenterrightdel

Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Xăng dầu kiểm tra chất lượng công trình do Trung đoàn 664 thi công. Ảnh: CTV 

Sau 45 ngày đêm lao động quên mình, không sợ hy sinh, gian khổ, lực lượng thi công của Đoàn 18 do Trung tá Mai Trọng Phước, thuộc Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng Công trình X42. Dưới bàn tay và khối óc của bộ đội và Nhân dân ta, tuyến đường ống vươn dần vào phía Nam, vượt qua vùng “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm, vượt sông Lam và sông La để tới Kho N2 ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Từ Quảng Bình, đường ống được chia ra làm hai hướng: Vượt Tây Trường Sơn và đi theo hướng Đông Trường Sơn.

Đúng vào thời khắc giao thừa Xuân Kỷ Dậu năm 1969, dòng xăng vượt Tây Trường Sơn vào tới Nam Tông, kịp thời cung cấp cho xe của Đoàn 559 chi viện cho miền Nam. Đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam tăng thêm một tuyến vận tải mới, binh chủng mới, phương thức vận tải xăng dầu hiện đại. Tuyến ống mang trong mình ngọn lửa căm thù và quyết tâm chiến đấu của những người lính xăng dầu đã làm kẻ thù phải kinh ngạc và thán phục. Ghi nhận thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đoàn 18; nhiều tập thể và cá nhân của đơn vị được tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới, Trung đoàn chuyển sang làm nhiệm vụ SSCĐ và tham gia xây dựng kinh tế; thi công, sửa chữa, nâng cấp các công trình xăng dầu cho các đơn vị trong toàn quân, Quần đảo Trường Sa và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, Trung đoàn đã tham gia thi công, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình xăng dầu phục vụ tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu của toàn quân. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ xây dựng tuyến đường ống chiến lược và các kho, bể dự trữ quốc gia.

Những chiến công thầm lặng thời bình

Từ 1986 đến nay, thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức biên chế của Bộ Quốc phòng, phát huy truyền thống và kết quả đã đạt được, dù là đơn vị dự toán hay tự cân đối hoạch toán, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 664 luôn chủ động khắc phục khó khăn, tích cực học tập làm chủ trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, hoàn thành tốt việc thi công xây lắp, sửa chữa các công trình xăng dầu cho toàn quân, góp phần bảo đảm xăng dầu cho toàn quân phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Quân đội trong tình hình mới, như: bảo đảm cho các lực lượng huấn luyện, SSCĐ, tìm kiến cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thăm dò, khai thác dầu khí...

Những năm gần đây, Trung đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ mới, yêu cầu kỹ thuật cao và gặp không ít khó khăn như: Thi công nâng cấp, bảo quản công trình xăng dầu kho hang trong điều kiện làm việc chật hẹp, độc hại, vận chuyển vật tư khó khăn, trang thiết bị chưa đồng bộ, dễ mất an toàn. Địa bàn hoạt động rộng, giao thông cách trở, quân số phân tán, thời gian thi công kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Đời sống của một số cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn; đội ngũ thợ tay nghề kỹ thuật cao còn thiếu; thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Trước thực tế trên, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Trung đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, xác định các phương án thi công an toàn. Trong đó, ưu tiên bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ bảo đảm sát với đặc điểm, tình hình đơn vị và yêu cầu của từng công trình. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc tham mưu, đề xuất triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đối với các công trình có tính chất phức tạp, Trung đoàn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, động viên bộ đội và duy trì nghiêm quy trình kỹ thuật, bảo đảm đủ vật tư trong quá trình thi công. Đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh và bảo đảm đủ tiêu chuẩn, chế độ, chính sách cho bộ đội. Vì vậy, nhiều công trình đã rút ngắn thời gian so với kế hoạch, các hạng mục công trình, bảo đảm chất lượng, kỹ, mỹ thuật, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống, tinh thần cho bộ đội, Trung đoàn tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, tạo sự chuyển biến toàn diện công tác chuyên môn. Nội dung huấn luyện không chỉ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thi công các công trình xăng dầu, SSCĐ, mà còn sẵn sàng ứng phó với các sự cố thiên tai, thảm họa môi trường. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn thường xuyên quan tâm đến công tác kỹ thuật, động viên khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình. Tiêu biểu như: Hệ thống giàn cẩu xoay 360 độ được lắp đặt trong hang có thể cẩu từng tấm thép lớn đưa vào vị trí cần lắp đặt. Hệ thống ray tời vật liệu có điều khiển từ xa cho phép vận chuyển các loại nguyên vật liệu có trọng lượng lớn từ chân công trình vào tận nền kho hang với độ dốc lên tới 450, quãng đường hơn 200 m. Hệ thống giá xoay lắp dựng bể kho hang sử dụng pa-lăng xích kéo các tấm thép được gia công định hình vào từng vị trí hàn công nghệ, đảm bảo độ chính xác cao. Bộ thử kín van cơ động bằng hình thức nén áp lực khí và nước giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người thợ, tính cơ động cao, sử dụng ở mọi địa hình kho bể, độ an toàn cháy nổ cao, có thể thử kín nhiều loại van khác nhau tùy theo yêu cầu của thiết kế công trình…

Từ năm 1986 đến nay, với nhiều cố gắng, Trung đoàn  đã tổ chức thi công hoàn thành 92 công trình và hạng mục công trình xăng dầu trong toàn quân. Trong đó nổi bật là thi công kho xăng dầu Lữ đoàn 649/Cục Vận tải; Kho xăng dầu Bộ Tư lệnh Vùng 4/Hải quân; hệ thống cứu hỏa tại phân kho K95 (Kho 190, Cục Xăng dầu); hệ thống tra nạp nhiên liệu Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân); Kho xăng dầu d6 (Cục Hậu cần Quân khu 5); Kho hang T1, 2 và hệ thống cấp phát Phân kho 78 và Phân kho 79, Kho 671; công trình Kho xăng dầu Sư đoàn 390, Quân đoàn 1; sơn bảo quản  2.200 m2 bể phân ly Phân kho 86, 79 (Kho 671); sơn bảo quản 3.348m2 Phân kho 93/Kho 190; kho xăng dầu Lai Xá (Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật); sơn bảo quản 07 bể chứa 1.000 m3  và 76 bể phân ly 25 m3 tại Phân kho 93, 95 (Kho 190)…

Thời gian tới, trước sự phát triển của Cuộc cách mạng 4.0, yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Xăng dầu Quân đội có bước phát triển mới, nhiệm vụ thi công, sửa chữa, nâng cấp các công trình xăng dầu với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao, phát huy truyền thống 55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Trung đoàn 664 tiếp tục nỗ lực, không ngừng nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu thi công các công trình xăng dầu của đất nước nói chung và Quân đội nói riêng.

 Trung đoàn 664 được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 1970); Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 1980); Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 1990). Vinh dự được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Trung dũng hạng Nhì (năm 1980), hạng Ba (năm 1990). Được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thưởng luân lưu “Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng” (năm 1986 và 2007) và tặng Cờ đơn vị Huấn luyện giỏi (năm 2022)…

 

Đại úy TRẦN THANH TÚ-Bộ Tham mưu Hậu cần