Đội quân phó cối

Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, để ủng hộ bộ đội đánh giặc, đồng bào Tây Bắc đóng góp hơn 10.000 tấn thóc nếp và hàng trăm tấn thực phẩm. Vấn đề là, làm thế nào để biến 10.000 tấn thóc ấy thành gạo!

Sở chỉ huy tiền phương của Tổng cục Cung cấp quyết định tuyển mộ các chiến sĩ và dân công biết đóng cối xay, thậm chí điều thợ đóng cối xay từ hậu phương lên, thành lập “Đội quân phó cối” ngay tại chiến trường. Các phó cối vào rừng chặt tre, bện các thanh tre nhỏ làm áo cối, chẻ tre làm dăm cối, dùng đoạn thân tre phù hợp làm giàng kéo... Hàng trăm chiếc cối xay nhanh chóng ra đời, hoạt động suốt ngày đêm, giải quyết 10.000 tấn thóc nếp nương thành gần 7.500 tấn gạo, chiếm gần 1/3 nhu cầu lương thực của quân ta tại mặt trận.

Gạo nếp nương thơm quyến rũ. Hiềm một nỗi, đến bữa thứ 7, thứ 8 thì kể cả với những chàng bộ đội háu đói nhất cũng ngán cơm nếp. Anh nuôi phải chuyển sang đồ xôi như đồng bào Tây Bắc vẫn làm, bắc nồi thường dùng nấu cơm lên bếp, nước chế vừa đủ rồi đặt cái rá lên, vành miệng rá sát miệng nồi. Gạo nếp vo sạch ngâm kỹ, đổ vào rá, lấy đũa cắm vào để tạo độ thoáng hơi. Đổ gạo cao đến đâu, quây lá chuối đến đó, có thể cao tới 30 - 40 cm. Dùng lá chuối bịt kín rồi úp một cái rá khác lên để lá chuối khỏi bung ra. Gạo nếp chín bằng hơi nước sôi, kết thành xôi. Với cách cải tiến này, đơn vị không còn lo lắng cái sự “ngán như ngán cơm nếp”.

leftcenterrightdel
Cối xay của Đội quân phó cối. 

Xả thân vì gạo

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Hoa, nguyên chiến sĩ C66, Đoàn Hậu cần 81/Cục Hậu cần Miền kể lại: Sau Chiến dịch Xuân 1968, đơn vị của bà bị Mỹ ngụy tấn công rất ác liệt. Trên không, máy bay B52 thay nhau ném bom đạn xuống. Dưới đất, Sư đoàn Dù bao vây; xe tăng, xe bọc thép đánh phá liên tục. Ngoài nhiệm vụ phục vụ bộ đội, cán bộ, chiến sĩ C66 còn kiên cường chiến đấu bảo vệ kho và căn cứ. Nhiều đồng chí lúc hy sinh, trên lưng vẫn còn mang bồng gạo.

Trong một trận càn quét khốc liệt, quân địch phát hiện ra hầm bí mật của ta. Trong hầm là tổ công tác thu mua gạo gồm 3 chiến sĩ, do chị Thanh phụ trách đang làm nhiệm vụ. Địch chõ loa la hét: “Đầu hàng thì sống. Chống lại thì chết!”. Sau khi thống nhất chọn cái chết để bảo vệ nguồn lương thực, ba chị em thay nhau vừa ném lựu đạn kiềm chế địch, vừa đốt hủy toàn bộ hồ sơ có liên quan đến các cơ sở của cách mạng, trong đó phần lớn là những điểm cung cấp gạo cho bộ đội ta. Quả lựu đạn cuối cùng được chị Thanh cho nổ khi cả 3 người đã đốt xong bản tài liệu cuối cùng và ôm nhau nhận cái chết. Để trả thù cho chị Thanh và đồng đội, các chiến sĩ làm nhiệm vụ thu mua vận chuyển gạo đã kiên cường xây dựng lại cơ sở, bảo đảm lương thực ngày một tốt hơn, cung cấp đủ lương thực giúp bộ đội ta ăn no có sức chiến đấu trong các trận đánh kế tiếp.

Trong chiến tranh chống Mỹ, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - vùng đất bị kẹp giữa hai cứ điểm quân sự quan trọng của địch là Núi Lở và Ái Nghĩa lại chính là hành lang liên thông giữa vùng B (vùng giải phóng của ta) với các căn cứ cách mạng trong tỉnh. Từ giữa năm 1970, Đại Nghĩa thường xuyên bị quân địch “bình định”, đánh phá tàn khốc, dẫn đến các cửa khẩu của Quảng Nam như Xuyên Hòa, Xuyên Phú (huyện Duy Xuyên), Điện Sơn (huyện Điện Bàn) bị tắc nghẽn kéo dài, gây khó khăn trầm trọng về nguồn lương thực. Trước tình hình ấy, Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định mở những đợt thu mua lương thực. Đại Nghĩa được chọn làm đột phá với chỉ tiêu được giao là thu mua 5.000 tấn gạo, bình quân 3 tấn/người. Bằng nhiều biện pháp tổ chức và tuyên truyền vận động, phong trào tạo nguồn gạo cho cách mạng trong xã diễn ra sôi nổi. Trung bình mỗi ngày đêm thu mua được tới 20 tấn và vận chuyển đi. Đến cuối năm 1972, tại hai thôn Nghĩa Bắc và Đức Hòa, phần lớn các gia đình đều chôn cất ít nhất 1 tấn gạo/hộ. Từng thôn đều có bãi chôn cất gạo. Ban Dân công của xã và bộ đội cùng tham gia vận chuyển.

Trong hoạt động quan trọng này, những người dân ủng hộ gạo hoặc giúp quân ta thu mua và cất giữ, vận chuyển gạo được coi là người hoạt động cách mạng, bị địch theo dõi. Nhưng với lòng yêu nước, Nhân dân sẵn sàng cùng với bộ đội chịu thương vong để bảo vệ cái “dạ dày” của cách mạng, để gạo Đại Nghĩa ấm lòng quân dân đất Quảng. Đặc biệt cao quý là tấm gương hy sinh của mẹ Phan Thị Thông - một chiến sĩ cách mạng, cơ sở mật của ta ở thôn Đức Hòa. Cuối tháng 11-1973, mẹ Thông làm nhiệm vụ cảnh giới địch để đội công tác của ta hoạt động. Theo giao ước, nếu thấy nhà mẹ có ánh đèn tức là không có địch. Chập tối, mẹ trở về nhà sau khi dự một đám giỗ ở trong làng, thì chẳng hay có một trung đội địch đã bí mật theo dõi. Chúng tổ chức phục kích quanh căn nhà của mẹ. Đêm xuống, không thấy động tĩnh gì, mẹ thắp đèn trong nhà và đi sang hàng xóm trao đổi công việc. Vừa bước chân đi, linh tính báo có sự chẳng lành, mẹ vội quay lại thì bị bọn địch bắt giữ. Tình thế vô cùng hiểm nghèo, vô cùng khẩn thiết… Với một sức mạnh phi thường, mẹ vùng thoát khỏi tay bọn lính, chạy vào nhà tắt đèn. Quá bất ngờ, bọn địch hốt hoảng xả đạn vào mẹ và bấm nổ toàn bộ mìn giăng quanh nhà.

Đội công tác đang chuẩn bị vào nhà mẹ đã thoát hiểm trong gang tấc. Mẹ Thông hy sinh để đội công tác của ta cùng với tài liệu về các cơ sở cung cấp lương thực cho bộ đội không bị rơi vào tay giặc. Ghi nhận công lao của mẹ từ khi 15 tuổi tham gia cách mạng (1947) và thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 12-2012, Nhà nước truy tặng mẹ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Gạo trôi sông đánh giặc

Từ sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, trong điều kiện địch thường xuyên đánh phá chặn đường tiếp viện của ta, việc vận chuyển vật phẩm hậu cần, đặc biệt là vận chuyển gạo vào các chiến trường phía Nam vô cùng khó khăn. Mặt khác, do kho tàng dã ngoại chịu ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, khí hậu ẩm ướt nên gạo bị xuống cấp rất nhanh. Trước tình hình ấy, ngành Quân nhu nghiên cứu hoàn thiện dụng cụ chứa gạo và kỹ thuật bao gói, nhằm đưa gạo vào các chiến trường được nhanh, đảm bảo chất lượng, hạn chế thất thoát. Cơ quan Cục Quân nhu tiến hành thử nghiệm loại bao đựng gạo có 4 lớp túi, lớp trong cùng và lớp ngoài cùng bằng bao PVC và PE, miệng dính kín thành lớp màng bảo vệ, ngăn được nước, 2 lớp ở giữa bằng sợ đay. Sau đó, mang bao đựng đầy gạo, tiến hành bảo quản 6 tháng trong các điều kiện: Chôn dưới cát gần bờ biển Sầm Sơn, dưới đất cao và dưới ruộng tại khu vực Xuân La (huyện Từ Liêm, Hà Nội); thả trôi 5 km ở suối Lương Sơn (Hòa Bình); để trong kho đối chứng tại Kho 205 và kho Viện Nghiên cứu kỹ thuật ăn mặc - Cục Quân nhu (Hà Nội). Kết quả, sau 1 năm, hạt gạo vẫn sáng, không hôi mốc mọt, chất lượng thay đổi không đáng kể.

Từ sáng kiến này, thả trôi gạo trên sông, trên biển trở thành phương thức mới vận chuyển ra chiến trường rất hiệu quả. Chỉ riêng trong phục vụ cuộc tiến công chiến lược của ta trên Chiến trường Trị Thiên mùa hè năm 1972, ngay từ ngày đầu nổ súng (30-3-1972), Quân nhu Chiến dịch đã thả gạo trôi trên các sông Đắc - Rông, Ba Lòng, tiếp đó chuyển qua các điểm Tà Niên, Văn Vân để giao cho Cụm Hậu cần số 3 đóng tại khu vực Ba Đa trên đường 15N được 617 tấn gạo phục vụ cho lực lượng tiến công vào phía Nam Quảng Trị, góp phần đảm bảo đủ gạo cho bộ đội ăn no, đánh thắng địch trên chiến trường.

PHẠM XƯỞNG