Trị Thiên là hướng chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân đội ta trên chiến trường miền Nam. Sau khi ta kết thúc chiến dịch tiến công Trị Thiên, địch đã tổ chức phản công ác liệt nhằm chiếm lại các vùng đã mất. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định tổ chức chiến dịch phòng ngự khu vực tại thị xã Quảng trị và vùng ven đô nhằm đánh bại ý đồ phản công của địch, bảo vệ vùng giải phóng, đáp ứng yêu cầu của chiến lược và phục vụ đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Pari.
Thời kỳ này, do phải tập trung đánh phá miền Bắc nên địch giảm cường độ đánh phá trên tuyến 559. Tuy nhiên, chúng lại sử dụng máy bay B52 và máy bay cường kích đánh huỷ diệt các kho, bến cảng... ở phía nam Quảng Bình - nơi tập kết, lập chân hàng của Đoàn 559 khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn. Trong khi đó, mặt trận Quảng Trị lại đang trong giai đoạn quyết liệt nhất; nhu cầu chi viện hậu cần ngày càng cấp thiết. Để giải toả cấp tốc các tuyến trọng yếu vượt sông Gianh, Long Đại, Chính phủ giao cho Bộ Tư lệnh 559 thống nhất chỉ huy toàn bộ lực lượng giao thông vận tải của cả trong và ngoài quân đội ở khu vực Quảng Bình, Vĩnh Linh và huy động tối đa lực lượng, phương tiện vận tải chi viện cho tiền tuyến. Các tỉnh cử cán bộ lãnh đạo tham gia Bộ Tư lệnh vận tải khu vực. Bộ Tư lệnh 559 điều hai trung đoàn Công binh (99 và 8) ở tuyến trong ra làm nòng cốt mở đường vòng tránh trên trục đường 1, 15 và bảo đảm vượt sông; chuyển Sư đoàn 571 sang làm nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu hiệp đồng vận tải chiến dịch, tạo nguồn hàng cho tuyến chi viện chiến lược. Với thế trận giao thông vận tải mới, Tổng cục Hậu cần đã tổ chức hai đợt vận chuyển đột kích lớn là BĐ1 và BĐ2, đến tháng 10 đã đưa vào bắc sông Gianh được 12.696 tấn hàng. Dù bị địch đánh phá, ngăn chặn và phong toả hết sức ác liệt nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã giữ vững mạch máu giao thông thông suốt; khối lượng vận chuyển chi viện chiến trường năm 1972 tăng hơn 27,5 vạn tấn so với năm 1968 (năm có khối lượng vận chuyển lớn nhất trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất). Ngày 22-10-1972, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra. Tranh thủ thời cơ này, hậu cần các cấp đẩy nhanh cường độ vận chuyển hàng vào chiến trường, đồng thời củng cố lại các cơ sở, lực lượng.
Trên chiến trường Quảng Trị, sau khi được tăng cường lực lượng, cuối tháng 6-1972, địch sử dụng 3 sư đoàn (dù, bộ binh, thủy quân lục chiến), 1 liên đoàn biệt động quân, 1 lữ đoàn và 1 thiết đoàn thiết giáp, 1 sư đoàn không quân, 4 tiểu đoàn pháo binh và lực lượng Vùng 1 Hải quân nguỵ Sài Gòn, cùng hàng trăm lượt máy bay B52 mỗi ngày và hàng trăm khẩu pháo trên các chiến hạm của Mỹ đánh phá liên tục nhằm chiếm lại các khu vực đã mất, nhất là khu vực thị xã Quảng Trị và vùng ven đô.
Để đối phó với thủ đoạn của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng 5 sư đoàn bộ binh (304, 308, 312, 320B, 325) và 1 trung đoàn độc lập, 5 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn tăng thiết giáp, 3 trung đoàn pháo binh, 4 trung đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn tên lửa phòng không, 2 trung đoàn công binh và 5 tiểu đoàn bộ đội địa phương… bố trí thành thế trận phòng ngự khu vực thị xã Quảng Trị và vùng giải phóng. Từ tiến công chuyển sang phòng ngự, hậu cần chiến dịch đã nhanh chóng điều chỉnh lại thế bố trí, di chuyển các cụm hậu cần lui về phía sau; đồng thời tổ chức dự trữ vật chất có chiều sâu và chuẩn bị bảo đảm sinh hoạt dài ngày của bộ đội ở trận địa trong mùa mưa... Từng cụm hậu cần chiến dịch, hậu cần các đơn vị đều xây dựng, củng cố hầm hào, công sự; bảo vệ kho tàng, sẵn sàng đánh địch, bám trụ vững chắc lâu dài ở chiến trường. Hậu cần chiến dịch và các cấp chiến thuật có phân công, phân tuyến bảo đảm chặt chẽ. Riêng các trung đoàn pháo binh, hậu cần chiến dịch vận chuyển đạn đến tận trận địa.
Từ ngày 28-6 đến 16-9-1972, quân Ngụy dùng 2 sư đoàn tổng dự bị chiến lược (dù, thủy quân lục chiến) và lực lượng lớn pháo binh, xe tăng, thiết giáp, dưới sự yểm trợ hỏa lực của không quân, hải quân Mỹ, từ 2 hướng tiến công vào thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Bộ đội ta kiên cường bám trụ, giữ vững Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm. Trong 81 ngày đêm đó, hậu cần chiến dịch đã bảo đảm 12.500 tấn vật chất; trong đó có 4.696 tấn đạn; các trạm bảo đảm kỹ thuật đã sửa chữa được 824 lượt xe ô tô, 151 lượt xe xích và nhiều súng, pháo. Tuy nhiên, tổn thất vũ khí, xe máy trong đợt này của ta khá nặng nề, có loại tới hơn 50%…
Từ ngày 17-9-1972 đến 25-1-1973, địch liên tiếp mở các cuộc tiến công về hướng Đông Hà - ái Tử; ta tổ chức phòng ngự khu vực, chặn đứng các cuộc tiến công của địch ở phía nam, bắc sông Thạch Hãn.
Đợt 3 (26 đến 31-1-1973), địch thực hiện kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ" trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực, bí mật, bất ngờ đánh Cửa Việt; ta tập trung lực lượng tiến hành phản đột kích tiêu diệt hoàn toàn quân địch lấn chiếm, kết thúc chiến dịch.
Trong chiến dịch này, ban đầu ta chuyển vào phòng ngự trong thế bị động, lúng túng, nên gặp nhiều khó khăn và tổn thất. Sau khi củng cố được thế trận, ta từng bước đẩy lùi các mũi tiến công của địch, giành thắng lợi trên toàn mặt trận. Kết quả, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 29.000 địch, tiêu diệt 1 lữ đoàn và 12 đại đội; phá hủy 345 xe tăng, thiết giáp, 273 khẩu pháo, bắn rơi 169 máy bay, bắn chìm 9 tàu chiến, thu gần 1.000 súng các loại, giữ vững khu vực giải phóng phía bắc sông Thạch Hãn.
Tính chung toàn chiến dịch, hậu cần chiến dịch đã bảo đảm 14.600 tấn vật chất, trong đó có 4.271 tấn đạn dược (29,3%), 1.360 tấn xăng dầu (9,3%), 440 tấn vũ khí và vật tư kỹ thuật (3%); 8.320 tấn lương thực thực phẩm (56,9%); cứu chữa 8.967 thương binh và 10.204 bệnh binh… góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch.
Thắng lợi trên chiến trường Trị Thiên – mặt trận ác liệt nhất trong đợt tiến công chiến lược năm 1972 (trong đó có chiến dịch phòng ngự Quảng Trị) cùng với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần tạo bước ngoặt quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, giúp chúng ta có điều kiện quan trọng để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tá-Thạc sĩ Trần Đình Quang, Bộ Tham mưu-TCHC
Tài liệu tham khảo
1. Lịch sử Hậu cần QĐND Việt Nam, tập 2, Nxb QĐND 1999.
2. Hậu cần chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND 2000.
3. Từ điển Bách khoa Quân sự, Nxb QĐND 2005.
4. Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND 2001.