Chủ động chuẩn bị trước về hậu cần

Dự đoán trước tình hình đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không -Không quân (PKKQ) chủ động nghiên cứu cách đánh B52. Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Hậu cần nhanh chóng bổ sung vũ khí, khí tài và các nhu cầu vật chất thiết yếu khác cho quân chủng PKKQ, các quân khu. Đến đầu tháng 12, các đơn vị của Quân chủng PKKQ đã được bảo đảm 5 cơ số đạn các loại. Sư đoàn Phòng không 361 và 363 lực lượng nòng cốt bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng, bảo đảm hệ số kỹ thuật tên lửa đạt 100%, ra-đa 98%, khí tài khác 75 - 100%, cao xạ hơn 90%. Máy bay chiến đấu phản lực giữ được hệ số kỹ thuật 71%.

Đến ngày 15/12/1972, tại Hà Nội có 208 quả đạn tên lửa, bình quân mỗi tiểu đoàn hỏa lực có 26 quả (2,16 cơ số); đạn pháo phòng không có 4.400 tấn; bình quân mỗi đại đội có từ 5-7 cơ số. Tại Hải Phòng, đạn tên lửa có 173 quả, bình quân mỗi tiểu đoàn hỏa lực có 22 quả (1,8 cơ số); đạn pháo phòng không có 2.800 tấn, bình quân mỗi đại đội có từ 6-8 cơ số. Về xăng dầu, nhất là dầu TC-1 cho máy bay, hậu cần Quân chủng dự trữ đầy đủ tại các kho ở bắc sông Hồng, (bảo đảm cho các sân bay Nội Bài, Yên Bái, Kép) và nam sông Hồng, (bảo đảm cho sân bay Hòa Lạc, Thọ Xuân...). Tại mỗi sân bay, xăng dầu dự trữ đủ cho 30-40 ngày chiến đấu, riêng sân bay Nội Bài có lượng dự trữ lớn nhất. Trong suốt quá trình chiến đấu, lượng xăng dầu được dữ trữ đầy đủ, công tác bảo đảm diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Triển khai sơ tán cơ sở vật chất và nhân dân, xây dựng hệ thống hầm trú ẩn.

Hệ thống giao thông, các kho tàng xí nghiệp của Nhà nước và của ngành Hậu cần Quân đội được sơ tán, bố trí xa các thành phố, thị xã để duy trì sản xuất phục vụ đời sống nhân dân và bảo đảm cho các lực lượng tham gia chiến đấu. Ngày 18/12, Binh trạm 20 tập trung lực lượng cùng Tiểu đoàn 936 (Cục Vận tải) và các lực lượng tăng cường khác giải tỏa xong 4.000 tấn hàng quân sự và trên 1.000 tấn hàng kinh tế của Nhà nước ở Đông Anh, Yên Viên. Cùng với sơ tán vật chất, công tác phòng tránh bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân gấp rút được triển khai. Hệ thống hầm hào, hầm tròn trú ẩn rải rác khắp các phố phường, thuận lợi cho việc tìm nơi ẩn nấp khi có báo động; Hà Nội tổ chức sơ tán được 30 vạn người về các vùng nông thôn. Nhờ đó, chúng ta đã tránh được cuộc tấn công chiến lược của không quân và Hải quân Mỹ, giảm thiểu tổn thất lớn về người và cơ sở vật chất.

Kết hợp chặt chẽ quân y với dân y trong tổ chức cứu chữa thương binh và nhân dân bị thương

Tổng cục Hậu cần chỉ đạo kết hợp quân y các phân đội tác chiến với lực lượng dân y ở các cơ sở. Hoạt động của mạng lưới cấp cứu theo khu vực và theo tuyến ở các địa phương được củng cố. Tuyến 1, tổ chức y tế cứu thương của các bộ phận sản xuất; cụm dân cư (thôn, phố, hợp tác xã, phân xưởng), làm nhiệm vụ cấp cứu ban đầu tại các địa điểm bị đánh phá, chuyển người bị thương ra ngoài vòng hỏa lực của địch. Tuyến 2 là trạm y tế của các đơn vị cơ sở (xã, tiểu khu, xí nghiệp, trường học) làm nhiệm vụ bổ sung cấp cứu, xử trí vết thương nhẹ. Tuyến 3 là các bệnh viện huyện, làm nhiệm vụ cấp cứu khẩn cấp, xử trí các vết thương không quá phức tạp, tổ chức các đội phẫu thuật lưu động gọn nhẹ, cơ động nhanh, bám sát trận địa, bảo đảm cấp cứu kịp thời. Khi cần thiết có thể bám trụ hoạt động liên tục dài ngày ở các trọng điểm đánh phá của địch. Đây là hình thức tổ chức y tế thích hợp với cách đánh của các LLVT và nhân dân ta, phù hợp với khả năng cơ động. Tuyến 4 gồm các bệnh viện tỉnh, thành phố có nhiệm vụ xử trí các vết thương phức tạp, chuyên khoa sâu, giải quyết di chứng vết thương chiến tranh, chỉ đạo và chi viện kỹ thuật cho tuyến trước. Để hỗ trợ các mạng lưới cứu chữa nói trên, Hà Nội còn tổ chức 105 tổ đội cấp cứu lưu động của dân y và 30 tổ đội cấp cứu lưu động của quân y. Khu vực Hải Phòng tổ chức 53 tổ đội của dân y và 15 tổ đội của quân y sẵn sàng cơ động đến các nơi bị đánh phá.

Đêm 26/12, Mỹ huy động 129 lần chiếc B52 đánh Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, tập trung vào các khu đông dân cư như phố Khâm Thiên, khu lao động Tương Mai, Mai Hương, Bệnh viện Bạch Mai giết, hại hàng trăm dân thường. Do địch ném bom rải thảm nên cơ cấu vết thương phức tạp, tỷ lệ thương binh bị sức ép và vùi lấp cao. Ở tuyến 1, các đội cứu sập kết hợp với dân quân tự vệ đã kịp thời có mặt ở từng nhà, từng ngõ, phố bị đánh phá để tìm kiếm, sơ cứu người bị thương, chỉ trong 2 giờ đã sơ cứu hết những người bị thương đưa về tuyến sau. Các bệnh viện thành phố và bệnh xá của các nhà máy, xí nghiệp làm việc suốt ngày đêm. Hai tỉnh Hải Hưng và Thái Bình đã tiếp nhận và cứu chữa giúp Hải Phòng 300 người bị thương. Mặc dù quá trình chiến đấu căng thẳng, ác liệt nhưng nhờ sự hiệp đồng chặt chẽ giữa quân y với các trạm xá, bệnh viện và lực lượng dân y trong khu vực nên công tác cứu chữa thương binh và nhân dân bị thương được thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả.

Vận chuyển bổ sung kịp thời vật chất, phương tiện trong quá trình chiến đấu.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu, tình trạng thiếu đạn lan khắp các đơn vị, do lượng đạn tên lửa, đạn pháo cao xạ tiêu thụ rất lớn. Trong 4 ngày đầu Chiến dịch, lực lượng phòng không đã tiêu thụ hết 152 tấn đạn pháo phòng không, bình quân tiêu thụ 38 tấn/ngày đêm. Đến ngày 25/12, các đơn vị đã tiêu thụ 186,5 tấn đạn. Riêng Sư đoàn Phòng không 361 trong 12 ngày đêm tiêu thụ 2.500 tấn đạn các loại bằng 12% tổng số đạn tiêu thụ trong hai cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Để khắc phục vấn đề thiếu đạn tên lửa, ngành Hậu cần - kỹ thuật tập trung lắp ráp đạn, các dây chuyền lắp ráp làm việc hết công suất 24/24 giờ, hoàn thành xong vận chuyển ngay đến trận địa. Các đơn vị thực hiện nghiêm mệnh lệnh “Dành đạn cho đánh máy bay B52”, đồng thời khẩn trương điều động phương tiện vận tải đặc chủng chuyển đạn về Hà Nội cấp cho các đơn vị nên tình trạng thiếu đạn được giải quyết kịp thời.

Một trong những mục tiêu đánh phá của địch là các trận địa phòng không, các sân bay, các cơ sở bố trí, hậu cần kỹ thuật. Không quân Mỹ đã sử dụng 132 lần chiếc F11, F4, A7 đánh 57 lần, ném 950 quả bom vào các sân bay, vật chất hậu cần và vũ khí khí tài một số trận địa bị tổn thất nặng nề, hỏng hóc tới 25%. Do có sự chuẩn bị phòng tránh, ngụy trang tốt nên dù bị đánh phá, các kho trạm hậu cần của các trận địa vẫn bảo đảm được cho các đơn vị chiến đấu. Nhiều vũ khí trang bị được khôi phục sửa chữa ngay tại trận địa, cùng với việc được dự trữ vật chất - kỹ thuật từ trước và vận chuyển tiếp tế, bổ sung kịp thời nên sức chiến đấu của bộ đội phòng không vẫn được giữ vững trong suốt quá trình chiến dịch.

Kết quả trong 12 ngày đêm, quân dân Hà Nội, Hải Phòng và các địa phương trên miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, 5 máy bay F111, đập tan cuộc tập kích chiến lược của địch, lập nên một trận "Điện Biên Phủ trên không". Đến sáng ngày 30/12, Chính phủ Mỹ chính thức tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52; ngừng ném bom từ bắc Vĩ tuyến 20 trở ra, đồng thời đề nghị gặp đại diện Chính phủ ta ở Pa-ri để bàn việc ký Hiệp định.

Thành công của công tác hậu cần bảo đảm cho các lực lượng vũ trang đánh bại những cố gắng cuối cùng của địch trong Chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã khẳng định bước trưởng thành toàn diện, vượt bậc của ngành Hậu cần Quân đội. Đây là tiền đề, là cơ sở để toàn ngành Hậu cần hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thiếu tá, Ths LÊ MẠNH TIẾN, Viện LSQS Việt Nam