Chuẩn bị cho cuộc hành quân này, địch xây dựng các căn cứ tại Trảng Lớn, Dầu Tiếng, Chơn Thành; yếu khu Minh Thạnh; trại biệt kích Suối Đá, Trảng Sạp, Trại Bí-Mỏ Công và các sân bay... Từ 25/9/1966 - 20/02/1967, chúng thực hiện trên 60 phi vụ máy bay C47 và C123 thả chất độc khai quang xung quanh căn cứ Dương Minh Châu; dùng máy bay cường kích và máy bay B52 dội bom dữ dội xuống vùng rừng núi Tây Ninh. Nhiều máy thu tiếng động được chúng thả ở các tuyến đường hành lang; hàng loạt toán biệt kích đột nhập vào các khu vực quan trọng để thăm dò... Đến 21/02/1967, hơn 45.000 quân Mỹ - ngụy (gồm 7 lữ đoàn Mỹ, 2 lữ đoàn ngụy), cùng 1.200 xe tăng, xe bọc thép, 256 khẩu pháo, 300 máy bay lên thẳng, 3 phi đoàn máy bay vận tải... do Trung tướng Na-than-si-man chỉ huy đã triển khai xong lực lượng, hình thành thế bao vây, chia cắt, sẵn sàng mở cuộc tiến công lớn vào căn cứ Dương Minh Châu.
Trên cơ sở đánh giá âm mưu, thủ đoạn của địch, Bộ chỉ huy Miền nhận định: Ta có khả năng bám trụ chiến đấu, giữ vững căn cứ nếu tổ chức phòng thủ tốt và phối hợp ba thứ quân theo phương châm “chiến đấu tại chỗ”. Khắc phục tình trạng ít dân, ta tổ chức ra các “khu dân cư đặc biệt”, cán bộ, nhân dân vừa công tác, vừa sản xuất được tổ chức lại thành các phân đội vũ trang tự vệ, xây dựng xã, ấp chiến đấu với hệ thống công sự, hào giao thông nhiều tuyến, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ phối hợp tác chiến với các đơn vị chủ lực. Các cơ quan Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng đều dành 1/3 lực lượng xây dựng căn cứ. Nhiều “ấp đội”, “xã đội”, “huyện đội”; các đội du kích chiến đấu tại chỗ được thành lập. Ở mỗi cơ quan dân chính đảng (trừ Đài Phát thanh Giải phóng), lực lượng được chia làm 5: 1/5 tham gia xây dựng hậu cứ giúp Trung ương Cục, 3/5 bám trụ vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp chiến đấu, 1/5 làm công tác hậu cần.
Căn cứ lực lượng và phạm vi đóng quân, ở khu vực Trung ương Cục và Mặt trận Dân tộc Giải phóng tổ chức thành 2 cụm chiến đấu gồm 6 “huyện”, với khoảng 2.000 người, cùng 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 170 bảo vệ căn cứ, phân tán thành các đại đội, trung đội. Khu vực Bộ chỉ huy Miền và cơ quan tổ chức thành 7 “huyện”, khoảng 3.000 người, cùng 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 170, làm nhiệm vụ bảo vệ Bộ chỉ huy. Các huyện đội đều tổ chức bệnh xá, có bác sĩ phụ trách; các xã đội, ấp đội đều có y sĩ, y tá với đầy đủ thuốc men, trang bị; các chiến đấu viên được trang bị túi cấp cứu. Trong khu căn cứ, có các Bệnh viện K77, K71B, bệnh viện liên cơ của Trung ương Cục, Bệnh viện K71A làm nhiệm vụ tuyến sau của Chiến dịch. Tháng 01/1967, Đoàn Hậu cần 82 đóng ở khu vực suối Bà Hảo đã dự trữ được 1.665 tấn lương thực, thực phẩm; 111 tấn vũ khí đạn bổ sung cho các đơn vị của Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16. Cũng trong tháng, hậu phương đã chuyển cho B2 (giao ở Nam Lào) 285 tấn vũ khí đạn; sau đó được Đoàn 17 chuyển về kho ở Km 0 Lộc Ninh...
Sau khi cùng quân dân Sài Gòn-Gia Định đánh bại cuộc hành quân Át-ten-bơ-rơ và Xê-đa-phôn, Sư đoàn 9 Quân Giải phóng được bổ sung quân số, đổi mới vũ khí, trang bị; được phối thuộc Trung đoàn 16 và nhiều đơn vị pháo binh, cao xạ, công binh... Đến ngày 02/01/1967, mọi công tác chuẩn bị cho Chiến dịch đã cơ bản hoàn thành. Tổng quân số du kích và bộ đội chủ lực vào khoảng 15.000 người.
Đầu tháng 02/1967, Tổng cục Hậu cần đã chuyển tiếp bằng đường biển vào cảng Si-ha-núc-vin (Campuchia) gần 3.000 tấn hàng (có 2.000 khẩu B.40 và 120.000 viên đạn cùng nhiều súng phòng không 12,7 mm). Đoàn Hậu cần 17 khẩn trương chuyển hàng về Xa Tum, đông Cà Chay giao cho Đoàn tiếp nhận 18A/Cục Hậu cần Miền chuyển về bổ sung cho các đơn vị. Các hầm vũ khí, vật chất hậu cần vừa tiếp nhận được bố phòng bảo vệ cẩn mật.
Quyết tâm của Bộ chỉ huy Miền là: Dùng lực lượng cơ quan và đơn vị trong căn cứ bám trụ chiến đấu tại chỗ, phối hợp với một bộ phận chủ lực Quân Giải phóng mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân, bảo vệ căn cứ, kho tàng, bẻ gãy gọng kìm “tìm diệt”, hỗ trợ phá vỡ gọng kìm “bình định”, tạo điều kiện để giành thắng lợi trong năm 1967. Bộ chỉ huy Miền xác định: Phải chuẩn bị sẵn sàng, bám trụ vững chắc, thực hành phản công kiên quyết, tiến công mạnh mẽ liên tục, kết hợp ba thứ quân đánh nhỏ, đánh vừa và tạo điều kiện đánh lớn, bảo đảm đánh dài ngày, mạnh bạo nhưng chắc thắng; tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bảo vệ cơ quan và kho tàng trong căn cứ. Phương án tác chiến được đưa ra: Du kích cơ quan, bộ đội địa phương và bộ đội bảo vệ căn cứ, bám đánh địch tại chỗ, giữ các “ấp, xã chiến đấu”, nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan, căn cứ.
Ngày 10/2/1967, Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 đã triển khai thế bố trí, sẵn sàng đánh địch theo phương án phản công: Trung đoàn 1 ở phía Tây quốc lộ 22, Trung đoàn 2 ở Chà Dơ, Trung đoàn 16 ở suối Dây, Trung đoàn 3 ở Phước Sang (đông Quốc lộ 13).
Ngày 22/02/1967, cuộc hành quân Gian-xơn Xity bắt đầu. Địch tiến hành bao vây kết hợp dùng lực lượng đột kích mạnh thọc sâu, chia cắt theo chiến thuật “bủa lưới, phóng lao”. Sau khi cho hơn 200 lượt B52 và máy bay cường kích oanh tạc, địch dùng máy bay C130 và khoảng 250 trực thăng đổ quân dọc biên giới Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, 2 lữ đoàn Mỹ chiếm lĩnh 2 bên sườn Quốc lộ 22 và Đường số 4. Sư đoàn 25 Mỹ cùng Trung đoàn 11 kỵ binh thiết giáp bao vây, thọc sâu chia cắt các huyện Tà Đạt, Sóc Ky.
Dựa vào thế trận đã chuẩn bị, ta chặn đánh quyết liệt, bao vây, diệt nhiều sinh lực trên tất cả các hướng tiến công; bắn cháy nhiều xe tăng và máy bay địch. Sư đoàn 9 và Trung đoàn 16 mở nhiều cuộc tiến công vào các cụm quân Mỹ ở Bàu Cỏ, Trảng Bàu, Ta Xia, Bến Ra, Đồng Rùm... Từ thế chủ động tiến công, địch phải chuyển sang thế phòng ngự bị động và bị thiệt hại nặng; ngày 14/5/1967, buộc phải kết thúc cuộc hành quân. Trong 80 ngày đêm, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 14.000 tên, bắn rơi và phá hỏng 160 máy bay, 992 xe quân sự (trong đó có 775 xe tăng, xe bọc thép), 112 khẩu pháo loại 105mm trở lên.
Có thể nói, công tác hậu cần chiến dịch phản công Bắc Tây Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu vật chất, kỹ thuật cho tác chiến, nhất là về vũ khí, đạn dược; góp phần đập tan cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ -Ngụy. Trên cơ sở phán đoán về âm mưu thủ đoạn của địch, ý định và quyết tâm chính xác của Bộ chỉ huy Miền, Cục Hậu cần Miền đã tổ chức và sử dụng hợp lý Đoàn Hậu cần 82 trên địa bàn, chuẩn bị trực tiếp cho chiến đấu; Đoàn Hậu cần 83 bảo đảm cho hướng tác chiến phối hợp; chỉ đạo Đoàn Hậu cần 17 vận chuyển liên tục để chi viện kịp thời các nhu cầu vật chất kỹ thuật, nhất là vận chuyển ưu tiên súng đạn phòng không và chống tăng do Tổng cục Hậu cần chi viện (qua cảng Si-ha-núc-vin), kịp thời trang bị cho các lực lượng chiến đấu, tạo nên sức mạnh bất ngờ về hỏa lực, đánh bại ưu thế về máy bay và xe tăng, thiết giáp của địch.
Trong toàn Chiến dịch, thương vong của ta khoảng 10,2% quân số (hy sinh 1,7%). Tất cả số thương binh đều được cứu chữa tại chỗ kịp thời và nhanh chóng chuyển về các bệnh viện phía sau. Không chỉ làm tốt công tác bảo đảm, Đoàn Hậu cần 82 đã tham gia tác chiến và loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên, phá hủy 69 xe tăng, thiết giáp, bắn rơi 14 máy bay, bảo vệ an toàn kho tàng, cơ sở vật chất, trang bị, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch.
Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG