Muốn giành được thế chủ động về mọi mặt phải coi trọng công tác chuẩn bị hậu cần, trong đó, có xây dựng tiềm lực vận tải (TLVT) từ thời bình. Các quốc gia trên thế giới rất coi trọng vấn đề xây dựng TLVT và có cách thức tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh (QP, AN) của từng nước.

Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1941-1945)

Ngay sau khi Cách mạng tháng 10 năm 1917 thắng lợi, Liên Xô không ngừng chăm lo xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và tiềm lực quân sự. Trong đó, quan tâm hàng đầu là xây dựng TLVT, để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác vận tải thời chiến, góp phần vào thắng lợi cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941 - 1945).

Chính phủ Liên Xô huy động mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư, xây dựng, phát triển mạng đường giao thông vận tải (GTVT), ngành công nghiệp GTVT, thông qua đó phát triển TLVT trong nền kinh tế quốc dân. Các loại hình vận tải được chú trọng xây dựng, phát triển toàn diện. Thời điểm trước chiến tranh, hệ thống mạng đường GTVT được đầu tư, xây dựng đồng bộ cho cả 5 loại phương thức vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường hàng không, đường ống).

Về trình độ sản xuất ô tô, Liên Xô đứng đầu châu Âu và thứ hai thế giới. Liên Xô còn có năng lực vận tải đường sắt khá mạnh thông qua việc xây dựng và cải tạo hầu hết hệ thống mạng lưới đường sắt trên các hướng quan trọng; phát triển đầu máy, toa xe công suất lớn và tăng khả năng lưu thông trên các tuyến đường hướng đến mặt trận và từ khu trung tâm đất nước đến biên giới quốc gia phía Tây.

Về vận tải đường thủy và đường sông, năm 1940, tổng chiều dài tuyến đường vận tải trên sông và nội thủy trong nước tăng lên 107.300 km; lượng hàng hóa vận chuyển theo đường sông tăng đến 36,1 tỉ tấn.Km. Về công nghiệp đóng tàu, tính đến ngày 01/01/1941 đã sản xuất và bàn giao 530 tàu biển cho hạm đội thương thuyền của lực lượng vận tải đường biển.

Về vận tải đường không, lúc đó Liên Xô đứng đầu thế giới, giai đoạn 1935-1937 đã sản xuất 3.578 máy bay các loại. Đầu năm 1941, trong nước đã có 212 sân bay dân dụng. Việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ ngành GTVT ở tất cả các loại hình vận tải được chú trọng. Hằng năm, có trên 1.000 kỹ sư, trên 2.000 cán bộ kỹ thuật cầu đường tốt nghiệp và hàng vạn lái xe, lái tàu được đào tạo, sát hạch... Hệ thống quản lý TLVT quốc gia được xây dựng chặt chẽ từ tổ chức đến cá nhân sẵn sàng phục vụ Tổ quốc khi cần.

Ngoài ra, Liên Xô còn xây dựng chi tiết kế hoạch, phương án động viên TLVT trong nền kinh tế, sẵn sàng bổ sung cho lực lượng vận tải quân đội. Chính vì vậy, khi chiến tranh xảy ra, chính quyền Xô Viết nhanh chóng huy động số lượng lớn TLVT cho chiến tranh giữ nước vĩ đại. Cụ thể: Tính đến 01/6/1941, huy động từ nền kinh tế bổ sung cho quân đội 820.000 xe, trong đó 700.000 xe tải; đến tháng 9/1941, động viên thêm 30.000 ô tô cho các đơn vị vận tải ô tô quân đội đang hoạt động. Tổng cộng trong những năm chiến tranh, các đơn vị vận tải quân đội được chi viện, bổ sung thêm 154.400 xe ô tô mới sản xuất ở trong nước.

Liên bang Nga hiện nay

Hiện nay, nước Nga rất quan tâm xây dựng TLVT từ nền kinh tế và đã xây dựng được TLVT mạnh sẵn sàng phục vụ chiến tranh. Tuy không xây dựng các đơn vị dự bị vận tải, nhưng Nga xây dựng các trung tâm huấn luyện kỹ thuật chuyên môn vận tải cho thanh, thiếu niên ngay trong thời bình. Các đơn vị vận tải rút gọn, khung thường trực được xây dựng từ trước để khi chiến tranh xảy ra có thể nhanh chóng bổ sung quân dự bị để phát triển, mở rộng thành các đơn vị vận tải lớn hơn. Để quản lý TLVT trong nền kinh tế, nước Nga quy định trong luật về đăng ký, quản lý các phương tiện vận tải và các thiết bị chuyên môn kỹ thuật khác mà cả quân sự và dân sự đều sử dụng được. Nếu thiếu giấy đăng ký của cơ quan quân sự, các phương tiện sẽ không được lưu hành.

leftcenterrightdel
 Binh sĩ Nga tham gia một cuộc diễu binh. Ảnh: AFP

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, việc xây dựng TLVT sẵn sàng bảo đảm cho thời chiến là công tác thường xuyên của mọi địa phương. Trung Quốc thống nhất quan điểm trong định hướng xây dựng TLVT phải kết hợp thời bình, thời chiến, vừa phục vụ mục tiêu kinh tế, vừa có thể huy động cho nhiệm vụ QP, AN khi cần thiết. Hiện nay, Trung Quốc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, đẩy mạnh phát triển mạng đường GTVT rộng khắp cho tất cả các loại hình vận tải. Quy hoạch và phát triển những phương tiện GTVT có tính lưỡng dụng cao, thích ứng từng vùng để vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa thích ứng với nhiệm vụ bảo đảm cho các quân, binh chủng.

Đồng thời, dựa vào sự phát triển của nền kinh tế để thúc đẩy, xây dựng TLVT có đặc điểm khu vực. Về chiến lược, Trung Quốc áp dụng phát triển kinh tế từ phía Đông sang phía Tây, do vậy, việc xây dựng TLVT cũng áp dụng chiến lược làm từ Đông sang Tây. Trung Quốc xây dựng loại “quân địa lưỡng dụng” (quân đội và địa phương cùng dùng). Tổ chức này không thuộc quân dự bị mà là tổ chức vũ trang mang tính quần chúng kết hợp với xây dựng tổ chức dân binh quy mô từ tiểu đội, trung đội đến tiểu đoàn ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất và cơ sở kinh doanh vận tải.

Quân đội Trung Quốc hiện nay rất quan tâm đến vấn đề xây dựng TLVT, đặc biệt là động viên, cải hoán tàu thuyền dân sự để vận chuyển bảo đảm cho tác chiến viễn chinh và tác chiến trên biển. Trung Quốc ban hành “Yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật quốc phòng đối với tàu thuyền dân dụng”do Đại Quân khu Nam Kinh cùng Hiệp hội Tàu thuyền Trung Quốc xây dựng và chính thức được phê duyệt làm tiêu chuẩn quân dụng quốc gia đối với các tàu thuyền dân sự. Bộ tiêu chuẩn này có 6 hạng mục dành cho 6 loại tàu thuyền gồm: Tàu quan trắc, tàu công-te-nơ, tàu vận tải hỗn hợp, tàu thuyền đa chức năng, tàu bốc dỡ, tàu tạp hóa. Trong đó, quy định rõ về tính năng, mục đích sử dụng, hạng mục chủ yếu và yêu cầu thiết kế phục vụ “nhiệm vụ quốc phòng”. Sau khi áp dụng bộ tiêu chuẩn này, các tàu dân sự sẽ nhanh chóng trở thành lực lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, tăng cường năng lực vận tải và khả năng chi viện chiến lược quân sự cho Quân đội Trung Quốc trên biển.

Nhật Bản

Quan điểm của Nhật Bản xây dựng TLVT vừa phục vụ cho phát triển kinh tế vừa sẵn sàng động viên cho nhiệm vụ QP, AN của đất nước, đặc biệt họ phát triển mạnh TLVT đường sắt, đường biển và hàng không. Với diện tích 377.829 km2, có trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó trên 72% diện tích là đồi núi, thường xảy ra động đất, sóng thần nên Nhật Bản rất chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTVT và quan tâm đặc biệt đến vấn đề kiên cố hóa công trình. Hiện nay, Nhật Bản đã xây dựng trên 1.200.000 km đường bộ, 176 sân bay, 27.182 km đường sắt.

Nhiều cảng hàng không, nhà ga, đường sắt và cảng biển được nâng cấp, đầu tư xây dựng rất hiện đại, trở thành đầu mối giao thông hoạt động tấp nập nhất châu Á như: Sân bay quốc tế Tokyo, Narita, Kansai; ga Tokyo, Shinjuku, Shibuya hay Ikebuku; cảng biển quốc tế Tokyo, Chiba, Yokohama, Shimizu, Nagoya, Osaka... Bên cạnh đó, Nhật Bản có nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp GTVT. Nhờ đó, năm 2012 Nhật Bản trở thành nước sản xuất ô tô lớn thứ hai trên thế giới; có 6/15 nhà sản xuất ô tô lớn nhất toàn cầu. Ngoài ra, ngành công nghiệp đóng tàu biển và sản xuất máy bay cũng rất phát triển. Chính quyền Nhật Bản còn đưa ra các chính sách tạo điều kiện, thu hút nguồn lực trong xã hội để phát triển nhanh các công ty, doanh nghiệp cùng kinh doanh dịch vụ vận tải.

Hàn Quốc

Hàn Quốc rất chú trọng xây dựng TLVT trong nền kinh tế và sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ QP, AN của đất nước. Chính phủ Hàn Quốc có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhằm phát triển công nghiệp GTVT. Từ năm 1960, các tập đoàn lớn sản xuất ô tô của Hàn Quốc đã chuyển thành các doanh nghiệp mang tầm cỡ quốc tế. Cùng với công nghiệp đóng tàu, ngành công nghiệp ô tô tại Hàn Quốc là động lực chính, quan trọng tạo ra một con rồng châu Á.

Hệ thống mạng đường giao thông chất lượng cao được xây dựng thông qua những chính sách khuyến khích, thu hút nguồn đầu tư trong xã hội của Chính phủ. Hiện Hàn Quốc có mạng lưới giao thông trong nước hiện đại bao gồm: các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc, xe buýt, dịch vụ phà và các tuyến hàng không dải khắp đất nước đồng bộ với hệ thống các nhà ga, sân bay, cảng biển hiện đại.

Đặc biệt, Hàn Quốc phát triển rất mạnh hệ thống cảng biển. Hàn Quốc có 60 cảng biển với mật độ khá dày đặc; trong đó, có 31 cảng biển thương mại (cảng quốc gia, cảng địa phương) và 29 cảng ven biển (địa phương trực tiếp điều hành quản lý), phần lớn tập trung ở khu vực phía Tây, phía Nam, phía Đông Nam, là các vùng có tầm quan trọng về QP, AN. Nhiều sân bay lớn, nhỏ được đầu tư, xây dựng phục vụ cho nhu cầu đi lại của hành khách trong và ngoài nước, trong đó có một số sân bay quốc tế lớn như: sân bay quốc tế Incheon, Gimpo ở Seoul, Gimhae ở Busan, Jeju ở đảo Jeju... Các sân bay đều được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại.

Các nước trong khu vực Asean

Một số nước trong khu vực Asean có phạm vi lãnh thổ giáp biển như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malayxia... đều chú trọng phát triển TLVT phục vụ cho phát triển kinh tế và sẵn sàng động viên cho nhiệm vụ QP, AN thông qua việc đổi mới cơ cấu hệ thống, thể chế động viên phù hợp với chế độ chính trị, kinh tế, quân sự và tiềm năng của mỗi nước. Trong đó, các nước đều đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng GTVT, đặc biệt phát triển mạnh mạng đường giao thông đường bộ từ các thành phố đến nông thôn nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển TLVT phục vụ phát triển kinh tế và sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ QP, AN. Nhà nước đầu tư xây dựng các luồng tuyến, cảng hàng không, bến cảng và có chính sách phát triển kinh tế biển, đảo cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút phát triển công nghiệp đóng tàu và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, cá nhân phát triển kinh doanh vận tải biển và ven biển.

Có thể thấy rằng, từ lâu các nước trên thế giới đã quan tâm xây dựng TLVT ngay từ thời bình để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa tạo nguồn cho chiến tranh. Cùng với đó, các văn bản quy định quản lý TLVT thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, sẵn sàng huy động khi cần thiết.

Trung tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG, Bộ Tham mưu Hậu cần