Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ Nhất (năm 1991)

Để buộc I-rắc phải rút quân khỏi Cô-oét, Mỹ đã ném hơn 970 quả bom phóng xạ và phóng hàng trăm quả tên lửa vào các mục tiêu của I-rắc. Có tới 736 giếng dầu của I-rắc bị đốt cháy thời gian kéo dài tới 09 tháng. Theo thống kê của Liên hợp quốc, các giếng dầu cháy phát tán gần 500 triệu tấn Carbon Dioxide. Khói dày bao phủ bầu trời ngăn ánh nắng mặt trời dẫn đến nhiệt độ không khí giảm 100C. Dầu, bồ hóng, lưu huỳnh và mưa axit lan xa tới 1.900 km gây cho các thảm thực vật, động vật bị nhiễm độc chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm không sử dụng được, khiến người dân vùng sa mạc bị thiếu nước trầm trọng, nhiều người chết vì đói khát. Hậu quả từ chiến dịch ném bom phóng xạ bắt đầu gây ra những hiểm họa nghiêm trọng cho I-rắc. Đó là các chứng bệnh tổn thương về phổi, viêm thận, quái thai, phổ biến là bệnh ung thư bạch cầu, gọi là “cái chết trắng”. Từ năm 1991 đến năm 2020, tỷ lệ người bệnh bị mắc ung thư bạch cầu ở I-rắc tăng hơn 600%. Việc phát hiện và điều trị các bệnh này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chiến tranh Nam Tư

Năm 1999, Mỹ và NATO ném bom xuống gần 1.000 cơ sở công nghiệp của Nam Tư, trong đó có hơn 20 nhà máy hóa chất, nhà máy lọc dầu, phá hủy hàng chục nhà máy phát điện. Dầu mỏ, chế phẩm dầu cùng các sản phẩm hóa học khác đổ vào sông Đa nuýp chảy ra Biển Đen hoặc hòa lẫn vào không khí và nước gây ra ô nhiễm nghiêm trọng đến các quốc gia lân cận, khiến cho một vùng rộng lớn thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất nông nghiệp trong thời gian dài. Khói và các chất độc hại do những vụ nổ và cháy gây nên bao trùm khu vực rộng 2,5 triệu héc-ta, làm cho hàng nghìn người bị nhiễm độc Đioxin, Phenol, Chì và Thủy ngân.

leftcenterrightdel
Người cha bế con tìm chỗ trú ẩn trong đợt không kích vào Gaza hôm 11-5. Ảnh: Anadolu Agency 

 

Chiến tranh I-xra-en và Pa-le-xtin

Trong cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, hơn 3 triệu người Pa-le-xtin sống trên những lãnh thổ do người I-xra-en chiếm đóng bị chia cắt khỏi các hệ thống kinh tế - xã hội thiết yếu. Họ không được cung cấp đủ nước sạch và các vật chất như những người I-xra-en. Các hệ thống cấp nước ở dải Gaza thất thoát khoảng 50% do đường ống bị hư hại. Thiếu nước dẫn đến mất vệ sinh khiến dân Pa-le-xtin bị ốm đau, bệnh tật. Theo Bộ trưởng Bộ Môi trường Pa-le-xtin, dọc dải Gaza, Quân đội I-xra-en đã phá hủy trên 24.000 m2 đất canh tác, nhổ 4.000 cây cam và Ô-liu của người Pa-le-xtin. Ở một số vùng nông thôn, người dân bị mất đất nông nghiệp không còn nguồn sinh sống. Các bãi mìn do Quân đội I-xra-en để lại làm cho nhiều vùng đất của người Pa-le-xtin bị bỏ hoang. Hiện nay, có 16 bãi mìn trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng chưa được rà phá. Theo số liệu thống kê, từ năm 1967 đến nay, ít nhất có 2.500 trẻ em Pa-le-xtin bị chết vì mìn. Các loại hóa chất trong mìn chôn vùi dưới lòng đất thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người và đất canh tác.

Chiến tranh Việt Nam (từ năm 1961-1971)

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh hóa học kéo dài từ năm 1961 - 1971. Quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc CS dưới các dạng vũ khí khác nhau (lựu đạn, pháo, khói, thùng CS tự nổ khi chạm đất) nhằm làm mất sức chiến đấu lực lượng vũ trang của ta. Các phương tiện khác nhau như: máy bay, xe phun, bình phun phun rải các chất diệt cỏ, đặc biệt là chất da cam chứa Đioxin, một loại chất siêu độc đối với sức khỏe con người lên 3,06 triệu héc - ta lãnh thổ miền Nam Việt Nam (chiếm 15% tổng diện tích toàn miền) với mật độ phun rải khoảng 37 kg/ha, gấp 17 lần liều sử dụng trong nông nghiệp (theo hướng dẫn của Bộ Tư lệnh Lục quân Mỹ năm 1969 là 2,2 kg/ha). Với mật độ này, các chất diệt cỏ trở thành những chất phát quang, phá hoại mùa màng có tính hủy diệt. Quân Mỹ còn nhiều lần sử dụng máy kéo hạng nặng để phá rừng, ước tính khoảng 325.000 m2 ở miền Nam Việt Nam đã bị phát quang, gây xói lở đất trên diện rộng, nhất là ở địa hình vùng có mưa nhiều. Quần thể động vật nhiệt đới sống nhờ vào thức ăn và sự che phủ của rừng cây cũng bị hủy diệt. Hiện nay, tại Việt Nam nhiều hệ sinh thái bị phá hủy bởi chất độc da cam chưa thể phục hồi; nhiều thế hệ người Việt Nam, phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thần do bị nhiễm chất độc da cam.

Nội chiến Sri-lanka (từ năm 1983 - 2009)

Cuộc nội chiến đã diễn ra ở quốc đảo Sri-lanka kéo dài hơn 20 năm đã làm cho hơn 300.000 người phải di cư trong nước và 20.000 người phải chạy sang Ấn Độ lánh nạn. Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát di cư quốc nội, năm 2006, hơn 0,5 triệu người đã phải di cư trước khi xảy ra xung đột vũ trang. Số người di cư trong nước (IDP) nhiều gây quá tải cho các cơ sở y tế và bảo đảm vệ sinh, khiến hàng nghìn IDP ở trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa. Việc cung cấp lương thực, thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến những người sống trong các trại IDP và cả những cộng đồng giúp họ lánh nạn. Ở một số khu vực bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, chỉ có 30% dân số có điều kiện sinh hoạt bảo đảm vệ sinh, được cung cấp nước sạch, 70% còn lại sống trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và nước sinh hoạt, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của cộng đồng dân cư, đặc biệt là trẻ em. Hậu quả chiến tranh ở Sri-lanka cho thấy gần 99 km2 đất bị ô nhiễm, 730 làng mạc vẫn còn là các bãi mìn. Số người hồi hương sau cuộc nội chiến bị thương vong do mìn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn nạn nhân là dân thường, chủ yếu là những người dân lao động, có thu nhập thấp. Nhiều năm sau khi xung đột chấm dứt, người dân vẫn không dám gieo trồng trên những vùng đất trước kia rất quan trọng đối với kế sinh nhai của họ. Những hiểm họa do mìn gây ra không chỉ gây tổn hại về thể chất, mà còn gây ra các bệnh về tinh thần như: trầm cảm, lo âu, sợ hãi...

Chiến tranh giữa I-xra-en và Li-băng

Tháng 7/2006, nhóm du kích Héc-bô-la đã tổ chức cuộc tiến công phục kích một trạm quân sự của I-xra-en và bắt đi 02 binh lính. Điều này dẫn đến chiến tranh giữa I-xra-en và Li-băng. Đáp trả, I-xra-en ném bom khu vực phía Nam Bê-rút, sát hại nhiều dân thường vô tội. Giao tranh giữa hai bên đã làm các thùng chứa dầu bị hư hại, khiến gần 20.000 tấn dầu chảy ra biển Địa Trung Hải. Dầu tràn, lan ra nhanh chóng làm ô nhiễm hơn 90 km bờ biển, ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài cá và rùa biển xanh. Khắp vùng biển Liban vẩn đục dầu, lan rộng đến bờ biển Xyri. Một số giếng dầu bị đốt đã gây ô nhiễm không khí trên diện rộng. Khói, bụi ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống ở thành phố Bê - rút, gây ra các chứng bệnh về hô hấp, thần kinh, tiêu hóa... Đến nay, việc xử lý sự cố tràn dầu vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì bạo lực trong khu vực vẫn tiếp tục leo thang. Nạn cháy rừng do Héc-bô-la gây ra ở miền Bắc I-xra-en đã làm 9.000 hecta rừng bị đốt cháy, đe dọa môi trường sinh thái - khu bảo tồn các loài động vật quý hiếm nước này.

Xung đột quân sự Nga - Ukraine

Thiệt hại về môi trường từ xung đột quân sự Nga - Ukraine đang gia tăng tại Ukraine với việc các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về những hậu quả lâu dài. Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), trên 280.000 ha rừng bị phá hủy hoặc đốn hạ do xung đột đã giải phóng chất độc vào không khí và nước ngầm, đe dọa đa dạng sinh học, ổn định khí hậu và sức khỏe của người dân, ít nhất 65.000 km2 đất nông nghiệp bị suy thoái. Thanh tra Môi trường của Ukraine vào tháng 12/2022 báo cáo rằng xung đột với Nga đã làm ô nhiễm hơn 291 triệu mét vuông đất ở Ukraine và xả rác trên 8 tỉ mét vuông ở nước này, gây thiệt hại ước tính 12 tỉ USD tài nguyên đất.

Tác động của các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang đến môi trường và sức khỏe con người đến nay vẫn chưa được thống kê, đánh giá một cách đầy đủ, nhưng hậu quả nó gây ra là vô cùng to lớn không chỉ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân, môi trường của các nước có liên quan, mà còn ảnh hưởng đến sự sống của cả hành tinh. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu, phá huỷ tầng ôzôn, làm cho môi trường sống của chúng ta mất dần đi tính bền vững.

Trung tá, ThS ÂU ĐỨC THẮNG, Bộ Tham mưu Hậu cần