Ở nước ta, hiện nay, chanh leo có nhiều giống khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là giống chanh vàng và chanh tím. Chanh leo vàng sức sống mạnh, ít sâu bệnh gây hại, thích ứng tốt với mọi điều kiện thổ nhưỡng nhưng năng suất trung bình, quả có kích thước vừa và nhỏ. Chanh leo tím có nguồn gốc từ Đài Loan, khả năng sinh trưởng tốt nhưng chỉ thích hợp với vùng á nhiệt đới, độ cao trung bình từ 1.000-2.000m so với mực nước biển.

Trồng chanh leo yêu cầu vốn đầu tư ít, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, cần chú ý một số yếu tố sau:

Khí hậu, thổ nhưỡng

Chanh leo nhìn chung không kén đất, về cơ bản, có thể trồng được ở khắp các vùng, miền trên cả nước. Tuy nhiên, nó thích hợp với các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, vùng đất bằng phẳng, ấm áp, ẩm ướt, có tầng canh tác sâu trên 50cm, độ mùn trên 2%, độ pH duy trì từ 5,5- 6. Nhiệt độ thích hợp từ 20-250C, vùng trồng không có sương muối. Cây ưa cường độ ánh sáng nhẹ, lượng mưa trung bình 1.600mm/năm, phân bố đều.

Chanh leo có thể trồng quanh năm nhưng thích hợp nhất là vào tháng 4 đến tháng 6. Thời điểm này mùa mưa bắt đầu, lượng sinh khoáng trong nước mưa giúp cây phát triển tốt. Tùy vào phương pháp trồng để xác định mật độ trồng phù hợp. Cụ thể: Trồng xen canh với các cây trồng khác, khoảng cách cây- cây là 5x5 m (400 cây/ha). Trồng chuyên canh, khoảng cách cây-cây 3x3 m (1.000 cây/ha). Khi trồng, dùng dao sắc cắt bầu nilon, đặt cây con xuống giữa hố, lấp đất nhẹ xung quanh gốc, dùng cọc cắm, buộc thân cây vào cọc để cây con không bị đổ. Sau đó, tưới đẫm nước. Nếu trồng vào ngày nắng cần che để cây có thời gian hút đủ nước và làm quen quang hợp.

leftcenterrightdel
Thu hoạch chanh leo ở Lữ đoàn 40 (Quân đoàn 3). Ảnh: Thảo Hà 

Làm giàn

Để chanh leo ra nhiều quả thì việc làm giàn rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và việc thu hoạch. Hiện thường dùng 3 loại giàn là giàn truyền thống, giàn chữ T cọc đôi và giàn chữ T cọc đơn. Giàn truyền thống sử dụng cọc tre xen kẽ với cọc bê tông, cách đều nhau; phía trên dùng dây kẽm đan thành lưới ô vuông cố định dây kẽm vào đầu cọc tre, cọc bê tông. Giàn chữ T cọc đôi: Trồng cọc tre thành từng cặp cách nhau 1m, thanh ngang 2,5-3m; mỗi đôi cọc cách nhau 4-4,5m, mỗi hàng cọc cách nhau 3 mét; sử dụng dây kẽm 3 ly để buộc cố định đầu cọc, các thanh ngang lại với nhau; dùng dây kẽm 2 ly để nối dài trên các thành ngang tạo thành lưới cho chanh leo leo lên, khoảng cách giữa các dây là 50 m. Giàn chữ T cọc đơn: Cắm cọc với khoảng cách 3m, thanh ngang 1,2-1,5m; chiều cao cọc khoảng 3m, trong đó 0,5m chôn dưới đất. Mỗi loại giàn có ưu, nhược điểm riêng: Giàn truyền thống giá thành rẻ, có thể sử dụng từ 2-3 năm; trong khi giàn chữ T giá thành cao hơn nhưng có thể sử dụng lâu dài, dễ kiểm soát sâu bệnh, tất cả các gốc cây đều được hấp thụ ánh sáng mặt trời nên cho chất lượng quả tốt hơn.

Chăm sóc

Cây chanh leo cần độ ẩm cao, vì vậy thường tưới 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô. Giai đoạn ra hoa, nuôi quả, cần lượng nước nhiều hơn. Cùng với đó, cần tiến hành tạo tán, làm bồn, làm cỏ và bón phân.

- Tạo tán: Khi cây khoảng 1m, cần cắt tỉa, tạo tán để tăng diện tích tán cây tiếp xúc với ánh sáng, thân cây phát triển cân đối, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thúc cây ra nhiều hoa, sai quả, năng suất cao. Vị trí cắt cách chỗ phân cành chính từ 10-15cm. Sử dụng kéo hoặc dao sắc cắt lần lượt từ trong tán ra bên ngoài, từ cành lớn đến cành bé. Sau khi cắt tỉa, dọn dẹp sạch khu vườn, tránh để ủ mầm bệnh. Sau thu hoạch, tiến hành cắt hết tất cả các cành trên mặt giàn đã cho trái, chỉ để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau đó cây sẽ ra chồi mới, phân cành cấp 2, 3 và các cành quả.

- Làm bồn: Đây là biện pháp chăm sóc đặc biệt trong kỹ thuật trồng chanh leo nhằm duy trì độ ẩm, giúp quá trình bón phân và tưới nước hiệu quả hơn, chống rửa trôi, xói mòn các chất dinh dưỡng hữu cơ trong đất. Làm bồn cao 10-15cm, cách gốc 0,5-1m khi cây bước vào thời kỳ cho trái.

- Làm cỏ: Tiến hành xới cỏ quanh gốc cây ít nhất 4-5 lần/năm, hạn chế tối đa dùng thuốc trừ cỏ sẽ làm tổn hại đến bộ rễ và sự phát triển của cây. Kết hợp tụ gốc, làm sạch cỏ dại trong mỗi lần bón phân để hạn chế mầm bệnh.

- Bón phân: Giai đoạn từ 1- 6 tháng tuổi, sử dụng 430g đạm ure, 750g phân super lân, 285g kali bón cho 1 gốc. Đạm ure và kali chia làm 10-12 lần bón, lần đầu tiên 20 ngày sau khi trồng. Các lần tiếp theo, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Giai đoạn nuôi cây, sau khi tỉa tán cần bón nhiều đạm hơn; giai đoạn nuôi quả cần bón nhiều kali, giảm đạm tránh tình trạng lá tốt, không sai quả. Phân lân chia đều làm 2 lần bón: Lần 1 bón 60 ngày sau khi trồng, lần 2 bón sau 150 ngày trồng.

Giai đoạn từ 7 tháng tuổi trở lên: Tổng lượng phân bón cần thiết cho 1 cây/năm gồm: 1kg đạm ure; 1,5kg phân lân; 1,6kg phân kali. Đạm và kali chia làm 20 lần bón/năm. Cứ 15 ngày bón 1 lần xung quanh gốc. Giai đoạn nuôi cây, sau khi tỉa tán cần bón nhiều đạm hơn, giai đoạn nuôi quả cần bón nhiều kali, giảm đạm tránh tình trạng lá tốt, không sai quả. Phân super lân chia đều làm 3 lần bón trong năm. Ngoài ra, có thể bón thêm phân chuồng ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh để tăng dinh dưỡng cho cây, giúp cải tạo đất trồng. Sử dụng 10-20kg phân chuồng ủ hoai mục + 0,5kg phân super lân + 0,5 kg vôi bột + 1 thìa canh chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma (cho 1 hố).

Sau thu hoạch khoảng 1 tuần, cần bón phân NPK giúp cây nhanh phục hồi, lượng phân bón từ 0,3-0,5kg/lần; duy trì bón mỗi tháng 01 lần cho đến khi cây bắt đầu ra hoa thì dừng.

Phòng trừ sâu bệnh

Chanh leo thường gặp một số bệnh đốm nâu, bệnh ghẻ, bệnh đốm do Septoria, nhất là vào mùa mưa. Các tác nhân gây bệnh xuất phát từ tuyến trùng, các loại nấm, vi khuẩn, virus. Ngoài ra, cây còn bị các loại ruồi đục trái, bọ xít phá hoại. Để phòng chống, cần thường xuyên vệ sinh vườn, tăng cường chăm sóc cây... Đồng thời, có thể dùng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt mầm bệnh. Cụ thể: Bệnh đốm nâu dùng Amistar 250SC, Daconil 500 SC...; bệnh đốm xám dùng Carbenvil 50SC, Norshield 86/2WP …; bệnh thối hạch dùng Iprodione, Trichoderma theo liều lượng chỉ định; bệnh thối rễ dùng thuốc gốc đồng, Fosetyl aluminium… phun cho cây; bệnh héo rũ dùng thuốc Copper hydroxide, Copper Oxychloride +Kasugamycin phun xịt khi cây chớm bệnh; bệnh xoăn lá dùng thuốc trừ sâu nhóm Monocrotophos, như: Apadrin 50SL, Magic 50SL, Nuvacron 40 SCW/DD, 50 SCW/DD, Thunder 515DD...

Thu hoạch, bảo quản

Chanh leo cho thu hoạch sớm, khoảng 5,6 tháng sau khi trồng có thể ra hoa, tạo quả; sau đó 2 tháng là có thể thu hoạch. Khi thu hoạch cần tiến hành đồng loạt, thu tất cả các trái gần chín và chín nhằm đạt trọng lượng trái tối đa; chú ý tránh làm vỏ quả bị trầy xước khiến vi sinh vật gây hại dễ xâm nhập. Bảo quản quả nơi thoáng mát. Để đạt năng suất cao, mỗi vườn chỉ nên khai thác 2 năm. Sau đó, cần cải tạo lại đất để trồng mùa tiếp theo.

Thiếu tá, ThS NGUYỄN THỊ HƯỜNG, Phòng Sản xuất Cục Quân nhu