Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, Trung tướng Lê Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy TCHC chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ TCHC nói riêng, ngành Hậu cần Quân đội nói chung rất đỗi tự hào khi được kế thừa một di sản tinh thần vô giá do các thế hệ đi trước để lại. Đó là kho báu văn hóa, văn học nghệ thuật hào sảng, có tính hiệu triệu, hào hùng nhưng đầy dung dị, cảm xúc, đậm chất nhân văn ca ngợi người lính Hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội. Những giá trị đó đã động viên, cổ vũ, tăng thêm niềm lạc quan cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hậu cần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Để tiếp nối dòng chảy văn hóa, nghệ thuật đó, hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11/7/1950-11/7/2020), lãnh đạo, chỉ huy TCHC chủ trương mở đợt vận động sáng tác mới về người lính Hậu cần và ngành Hậu cần Quân đội, trân trọng mời các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ chuyên nghiệp cả trong và ngoài Quân đội tham gia. Chủ đề của đợt sáng tác này là “Hình ảnh người chiến sĩ Hậu cần trong thời kỳ mới”. Qua đợt vận động sáng tác, đã có 27 ca khúc, gần 70 bài thơ được sáng tác, dành tặng những người lính Hậu cần.

leftcenterrightdel
Ca khúc "Bài ca Tổng cục Hậu cần" do các nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trình diễn.

Sau lời phát biểu của đồng chí Chính ủy, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, xúc động chia sẻ: “Qua chuyến đi thực tế sáng tác lần này, tôi càng hiểu và thêm yêu hơn những người lính làm công tác hậu cần. Họ như những cánh cò, cánh vạc, chăm chỉ, cần mẫn, đi sớm, về khuya tận tụy chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho bộ đội. Những chiến công thầm lặng ấy là xuất phát điểm, là cội nguồn tư tưởng giúp văn nghệ sĩ có thêm cảm xúc để sáng tác nhiều bài thơ hay, giai điệu đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Hậu cần hôm nay".

Mở đầu chương trình biểu diễn là ca khúc Bài ca Hậu cần Quân đội của nhạc sĩ Giáng Son, do các nghệ sĩ, diễn viên, học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội trình bày. Viết về truyền thống của ngành Hậu cần Quân đội nói chung, TCHC nói riêng, trước đó đã có nhiều tác phẩm. Song, khi nghe ca khúc của nhạc sĩ Giáng Son sáng tác, mọi người đã thấy được những hình ảnh mới mẻ, hiện đại hơn về người lính Hậu cần hôm nay. Tác phẩm đã mang hơi thở của cuộc sống, thời đại, truyền tải đầy đủ những khó khăn, vất vả và cả những chiến công thầm lặng trong công tác bảo đảm hậu cần thời kỳ mới. Trong đó, có những câu từ đầy hào khí, thúc giục những người lính Hậu cần vững bước lên đường: “Nào Quân nhu, nào Quân y, nào Doanh trại/ Nào Quân khí, nào Vận tải, Xăng dầu. Ngày hôm nay cùng vang lên bài ca chiến thắng/ Ngày hôm nay cùng vang lên bài ca truyền thống Hậu cần Quân đội...”. 

leftcenterrightdel
Thủ trưởng TCHC tặng thưởng cho các tác giả tham gia cuộc vận động sáng tác.

Sự xuất hiện của ca khúc Hậu cần Ba trăm sáu lăm, do nhạc sĩ Ngọc Khuê sáng tác cũng gây ấn tượng đặc biệt tại buổi tổng kết. Tác giả đã chia sẻ sâu sắc nỗi niềm ấy bằng những giai điệu, ca từ vừa mộc mạc, giản dị nhưng cũng hết sức tha thiết, thanh cao: “Ba trăm sáu lăm ngày em vẫn hát/Ba trăm sáu lăm ngày em nổi lửa/Với những bữa cơm thường ngày em nấu/ Em đắn đo từng bộ quân phục/Lo cho các anh từng đôi chân ấm/ Em luôn chắt chiu từng giọt xăng dầu...”. Nghe ca khúc ấy, mỗi đại biểu có mặt tại Hội trường như thấy có hình ảnh mình trong đó, đầy gần gũi, yêu thương mà cũng rất đỗi vinh dự, tự hào.

Trong đợt tổng kết lần này, có thể nói, các nhà thơ đã có một mùa “bội thu”. Chỉ riêng nữ nhà thơ, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đã có một chùm thơ 5 bài trong chuyến đi thực tế sáng tác. Đó là các tác phẩm Dệt bốn mùa vui, Dòng sông trắng, Yêu anh chiến sĩ Hậu cần, Tây Nguyên với người lính Binh đoàn, Công lính mình đó anh. Khi lên sân khấu tự trình bày tác phẩm của mình, nhà thơ đã hóm hỉnh nói rằng, bà còn muốn sáng tác nhiều hơn nữa các tác phẩm về người lính Hậu cần, vì đi đến đâu, gặp họ, bà cũng thấy gần gũi, yêu mến, những tứ thơ duyên dáng cứ không ngừng sinh sôi. Trong bài thơ Yêu anh lính Hậu cần của nữ thi sĩ, có những câu từ thật dung dị, gần gũi nhưng cũng rất duyên dáng, yêu thương: “Ở đâu cũng có tay người/ Yêu thương chăm chút nhưng lùi phía sau/ Giống Mẹ tần tảo sớm chiều/ Nuôi con đâu kể công nhiều vì con/ Người về nhớ núi cùng non/ Nhớ chàng lính đảm nhớ con đường dài/ Yêu anh lính Hậu cần rồi/ Bâng khuâng hết đứng, lại ngồi nhớ Anh...”.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng, đang công tác tại Báo Nhân dân cũng gây bất ngờ cho Ban Tổ chức khi trong đợt đi thực tế vừa rồi, anh đã sáng tác được 5 bài, và đang tiếp tục ấp ủ nhiều ý tưởng khác nữa. Trong đó có bài được người nghe yêu thích như: Thực túc binh cường, Yêu xe như con, quý xăng như máu, Hậu cần đi trước về sau...

Bất ngờ nhất trong buổi trình diễn, có lẽ là tác phẩm Những người thắp lửa, lời thơ của Đại tá Vũ Tuấn Anh, được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc. Là Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần 22 (TCHC), vốn bận rộn với biết bao công việc, song, Đại tá Vũ Tuấn Anh vẫn thường xuyên sáng tác. Anh đã in 5 tập thơ riêng, có nhiều bài được đăng báo, nhiều tác phẩm được giải của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài thơ Những người thắp lửa anh sáng tác dành tặng những người làm công tác chính trị trong ngành Hậu cần. Đọc được tứ thơ đầy dung dị nhưng hết sức ý nghĩa, mang giá trị nhân văn ấy, nhạc sĩ Vũ Thiết đã lập tức phổ nhạc, cho ra đời tác phẩm Những người thắp lửa. Với giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, cách phối trẻ trung, hiện đại, hình ảnh người cán bộ Chính trị Hậu cần đã được khắc họa bằng đường nét dung dị, bền bỉ, khoa học, đầy nhân văn. Trong đó có những câu: “Dịu dàng như là gió/ Thấm dần tựa mưa xuân/ Hướng bộ đội Hậu cần/ Làm theo lời Bác dạy/ Niềm tự hào biết mấy/ Chính trị ngành Hậu cần/ Góp chiến công nuôi quân/ Thắp sáng ngọn lửa hồng...”. Ngay sau khi các nghệ sĩ trình bày xong, hội trường đã dành những tràng pháo tay vang dội để dành tặng cho các nhà thơ và nhạc sĩ. Đại tá Vũ Tuấn Anh cũng là nhà thơ không chuyên duy nhất tham gia đợt sáng tác và có tác phẩm được trình diễn tại buổi tổng kết lần này.

Với hơn 2 giờ biểu diễn, buổi tổng kết không thể giới thiệu hết tất cả những sáng tác qua 4 đợt thâm nhập thực tế ở các đơn vị trên cả 3 miền Bắc, Trung Nam của 34 văn nghệ sĩ. Song, đã nêu bật được những giá trị tiêu biểu về hình ảnh người lính Hậu cần trong giai đoạn hôm nay. Đợt sáng tác này chính là sự kế thừa và phát triển những di sản văn hóa hậu cần trong thời kỳ mới. Được biết, sắp tới, lãnh đạo, chỉ huy TCHC sẽ cho biên tập, xuất bản ấn phẩm “Sáng mãi Bộ đội Hậu cần” và phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội, góp phần làm lan tỏa thêm giá trị văn hóa, nghệ thuật viết về người lính Hậu cần đến với đông đảo công chúng trong và ngoài quân đội.

Bài, ảnh: CHIẾN VĂN