Biết tôi có ý định xuống Nông trường 414, trong bữa cơm tối hôm trước, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chính ủy Cục Hậu cần (Quân khu 9), dặn dò: “Dạo này, bận quá, hổng xuống được. Tết này, tôi sẽ cố gắng xuống thăm hỏi, chúc Tết, động viên anh em và bà con dưới đó. Nhờ chú, cho tôi gửi lời đến mọi người. Mà này, bà con dưới đó thiệt thà, làm ăn chân chất không hà, giọng ca cũng mùi mẫm, uống rượu cũng rất thiệt tình, dữ dằn lắm đó, nghen”.
Cán bộ, công nhân nông trường tuần tra, bảo vệ rừng.
Sớm hôm sau, chiếc xe Lexus chở Đại tá Đặng Đình Toản, Phó Chủ nhiệm Hậu cần, Đại tá Phan Văn Chương - Trưởng phòng Tham mưu và tôi xuôi Cà Mau. Thời tiết khá đẹp, nắng trải vàng trên đường, gió thổi nhẹ. Chiếc xe bon nhanh. Đúng là vùng đồng bằng sông Cửu Long, hai bên đường là những cánh đồng lúa rộng bát ngát, thẳng cánh cò bay; những kênh rạch chằng chịt và vườn cây trái sum suê... Hơn 5 giờ đồng hồ, đoàn chúng tôi tới bến đò Năm Căn đã thấy Trung tá chuyên nghiệp Trần Văn Sơn - Giám đốc Nông trường có mặt ở đó.Qua lời giới thiệu ngắn gọn, anh Sơn và chúng tôi xuống chiếc ca nô mới được Ban Công đoàn Quốc phòng tặng. Tài công Nguyễn Văn Thắng điều khiển chiếc ca nô xuôi theo dòng sông cửa Lớn, rồi rẽ vào mấy dòng kênh nhỏ. Lần đầu tiên trong đời, tôi tận mắt nhìn thấy những cây đước to, cao đến thế. Chúng cao phải trên 10m, hàng rễ chùm như chiếc chổi sể, đen nhánh, nhô lên khỏi mặt nước. Chưa đầy 20 phút, ca nô cập bến. Trên bờ, cán bộ, công nhân Nông trường đã chờ sẵn và trợ giúp chúng tôi bước lên. Tranh thủ thời gian, vừa đi tham quan Nông trường bộ, Giám đốc Sơn vừa giới thiệu: Nông trường được thành lập năm 1982, đứng chân trên địa bàn 2 xã Tân Ân Tây và Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), có nhiệm vụ cải tạo môi trường sinh thái để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, kết hợp trồng và bảo vệ rừng theo hướng chuyên canh lâm - ngư nghiệp, giữ đất, giữ dân, góp phần xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ tuyến ven biển.
Nghe những cán bộ ngày đầu tiên phong đi “mở đất” kể lại, chúng tôi cũng chỉ mường tượng ra một phần của sự gian truân, vất vả ngày ấy. Ở nơi heo hút, dân cư thưa thớt, điện, đường, trường, trạm, sóng truyền hình, viễn thông, nước ngọt, chợ … cái gì cũng không!!!. Ngay cả vỏ lãi (thuyền), phương tiện duy nhất để đi lại ở vùng sông nước này cũng hiếm. Chỉ có trăn, rắn, heo rừng, ong vò vẽ, muỗi, bò cạp, cá sấu, chim, cua, cá… là nhiều vô kể. Đêm đến nằm nghe tiếng thú rừng hú gọi bạn tình, nghe mà buồn nẫu cả ruột gan. Có người đã có ý định bỏ về!. Với sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy Quân khu và Cục Hậu cần, cùng với ý chí, quyết tâm vượt khó của những người lính đã trải qua những tháng năm cầm súng nơi trận mạc đã làm cho vùng đất khỉ ho, cò gáy dần thay da, đổi thịt. Bộ đội, người dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tế, hiểu thiên nhiên, con vật, làm ăn khấm khá hơn. Cứ thế, đời sống khởi sắc từng ngày. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Tư lệnh Quân khu, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã cũng như của Nông trường ngày càng cải thiện. Đến nay, việc sản xuất, nuôi trồng của Nông trường 414 đã đi vào ổn định, lợi nhuận hằng năm từ rừng đước và nuôi trồng thủy sản đều vượt chỉ tiêu được giao. Hiện nay, Nông trường có 14 sĩ quan chuyên nghiệp, 13 công nhân viên, quản lý 2.058 ha đất quốc phòng, trong đó gần 1.000 ha rừng đước ngập mặn nằm trong vùng bán đảo Cà Mau. Để chăm sóc và tham gia bảo vệ rừng, hằng năm, Nông trường ký hợp đồng với các hộ dân có nhu cầu và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ha rừng và 300.000 đồng/ha nuôi tôm để họ mua con giống, cải tạo mặt nước, vuông tôm. Khi khai thác và bán gỗ, lợi nhuận được chia theo tỷ lệ 7/3 (nông trường 7, người dân 3). Chính chủ trương đúng đắn này đã thu hút hàng trăm hộ dân từ các vùng lân cận về đây lập nghiệp. Năm 2016, Nông trường có 205 hộ dân ký hợp đồng nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm; hộ cao nhất là trên 20 ha, thấp nhất cũng gần 1 ha… Những cán bộ, công nhân viên Nông trường cũng được tạo thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình bằng chủ trương giao khoán và hỗ trợ về vốn. Đến nay, hơn phân nửa cán bộ, công nhân Nông trường đã đưa vợ con vào làm ăn, sinh sống. Đúng là “đất lành, chim đậu”, “có an cư, mới lập nghiệp” quả không sai!
Khu rừng thanh niên của Nông trường 414.
Câu chuyện đang dang dở thì trời đã nhá nhem tối, Giám đốc Sơn đề nghị mọi người nghỉ ăn cơm. Tiếp chúng tôi, ngoài số cán bộ, công nhân Nông trường, còn có cả đại diện ủy ban nhân dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã Tân Ân Tây và một số nông trường viên có thành tích tiêu biểu. Bữa cơm đãi khách quý Hà Nội vào toàn là đặc sản, chính do bàn tay lao động của cán bộ, công nhân làm ra. Nào là cua gạch to bằng bát ăn cơm, tôm sú bằng nửa cổ tay và món lẩu cá ngát, cá kèo… Vừa ăn, tôi vừa tranh thủ trò chuyện với Phó Chủ tịch xã Lê Tuấn Bạc. Anh tâm sự: “Nhờ có Nông trường 414 mà đời sống nhân dân trong xã ngày càng cải thiện. Không chỉ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, Nông trường còn hỗ trợ điện, nước sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ và đầu tư kinh phí xây dựng một trường học (bậc tiểu học) 5 gian, rồi đề nghị phòng giáo dục huyện bố trí giáo viên đứng lớp, giúp gần 100 con em cán bộ, công nhân Nông trường và nhân dân trong xã có điều kiện được đi học. Ngoài ra, Nông trường còn tích cực ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng quà gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ kinh phí xây trụ sở ấp; tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các tổ chức quần chúng… tạo nên mối đoàn kết quân dân càng thêm gắn bó…”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bác Nguyễn Việt Thu, nông trường viên đội 4, một trong những hộ dân có thời gian bám trụ tại đây tương đối lâu, cho biết: “Ngay từ khi Nông trường có chủ trương giao khoán rừng cho dân, tôi đã nhận chăm sóc 8 ha rừng kết hợp nuôi tôm sú. Lúc đến đây, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, anh em Nông trường đã giúp đỡ tận tình cả về con giống cũng như kỹ thuật nuôi tôm. Nuôi trồng thủy sản ở đây khá nhàn.Mua giống về thả vào vuông; tôm, cua phát triển tự nhiên, không phải tốn tiền thức ăn.Định kỳ, kỹ sư Nông trường xuống kiểm tra chất lượng nước và chữa bệnh cho tôm, cua.Đến thời điểm thu hoạch thì xả nước, bắt tôm thôi”. Với thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng, đời sống của gia đình bác Thu cũng khấm khá, có điều kiện mua sắm đầy đủ tiện nghi. Nghe câu chuyện giữa tôi với bác Thu, chị Bảy Tỷ, nông trường viên đội 1 cũng quay sang góp vui: “Năm rày, gia đình nhà tui cũng thu gần 100 triệu đó nghen. Cứ đà này, chẳng mấy chốc mà giàu…”
Nét đặc trưng ở vùng sông nước miền Tây là, nhậu phải có giao lưu văn nghệ, nhất là đờn ca mới vui. Càng về khuya, không khí văn nghệ càng tưng bừng, làm chộn rộn cả một vùng sông nước. Ai cũng tranh thủ “thể hiện” vài bài cho "đã". Nhưng ấn tượng nhất là giọng ca da diết, ngọt ngào của Hồng Thắm- Hội trưởng Hội phụ nữ xã Tân Ân Tây: Nghe chừng Cà Mau xa lắm/Ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/Ngại chi đường xa không tới/Về để nói với nhau mấy lời… Tiếng hò dìu dặt xa đưa/Dòng sông nước trôi sóng xô con đò/Đêm chúng mình giã từ cùng nhau/Lưu luyến bao ân tình khung trời Cà Mau…
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Chúng tôi chia tay nhau, bịn rịn như những người thân thiết. Tạm biệt cán bộ, nhân viên Nông trường 414, tôi cảm nhận thấy hơi ấm và sức sống mãnh liệt trong đôi bàn tay lao động chai sạn của mỗi người. Tình đất, tình người nơi đây thật lạ. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở lại Cà Mau, về với những người lính hậu cần nơi đất Mũi.
Năm 2010, doanh thu của nông trường đạt 7,07 tỷ đồng (102% kế hoạch); thu nhập bình quân nông trường viên là 3,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, doanh thu đạt 9,6 tỷ (101%), thu nhập bình quân đạt 7,4 triệu, lợi nhuận 2,7 tỷ (132%), nộp Quân khu 1,6 tỷ.
Bút ký của HỒNG TRANG