Thời gian trước, công tác quản lý, sử dụng điện, nước của Binh đoàn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; ý thức tự giác của cán bộ, chiến sỹ chưa cao; công tác tham mưu, chỉ đạo của ngành nghiệp vụ chưa quyết liệt. Vì vậy, một số đơn vị còn bội chi kinh phí điện, nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ...
Khắc phục vấn đề trên, Phòng Doanh trại đã tham mưu với chỉ huy Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đề ra nhiều biện pháp, trong đó tập trung vào việc cải tạo, củng cố và nâng cấp mạng đường điện, đường nước; tăng cường giáo dục và áp dụng các biện pháp hành chính nhằm nâng cao ý thức tự giác trong quản lý, sử dụng điện, nước cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ.
    |
 |
Kiểm tra đồng hồ điện cơ quan Binh đoàn. Ảnh: Quỳnh Hương |
Trong điều kiện kinh phí nghiệp vụ doanh trại có hạn, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, Binh đoàn chỉ đạo các đơn vị củng cố, nâng cấp mạng đường điện, nước đúng thiết kế và quy hoạch; tiến hành lập sơ đồ mạng lưới cấp điện, cấp nước để tiện theo dõi, sửa chữa, quản lý và vận hành. Hệ thống đường dây trần hạ thế từng bước được thay thế bằng dây cáp bọc hoặc cáp vặn xoắn, nhằm giảm thiểu thất thoát điện trên đường dây và bảo đảm vận hành an toàn. Mỗi cơ quan, phân đội, từng dãy nhà, phòng ở cán bộ, chiến sĩ đều được lắp công tơ điện và sổ theo dõi điện tiêu thụ, nhằm nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm cho mỗi cá nhân, tập thể. Các loại đèn sợi đốt được thay thế bằng các loại bóng đèn com-pắc, đèn LED.Từng thiết bị điện trong nhà, bảng công tắc, cầu chì, sứ cách điện... luôn được kiểm tra, kịp thời thay thế khi bị hỏng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn. Hệ thống đèn chiếu sáng bảo vệ được bố trí lại, cắt giảm những khu vực không cần thiết và lắp đặt hệ thống rơ-le tự động đóng, cắt điện theo giờ qui định. Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng, các đơn vị thường xuyên cử người theo dõi, kiểm tra mạng lưới điện. Các trang thiết bị điện đều có sổ theo dõi thời gian lắp đặt, chế độ bảo hành, sửa chữa định kỳ. Từng dãy nhà, phòng ở đều có cầu dao điện, lắp đặt nơi dễ thấy và dễ xử trí khi xảy ra sự cố...
Trước đây, các đơn vị trong Binh đoàn thường dùng chung một mạng đường điện để phục vụ cho nhiệm vụ hoạt động chuyên môn - kỹ thuật và đời sống, khiến việc quản lý, xác định trách nhiệm gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2013, theo chỉ đạo của Phòng Doanh trại, hầu hết các đơn vị đã chủ động tách thành hai mạng điện riêng biệt, có sổ sách theo dõi riêng. Khối cơ quan cũng được bố trí 2 hệ thống điện riêng cho khu nhà nghỉ và khu nhà làm việc, bảo đảm mỗi thời điểm chỉ có 1 mạng điện hoạt động nhằm triệt để tiết kiệm điện... Thực tế cho thấy, từ khi tách riêng 2 mạng điện, hiệu quả sử dụng điện ở các đơn vị trong Binh đoàn ngày càng cao, lượng tiêu thụ giảm đáng kể do trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản được nâng lên.
    |
 |
Trạm xử lý nước của Tiểu đoàn Trinh sát 1- Bộ Tham mưu. Ảnh: Quỳnh Hương |
Đi đôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật, các đơn vị trong Binh đoàn còn, chú trọng công tác phổ biến chế độ, tiêu chuẩn điện, nước đến từng đối tượng; tuyên truyền, giáo dục, tạo tác phong, thói quen sử dụng điện, nước tiết kiệm cho bộ đội, coi đây là nhân tố quyết định đến công tác quản lý, sử dụng điện. Hằng năm, Tư lệnh Binh đoàn đều ra chỉ thị về việc tăng cường tiết kiệm điện, nước. Các đơn vị cũng đều xây dựng quy chế quản lý, sử dụng điện, nước gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân và tăng cường giáo dục bộ đội ý thức tự giác chấp hành các quy định trong quản lý, sử dụng điện, nước. Trong đó, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm điện, như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng thiết bị; tận dụng tối đa nguồn sáng và thông gió tự nhiên; chỉ sử dụng điều hòa khi thật cần thiết và cài đặt chế độ làm mát từ 26o C trở lên; hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện năng lớn (máy điều hòa, bình nước nóng, bàn là, ấm điện...) trong những giờ cao điểm (từ 17- 20 giờ hằng ngày). Những trường hợp vi phạm qui chế, như để quạt quay, bóng sáng khi không có người, hoặc sử dụng các thiết bị điện thiếu an toàn đều bị xử lý bằng biện pháp hành chính...
Cùng với quản lý, sử dụng điện, công tác quản lý, sử dụng nước cũng được Binh đoàn rất quan tâm. Đóng quân trên địa bàn trung du, miền núi, mùa khô rất hiếm nước, lại không có nguồn nước sạch quốc doanh, các đơn vị chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Để bảo đảm đầy đủ nước sạch cho bộ đội, Binh đoàn đã đầu tư kinh phí khoan giếng, xây dựng 17 trạm bơm và hàng trăm bể chứa, tất cả đều được lắp phao chống tràn tự động. Hệ thống đường ống kẽm được thay thế bằng ống nhựa HDPE nhằm bảo đảm tốt chất lượng nước. Các khu nhà tắm cũng được đầu tư xây dựng cơ bản, lắp đặt đồng bộ vòi tắm hoa sen, vừa nâng cao chất lượng phục vụ bộ đội tắm giặt, vừa giúp tiết kiệm nước... Đáng chú ý là, từ nguồn tiết kiệm trong sử dụng điện, nước và trích quĩ vốn, 7 đơn vị cấp tiểu đoàn và tương đương đã mua sắm, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống lọc nước lọc tinh khiết với công suất 500 lít/h, giá thành từ 150 -200 triệu đồng/hệ thống. Qua đó, không chỉ bảo đảm đầy đủ nước uống hằng ngày cho bộ đội mà còn tiết kiệm cho Binh đoàn hàng chục triệu đồng mỗi năm do không phải tốn chi phí đun nấu...
Với những biện pháp quyết liệt, đồng bộ, những năm gần đây, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Hương Giang luôn bảo đảm đầy đủ điện, nước phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và đời sống sinh hoạt; không còn đơn vị sử dụng quá tiêu chuẩn, hạn mức. Từ đơn vị còn nhiều khó khăn, Binh đoàn hiện là một trong những điểm sáng trong công tác quản lý, sử dụng điện, nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả của toàn quân.
Đại tá Vũ Quang Lộc
Trưởng phòng Doanh trại Binh đoàn