Bệnh viêm da nổi cục do vi rút gây ra, chỉ xuất hiện trên trâu, bò, không lây sang người; đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt (muỗi, ruồi, ve), phương tiện vận chuyển, sử dụng chung máng ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với con vật bị bệnh. Dấu hiệu nhận biết con vật bị mắc bệnh: sốt cao, giảm tính thèm ăn, trên da nổi các nốt sần, hình tròn, chắc, nhô cao trên da, có đường kính 2-5 cm, tập trung ở vùng da cổ, đầu, cơ quan sinh dục…
Bệnh cúm gia cầm A/H5N8, do chủng vi rút cúm, thể độc lực cao gây ra; đường truyền lây chủ yếu từ một số loài chim hoang dã hoặc tiếp xúc với gia cầm bệnh. Gia cầm mắc bệnh có triệu chứng chảy nước mắt, mũi, tiêu chảy phân trắng xanh, hen khẹc (rất giống bệnh Newcastle, CRD, IB, ORT) nên rất khó phân biệt, chỉ xác định chính xác bằng cách lấy mẫu xét nghiệm. Đặc biệt, bệnh có thể lây truyền từ gia cầm sang người (theo Tổ chức Y tế Thế giới, tháng 02/2021 có 07 người tại Nga được xác định là nhiễm vi rút cúm với các triệu chứng nhẹ), tuy nhiên chưa có bằng chứng dịch tễ về vi rút cúm A/H5N8 lây từ người sang người.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, cả nước có tổng đàn trâu bò, gia cầm lớn; nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nhất là rét đậm vào cuối năm, làm giảm sức đề kháng của trâu bò, gia cầm, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng rất cao. Để khống chế, ngăn chặn sự lây lan của 02 bệnh nói trên, các đơn vị cần nghiên cứu, tham khảo, thực hiện một số biện pháp sau:
Quán triệt thực hiện nghiêm Công văn số 466/HC-QN ngày 30/3/2019 của Tổng cục Hậu cần về triển khai thực hiện “Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh (PCB) cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”; Công điện số 1013/CĐ-QN ngày 20/5/2021 của Cục Quân nhu về tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh (PCB) viêm da nổi cục trên trâu bò. Triển khai thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật trong PCB trên đàn gia súc, gia cầm. Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội, nhất là lực lượng trực tiếp chăn nuôi, chế biến thực phẩm hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh viêm da nổi cục và cúm gia cầm A/H5N8, tránh gây tâm lý hoang mang, lo sợ quá mức ảnh hưởng tới công tác chăn nuôi của đơn vị.
Tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo phương châm “Phòng là chính, trừ triệt để, biện pháp thú y trước, chăn nuôi sau”; trong đó cần lưu ý thực hiện một số nguyên tắc sau:
Tạo miễn dịch đặc hiệu và tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Các đơn vị chủ động liên hệ với cơ quan thú y địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục, cúm gia cầm A/H5N8 cho đàn trâu bò và gia cầm vào đợt tháng 3 - 4, tháng 9 - 10, tiêm bổ sung cho đàn mới để tạo miễn dịch đặc hiệu. Theo Tổ chức Thú y thế giới, vi rút viêm da nổi cục trên trâu bò có tính tương đồng với vi rút gây bệnh đậu ở dê, cừu; vi rút cúm gia cầm A/H5N8 có tính tương đồng với vi rút cúm gia cầm A/H5N6, vì vậy, có thể dùng vắc xin đậu dê, cừu tiêm phòng bệnh cho trâu bò, vắc xin cúm gia cầm A/H5N6 tiêm phòng cúm A/H5N8 và A/H5N6. Tăng cường khâu chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật đối với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi nhằm tạo sức đề kháng kháng lại tác nhân gây bệnh. Thức ăn phải đảm bảo an toàn, chất lượng, không ẩm mốc; nếu sử dụng thức ăn tận dụng từ nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, trạm chế biến phải nấu chín kỹ, bổ sung các loại chế phẩm sinh học để tăng hiệu quả sử dụng, nâng cao sức kháng bệnh cho vật nuôi.
Nước uống cho vật nuôi nên dùng nước máy, nước giếng khoan, nếu dùng nước bề mặt (ao, hồ, sông…) phải được lọc và xử lý bằng Cloramin. Những ngày nắng nóng cần tăng thức ăn thô xanh cho trâu, bò với tỷ lệ 10-15% trọng lượng cơ thể, giảm thức ăn tinh (cám ngô, gạo, sắn…). Ngày thời tiết giá rét nên nuôi nhốt tại chuồng, tăng thêm lượng thức ăn tinh với trọng lượng 2 kg/con/ngày, bổ sung vitamin tổng hợp và cho uống thêm nước muối (pha với nước ấm 37-380C, nồng độ 0,1 - 0,3% tương đương 10-30g/10 lít nước) để cung cấp thêm năng lượng, tăng sức chống chịu giá rét. Đối với gia cầm, lưu ý từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, lây lan. Vì vậy, cần bổ sung B-Complex 10-15 ngày, uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Sau đó sử dụng 2-3 củ tỏi sống đập dập hòa với 10-15 lít nước cho gia cầm uống liên tục trong 2-3 ngày; kết hợp đốt quả bồ kết đặt tại 4 góc chuồng cho gia cầm ngửi khói, định kỳ 1 tuần/lần để phòng bệnh đường hô hấp, nhất là vi rút cúm gia cầm.
Cải tạo môi trường chăn nuôi và kiểm soát tốt các yếu tố trung gian truyền bệnh: Chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo cao ráo, thoáng, sạch, tránh ẩm ướt, gió lùa và dễ vệ sinh, sát trùng, tiêu độc, PCB; có lưới ngăn chặn côn trùng, vật chủ trung gian truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…) bao xung quanh chuồng nuôi. Bố trí chuồng nuôi cách ly gia súc, gia cầm theo dõi ít nhất 2 tuần mới nhập đàn vào chuồng nuôi thường xuyên; tại cửa ra vào khu chăn nuôi nên có phòng thay bảo hộ lao động (quần, áo, găng tay, ủng chân, mũ…) cho người trực tiếp chăn nuôi và có phòng phun khử trùng, hố khử trùng trước khi ra vào chuồng nuôi. Hằng ngày vệ sinh chuồng sạch sẽ, định kỳ phun thuốc khử trùng chuồng nuôi (1 tuần/lần đối với địa bàn không có dịch, 2 ngày/lần đối với địa bàn có dịch) bằng các loại hóa chất tiêu diệt được mầm bệnh như: Cloramin, Iodine, Virkon 2%… Dùng các chất sát trùng luân phiên, thay đổi đề phòng vi sinh vật gây bệnh kháng thuốc. Sau mỗi đợt nuôi, đơn vị phải tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ chuồng trại (nền, tường, mái…), dụng cụ chăn nuôi bằng các loại hóa chất (Cloramin, Handiol 10%, Bencozid,…), 1-2 ngày dùng nước vôi đặc 20% (pha 2 kg vôi sống/10 lít nước) quét tường chuồng nuôi và vôi bột rắc khắp nền chuồng sau đó phun nước có tác dụng sát khuẩn tốt.
Để trống chuồng ít nhất 7 ngày, sau đó vệ sinh phun thuốc khử trùng trước khi nuôi đàn mới. Trường hợp đơn vị chưa tự túc đủ con giống, nếu mua ngoài phải chọn cơ sở uy tín, con giống được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Người trực tiếp chăn nuôi phải thay bảo hộ lao động, đi qua nhà khử trùng, sát trùng trước khi vào khu chăn nuôi, người không có nhiệm vụ không được ra vào khu chăn nuôi. Có biện pháp diệt côn trùng, ngăn chặn loài gặm nhấm và chim bằng cách phát quang bụi rậm, khơi thông, vệ sinh cống rãnh ngoài chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tháng. Dùng Hantox-200 phun định kỳ 1-2 lần/tháng để hạn chế xâm nhập của vật chủ trung gian truyền bệnh. Phương tiện vận chuyển trước khi sử dụng phải được vệ sinh, sát trùng, tiêu độc với nồng độ pha hóa chất gấp 2-3 lần so với chỉ định của nhà sản xuất; nên sử dụng xe, dụng cụ riêng cho khu chăn nuôi. Dụng cụ, thiết bị chăn nuôi phải vệ sinh hằng ngày, định kỳ 1 tuần/lần ngâm hóa chất sát khuẩn. Mỗi khu chuồng nuôi nên có dụng cụ chứa đựng thức ăn riêng, tránh lây bệnh từ chuồng này sang chuồng khác.
Khống chế tốt nguồn bệnh (con vật mắc bệnh): Thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện trâu bò, gia cầm ốm, bỏ ăn nhanh, có biểu hiện dịch tễ từng loại bệnh phải nhanh chóng cách ly ra khu vực riêng, kê phác đồ điều trị hiệu quả. Tăng cường khâu chăm sóc, nuôi dưỡng cho những con vật trong đàn và phun thuốc khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần. Trường hợp trâu bò, gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (viêm da nổi cục, cúm gia cầm) phải báo ngay với chỉ huy đơn vị, phối hợp với chính quyền và cơ quan thú y địa phương, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Khi xác định trâu bò, gia cầm mắc một trong các dịch bệnh nguy hiểm, đơn vị phải phối hợp với chính quyền và cơ quan thú y địa phương thực hiện phòng, chống dịch theo quy định. Nếu trường hợp gia cầm bị mắc bệnh cúm A/H5N8, quân y đơn vị phối hợp với y tế địa phương để tiến hành giám sát bệnh trên người. Thống kê số gia cầm tiêu hủy có xác nhận của chính quyền và cơ quan thú y địa phương để xin hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ được nuôi lại khi đơn vị công bố hết dịch và thực hiện vệ sinh, khử trùng, để trống chuồng ít nhất 21 ngày.
Đối với những đơn vị chưa tự túc đủ nhu cầu thịt bò và gia cầm khi khai thác ngoài thị trường cần liên hệ mua tại cơ sở có uy tín, chất lượng tốt, có xác nhận kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y. Tuyệt đối không cho bộ đội sử dụng tiết canh, thịt trâu bò, gia cầm tái chưa được nấu chín kỹ; duy trì khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước và sau quá trình giết mổ, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào đơn vị và tránh các bệnh truyền lây từ vật nuôi sang người.
Trên đây là một số biện pháp PCB viêm da nổi cục trên trâu bò và cúm gia cầm A/H5N8, các đơn vị nghiên cứu, tham khảo, triển khai thực hiện để bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm.
Thiếu tá NGUYỄN THỊ DƯƠNG, Cục Quân nhu/TCHC