Sau hơn một ngày đêm lênh đênh trên biển, chúng tôi có mặt tại đảo Đá Thị, đây là đảo chìm, diện tích nhỏ hơn so với những đảo khác. Thời điểm này, khu vực Quần đảo Trường sa đang cuối mùa khô, đã gần 5 tháng, không có trận mưa rào. Nhưng khi tham quan khu trồng rau trên Đảo, chúng tôi rất ấn tượng bởi những vườn rau được quy hoạch gọn, xây dựng chắc chắn. Trong vườn có nhiều loại rau như: rau muống, rau dền, mồng tơi, cải xanh, cải bẹ, rau thơm… xanh mơn mởn, đến kỳ thu hoạch và giàn cây leo trĩu quả.

Trước đây, trồng rau trên đảo Đá Thị đặc biệt khó khăn, vì vườn rau nhỏ lẻ, quây tạm xung quanh nhà ở, bộ đội tận dụng thùng xốp, khay nhựa đổ đất vào để trồng rau. Nước tưới rau rất khan hiếm, chủ yếu tận dụng nước sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Khi biển động, mưa to, gió tạt mạnh lên đảo, cán bộ, chiến sĩ phải di chuyển toàn bộ thùng, khay rau đến vị trí khác để tránh gió biển, nếu không hơi nước mặn làm héo lá, chết cây. Vì thế, bữa ăn chủ yếu sử dụng rau sấy khô hoặc rau, quả muối chua… những ngày có rau tươi được ví như “món ăn đặc sản”. Nhưng hiện nay, trên đảo Đá Thị, vườn trồng rau được quy hoạch tập trung thành 2 vườn, bố trí nơi thuận tiện chăm sóc.

leftcenterrightdel

 Chiến sĩ đảo Trường Sa chăm sóc rau xanh.

Mỗi vườn có diện tích khoảng 40m2, khung bằng I-nox chắc chắn, chiều cao khoảng 2m, xung qua- nh khung lắp ghép những tấm nhựa composite có độ bền cao; mái vườn làm bằng lưới trắng để chắn gió và hơi nước biển mặn. Trong vườn có các thùng nhựa composite hình chữ nhật kê sát nhau theo hàng lối và đổ đầy đất màu, phân vi sinh để trồng rau. Ngoài ra, bộ đội còn thiết kế những tấm che nhỏ làm bằng lưới, đặt trên miệng thùng nhựa, xếp hình mái nhà để che nắng cho cây rau mới trồng hoặc còn nhỏ. Đồng chí Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Văn Hưng cho biết: “Việc trồng rau trên đảo chìm hiện nay đỡ vất vả hơn do có nhà lưới, không phải di chuyển rau đến chỗ khác khi trời mưa to, gió lớn. Mặt khác, trên đảo có máy lọc nước biển thành nước lợ nên nước tưới rau không còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, việc chăm sóc rau xanh trên đảo vẫn phải cầu kỳ, khoa học thì mới được thu hoạch. Khi mưa to, gió lớn, phải che đậy cẩn thận, không để nước mưa rơi trực tiếp vào cây rau làm chốc gốc, nát lá. Ban ngày, anh em trên đảo phải che nắng gắt, lựa thời điểm thuận lợi bỏ tấm che để rau hấp thụ ánh sáng mặt trời. Buổi sáng sớm phải tưới nước nhẹ để loại bỏ sương muối bám trên lá, buổi chiều tưới đậm hơn…”.

Đến thăm đảo nổi Sinh Tồn, chúng tôi được đồng chí Thượng úy Lê Văn Chung, Trợ lý Hậu cần dẫn đi tham quan các khu trồng rau chuyên canh tập trung. Điểm tham quan đầu tiên là khu trồng rau trong nhà lưới. Tại đây có hệ thống nhà lưới rộng khoảng 750m2, với 8 nhà nhỏ, thiết kế thống nhất bằng khung I-nox chắc chắn, xung quanh được ghép những tấm tôn hoặc nhựa cao 2m, mái thiết kế hình cung và phủ lưới chuyên dụng màu trắng. Trong vườn phân ô thửa bằng đường bê tông, có biển tên các đơn vị, đất màu đổ trực tiếp xuống các ô thửa để trồng các loại rau như: cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau ngót, rau muống nước, rau gia vị… Anh Chung cho biết: “Hệ thống nhà lưới này bắt đầu lắp đặt từ năm 2020, trong đó có 2 nhà mới lắp đặt đầu năm 2023. Nhờ có vườn rau chuyên canh trong nhà lưới, diện tích rộng, đất nhiều dinh dưỡng, hạn chế sự tác động của môi trường biển, đảo, nên trên Đảo có thể trồng rau quanh năm, đạt năng suất, chất lượng cao hơn các vườn khác. Cùng với đó, trên Đảo bể chứa nước mưa thể tích lớn nên nước tưới rau đỡ khó khăn hơn. Trước đây chưa có hệ thống nhà lưới, rau mới nhú lên gặp ngày thời tiết xấu, hơi mặn làm cháy hết lá chỉ còn trơ lại gốc”.

Gặp Trung sĩ Ngô Thanh Hải đang thu hoạch rau, anh vui vẻ cho biết:“Tôi quê Đồng Nai, trước khi nhập ngũ, ở nhà cũng làm nông nghiệp, giúp ba mẹ trồng rau xanh và cây ăn quả. Trước đây tôi nghĩ trên đảo không thể trồng được rau xanh, nhưng ra đây mới thấy khác hoàn toàn. Trồng rau trong nhà lưới, đất trồng dinh dưỡng cao, tưới nước đủ, rau phát triển tốt, không khác nhiều so với trong đất liền. Chăm sóc rau xanh buổi chiều hằng ngày còn là thú vui của anh em sau giờ huấn luyện vất vả”.

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ đảo Sinh Tồn thu hoạch rau xanh.

Tham quan khu trồng rau tập trung của các đơn vị và hộ dân trên Đảo Sinh Tồn được bố trí gần nhà ở, trước mắt chúng tôi là những vườn rau có diện tích từ 100 - 150m2, tường xây bao quanh cao 1,5m để chắn gió biển. Trong vườn phân chia từng ô nhỏ để trồng chuyên canh loại rau, nhưng chủ đạo là rau muống, mồng tơi, rau dền… Xung quanh tường bao còn tận dụng để trồng cây leo giàn như bầu, bí, mướp... Anh Chung cho biết thêm: “Với tổng diện tích vườn rau 1.100m2 và giàn cây leo của các đơn vị, hiện nay, đảo Sinh Tồn tự túc trên 75% nhu cầu rau xanh trong bữa ăn, thời điểm thời tiết thuận lợi, rau nhiều, Đảo còn gửi tặng các tàu Hải quân đang làm nhiệm vụ trực trên biển. Các hộ dân cũng tự túc cơ bản nhu cầu rau xanh trong bữa ăn hằng ngày”.

Rời Sinh Tồn, chúng tôi tiếp tục đến với đảo Trường Sa. Tại đây, hệ thống vườn rau cũng đã được quy hoạch lại, xây dựng chắc chắn, diện tích rộng hơn so với trước đây. Trong đó, có một số vườn rau trong nhà lưới mới được xây dựng. Các vườn rau được bố trí theo từng cụm đơn vị để tiện chăm sóc. Đồng chí Trung úy Nguyễn Ngọc Ánh, Trợ lý Hậu cần cho biết: “Do đất trồng rau trên đảo nổi không nhiều, chỉ trồng vài vụ dinh dưỡng trong đất sẽ giảm, nên sau khi thu hoạch, phải xới đất lên phơi khô, sau đó trộn thêm phân hữu cơ, bổ sung đất màu rồi trồng lứa rau mới. Hiện nay, các vườn rau trên đảo Trường Sa đều được xây dựng cơ bản, có thể áp dụng kỹ thuật mới để tăng năng suất, chất lượng. Ngoài ra, trên đảo còn trồng nhiều loại cây leo giàn như: bầu, bí, mướp, su su và các loại cây ăn quả như chuối, đu đủ để bổ sung nguồn rau xanh trong bữa ăn.

Không chỉ đảo Đá Thị, Sinh Tồn, Trường Sa, mà các đảo chìm Đá Đông A, Cô Lin… chúng tôi đều thấy những vườn rau xanh tốt, diện tích tùy theo điều kiện thực tế từng đảo. Điều đáng nói là, mặc dù trong môi trường biển, nhưng những loại rau muống nước, rau cải canh, rau dền, mồng tơi, rau ngót giống Nhật, lá lốt, rau húng, giềng phát triển rất tốt. Nhất là rau mồng tơi, lá to như những lá bàng, lá sen.

Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn lên được nhà giàn DK1-15, vì không gặp biển động. Ở đây, vườn rau được xây dựng tập trung, kiên cố ngay trên nóc nhà giàn, với diện tích khoảng 35 - 40m2. Khung vườn rau làm bằng I-nox, xung quanh được ghép bằng những tấm tôn hoặc nhựa composite, có mái che bằng lưới. Rau được trồng trong các thùng nhựa composite, kỹ thuật trồng cũng giống như trên đảo chìm. Nhờ vậy, dù ở giữa biển khơi nhưng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 vẫn có rau xanh trong bữa ăn, đáp ứng trên 80% nhu cầu, đó là một sự thay đổi lớn so với trước đây.

Trao đổi với đồng chí Trung tá Vũ Văn Thái, Trưởng ban Quân nhu (Phòng Hậu cần, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) được biết: Từ năm 2017, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân giao cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 khảo sát, quy hoạch, dự toán, thiết kế hệ thống vườn rau trên đảo nổi, đảo chìm chắc chắn, với quy mô phù hợp, thay thế vườn rau nhỏ lẻ, có thể trồng rau quanh năm. Do nguồn kinh phí có hạn nên mỗi năm chỉ đầu tư xây dựng vườn rau cho vài đảo, trong đó ưu tiên những đảo khó khăn làm trước. Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải  quân và hỗ trợ của quân dân cả nước, đến nay, hệ thống vườn rau trên đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1 đều được xây dựng chắc chắn, có thể trồng rau phát triển ổn định. Trên đảo nổi và đảo chìm đã tự túc được 70 - 80% nhu cầu rau xanh trong bữa ăn. Thời gian tới, rất mong Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và chính quyền địa phương, tổ chức xã hội trên cả nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ kinh phí, vật chất để mở rộng diện tích vườn rau trên Quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, giúp cán bộ, chiến sĩ trồng rau phát triển quanh năm, phấn đấu tự túc đủ nhu cầu, hạn chế phụ thuộc vào đất liền.

Chúng tôi trở về đất liền mang theo những niềm vui và sự cảm phục về tinh thần vượt khó của bộ đội Trường Sa, nhà giàn DK1. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Nhân dân cả nước, thời gian tới, chắc chắn trên các đảo và nhà giàn sẽ có nhiều vườn rau xanh tốt hơn, góp phần cải thiện đời sống bộ đội nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Bài, ảnh: LƯƠNG THẢO