Khó khăn nhất trong công tác BĐHC phục vụ huấn luyện DBĐV ở Sư đoàn là quân số bảo đảm đông, tập trung cùng thời điểm tại 2 trung đoàn khung thường trực.  Đợt cao điểm quân số lên tới 800 người. Trong khi cơ sở doanh trại các đơn vị này qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp. Để chủ động trong công tác BĐHC, ngay từ đầu năm, Phòng Hậu cần Sư đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức bảo đảm cụ thể, chi tiết, sát với kế hoạch huấn luyện. Tham mưu với lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị kết hợp kinh phí trên cấp và công sức bộ đội tích cực sửa chữa, củng cố doanh trại. Trong đó, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, hệ thống công trình vệ sinh. Tổ chức dồn dịch giường phản, bổ sung doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt; làm mới hệ thống biển bảng, dây, giá; củng cố cảnh quan môi trường trước khi tiếp nhận quân nhân dự bị (QNDB).

Hằng năm, Sư đoàn tiếp nhận và huấn luyện QNDB ở các quận thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, việc đăng ký cỡ số quân trang cho các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cơ quan hậu cần các trung đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan hậu cần ban chỉ huy quân sự quận đăng ký cỡ số quân trang cho từng QNDB tham gia huấn luyện và tổng hợp nhu cầu, báo cáo Sư đoàn. Trên cơ sở đó, quân nhu trung đoàn tổ chức tiếp nhận đầy đủ quân trang, phân loại cỡ số, chất lượng quân phục để thuận tiện khi cấp phát. Tổ chức tập huấn cho cán bộ khung A nắm chắc về tiêu chuẩn từng loại quân trang DBĐV (quân trang được hưởng, mượn) cũng như các quy định trong bảo quản, sử dụng... để phổ biến cho QNDB ngay khi về đơn vị. Quá trình cấp phát, quân nhu đơn vị tiếp tục hướng dẫn, phổ biến tiêu chuẩn quân trang để QNDB chủ động đối chiếu, kiểm tra cỡ số. Đối với các loại quân phục dùng chung, sau khi cấp phát, các đơn vị hướng dẫn QNDB giặt trước khi mặc để đảm bảo vệ sinh. Trong thời gian huấn luyện, cán bộ quân nhu thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng quân trang cá nhân tại các đơn vị. Sau từng đợt huấn luyện, các đơn vị tiến hành thu hồi quân trang dùng chung, tổ chức giặt sạch, phơi khô, trả kho cấp trên để phục vụ mùa huấn luyện tiếp theo. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, cấp phát, quản lý, giáo dục, những năm gần đây, Sư đoàn luôn bảo đảm kịp thời, đầy đủ tiêu chuẩn, đúng cỡ số quân trang cho các đối tượng. Quá trình sử dụng, không có trường hợp mất, viết vẽ bẩn, làm hỏng, rách quân trang.

leftcenterrightdel
Trung đoàn 250 cấp phát quân trang cho lực lượng dự bị động viên trong diễn tập. Ảnh: CTV

Về bảo đảm ăn uống, do các trung đoàn huấn luyện là đơn vị khung thường trực nên quân số ít, lực lượng nuôi quân bị thiếu, khi huấn luyện DBĐV phải tạm điều từ đơn vị khác về. Thời gian cao điểm, các trung đoàn còn huy động cán bộ, nhân viên cơ quan trực tiếp xuống bếp tham gia cùng nuôi quân chế biến, nấu ăn. Để chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ chất lượng tốt phục vụ bữa ăn bộ đội, những năm qua, Sư đoàn chỉ đạo các trung đoàn chủ động phát triển mạnh tăng gia sản xuất ở tất cả các cấp, trong đó tập trung thời điểm bộ đội vào huấn luyện 1-2 tháng. Mỗi trung đoàn duy trì từ 3.000-4500m2 vườn rau chuyên canh, trong đó, vườn rau muống chiếm 40%, rau ăn lá 30%, giàn cây leo 30%; nuôi từ 50-60 con lợn thịt và 5-6 con lợn nái và duy trì chăn nuôi cá tại khu tăng gia sản xuất tập trung của Sư đoàn bảo đảm 100% nhu cầu cá tươi cho các đơn vị. Căn cứ thời gian sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng, các cơ quan, đơn vị tổ chức trồng đa dạng rau xanh, giàn cây leo, trong đó, tập trung trồng các loại rau cải, mùng tơi, rau muống, dền, đậu đũa, bầu, mướp, bí xanh... Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động chế biến thực phẩm, tập trung vào giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến giò, chả, đậu phụ, ủ giá, muối nén rau, củ, quả, giấm chuối... Do vậy, nhiều năm qua, các trung đoàn luôn tự túc 100% nhu cầu rau xanh, thịt lợn, cá trong bữa ăn, với giá rẻ hơn thị trường từ 10-20%.

Để bộ đội ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn, trước khi bộ đội vào huấn luyện, cơ quan hậu cần các trung đoàn tổ chức tập huấn cho đội ngũ nuôi quân về kỹ thuật chế biến, nấu ăn, trình bày thức ăn trên đĩa. Xây dựng thực đơn ăn hằng ngày đảm bảo khoa học, hợp khẩu vị bộ đội. Bữa ăn luôn có từ 4-5 món, trong đó có 3 món giàu chất đạm và 100% bữa ăn có trái cây tươi tráng miệng. Trong quá trình phục vụ, chỉ huy, cơ quan hậu cần các đơn vị luôn nắm bắt tình hình bảo đảm, thăm dò ý kiến bộ đội để kịp thời điều chỉnh thực đơn, kỹ thuật chế biến... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Riêng đối với bảo đảm ăn uống trong diễn tập, các đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị các loại dụng cụ dã ngoại, như: giá để lương thực, thực phẩm, dụng cụ cấp dưỡng, giá chia thức ăn có mái che. Hậu cần các đơn vị chủ động xây dựng thực đơn và cơ cấu bữa ăn thống nhất theo tiêu chuẩn diễn tập, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Quy định bộ đội mang theo lương thực và thực phẩm khô, còn lại tổ chức khai thác tại khu vực diễn tập. Hậu cần Sư đoàn giao cho hậu cần các đơn vị trực tiếp liên hệ các cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, khai thác tiếp phẩm tập trung cấp trung đoàn để bảo đảm đủ số lượng, tốt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, căn cứ vào lực lượng hậu cần hiện có, Sư đoàn tăng cường thêm lực lượng cán bộ hậu cần, quản lý bếp ăn, nuôi quân cho các bếp ăn để bảo đảm ăn uống trong diễn tập tốt nhất.

Trong công tác bảo đảm sức khỏe, trước khi bước vào huấn luyện, Hậu cần Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức tổng vệ sinh doanh trại, phun thuốc diệt côn trùng, khử trùng, phòng dịch, khu vực doanh trại, tập trung khu nhà ở, nhà ăn, nhà bếp. Trong quá trình tiếp nhận QNDB, quân y trung đoàn tiến hành rà soát, nắm tình hình sức khỏe để kịp thời ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, tim mạch... Tiếp đó, tổ chức phổ biến, hướng dẫn bộ đội nếp sống vệ sinh, khoa học, vệ sinh cá nhân. Duy trì bộ đội súc họng bằng nước muối 2 lần/ngày và nhỏ mũi bằng nước tỏi 2 lần/tuần; bảo đảm đủ nước uống cho bộ đội khi ở nhà cũng như khi huấn luyện ngoài thao trường. Trước khi vào giai đoạn diễn tập, quân y các trung đoàn tổ chức huấn luyện bổ sung 5 kỹ thuật băng bó cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến, phương pháp phòng chống côn trùng, rắn rết cắn, bảo đảm tốt công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch và sẵn sàng xử trí các tình huống trong diễn tập. Vì vậy, những năm qua, tỷ lệ quân số khỏe của lực lượng DBĐV tham gia huấn luyện luôn đạt  và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Với sự nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn và chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, công tác BĐHC cho nhiệm vụ huấn luyện DBĐV của Sư đoàn 309 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá cao. Đây là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Sư đoàn ngày càng chính quy, vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thượng tá Mai Văn Khánh-Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn