Vào dịp lễ tết, nhiều đơn vị còn tự chế biến món thịt heo, thịt bò một nắng, thịt ba chỉ ngâm mắm… làm tăng thêm hương vị mâm cỗ.
Thời điểm tháng 6, cả miền Trung nóng như chảo lửa khiến ai cũng ngại mỗi khi ra đường. Thế nhưng, đây lại là quãng thời gian lý tưởng, thuận lợi để Tổ chế biến thực phẩm thuộc Trạm chế biến tập trung của Sư đoàn 315 (Quân khu 5) “vào vụ” sản xuất nước mắm cá cơm tinh khiết theo phương pháp truyền thống. Chắt một chén nước mắm màu cánh gián từ một trong 4 bể chứa có dung tích khoảng hơn 30 m3, Thượng úy QNCN Nguyễn Ngọc Thế - Tổ trưởng tổ chế biến thực phẩm chia sẻ với chúng tôi: “Nước mắm này chúng tôi mới được thu hoạch xong. Làm mắm, không gì thuận lợi bằng được nắng, nước mắm rất trong và rất thơm. Trời nóng, bữa ăn bộ đội chỉ cần đĩa thịt luộc, dưa chua chấm với nước mắm này, chắc chắn sẽ rất đưa cơm”.
    |
 |
Tổ sản xuất thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất thịt, cá hộp. |
Chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm sản xuất nước mắm của đơn vị, anh Thế cho biết thêm: “Từ tháng 3 - 8 hằng năm là mùa cá cơm ở miền Trung. Nhưng thông thường phải cuối tháng 5, đầu tháng 6, thời tiết thuận lợi nhất, chúng tôi mới bắt đầu liên hệ với các chủ tàu chuyên đánh bắt hải sản xa bờ thu mua tận gốc cá cơm đen (loại tươi ngon nhất) với số lượng lớn để làm nước mắm. Cá cơm đánh bắt ngoài khơi thường ít tạp chất hơn so với các loại cá đánh bắt gần bờ. Muốn có sản phẩm nước mắm đạt chất lượng tốt, phải thực hiện chặt chẽ các khâu trong quy trình kỹ thuật sản xuất, từ sơ chế đến phối trộn nguyên liệu đúng tỷ lệ, ngâm ủ... Ngoài ra, mỗi khi ướp cá, chúng tôi còn dùng quả dứa chín làm sạch vỏ, thái nhỏ phủ lớp dày lên trên bề mặt bể ủ để tạo độ ngọt và màu sắc đặc trưng cho nước mắm thành phẩm. Sau đó tiếp tục rải lớp muối lên trên, tạo môi trường yếm khí, giúp cá lên men nhanh. Sau khoảng 8 - 12 tháng ủ chượp, Tổ tiến hành thu hoạch nước mắm và cung ứng cho các đơn vị theo đăng ký. Mắm ủ càng lâu màu càng đẹp, độ đạm càng cao, thơm ngon hơn…”.
Nói về công việc trong thời vụ làm mắm, binh nhất Hồ Văn Hoài, thành viên Tổ sản xuất cho biết: “Những ngày nhập cá, chúng tôi phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bể chứa, dụng cụ tẩm ướp, nguyên liệu phối trộn và tất bật với các quy trình kỹ thuật làm nước mắm. Thông thường, khi công việc hoàn thành thì cũng đã quá nửa đêm. Sáng ra, chúng tôi lại tranh thủ đảo cá trong các bể ủ, giúp cá ngấm và ngấu muối nhanh hơn. Mỗi tháng, đơn vị sản xuất từ 4.000 - 6.000 lít nước mắm thành phẩm. Nhập ngũ vào đơn vị, giờ đây tôi còn biết thêm nghề làm nước mắm, thật vui và thú vị”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cứ 3 tháng một lần, đơn vị lại thu hoạch và sản xuất mẻ nước mắm mới, đủ bảo đảm cho bữa ăn của bộ đội quanh năm. Những năm miền Trung mưa nhiều, ít nắng, việc làm mắm của đơn vị gặp khó khăn. Song với kinh nghiệm thực tế nhiều năm, nước mắm “Made in 315” luôn được bộ đội đón nhận, đánh giá cao. Tùy theo đơn đặt hàng của các cơ quan, đơn vị, Tổ có thể sản xuất, pha chế nhiều loại mắm với chất lượng, giá thành khác nhau.
Dịp lễ, Tết hằng năm, trong túi quà của Đảng ủy, Chỉ huy Sư đoàn 315 gửi tặng thân nhân, gia đình bộ đội, đối tượng chính sách, hộ nghèo đều có chai nước mắm loại một với đủ tem nhãn mang thương hiệu đơn vị.
Trong bữa cơm trưa đãi khách tại Sư đoàn, chúng tôi được thưởng thức một số món ăn “đặc sản” do chính bàn tay bộ đội tự chế biến đó là: thịt hộp, cá hộp… Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Dương Kiên - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 315 cho biết: “Cuối năm 2020, đơn vị được Viện Nghiên cứu Khoa học hậu cần Quân sự (Học viện Hậu cần) chuyển giao dây chuyền sản xuất thịt hộp khép kín. Đến nay, mỗi tháng Sư đoàn 315 sản xuất được từ 20 - 25 nghìn sản phẩm thịt, cá đóng hộp, nhưng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đơn đặt hàng của cơ quan, đơn vị trong Quân khu. Nhiều người sử dụng sản phẩm cho rằng: thịt hộp, cá hộp do Sư đoàn sản xuất giá thấp hơn thị trường, nhưng thơm ngon, hợp khẩu vị, an toàn, tiện sử dụng”.
Theo Đại tá Nguyễn Dương Kiên, Sư đoàn trưởng, năm 2021, khi cả nước thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19, việc tiếp phẩm của Sư đoàn 315 gặp nhiều khó khăn. Song do chủ động được nhiều loại sản phẩm TGSX, chế biến nên bữa ăn bộ đội vẫn duy trì chất lượng tốt. Với 6 khu TGSX tập trung hiện nay, Sư đoàn 315 thường xuyên nuôi khoảng gần 1.000 đầu lợn các loại, tự túc được 100% nguồn thịt lợn chất lượng tốt bảo đảm trong bữa ăn bộ đội hằng ngày và chế biến thịt hộp. Riêng nguồn nguyên liệu sản xuất cá hộp, đơn vị thu mua từ các công ty uy tín chuyên cung ứng trên địa bàn. Sản phẩm thịt, cá hộp đã được Sư đoàn 315 và các đơn vị của Quân khu sử dụng rộng rãi trong bữa ăn khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện dã ngoại, diễn tập, làm công tác dân vận.
Trung úy QNCN Nguyễn Đức Tuyên - Tổ trưởng Tổ chế biến đồ hộp thịt hộp cho biết: "Toàn bộ quy trình sản xuất đồ hộp được thực hiện khép kín bằng máy, thiết bị chuyên dụng, giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định. Quá trình sản xuất, chúng tôi tiếp thu ý kiến phản hồi của người sử dụng để kịp thời điều chỉnh phù hợp, nên chất lượng sản phẩm ngày càng tốt và người dùng ưa chuộng hơn”.
Được biết, ngoài các sản phẩm chế biến trên, vào mùa nắng cao điểm, Phòng Hậu cần còn liên hệ với các công ty, tàu cá, ngư dân đặt mua cá nục, cá chuồn, cá cơm tươi, tép nhỏ về phơi khô, đóng gói, hút chân không, đưa vào bảo quản dự trữ nguồn thực phẩm dùng trong thời điểm mưa bão, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, diễn tập... Hằng năm, dịp lễ, tết các đơn vị cấp tiểu đoàn còn tổ chức Hội thi ẩm thực, gói nấu bánh chưng, làm mứt dừa, mứt bí, bánh in (loại bánh xuất xứ từ Huế), thịt heo, thịt bò một nắng, thịt ba chỉ ngâm mắm, dưa chua ngọt... làm phong phú thêm bữa ăn bộ đội. Các sản phẩm “cây nhà lá vườn” tự tay bộ đội làm không chỉ phục vụ bữa ăn mà còn có ý nghĩa giữ gìn sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tạo nguồn thu quỹ vốn, thiết thực góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống.
Bài, ảnh: LÊ HÀ (Báo Quân khu 5)