Mới đây, có dịp đến công tác tại Lữ đoàn 242, chúng tôi rất ấn tượng khi được trực tiếp tham quan các khu TGSX của đơn vị. Tuy thời tiết nơi đảo xa rất khắc nghiệt, nhưng những vườn rau muống, mồng tơi, cải xanh, giàn mướp, giàn bầu vẫn xanh mơn mởn; trong chuồng nuôi tới hàng trăm con gà, vịt, lợn… đang đến kỳ thu hoạch.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Đại Thuấn, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn cho biết: “Giá hàng hóa trên đảo thường cao hơn nhiều so với trong đất liền và việc cung cấp thực phẩm cho đảo không thể thực hiện thường xuyên. Vì vậy, nhiều năm qua, các đơn vị đóng quân trên tuyến đảo tích cực tận dụng quỹ đất, kiên trì cải tạo, quy hoạch thành các vườn rau chuyên canh và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn thực phẩm tại chỗ cung cấp cho bếp ăn”. Theo anh Thuấn, trên các đảo, không thuận lợi cho việc trồng rau và chăn nuôi. Để có được những khu TGSX với diện tích rộng như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ phải mất nhiều năm kiên trì cải tạo, rửa mặn cho đất, quy hoạch và xây dựng vườn, chuồng.

leftcenterrightdel

 Bộ đội đảo Trần chăm sóc vườn rau xanh.

Đến tham quan khu trồng rau tập trung - được đánh giá là rộng và quy hoạch đẹp nhất đảo, Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng kể lại:“Trước đây cả khu vực này là bãi cát trắng, chỉ có cây sú, vẹt sống được. Hằng ngày, bộ đội phải lên núi chở đất về tôn cao nền, lấy mặt bằng và xây bờ kè ngăn sóng biển. Đất trên đảo chủ yếu là đá sỏi nên bộ đội tranh thủ thời gian cắt cây xanh về ủ thành điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phân rồi bón cho đất để tăng độ màu mỡ. Đến nay, khu vườn rau rộng hơn 4.000 m2 có thể trồng và cung cấp đủ nhu cầu rau xanh cho bếp ăn đơn vị”.

Cùng với cải tạo đất, các đơn vị còn tích cực đào ao tích trữ nước ngọt kết hợp nuôi thả cá. Việc đào ao tích nước ngọt trên các đảo Ngọc Vừng, Thanh Lân, Cô Tô tương đối thuận lợi nhưng ở đảo Trần thì gặp rất nhiều khó khăn do Đảo xa đất liền và diện tích nhỏ. Thiếu tá Phạm Văn Chính, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Trần cho hay: “Hiện nay, đơn vị xây được 1 ao trữ nước ngọt và khoan 2 giếng. Vào mùa mưa, các giếng khoan và ao có thể đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của bộ đội và TGSX. Tuy nhiên đến mùa khô, lượng nước trong ao cạn và nhiễm mặn nên bộ đội phải tận dụng nước sau sinh hoạt để tưới rau. Việc sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm, hợp lý đã bảo đảm đủ nước tưới cho các vườn rau”. Vấn đề đất trồng và nguồn nước ngọt được giải quyết nên các vườn rau xanh ngày càng được mở rộng. Để hạn chế ảnh hưởng của mưa bão, các đơn vị quy hoạch vườn trồng rau nằm sâu phía trong đảo, giáp dưới chân núi, xung quanh trồng phi lao ngăn gió biển. Đất ngoài đảo pha cát, mưa xuống khiến cho luống rau dễ bị sạt nên các đơn vị xây kè thành luống, sau đó đổ đất vào bên trong. Cách làm này giúp giữ màu cho đất, luống không bị sạt khi gặp mưa to, giảm công làm đất của bộ đội trước khi gieo trồng.

Để nâng cao năng suất cây trồng, đơn vị xác định đẩy mạnh TGSX kết hợp tập trung và phân tán, tổ chức quy hoạch, làm mới kết hợp củng cố, cải tạo vườn rau theo hướng cánh đồng thửa lớn ở các đầu mối đơn vị. Hiện nay, tất cả các đơn vị thuộc Lữ đoàn 242 đóng quân trên tuyến đảo Đông Bắc đều quy hoạch vườn rau tập trung với diện tích từ 4.000-5.000 m2, nâng tổng diện tích trồng rau toàn Lữ đoàn là 33.440 m2. Trong đó các khu trồng rau được quy hoạch, phân lô thành những vườn trồng rau, cây lấy củ, quả và giàn cây leo. Việc tổ chức gieo trồng tuân thủ theo mùa vụ, kết hợp trồng rau chính vụ với trái vụ, rau cao cấp và các loại củ, quả có thể dự trữ sử dụng dài ngày. Các vườn thường xuyên duy trì khoảng 4-5 loại rau ăn lá, 2-3 loại cây lấy củ, quả; ưu tiên các giống rau cho năng suất cao, ít sâu bệnh và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên đảo. Để chủ động nguồn cây giống, các đơn vị xây dựng hệ thống nhà lưới có mái che để ươm; chọn những nhân viên, chiến sĩ có kinh nghiệm làm nông nghiệp phụ trách vườn ươm. Nhờ đó, những năm qua, các đơn vị luôn bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đa dạng chủng loại cây giống phục vụ trồng trọt, tiết kiệm chi phí đầu tư. Qua nhiều năm tổ chức TGSX trên đảo, cán bộ, chiến sĩ tích lũy kiến thức, kinh nghiệm quý trong trồng và chăm sóc rau xanh, đó là: Các loại cây leo giàn như bầu, bí, su su, mướp, dưa chuột thường bị ảnh hưởng nhiều khi có mưa bão nên đơn vị hàn khung sắt làm giàn kiên cố, trồng cây xuôi theo hướng gió biển sẽ hạn chế bị táp lá, gãy ngọn, lật giàn khi gió to.

Cùng với trồng rau xanh, các đơn vị còn tận dụng những ao chứa nước ngọt để nuôi thả cá rô phi, trắm,  chép…;  xây  dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi dê, trâu, bò, lợn, gà, vịt… Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của các trạm chế biến tập trung để sản xuất giò, chả, giá đỗ, đậu phụ, muối chua rau, củ, quả… cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho các bếp ăn, hạn chế mua ngoài, nhất là thời điểm giáp vụ, mưa bão, biển động.

Với sự kiên trì cải tạo đất, dự trữ nước ngọt, quy hoạch vườn, ao, chuồng hợp lý, các khu TGSX của người lính đảo luôn phát triển không thua kém nhiều so với đơn vị trong đất liền. Những năm gần đây, quy mô đàn vật nuôi liên tục mở rộng, trong đó số lượng trâu, bò mỗi năm tăng từ 7 đến 10%, dê tăng từ 20 đến 25%, lợn rừng tăng từ 20 đến 25%, bình quân 3-4 người/đầu  lợn  thịt; 2-4 con gia cầm/ người. Hiện nay, các đơn vị trên đảo tự túc 95-100% nhu cầu rau xanh, 85-90% nhu cầu thịt lợn và trên 30% nhu cầu cá tươi, thịt gia cầm các loại. Giá sản phẩm TGSX thấp hơn khung giá quy định và giá thị trường từ 5 đến 15% (tùy theo từng thời điểm). Kết quả TGSX giúp các đơn vị tự túc thực phẩm tại chỗ, tăng thêm nguồn vốn để tái sản xuất; bảo đảm tốt chế độ, tiêu chuẩn ăn hằng ngày; trích ăn thêm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ vào dịp lễ, tết; thiết thực nâng cao đời sống, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đảo xa.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN (Báo Quân khu 3)