Nhà máy 2 (Công ty cổ phần Nhựa bao bì Vinh thuộc Tổng Công ty hợp tác kinh tế, Quân khu 4) có nhiệm vụ sản xuất vỏ bao đựng xi măng các loại cung ứng ra thị trường cả nước. Nhà máy được trang bị 60 máy dệt các loại, trong đó có 48 máy nhập khẩu từ Ấn Độ (năm 2012).

Qua quá trình sử dụng, đến nay, hệ thống vòng lược (chi tiết quan trọng nhất) của toàn bộ số máy này đã bị mòn, vẹt cục bộ dẫn đến máy rung lắc, làm gãy thuyền thoi, gây đứt sợi. Công nhân buộc phải dừng hoạt động của máy, dẫn đến giảm năng suất lao động và tăng phế liệu, tăng chi phí và giá thành sản phẩm. Do bộ vòng lược máy dệt trong nước chưa sản xuất được, phải nhập từ nước ngoài với giá thành 58.000.000 đồng/bộ. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc nhập khẩu thiết bị gặp nhiều khó khăn. 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
Một góc vòng lược trước (trái) và sau (phải) sau khi áp dụng sáng kiến. 

Từ thực tế trên, đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó ban Kỹ thuật Nhà máy cùng các công sự đã tập trung nghiên cứu, phân tích và áp dụng biện pháp mài phẳng lại bề mặt vòng lược để tiếp tục sử dụng, chưa cần phải thay mới. Theo đó, cấu tạo của bộ mài tròn vòng lược gồm giá lắp động cơ mài, cơ cấu điều chỉnh dung xích khi mài, hệ thống cấp điện 3 pha bằng cổ góp và chổi than. Nguyên lý hoạt động của bộ máy mài tròn vòng lược là: Dùng chính động cơ của máy dệt để kéo cơ cấu mài quay xung quanh vòng lược kết hợp với máy mài hoạt động. Sau mỗi vòng quay, điều chỉnh dung xích của cơ cấu mài để máy mài cắt đi phần nhấp nhô của bề mặt vòng lược. Cứ như thế cho đến khi bề mặt vòng lược được mài phẳng là được. Kết quả, vòng lược sau khi mài, hoạt động rất ổn định, đảm bảo công suất, chất lượng tương đương với nhập thiết bị mới, triệt tiêu hiện tượng rung lắc và không xảy ra tình trạng gãy thuyền thoi. 

Tổng chi phí thực hiện sáng kiến là 4.850.000 đồng, bao gồm mua thép tấm: 1.200.000 đồng, bộ cổ góp 3 pha: 2.250.000 đồng, công chế tạo, lắp đặt: 1.400.000 đồng. So với mua thiết bị từ nước ngoài là 58.000.000 đồng/bộ x 48 máy = 2.784.000.000 đồng, sáng kiến đã tiết kiệm được 2.779.150.000 đồng.

Ưu điểm của sáng kiến là: Dễ chế tạo và dễ sử dụng. Chi phí đầu tư thấp. Duy trì được sản xuất, không phải chờ thiết bị nhập khẩu, đảm bảo tiến độ sản xuất. Áp dụng mài cho các máy còn lại khi xảy ra tình trạng mòn vòng lược hoặc các loại máy móc, thiết bị cần mài tròn mà không thể tháo rời để di chuyển.

Sáng kiến đã được Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Đề tài sáng kiến trong tổ chức Công đoàn quốc phòng lần thứ 4 giai đoạn 2016-2021 đánh giá đạt giải Nhất.♦

Bài, ảnh: Hữu Dương (Bộ Tham mưu/TCHC)