Tháng 01/1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ III của Đảng nhận định: “Cuộc kháng chiến có nhiều tiến bộ về phương diện tác chiến cũng như phương diện xây dựng lực lượng. Cơ sở chính trị của ta mạnh, hậu phương ta vững, mặt trận dân tộc của ta thống nhất, tinh thần quân dân ta cao”. Tình hình thế giới biến chuyển có lợi cho ta: Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời. Liên Xô, Trung Quốc và một số nước XHCN Đông Âu công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa... Vì vậy, Đảng ta chủ trương: “Cần phải nhân đà tiến bộ của bản thân ta, dựa vào sự giúp đỡ của các lực lượng bạn, lợi dụng sự lúng túng của địch, gấp rút hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị... làm chuyển biến cục diện chiến tranh có lợi cho ta”. Về quân sự, Đảng ta xác định: “Một mặt chiến đấu để tiêu diệt địch, một mặt gấp rút bồi dưỡng xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng tinh nhuệ... tăng cường việc tiếp tế và hỏa lực của quân đội ta một cách chắc chắn”(1).
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị, ngày 22/6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự Trung ương và chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh. Ngày 11/7/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 121/SL quy định tổ chức Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh gồm 3 cơ quan: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần). Theo đó, nhiệm vụ của Tổng cục Cung cấp (TCCC) là: Quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Về tổ chức TCCC gồm các cục: Quân lương, Quân trang, Quân y, Quân giới, Vận tải, Quân vụ và Phòng Quân khí. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 123/SL bổ nhiệm Đồng chí Trần Đăng Ninh (tức Nguyễn Văn Đáng) Ủy viên Trung ương Đảng- Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm TCCC.
|
Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch thực hiện Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh TL. |
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 7/1950, Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh đã triển khai việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác. Đối với TCCC, do mới thành lập, lại đang phải khẩn trương chuẩn bị mọi mặt bảo đảm cho chiến dịch Biên giới nên việc sắp xếp tổ chức biên chế mới thực hiện được một bước.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới, từ đầu năm 1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Liên khu Việt Bắc: “Chuẩn bị chiến trường Đông Bắc thật đầy đủ để khi có điều kiện sẽ mở một chiến dịch lớn, quét sạch địch ra khỏi đường số 4; đánh bại quân địch trong vùng Đông Bắc; việc chuẩn bị phải triển khai trên phạm vi rộng lớn, huy động nhiều người, trong đó có việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội đến đánh”. Tháng 5/1950, Trung ương Đảng chỉ thị cho Liên khu ủy Việt Bắc về việc sửa đường và vận tải: “Hiện nay, đường giao thông liên lạc giữa nước ta và nước ngoài, đặc biệt với Trung Quốc là rất cần thiết nên cần phải sửa gấp những con đường lớn trong Liên khu Việt Bắc từ biên giới vào”. Đồng chí Trần Đăng Ninh được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Đặc phái viên Chính phủ phụ trách công việc này. Theo chỉ thị của Trung ương, các địa phương cử những cán bộ có năng lực phụ trách và huy động mọi khả năng tham gia làm đường. Sau 3 tháng tích cực chuẩn bị, các con đường chủ yếu trên địa bàn mở chiến dịch được sửa chữa, nâng cấp(2).
Tháng 7/1950, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, giải phóng một phần biên giới Việt- Trung (từ Cao Bằng đến Thất Khê), mở thông đường giao thông quan trọng với Trung Quốc và các nước XHCN, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đây là Chiến dịch có vai trò rất quan trọng, vì vậy, Bộ Tổng tư lệnh đã huy động toàn bộ quân chủ lực cơ động của ta (Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 và 174, Trung đoàn pháo 95) cùng lực lượng vũ trang địa phương, tổng quân số tham gia chiến dịch trên 3 vạn người. Nhu cầu chiến dịch cần trên 3.000 tấn (trong đó có 2.700 tấn gạo, 200 tấn vũ khí đạn), số thương binh dự kiến 2.500 người(3). Dự kiến trung tuần tháng 9 nổ súng, nên công tác chuẩn bị rất gấp, trong khi đó, địa bàn chiến dịch ở rừng núi, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế, đường sá cơ động rất khó khăn...
Để khắc phục khó khăn trên, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định tổ chức Cơ quan Cung cấp Chiến dịch và cử đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm TCCC trực tiếp phụ trách công tác hậu cần, có nhiệm vụ chỉ đạo việc huy động nhân tài, vật lực ở Liên khu Việt Bắc, nhất là Cao Bằng, Lạng Sơn phục vụ chiến dịch; quan hệ với Trung Quốc về yêu cầu và tổ chức tiếp nhận viện trợ. Sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí Trần Đăng Ninh đã gấp rút tổ chức sắp xếp công việc của cơ quan Tổng cục ở hậu phương, điện triệu tập hội nghị Ban Chỉ huy Cung cấp Chiến dịch và lên Cao Bằng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác chuẩn bị, bảo đảm cho Chiến dịch... Một số quân y viện, trạm sửa chữa vũ khí, nhiều cán bộ nhân viên kỹ thuật được TCCC điều đi tham gia Chiến dịch. Công việc của Tổng cục ở hậu phương do đồng chí Tạ Quang Bửu- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Trần Hữu Dực, Phó Chủ nhiệm TCCC điều hành.
Cuối tháng 8/1950, các đơn vị tham gia Chiến dịch đã đến vị trí tập kết. Các bệnh viện, trạm sửa chữa, các kho hậu cần- kỹ thuật, 1.745 dân công… đã triển khai sẵn sàng bảo đảm cho phương án đánh Cao Bằng, rồi tiến đánh Đông Khê, Thất Khê. Sau khi nghiên cứu tình hình, để đảm bảo chắc thắng, ngày 21/8/1950, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung tiêu diệt địch ở Đông Khê trước. Hậu cần chiến dịch gấp rút điều chỉnh thế bố trí, di chuyển kho trạm sang hướng Đông Khê, và làm 30 km đường (Quảng Uyên- Phục Hoà-Thuỷ Khẩu), vận chuyển gấp gạo từ Bình Ca lên khu vực Thất Khê. Do gần đến ngày nổ súng nên mọi công việc phải làm gấp và chủ yếu vào ban đêm. Từ tổng kho vào đến các kho trung tuyến cấp phát cho bộ đội đều phải vận chuyển bằng sức người trên đường mòn nhỏ hẹp, nhiều dốc, mưa trơn. Để tránh ùn tắc, hậu cần Chiến dịch tổ chức 2 binh trạm ở 2 đầu mối giao thông quan trọng là Canh Man và Thuỷ Khẩu. Mỗi binh trạm phụ trách một số đơn vị và tuyến vận tải, kho gạo, vũ khí vừa tiếp nhận hàng vừa điều hoà dân công đi các hướng. Trường hợp các đại đoàn không bảo đảm được, binh trạm chuyển thẳng cho các trung đoàn... Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, hậu cần Chiến dịch đã cung cấp đủ vật chất cho các đơn vị ở vị trí tập kết mới.
Ngày 16/9/1950, Chiến dịch mở màn bằng trận tiến công cứ điểm Đông Khê. Sau đó, ta chuyển sang vận động tiến công và truy kích tiêu diệt 2 binh đoàn Sác-tông và Lơ-pa-giơ. Trong 8 ngày đêm liên tục tiến công, cán bộ, chiến sỹ hậu cần luôn cố gắng bám sát bộ đội bảo đảm và cứu chữa, vận chuyển thương binh về phía sau, tiếp tế cơm nước cho bộ đội... Tuy nhiên, việc tiếp tế gạo, cơm nước cho các mũi cơ động tiến công rất khó khăn, dù đã sử dụng cả chiến lợi phẩm, nhưng có đơn vị vẫn bị đứt bữa. Đầu tháng 10/1950, ta tiếp tục phát triển tiến công truy kích địch trên đường số 4, giải phóng Thất Khê, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu... hậu cần Chiến dịch dựa vào các cơ sở hậu cần bố trí trước, hậu cần nhân dân tại chỗ để bảo đảm cho tác chiến.
Ngày 14/10/1950, Chiến dịch kết thúc thắng lợi giòn giã. Ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch, trong đó diệt gọn 8 tiểu đoàn (diệt và bắt 8.000 tên); thu 3.000 tấn chiến lợi phẩm (có 600 tấn vũ khí đạn, hơn 1.000 tấn lương thực và hơn 1.000 tấn quân trang, quân dụng)... giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới dài 750km từ Cao Bằng đến Đình Lập gồm 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân; bức địch rút khỏi 2 tỉnh Lào Cai và Hoà Bình. Đường giao thông nối với các nước XHCN được khai thông, thế bao vây cô lập của địch bị phá tan. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố, mở rộng, nối liền với Khu 3, 4(4). Sau chiến thắng chiến dịch Biên giới, ta chuyển sang phản công và tiến công chiến lược, buộc thực dân Pháp phải chuyển sang phòng ngự bị động.
Trong Chiến dịch, hậu cần đã bảo đảm 1.700 tấn gạo, 113 tấn ngô, 33 tấn muối, 530 con trâu bò; 200 tấn vũ khí đạn; cứu chữa 1.560 thương binh... Nhân dân Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn đã huy động: hàng trăm tấn gạo, 73 tấn ngô, 120.000 lượt người đi dân công (với 1,6 triệu ngày công)... Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng... đi tiếp tế vận tải đông đảo như vậy... Được như vậy, một phần do đồng chí Ninh và cán bộ Liên khu đã làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, một phần thì do đồng bào nồng nàn yêu nước, hăng hái hy sinh”. Nhân dân Cao Bằng, Bắc Cạn và Lạng Sơn đã “làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến”(5).
Mặc dù TCCC vừa mới được thành lập, hệ thống tổ chức chưa được kiện toàn, chưa có kinh nghiệm bảo đảm cho chiến dịch lớn, diễn ra dài ngày, trên địa bàn rừng núi, đường sá rất khó khăn, nguồn lực tại chỗ rất hạn chế. Song, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân uỷ và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ đạo ngành hậu cần nói chung, TCCC nói riêng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc huy động nhân tài, vật lực từ xa đưa đến kết hợp với huy động tại chỗ; giải quyết đúng đắn quan hệ giữa hậu phương với mặt trận; hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân; tổ chức bộ máy hậu cần hợp lý... đã bảo đảm được nhu cầu cho Chiến dịch thắng lợi. Những kinh nghiệm đó đã được kế thừa, phát huy trong những chiến dịch tiếp theo và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sau này.
-----------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng- theo Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1. Nxb QĐND, 1995, tr 132.
2, 3, Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1. Nxb QĐND, 1995, các tr: 133, 135, 136.
4. Từ điển Bách khoa quân sự. Nxb QĐND 2005 tr 160.
5. Lịch sử hậu cần, tập 1... sđd tr 143.
Đại tá, Ths TRẦN ĐÌNH QUANG (Bộ Tham mưu-TCHC)
Đại úy, CN TRỊNH VĂN THÀNH (Học viện Hậu cần)