Sau một thời gian tích cực chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt, đến giữa năm 1426, Lê Lợi và Nguyễn Trãi quyết định mở cuộc tiến công tiêu diệt quân Minh. Tháng 9-1426, Lê Lợi phái ba đạo quân từ Thanh Hoá, Nghệ An ra giải phóng các vùng xung quanh Đông Quan (Hà Nội). Trước tình thế đó, quân Minh tìm cách hòa hoãn, cho người về nước cầu cứu viện binh sang đối phó với nghĩa quân Lam Sơn. Tháng 10-1426, trên 10.000 quân viện binh do Vương An Lão chỉ huy theo đường Vân Nam tiến vào nước ta, bị quân ta chặn đánh ở cầu Xa Lộc, tiêu diệt hơn 2.000 tên, số còn lại chạy vào thành Tam Giang (Việt Trì, Phú Thọ) cố thủ. Ngày 31-10-1426, trên 50.000 quân viện binh cùng 5.000 ngựa chiến do Vương Thông chỉ huy tràn qua Lạng Sơn tiến về Đông Quan. Quân Minh ở thành Đông Quan lên tới hơn 100.000 tên (gồm quân của Trần Trí ở đây từ trước, quân của Phương Chính và Lý An từ Nghệ An chạy ra, quân của Vương Thông mới sang); Vương Thông được cử làm Tổng binh thay Trần Trí. Nhằm xoay chuyển tình thế, Vương Thông mở cuộc phản công lớn xuống phía Tây Nam Đông Quan, nhưng bị nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt hơn 50.000 quân, bắt sống hơn 10.000 tên (trong trận Tốt Động – Chúc Động); Vương Thông bị thương, Thượng thư Trần Hiệp, nội quân Lý Lượng bị chết tại trận. Vì vậy, quân Minh buộc phải chuyển sang phòng ngự và bị vây hãm chặt tại thành Tây Đô (Thanh Hóa), Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định), Chí Linh (Hải Dương)...

leftcenterrightdel
Tượng đài chiến thắng Chi Lăng tại Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn. Ảnh: CTV.

Ngày 31-1-1427, nhà Minh đưa thêm 150.000 quân và hơn 30.000 ngựa chiến, chia làm hai đạo quân, tiếp viện cho Vương Thông. Đạo thứ nhất, do Liễu Thăng chỉ huy theo đường từ Quảng Tây tiến vào; đạo thứ hai do Mộc Thạnh chỉ huy, từ Vân Nam tràn xuống, đều hướng về Đông Quan. Lúc này, Nghĩa quân Lam Sơn cùng lúc phải đối phó với quân địch ở Đông Quan và viện binh địch ở hai hướng tràn vào. Cân nhắc kỹ mọi yếu tố, Lê Lợi và Nguyễn Trãi chủ trương “Vây thành, diệt viện”; tập trung lực lượng tiêu diệt đạo quân chủ yếu do Liễu Thăng chỉ huy trước; kiềm chế đạo quân của Mộc Thạnh. Ngày 08-10-1927, đạo quân do Liễu Thăng cầm đầu tiến vào nước ta. Nghĩa quân Lam Sơn đã tổ chức đánh và thắng lớn ở Chi Lăng, Cần Trạm và Phố Cát; Tổng chỉ huy Liễu Thăng và Phó tổng chỉ huy Lương Minh đều bị giết tại trận. Bị thất bại nặng, các tướng nhà Minh là Đô đốc Thôi Tụ và Hoàng Phúc thu thập tàn quân cố tiến về thành Xương Giang với hy vọng liên lạc được với quân ở Đông Quan và cánh quân của Mộc Thạnh. Khi địch tiến gần đến thành Xương Giang mới biết rằng thành này đã bị quân ta hạ. Lúc này, địch buộc phải hạ trại, đắp lũy tự vệ trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ bốn phía. Ngày 03-11-1427, nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu tổng công kích. Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 300 võ tướng cùng 30.000 quân giặc bị bắt, hơn 50.000 tên bị giết tại trận. Nghĩa quân Lam Sơn thu được rất nhiều ngựa và các loại vũ khí, lương thảo, vàng, bạc, vải lụa...

Trong 27 ngày đêm (8-10/03-11-1427), quân dân ta đã tiêu diệt 100.000 viện binh của Liễu Thăng, 50.000 viện binh của Mộc Thạnh. Sau trận Chi Lăng - Xương Giang, tướng Minh là Vương Thông ở Đông Quan xin đầu hàng, trao trả các thành trì cho nghĩa quân Lam Sơn, cầu xin được rút quân về nước an toàn. Ngày 03-01-1428, những tên lính cuối cùng của nhà Minh rút khỏi biên giới nước ta.

Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang không chỉ chứng tỏ nghệ thuật quân sự điêu luyện và tài thao lược kiệt xuất của Nguyễn Trãi và Lê Lợi mà còn là tài tổ chức bảo đảm hậu cần kịp thời, tạo điều kiện cho trận quyết chiến chiến lược giành thắng lợi lớn. Về công tác bảo đảm hậu cần cho trận đánh, có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, xây dựng căn cứ, hậu phương vững mạnh tạo khả năng bảo đảm lớn cho tác chiến.

Về mặt tổ chức chính quyền, tháng 12-1426 nghĩa quân Lam Sơn chia miền Bắc ra làm 4 đạo, dưới đạo có các trấn và lộ. Bước đầu, tại các khu vực giải phóng đã hình thành bộ máy chính quyền độc lập, đảm đương nhiệm vụ tổ chức hậu phương và tiến hành cuộc kháng chiến. Tháng 4-1427, Lê Lợi ra lệnh đưa tất cả những người dân phiêu tán, tha phương cầu thực từ các nơi trở về làng cũ làm ăn. Những kẻ trộm cắp, lưu manh không chịu lao động đều bị truy bắt và trị tội. Vùng nào dự kiến bị địch càn quét hoặc tấn công, thực hiện “vườn không, nhà trống”, không để quân Minh vơ vét sức người, sức của; đồng thời bảo vệ kho tàng trong hậu phương của ta. Tù binh nhà Minh bị bắt được ân xá, cho làm những công việc sản xuất... Từ cuối năm 1426, Lê Lợi hạ lệnh tịch thu sản nghiệp của bọn quan cai trị và bọn tay sai, thóc lúa được tích trữ để phục vụ nghĩa quân.

Với các biện pháp kiên quyết và kịp thời đó, nghĩa quân Lam Sơn đã xây dựng và củng cố hậu phương vững mạnh làm cơ sở cho việc huy động vật chất, tổ chức hậu cần phục vụ tốt các cuộc vây hãm quân Minh cố thủ trong các thành trì; đặc biệt là diệt thành Xương Giang, Tam Giang và chặn đánh viện binh của địch. Cùng với đó, nghĩa quân được nhân dân cưu mang, nuôi dưỡng, cùng chiến đấu giải phóng quê hương, đi đến đâu cũng “gạo nước đón rước, người theo đầy đường”, đó là nguồn sức mạnh to lớn để quân ta giành chiến thắng.

Hai là, luôn chú trọng “lấy của địch, đánh địch”, tăng cường nguồn lực tại chỗ.

Ngày 18-8-1427, ta mở đợt tổng công kích và đánh chiếm được thành Xương Giang. Sau đó, thành Xương Giang được nghĩa quân biến thành căn cứ quân sự và hậu cần quan trọng để tiếp tục vây hãm thành Đông Quan, giải phóng một vùng ở phía bắc sông Hồng. Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tính toán việc duy trì lực lượng dự bị cần thiết tiếp ứng cho các mặt trận. Về bảo đảm hậu cần, tiếp tế binh lương, chiến khí cho nghĩa quân, Lê Lợi giao cho tướng Nguyễn Công Chuẩn phụ trách. Từ nguồn chiến lợi phẩm thu được của địch, một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí được đưa đến tích trữ trong thành Xương Giang, sẵn sàng bảo đảm cho nghĩa quân triển khai đánh địch từ cửa ải Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát. Sau trận Chi Lăng, cùng với việc tiêu diệt 10.000 tên giặc, ta còn thu và tiêu hủy khá nhiều vũ khí của chúng. Trận Cần Trạm, ta thu được nhiều lừa, ngựa, trâu, quân trang, khí giới. Trận Xương Giang lần thứ hai, quân ta thu được “chiến khí, vàng bạc, lụa là, gấm vóc từng đống, từng hòm, chất như núi, không thể kể xiết…”. Số lượng vật chất, trang bị thu được của địch ngày càng nhiều là yếu tố quan trọng giúp cho nghĩa quân càng đánh, càng mạnh. Nguyễn Trãi đã khái quát: “Trước kia ăn không nề hai bữa, mà nay thì với lương thực của các ngươi (tức quân Minh) tích trữ ăn được ba chục năm… Trước thì khí giới không trơn, mà nay thì thuyền chiến ngất mây, áo giáp rực sáng, tên đạn chất đống, thuốc súng đầy kho”.

Ba là, xây dựng và huy động nguồn lực hậu cần tại chỗ đáp ứng kịp thời yêu cầu tác chiến.

Đầu tháng 02-1427, các lộ, trấn ở vùng giải phóng được lệnh tích trữ lương thực để bảo đảm cho nghĩa quân bao vây thành Xương Giang và Tam Giang. Khi nghĩa quân đến, nhân dân “... đem trâu, dê, rượu, lương thực đến khao quân sỹ và cùng hưởng ứng vây bức các thành”. Nhân dân đóng thuyền, mở nhiều lò rèn sản xuất chiến cụ, cung cấp cho nghĩa quân. Để chuẩn bị tấn công các thành luỹ, ngoài các vũ khí thường dùng, Lê Lợi còn cho chế tạo nhiều kiểu xe đánh thành và súng Cổn Dương để chiến đấu.

Suốt 9 tháng liên tục vây hãm thành Xương Giang, nghĩa quân đã tiến công trên 30 trận, dồn quân Minh vào thế khốn quẫn. Quá trình đó, nhân dân địa phương đã tích cực tham gia cùng nghĩa quân đào hào xuyên thành, đắp công sự, sửa chữa vũ khí, làm thang, chuẩn bị phương tiện phục vụ đánh thành và cung cấp lương thực, thực phẩm, cứu chữa người bị thương... Các cơ sở, vật chất hậu cần trong thành Xương Giang thu được của địch trở thành nguồn tại chỗ bảo đảm cho nghĩa quân chặn đánh đạo quân của Liễu Thăng tại ải Chi Lăng.

Với phương châm chiến lược “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh” nhưng trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã cố gắng tập trung lực lượng bảo đảm đánh mạnh, đánh nhanh, thắng to và triệt để với những trận đánh vang dội ở Chi Lăng, Cần Trạm, Phố Cát, Bình Than, Xương Giang. Đó là lối đánh “Sạch sanh kình ngạc”, “Tan tác chim muông” đẩy địch vào thế thua “đê vỡ phá tung” và “lá khô trút sạch”.

Có thể nói, cách thức tổ chức, bố trí và huy động hậu cần cho trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang là đỉnh cao nghệ thuật quân sự - hậu cần Việt Nam đầu thế kỉ XV và là nhân tố quan trọng góp phần xóa bỏ ách đô hộ tàn bạo kéo dài 20 năm của nhà Minh, mở ra những trang mới trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đại tá, ThS TRẦN ĐÌNH QUANG