Các địa phương như Củ Chi, Đức Hòa (Long An), Châu Thành (Tây Ninh)... phong trào diệt Mỹ phát triển mạnh. Qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, quân và dân ta đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ-ngụy, đẩy chúng vào thế bị động. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, Mỹ tiếp tục tăng quân, đưa quân Mỹ ở miền Nam đến cuối năm 1967 lên tới 535.000 tên, đồng thời ra sức củng cố quân ngụy, ráo riết chuẩn bị cuộc phản công chiến lược lần thứ ba vào mùa khô 1967-1968.
    |
 |
Lực lượng biệt động đặc công nhận nhiệm vụ và tuyên thệ trước giờ xuất kích Tổng tiến công Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu. |
Trước tình hình ngày càng có lợi cho ta, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn miền Nam vào Đông Xuân 1968, trong đó Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn là trọng điểm. Bộ Tư lệnh Miền giao cho Quân khu Sài Gòn - Gia Định xây dựng một lực lượng biệt động mạnh và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để có thể cùng một lúc bất ngờ công kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch; khi có thời cơ, tổ chức tiến công đồng loạt vào các mục tiêu ở cả nội và ngoại thành. Đoàn biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định được thành lập, lấy phiên hiệu F100 để thực hiện nhiệm vụ này.
Tổ chức của F100 gồm cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, 11 đội chiến đấu, 2 đội bảo đảm hậu cần do đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Ba Tam) làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Minh Dũng làm Chính ủy. Các đội chiến đấu đứng chân thành hình vòng cung từ đông bắc tới tây bắc Sài Gòn: Đội 1 ở An Phú Đông; Đội 2 ở Vườn Thơm, Tam Tân, huyện Bình Tân; Đội 3 chuyên đánh tàu thủy đứng chân dọc theo hai bờ sông Sài Gòn; Đội 4 đến Đội 11 đứng chân ở các huyện Bến Cát, Củ Chi, Trảng Bàng (Tây Ninh) và Đức Hòa (Long An). Quân số mỗi đội ở ngoại ô có 30 đồng chí, riêng các đội ở nội thành quân số 17 đồng chí. Do yêu cầu tuyệt đối bí mật nên người chỉ huy từng cấp chỉ triển khai phần việc bảo đảm được phân công. Hậu cần Đặc khu Sài Gòn- Gia Định và F100 được giao chuyên lo đặt sản xuất các loại vũ khí cho biệt động nội thành như: Mìn hẹn giờ, thuốc nổ, lựu đạn, thủ pháo... Các loại súng, đạn, kíp nổ được sản xuất bảo đảm chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu chiến đấu, tránh hư hỏng trong quá trình cất giữ lâu ngày. F100 có hai đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm là Đội 20 và 30. Đội 20 ở trong nội đô, do đồng chí Ngô Văn Vân (Ba Đen) làm Đội trưởng, các đồng chí Võ Tâm Thành và Lê Viết Đỉnh thay nhau làm Chính trị viên. Đội xây dựng được nhiều cơ sở là các đồng chí đã qua thử thách trong kháng chiến chống Pháp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có bình phong hoạt động thích hợp, đảm nhiệm việc xây dựng các hầm bí mật để ém quân và giấu vũ khí, đạn - yếu tố quan trọng nhất bảo đảm cho biệt động hoạt động liên tục nhiều năm và trong Tết Mậu Thân 1968. Đó là cơ sở của các đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau Muống) và vợ là Nguyễn Thị Hảo; đồng chí Trần Minh Lợi (Tô Minh Liêm) và vợ là Nguyễn Thị Hai; đồng chí Đỗ Thị Lý (Bà Hai), đồng chí Đỗ Văn Lai, Đỗ Văn Căn (Ba Mủ), Trần Văn Miêng (Ba Bong Bóng), Nguyễn Phú Cường (Năm Mộc)... Các cơ sở được xây dựng cách mục tiêu không quá 1km, phòng khi địch giới nghiêm vẫn có thể chạy bộ để đánh địch. Trong nhà từng cơ sở đều có hầm ngầm, diện tích tối thiểu 3,5 m2 để cất giấu vũ khí và ém được 1-2 tổ chiến đấu, số còn lại ém trên trần nhà hoặc trong vách tường đôi; luôn có phương tiện (1 hoặc 2 xe tải nhẹ, xe du lịch, vài xe máy) để cơ động khi chiến đấu. Đội 30 do đồng chí Ba Phong làm Đội trưởng, đồng chí Lê Long Sang (Hai Sang) làm Chính trị viên, có nhiệm vụ chuyên lo chỉ đạo ngụy trang, vận chuyển súng đạn, chất nổ vào nội thành không để địch phát hiện. Các loại súng được ngụy trang trong các khúc gỗ cao su chở bằng xe bò (như xe đi bán củi) hoặc giấu trong các bộ bàn ghế sa-lông, tủ đựng quần áo, tủ thờ, giường nằm... để vận chuyển vào nội thành Sài Gòn.
Từ cuối năm 1965, ta đã xây dựng trong nội đô 10 hầm bí mật chứa hơn 100 khẩu súng, 1 tấn lựu đạn, 2 tấn thuốc nổ (do Đội 30 chuyển vào cho Đội 20) và 2 cơ sở có hầm cho vị trí chỉ huy dự bị, sẵn sàng bảo đảm cho F100 tiến công 25 mục tiêu theo “Kế hoạch X” nhưng do quân Mỹ kéo vào miền Nam, tình hình thay đổi, Kế hoạch không được thực hiện nhưng các cơ sở này tiếp tục duy trì, bảo quản đáp ứng kịp thời cho Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Miền tổ chức 6 phân khu (mỗi phân khu có tổ chức lãnh đạo chỉ huy và bảo đảm) hình thành 5 hướng tiến công vào Sài Gòn - Gia Định phối hợp với lực lượng biệt động, đặc công đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu như: Đại sứ quán Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát ngụy, Dinh Độc Lập... Việc bảo đảm cho các đội biệt động chiến đấu chủ yếu dựa vào các cơ sở được chuẩn bị từ trước cả về phương tiện cơ động và vũ khí đạn. Điển hình là các cơ sở ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Văn Duyệt, Trần Quí Cáp, Phan Văn Trị, Trần Quốc Toản...
Trong kháng chiến chống Mỹ và Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đông đảo quần chúng nhân dân bao gồm nhiều giới, nhiều tầng lớp đã tham gia tích cực vào cuộc chuẩn bị cho chiến dịch. Nhân dân Sài Gòn - Gia Định hết lòng ủng hộ cách mạng và biệt động Sài Gòn. Nhiều gia đình là cơ sở tin cậy của cách mạng như gia đình ông bà Chín sử dụng ghe 2 đáy để chở vũ khí cho biệt động; gia đình ông Tư Sao (Huỳnh Văn Sáu) ở Củ Chi, chuyên lo chở thuốc nổ TNT vào nội đô cho biệt động. Đặc biệt, nhà tư sản Bùi Duy Cận, chủ hãng sơn Bạch Tuyết ở Sài Gòn, hằng tháng ủng hộ Biệt động Sài Gòn 150.000 đồng (tương đương 40 cây vàng 9999). Riêng Tổng tiến công Tết Mậu Thân, ông đã ủng hộ biệt động ở nội đô 8 triệu đồng (tương đương 2.200 cây vàng 9999). Nhân dân huyện Củ Chi đã chu cấp 50% nhu cầu ăn mặc của bộ đội huyện; trong đợt Tết Mậu Thân đã cứu chữa, cất giấu, nuôi dưỡng 370 thương binh; nhân dân Chợ Lớn che chở đùm bọc hàng chục thương binh tại nhà hoặc cải trang đưa thương bệnh binh vào các bệnh viện điều trị đến khỏi, tìm cách đưa về căn cứ...
Với trí thông minh, mưu lược, bằng tinh thần dũng cảm, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc Tổng tiến công Sài Gòn - Gia Định, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Công tác bảo đảm nói chung, các “lõm hậu cần” trong nội đô nói riêng cùng sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ to lớn của quần chúng, hiệu quả của các cơ sở cách mạng đã đáp ứng kịp thời, đầy đủ cho lực lượng biệt động hoạt động tác chiến thắng lợi.
Đại úy, ThS LÊ NGỌC ANH (Học viện Hậu cần)