Đặc điểm

Nấm sò, tên khoa học là Pleurotus ssp, có 39 loài, khác nhau về màu sắc, hình dạng như: nấm sò xám, nấm sò trắng, nấm sò nâu… Nấm sò có hình dạng phễu lệch, mọc thành cụm, mỗi cánh nấm gồm 3 phần: mũ, phiến, cuống. Nấm sò chứa nhiều chất dinh dưỡng như: protein, chất béo, chất khoáng và vitamin... Hàm lượng protein ở dạng dễ tiêu hóa chiếm từ 70-90%; hàm lượng carbon hyđrat có trong nấm sò cao hơn trong thịt bò, khoai tây và các loại rau khác. Nấm sò chứa ít chất béo, chứa nhiều chất khoáng như: kali, phốt pho, mangan, sắt và canxi. Hàm lượng vitamin Bcomplex 5,82mg/100g nấm tươi, vitamin A 0,8mg/100g nấm tươi.

leftcenterrightdel
Nấm sò  

Về điều kiện nhiệt độ

Nhiệt độ thích hợp nhất cho sự sinh trưởng của nhóm nấm chịu lạnh từ 13-200C, nhóm nấm chịu nhiệt từ 24-280C. Độ ẩm giá thể trồng: 65-70%, độ ẩm không khí ≥ 80%, pH = 7. Giai đoạn chăm sóc sợi nấm không cần ánh sáng, khi nấm hình thành quả thể chỉ cần ánh sáng trong phòng. Ở giai đoạn sợi nấm mới phát triển cần thông gió tốt, khi nấm phát triển mạnh độ thông thoáng không cần nhiều.

Nguyên liệu trồng

Nguyên liệu làm giá thể gồm các loại chất giàu xenlulo, thường là: rơm, rạ, bông phế thải, mùn cưa, thân cây gỗ nghiền nhỏ… kết hợp với các loại phân hữu cơ, vô cơ. Rơm, rạ và bông phải được phơi khô, không bị mốc. Mùn cưa lấy từ các loại gỗ mềm, không có tinh dầu, phơi khô. Thân cây gỗ là loại gỗ mềm, độ tuổi từ ٣-٥ năm, cành lá còn xanh tốt, đường kính thân gỗ từ 5-20cm.

Nhà trồng nấm

Nhà trồng nấm có cửa để điều chỉnh độ thông thoáng khi cần thiết, sạch sẽ, càng mát càng tốt, độ ẩm cao nhưng không để đọng nước trên nền nhà. Nên chọn địa điểm trồng nấm cách xa các nguồn lây bệnh như cống rãnh, bãi rác thải, khu chăn nuôi… xa nơi phát sinh nhiều bụi như nhà máy xay xát, chế biến nông sản, đồ gỗ… Thường trồng nấm kiểu nhà chữ A, lán trại, nhà cấp 4 hoặc nhà vòm. Ngoài ra cần chuẩn bị các giá đặt bịch nấm, bể ngâm rơm rạ, kệ lót đống ủ…

Kỹ thuật trồng

Xử lý nguyên liệu: Rơm, rạ khô được làm ướt bằng nước sạch, sau đó xử lý qua nước vôi (tỷ lệ 20-30kg vôi/tấn nguyên liệu) bằng cách: Đổ nước vôi trong vào bể, ngâm rơm, rạ 15-30 phút đến khi rơm rạ ngấm đủ nước có màu nâu sẫm, vớt ra ủ đống. Cứ mỗi lớp rơm rạ dày từ 20-30 cm tưới một lớp nước vôi. Nguyên liệu chất đống khối lượng >300kg, bảo đảm nhiệt độ trong đống ủ từ 60-70°C, thời gian từ 6 -7 ngày hoặc khử trùng bằng hơi nước ở nhiệt độ 100-125°C, thời gian 90-180 phút.

Phương pháp ủ đống: Với rơm, rạ khô được làm ướt, ủ từ 2-3 ngày, sau đó đảo đống và ủ tiếp 3-4 ngày. Bên ngoài đống ủ dùng tấm nylon hoặc bạt nhựa quây xung quanh để bảo đảm nhiệt độ (trên đỉnh đống ủ không che kín). Với nguyên liệu là bông được ngâm trong nước vôi (hòa 4 kg vôi với 1.000 lít nước), sau đó chất thành đống trên kệ. Kích thước đống ủ, rộng: 1,2-1,5m, cao: 1,5-1,8m, dài hơn 1,5m; quây nilon xung quanh, để hở đỉnh. Sau 3-4 ngày, xé tơi bông và ủ lại 3-4 ngày, đảo đều trước khi cấy giống.

Phương pháp hấp khử trùng: Rơm, rạ chặt ngắn 10-15cm ngâm trong nước vôi 15-20 phút để ráo nước rồi ủ 2-3 ngày. Bông thải loại làm ướt như phương pháp trên, ủ 3-4 ngày, xé tơi đảo đều, nếu quá ẩm phải phơi lại. Đối với mùn cưa, tạo độ ẩm rồi ủ 4-6 ngày. Nếu đạt yêu cầu, trộn thêm 5-10% cám gạo hoặc cám ngô. Sau đó đóng nguyên liệu vào túi nilon chịu nhiệt kích thước 25-35cm, khối lượng 1,5-2 kg/túi, cổ túi nút ống nhựa và bông không thấm nước. Đưa vào hấp khử trùng trong nồi áp suất (1,3-1,4 atmotphe, nhiệt độ 121-1250C, thời gian 180-240 phút).

Cấy giống: Nguyên liệu sau khi ủ, tiến hành băm nguyên liệu thành đoạn dài từ 5-7cm sau đó nhồi vào túi nilon kích thước 30 x 40cm (mùa hè) hoặc 35 x 50cm (mùa đông). Riêng nguyên liệu là bông thì dùng túi kích thước 25 x 35cm. Cho nguyên liệu vào túi thành lớp cao 5-7cm, dùng tay nén chặt tạo khối tròn đều phẳng, rắc một lớp giống xung quanh lớp rơm rạ sát thành túi (tránh rơi vào trong làm giống chết và sinh bệnh), cứ làm như vậy đủ 3 lớp, lớp trên cùng rắc giống nấm đều bề mặt. Sau đó dùng cục bông đặt trên miệng túi, lấy dây cao su buộc nút bông.

Ươm giống: Bịch nấm cấy xong chuyển vào nơi ươm, đặt trên giá hoặc dưới đất, khoảng cách giữa các bịch nấm từ 5 - 7cm, thời gian ươm từ 20-25 ngày. Nếu bịch nấm tốt, sau 2 ngày từ hạt nấm có sợi trắng ăn dần vào nguyên liệu, tạo màu trắng đồng nhất, rơm chuyển sang màu vàng, bịch chắc. Nếu bịch nấm không phát triển tốt, sợi sẽ co lại hoặc tạo vùng xanh, đen do nấm mốc, cần loại bỏ.

Rạch bịch: Sau 20-25 ngày từ khi cấy giống, nếu bịch phát triển tốt, quan sát thấy sợi nấm ăn cách đáy 1cm có thể rạch bịch. Dùng dao nhọn, sắc, rạch 4-6 đường xung quanh, khoảng cách các đường rạch đều nhau, chiều dài vết rạch 3-4 cm theo chiều dọc bịch nấm. Sau đó bỏ bông nút và nén bịch, dùng dây nilon buộc miệng túi.

Chăm sóc và thu hái nấm

Chăm sóc: Tiến hành treo bịch nấm bằng dây nilon tạo thành cây trong nhà trồng nấm. Các bịch nấm cách nhau 10-15 cm để khi nấm phát triển không chạm vào nhau và dễ thu hái. Khoảng từ 2-3 hàng nấm tạo lối đi rộng 40 cm để tiện chăm sóc. Sau khi rạch bịch được 4-6 ngày, nấm bắt đầu mọc, tưới nước dạng sương mù bên ngoài túi, đảm bảo bề mặt mũ nấm có lớp nước đọng, tưới nước từ 4-6 lần/ngày tùy theo lượng nấm ra nhiều hay ít, độ lớn của nấm và độ ẩm không khí cao hay thấp. Nếu thiếu nước, nấm sẽ chậm phát triển, nhẹ cân, ăn dai; nếu thừa nước, nấm bị vàng, thối rữa. Khi thu hái hết một đợt ngưng tưới nước vào bịch (xung quanh vẫn giữ ẩm), khoảng 4-6 ngày nấm ra tiếp các đợt thì tiến hành chăm sóc bình thường.

Thu hái nấm: Nấm sò mọc thành cụm, nên khi nấm lớn cần thu hái cả cụm. Hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao; quan sát mũ nấm phía ngoài đã căng nhưng giữa mũ và nấm còn hơi lõm, gốc ngắn mập, màu trắng là đúng tuổi, hái nấm 1-2 lần/ngày vào sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu thấy mũ nấm đã căng hết, mép mũ nấm có răng cưa, thấy làn khói trắng bay ra là nấm đã già, chất lượng kém. Khi hái nấm, không được để sót lại phần gốc trên bịch. Thời gian thu hái kéo dài từ 40-50 ngày, kể từ ngày hái đầu tiên. Sau một thời gian thu hái, túi nấm xẹp, cần nén lại và chăm sóc tương tự, năng suất đạt 600-700kg/tấn nguyên liệu.

Phòng trừ sâu bệnh hại nấm

Trong quá trình trồng nấm sò thường bị một số bệnh phá hoại làm giảm năng suất. Nguyên nhân do nguyên liệu khử trùng và ủ chưa đúng, môi trường trồng cấy giống có thể bị ô nhiễm. Do vậy, để nấm sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh cần khử trùng và ủ nguyên liệu theo đúng quy trình, kỹ thuật. Dọn sạch các túi nấm đã thu hái hết, cọ rửa giá đặt bịch, nền nhà bằng nước khử trùng. Thường xuyên khử trùng để tiêu diệt hết các loại côn trùng, bệnh hại. Ngoài ra, cần có biện pháp phòng, chống chuột, nấm mốc và các loại côn trùng phá hoại.

Trung tá, ThS CHU HOÀNG NGA (Học viện Hậu cần)