Đặc điểm: Thời gian sinh trưởng dài, quả tròn, đồng đều, quả chín màu đỏ tươi, thịt chắc, nhiều bột, trọng lượng lượng từ 100-120 gam/quả, năng suất cao, trung bình từ 60-70 tấn/ha, mang gen kháng bệnh sương mai, vi-rút, héo xanh vi khuẩn.

Thời vụ gieo trồng:

Có thể trồng 4 vụ chính: Vụ sớm, trồng đầu tháng 9; vụ chính, trồng cuối tháng 9 đến cuối tháng 10; vụ muộn, trồng vào tháng 12; vụ xuân hè, trồng giữa tháng 2 đến tháng 3.

Làm đất, bón phân lót:

Làm đất: Đất trồng phải là đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ. Đất phải tơi xốp, giàu mùn, thoáng khí, tiêu thoát nước nhanh khi có mưa úng. Đất cần được làm nhỏ lên luống, được xử lý bằng vôi bột. Vào vụ sớm cần lên luống cao phẳng hình mui để tránh ngập úng. Luống rộng 1- 2m; cao 0,2 - 0,3m (vụ sớm và vụ Xuân Hè có thể làm luống rộng 0,9 m, cao 30-40 cm, trồng đơn hàng). Khi lên luống, đất không cần làm nhỏ để tranh thủ thời vụ.

Bón phân lót: Nên bón phân lót vào trước lượt bừa cuối để phân trộn đều vào đất. Lượng phân bón lót cho 100m2 như sau: 150 – 200 kg phân chuồng; 0,5 kg phân đạm Urê; 4 - 5 kg Supe lân; 0,5 - 1kg Sunphát Kali. Các loại phân trộn lẫn với nhau và bón vào từng hốc. Đất trong hốc phải đủ nhỏ để cây con nhanh bén rễ.

leftcenterrightdel
Cà chua Sao Đỏ 719. 

Kỹ thuật trồng:

Tiêu chuẩn cây con: Đối với cây gieo từ hạt, tuổi cây giống từ 25 - 30 ngày, cây có 6 -7 lá thật, cao 17 - 22 cm. Cây cứng khỏe, bộ rễ trắng, lá xanh, không sâu bệnh. Đối với cây ghép, thời gian từ gieo hạt đến khi xuất vườn cây cà chua ghép trên gốc cà tím từ 45 - 50 ngày, cây xanh tươi, cao 17 - 22 cm, có từ 6 - 7 lá thật, vết ghép đã liền hoàn toàn, không sâu bệnh.

Phủ màng phủ: Sau khi bón lót tiến hành phủ màng phủ, nếu đất khô cần tưới nước trên mặt luống trước khi phủ. Nếu đất quá ướt để đất ráo rồi mới phủ.

Cách trồng: Bới đáy bầu gốc cây, đặt cây thẳng đứng rồi lấp đất và ấn nhẹ quanh gốc. Trồng hàng đơn giữa luống, khoảng cách cây: 40 - 50 cm, mật độ: 220 - 250 cây/100m2; trồng hàng đôi: khoảng cách hàng: 70-80 cm, khoảng cách cây: 40-50cm, mật độ 300-350 cây/100m2.

Chăm sóc:

Tưới nước: Sau khi trồng, tưới mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng, buổi chiều mát trong thời gian 5 - 7 ngày, sau đó chỉ cần tưới để giữ ẩm đất. Nên tưới đủ nước vào rãnh hai thời kỳ là lúc ra quả rộ và lúc quả phát triển mạnh.

Trong suốt thời gian sinh trưởng phát dục, cần bón thúc từ 4 - 5 lần vào các thời kỳ quan trọng khi cây bén rễ hồi xanh và khi cây ra nụ, ra quả rộ. Lượng phân bón thúc tăng dần theo các giai đoạn phát dục của cây (với diện tích 100m2) như sau: Lần 1, khi cây hồi xanh bón 0,2 kg Urê; lần 2, khi cây ra nụ bón 0,2 kg Urê và 0,5 kg Kali; lần 3, khi cây ra quả rộ bón 0,3 kg Urê và 0,6 kg Kali; lần 4, sau khi thu hoạch quả đợt 1 bón 0,2 kg Urê và 0,5 kg Kali.

Cách bón: 2 lần đầu bón vào gốc cây, kết hợp xới vun, 2 lần sau hòa vào nước tưới. Sau mỗi lần thu hoạch có thể bón thúc nhẹ một lần.

Thu hoạch:

Từ khi cây ra hoa đến khi quả chín khoảng 45- 65 ngày. Khi quả đã to tròn, vỏ căng và bóng láng, chuyển từ màu xanh sang trắng xanh là có thể thu hoạch. Có thể khi quả chín một nửa mới thu hoạch; cứ 3 - 5 ngày thu hoạch một lần. Khi thu hoạch quả nhẹ tay, tránh làm gẫy núm quả và không ảnh hưởng đến cả chùm quả.

Phòng trừ sâu bệnh:

Cà chua Sao Đỏ 719 có khả năng chống chịu với bệnh sương mai, vi-rút. Tuy nhiên cần theo dõi phòng trừ một số sâu bệnh khác như: sâu khoang, dòi đục quả, bệnh đốm lá, bệnh phấn trắng… Cần tích cực, chủ động phòng trừ sâu bệnh bằng các phương pháp thủ công, canh tác, sinh học… như: Luân canh cà chua với các cây trồng khác (rau cần, cải xoong, rau muống...) hoặc các cây trồng cạn khác họ cà (cà bát, cà pháo, ớt, khoai…). Tiêu diệt sâu non, diệt ổ trứng (áp dụng với sâu khoang khi mật độ sâu thấp <10%). Phát hiện sớm và nhổ bỏ những cây bị bệnh héo xanh, vàng ngọn, xoăn lá do virus đem thiêu hủy. Có thể dùng bẫy pheromone để phòng trừ sâu xanh đục quả từ giai đoạn có nụ hoa đến cuối vụ. Nếu cây bị sâu, bệnh có tỷ lệ cao trên 10 - 20% số lá, hoa và quả nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học để phòng trừ sâu bệnh như: thuốc Asitrin 50EC); Actatin 150SC; Crymax 35WP, Success 25SC, Ammate 150SC…

Để nâng cao năng suất, hiệu quả và an toàn sinh học, cần thực hiện tốt quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, lúc cà chua ra hoa, đậu quả theo các lứa nên thời điểm xử lý sâu đục quả thích hợp nhất là vào các đợt hoa nở rộ. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giai đoạn thu hoạch phải tính toán cho phù hợp để đảm bảo đủ thời gian an toàn tối thiểu.

Trung tá, ThS CHU HOÀNG NGA - Học viện Hậu cần