Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp tính và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau, ở thể nặng có sốc dễ gây tử vong. Hiện nay, trên thế giới, SXH gây bệnh ở trên 100 quốc gia, chủ yếu thuộc khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mỗi năm, toàn cầu có khoảng 100 triệu trường hợp mắc và khoảng 25.000 người tử vong, trong đó, có tới 90% là đối tượng dưới 15 tuổi.
Tại Việt Nam, bệnh SXH diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch. SXH xuất hiện rải rác các tháng trong năm, cao điểm thường từ tháng 7-10, chủ yếu ở một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sóc Trăng, An Giang. Năm 2011, cả nước đã có 68.946 người mắc SXH và 61 bệnh nhân bị tử vong. Trong 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 25.597 trường hợp mắc SXH, trong đó có 26 ca tử vong; so với cùng kỳ năm 2011 số ca mắc tăng 20,7%, tử vong giảm 01 ca; dịch vẫn tập trung ở các tỉnh phía Nam. Trong quân đội, từ năm 2007-2011, số bệnh nhân nhập viện do SXH chiếm tỷ lệ từ 9,93-18,84% tổng số bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Trong 3 năm (2008-2010), toàn quân đã xảy ra 7 vụ dịch SXH, tập trung vào các tháng từ 8-11.
Mầm bệnh: Là vi-rút Dengue, được phân thành 4 típ khác nhau, viết tắt là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Nếu bị nhiễm 1 trong 4 típ vi rút dengue, cơ thể sẽ hình thành miễn dịch (kháng thể) có tác dụng bảo vệ lâu dài với típ vi -rút dengue đó nhưng lại không có khả năng bảo vệ chéo với các típ khác. Do vậy, một người đã mắc típ vi rút này vẫn có thể bị tái nhiễm các típ vi rút dengue còn lại. Tại Việt Nam, đang tồn tại cả 4 típ vi rút nói trên, nhưng tuỳ theo từng năm, từng khu vực lại có một vài típ vi rút dengue lưu hành nổi trội.
Nguồn bệnh: Là bệnh nhân bị SXH và những người nhiễm vi rút dengue không triệu chứng. Giai đoạn nhiễm vi rút dengue trong máu thường kéo dài 5-7 ngày, bắt đầu từ 1-2 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài sau khi bắt đầu sốt 4-6 ngày. Đây chính là khoảng thời gian lây truyền bệnh từ bệnh nhân mắc SXH.
SXH lây truyền qua muỗi Aedes, trong đó giống Ae. aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu ở vùng đô thị; còn ở vùng nông thôn, ngoại thị và vùng rừng núi là giống Ae. albopictus. Muỗi cái Aedes bị nhiễm vi rút dengue khi hút máu bệnh nhân trong giai đoạn sốt cấp tính. Sau thời gian phát triển ở muỗi khoảng 8-10 ngày, vi rút dengue sẽ xuất hiện ở tuyến nước bọt của muỗi và có thể được truyền sang cho người lành khi bị muỗi đốt.
Muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) sống ở thành phố, thị xã, khu đông dân cư, phát triển cả trong nhà và ngoài trời, có thể sinh sản trên bất kỳ dụng cụ nào có chứa nước khoảng trên 7 ngày trở lên. Trong điều kiện nhiệt độ trên 260C, cần 11-18 ngày; còn ở nhiệt độ từ 32-330C, chỉ cần 4 - 7 ngày là trứng muỗi đã phát triển thành bọ gậy. Giống muỗi này ưa đốt người vào ban ngày, đốt dai, nhiều lần đến no máu mới thôi. Sau đó, chúng trú đậu ở nơi tối, có độ cao từ 2m trở xuống.
Tại Việt Nam, Ae. aegypti và Ae. albopictus là trung gian truyền bệnh trong đó Ae. Aegypti là véc tơ chính. Tuỳ theo từng vụ dịch, tuỳ theo từng địa phương mà tác hại của 2 loại muỗi trên khác nhau. Dịch SXH hay xảy ra vào mùa mưa, nóng, khi mật độ muỗi Ae. aegypti cao (³ 1 con/nhà). Dịch được chia thành 3 vùng: Vùng ven biển miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nhiệt độ trên 200C; bệnh xuất hiện quanh năm, phát triển dịch vào mùa hè, thu, gặp chủ yếu ở trẻ em. Vùng Đồng bằng Bắc bộ và khu 4 cũ: dịch xuất hiện vào các tháng mưa, nóng, cả người lớn và trẻ em đều mắc bệnh. Vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc: bệnh tản phát vào các tháng mưa, nóng, thường không thành dịch nặng.
Tất cả mọi người chưa có miễn dịch đều có thể bị nhiễm vi rút dengue. Sau khi bị nhiễm vi rút dengue, người bệnh có miễn dịch bảo vệ bền vững đối với típ vi rút dengue đã bị mắc nhưng không có khả năng bảo vệ đối với các típ vi rút dengue khác. Vì vậy, một người đã bị SXH vẫn có thể bị tái nhiễm bởi các típ vi rút dengue khác. Tại những vùng bệnh lưu hành nặng, quanh năm thì đối tượng mắc bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em, người lớn ít gặp hơn do đã bị nhiễm và có miễn dịch với nhiều típ vi rút dengue từ khi còn nhỏ. Ngược lại, ở những vùng bệnh lưu hành theo mùa, không thường xuyên, ở mức độ nhẹ hơn, tỉ lệ người lớn mắc bệnh lại cao hơn. ở địa phương lần đầu tiên xuất hiện dịch, lứa tuổi nào cũng có thể bị mắc.
Khi bị mắc SXH, người bệnh có các triệu chứng điển hình:
Thời kỳ khởi phát: Thường đột ngột bằng triệu chứng sốt cao (thường ngắn).
Thời kỳ toàn phát: Người bệnh có hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc. Ban đầu, bệnh nhân đột ngột sốt cao liên tục, trung bình 4-7 ngày (ít khi dưới 2 ngày, cá biệt có bệnh nhân sốt đến 15-19 ngày). Nhiệt độ thường liên tục cao, cũng có khi dao động, khi hạ sốt, nhiệt độ thường xuống đột ngột, kèm theo huyết áp giảm. Một số (17-20%) có kiểu sốt hai pha, sau khi giảm sốt được 2-3 ngày nhiệt độ lại tăng 3-5 ngày.
Ngoài sốt, bệnh nhân còn bị đau mỏi toàn thân, nhức đầu vùng trán và thái dương, cảm giác gai rét, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn, ăn ngủ kém, mệt nhiều.
Sau hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, bệnh nhân có biểu hiện của hội chứng xuất huyết. Tất cả các bệnh nhân đều có hội chứng này; thường từ ngày thứ 4-7, khi cơ thể đang sốt cao hoặc hạ sốt. Các dạng xuất huyết thường gặp là:
Xuất huyết dưới da : Có các dạng chấm, nốt, đốm, dải xuất huyết hoặc là các mảng xuất huyết. Đốm xuất huyết thường rải rác khắp cơ thể, nhiều ở vùng da mỏng (mặt trong cánh tay, mặt trong đùi, hai bên mạng sườn) mọc dày ở cẳng chân.
Xuất huyết niêm mạc: Hay gặp nhất là chảy máu cam, chảy máu chân răng.
Xuất huyết phủ tạng: Phổ biến là xuất huyết tiêu hoá.
Khi bị mắc SXH, tất cả các bệnh nhân phải được điều trị theo nguyên tắc: Bổ sung nước và điện giải sớm tuỳ theo mức độ bệnh; hạ nhiệt khi sốt cao; an thần; phát hiện và xử trí sớm chống sốc; nuôi dưỡng, chăm sóc tốt bệnh nhân.
Mục tiêu phòng chống SXH hiện nay trên toàn cầu là: giảm mắc; không để xảy ra tử vong; khống chế không để xảy ra dịch. Trong đó, ở khâu giảm mắc, cần phải tăng cường hoạt động giám sát dịch tễ (giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát muỗi truyền bệnh), nhằm phát hiện sớm ca bệnh và kịp tổ chức các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, diệt muỗi và chống muỗi đốt, cải tạo môi trường sống xung quanh nhằm thu hẹp môi trường sinh trưởng của muỗi bằng cách nạo vét cống rãnh, san lấp vũng nước đọng, chôn lấp dụng cụ phế thải chứa nước mưa, phát quang bụi rậm. Các bể, bồn chứa nước sinh hoạt ở gia đình, cơ quan, đơn vị phải đậy kín, vệ sinh nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ. ở các chum, vại, bể chứa nước có thể nuôi cá vàng, cá cờ... để diệt loăng quăng (bọ gậy).
Khi đi ngủ, cần mắc màn, hoặc dùng lưới cửa chống muỗi, vừa không cho muỗi hoặc các loại côn trùng xâm nhập, nhưng vẫn đảm bảo thoáng khí và ánh sáng. ở những vùng nhiều muỗi, có thể dùng thuốc xua muỗi, đốt hương xua muỗi hoặc bôi tinh dầu sả, hóa chất DEET (N, N-Diethyl-m-Toluamide) trên phần da hở, có thể giúp tránh được muỗi trong vòng vài giờ. Tẩm Permethrin lên quần áo có tác dụng xua muỗi rất hiệu quả, tiện dụng khi hành quân dã ngoại. Đối với các đơn vị tổ chức ăn ở tập trung, phải tổ chức phun hóa chất định kỳ hàng năm vào giai đoạn muỗi truyền bệnh SXH phát triển và phun đột xuất để phòng dịch khi chỉ số muỗi Ae. aegypti ³ 1 con/nhà và phun khi dịch xảy ra để dập dịch. Hiện nay, một số hoá chất đang được sử dụng trong phòng chống SXH gồm: Permethrin (Perme UK), Deltamethrin (Delta UK).
Để tránh xảy ra tử vong do mắc SXH, các cơ quan y tế, quân y cơ sở cần phát hiện bệnh nhân sớm, điều trị sớm, đúng, hạn chế tới mức thấp nhất biến chứng sốc. Khi có nhiều bệnh nhân bị mắc SXH, phải tổ chức các biện pháp phòng chống không để phát triển thành dịch, bằng cách khống chế mật độ muỗi Aedes ở mức thấp nhất, không để chúng có khả năng tiếp xúc đốt người.
SXH là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch và dịch lớn, hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chỉ huy các đơn vị, cơ quan quân y các cấp phải thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền để mọi người hiểu rõ về bệnh SXH, đồng thời, thực hiện triệt để, đồng bộ các biện pháp, phòng chống có hiệu quả với bệnh SXH, nhằm giữ vững và nâng cao sức khỏe bộ đội.
Đại tá-TS Lê Ngọc Anh*
* Cục Quân y-Bộ Quốc phòng.