Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng kể từ khi ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận tại Anh vào ngày 13-5-2022 và sau đó lan ra nhiều quốc gia khác vốn không thuộc khu vực có dịch bệnh lưu hành cho thấy đây là bệnh nguy hiểm phải phòng, chống sớm.

Tác nhân gây bệnh, nguồn bệnh

Vi rút đậu mùa khỉ (Monkeypox virus) là virút AND sợi kép, có vỏ bọc, thuộc loài Orthopoxvirus, họ Poxviridae, lần đầu tiên được phân lập trên loài khỉ vào năm 1958 tại Viện Huyết thanh Statens, Copenhagen, Đan Mạch. Có 2 nhánh di truyền quan trọng của vi rút đậu mùa khỉ là nhánh Trung Phi (Vịnh Công - gô) và nhánh Tây Phi. Trong lịch sử, nhánh Trung Phi lây truyền mạnh hơn và gây bệnh nặng hơn nhánh Tây Phi. Phân chia về mặt địa lý giữa 2 nhánh xảy ra ở Cameroon, nơi có sự tồn tại của cả 2 nhánh vi rút. Nguồn bệnh và vật chủ chính của vi rút đậu mùa khỉ là các loại động vật linh trưởng (khỉ, vượn, tinh tinh); các loại động vật gặm nhấm (sóc, chuột, chuột túi). Người bệnh và người nhiễm vi rút đậu mùa khỉ cũng là một nguồn bệnh.

leftcenterrightdel
 Bệnh đậu mùa khỉ.

Đường lây truyền bệnh

 Bệnh lây truyền từ động vật sang người xuất hiện khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của cơ thể hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da niêm mạc của động vật nhiễm vi rút.

Bệnh lây truyền do ăn phải thịt động vật bị bệnh hoặc bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chưa được nấu chín.

Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương ngoài da, chất tiết, chất thải đường hô hấp, giọt bắn với người mắc bệnh đậu mùa khỉ; tiếp xúc gián tiếp hoặc thông qua các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt có chứa mầm bệnh như khăn mặt, chăn, ga trải giường…

Lây qua đường quan hệ tình dục cũng là một giả thuyết được đặt ra, đặc biệt quan hệ tình dục đồng tính. Lây truyền mẹ con cũng có thể xảy ra qua đường dây rốn từ mẹ sang thai nhi hoặc do tiếp xúc với các chất tiết sinh học trong và sau quá trình sinh nở.

Các dấu hiệu lâm sàng, diễn biến của bệnh

Bệnh đầu mùa khỉ thường có triệu chứng lâm sàng nhẹ hơn bệnh đậu mùa, thường diễn biến tự khỏi sau 2 - 4 tuần, tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với bệnh đậu mùa (3 - 6%). Bệnh có thể diến biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch.

Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn ủ bệnh, từ 6 - 13 ngày, (dao động từ 5 - 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

Giai đoạn khởi phát, từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát, đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất sau:

Vị trí phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng), sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

Kích thước tổn thương da trung bình từ 0,5 - 1cm, có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Giai đoạn hồi phục, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ gây nhiễm cho người khác.

Chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ:

Chẩn đoán: Ca bệnh nghi ngờ, người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng như đau đầu, sốt, sưng đau hạch bạch huyết, đau cơ, đau lưng, suy nhược…

Ca bệnh có thể: Là ca bệnh nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với vật dụng bị ô nhiễm (quần áo, ga giường, đồ dùng) của ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh xác định trong vòng 21 ngày; có tiền sử đi du lịch đến quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với Orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm chủng vắc - xin đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng Orthopoxovirus khác).

Ca bệnh xác định: Là trường hợp ca bệnh nghi ngờ hoặc ca bệnh có thể và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.

Bệnh phẩm để xác định Relatime-PCR có giá trị là các tổn thương ngoài da (vòm da nốt phỏng, dịch phỏng nước, dịch mủ, vẩy da nốt phỏng). Bệnh phẩm máu ít cógiá trị vì vi rút thường tồn tại trong máu thời gian rất ngắn. Các kĩ thuật miễn dịch phát hiện kháng nguyên, kháng thể ít có giá trị chẩn đoán do có phản ứng miễn dịch chéo trong nhóm Orthopoxvirus. Ngoài ra, còn bị dương tính giả nếu đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa trước đó.

Điều trị: Chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ, thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ hoặc xác định. Luôn đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ nước, điện giải, vitamin, điều trị bội nhiễm, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân.

Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch…) theo khuyến cáo của WHO và các quy định của Việt Nam.

Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

Các biện pháp phòng, chống dịch:

Tránh tiếp xúc với người/động vật có nguy cơ nhiễm vi rút bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ); người có nguy cơ mắc bệnh; không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.

Cách ly, điều trị người bệnh, người có nguy cơ nhiễm bệnh tại cơ sở y tế. Thực hiện đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo các quy định để có biện pháp xử lý phù hợp.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân khi chăm sóc người bệnh; tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa mới được nghiên cứu năm 2019 để phòng bệnh đậu mùa khỉ.

Giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trong Quân đội

Để thực hiện tốt công tác giám sát, chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Quân đội, các đơn vị cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau:

Tích cực tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho cán bộ, chiến sĩ về bệnh đậu mùa khỉ; không hoang mang, lo lắng, không được chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Nâng cao năng lực điều tra, giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh cho đội ngũ ngành Y học dự phòng, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ cho quân y tuyến cơ sở.

Theo dõi và báo cáo kịp thời những trường hợp quân nhân có yếu tổ dịch tễ như: đang sống chung, làm việc chung với người bị đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh; người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ; bị động vật nhiễm bệnh, nghi ngờ nhiễm bệnh cắn hoặc cào; ăn các loài động vật không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh…

Kịp thời thực hiện ngay các biện pháp cách ly cho đến khi có kết quả chẩn đoán xác định. Khi ho hoặc hắt hơi phải chủ động che miệng hoặc bằng khăn vải, khăn tay, đeo khẩu trang để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; phơi quân tư trang dưới ánh nắng ít nhất 1 lần/tuần…

Vi rút đậu mùa khỉ và biểu hiện mụn nước trên da bệnh nhân.

QUANG THÁI, Viện Y học Dự phòng Quân đội